344
1 Thượng sư Tsong Khapa tạo luận Thích Pháp Chánh dịch sang Việt văn Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận (Lamrim Chenmo) Tập II: Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng Tường Quang Tùng Thư Phật lịch 2563, TL 2019

bodetam.org»“ Đề Đạo Thứ Đệ Đại...2 Thư mục tham khảo Anh: Steps on the Path to Enlightenment, Vol III. The Way of the Bodhisattva, Geshe Lhundub Sopa, Wisdom

  • Upload
    others

  • View
    4

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

1

Thượng sư Tsong Khapa tạo luận Thích Pháp Chánh dịch sang Việt văn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

(Lamrim Chenmo)

Tập II: Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

Tường Quang Tùng Thư Phật lịch 2563, TL 2019

2

Thư mục tham khảo

Anh: Steps on the Path to Enlightenment, Vol III. The Way of the Bodhisattva, Geshe Lhundub Sopa, Wisdom Publications, Somerville, MA, 2008. The Bodhisattva Path to Unsurpassed Enlightenment (Bodhisattvabhumi), Arya Asanga, translated by Artemus B. Engle, Snow Lion, Boulder, CO, 2016. The Great Treatise on the Stages of the Path, Vol. II, Joshua Cutler, Ed., Snow Lion Publication, Ithaca, NY, 2004. The Training Anthology of Santideva (Siksa-samucaya), Charles Goodman, Oxford University Press, New York, NY, 2016.

Hán: 新譯菩提道次第廣論,宗喀巴大師造論,妙音佛學叢書翻譯組漢譯

(Tân Dịch Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Đại sư Tsong Khapa tạo luận, Diệu Âm Phật Học Tùng Thư Phiên dịch tổ Hán dịch), https://www.theqi.com/buddhism/ lamrim_n/index.html, 2019. 菩提道次第廣論, 宗喀巴大師造, 法尊法師譯 (Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, Đại sư Tsong Khapa tạo luận, Pháp sư Pháp Tôn dịch), Văn Thù Xuất Bản Xả, Đài Bắc, 1987.

Việt: Bậc Thang Giác Ngộ (Lamrim Chungba), Thích Pháp Chánh dịch, Kim Ấn Quán, California, 2013. Bồ Tát Giới Ba La Mật Đa Luận (Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận), Thích Pháp Chánh dịch, xuất bản 2006, Hiệu đính 2017. Kinh Giải Thâm Mật, Thích Pháp Chánh dịch, chưa xuất bản, 2017. Kinh Nghi Vấn của Trưởng giả Úc Già, Thích Pháp Chánh dịch, chưa xuất bản, 2015. Nhập Bồ Tát Hạnh Tập Chú, Thích Pháp Chánh dịch, Kim Ấn Quán, California, 2017.

3

Mục Lục

LỜI NGỎ ..................................................................................................... 5

1. TRÌNH TỰ TU TẬP CỦA HÀNH GIẢ BẬC THƯỢNG ................................... 9

2. TÂM ĐẠI BI LÀ NGƯỠNG CỬA ĐI VÀO ĐẠI THỪA ................................ 27

3. PHÁP TU BẢY TẦNG NHÂN QUẢ........................................................... 37

4. PHÁP TU HOÁN ĐỔI MÌNH VÀ NGƯỜI ................................................. 59

5. NGHI QUỸ THỌ PHÁP ........................................................................... 75

6. GIỮ GÌN BỒ ĐỀ TÂM ............................................................................ 87

7. ĐẠI CƯƠNG VỀ SÁU BA LA MẬT. ....................................................... 111

8. TU HỌC ĐẠI THỪA ............................................................................. 135

9.1 BỐ THÍ BA LA MẬT (I) ....................................................................... 151

9.2 BỐ THÍ BA LA MẬT (II) ...................................................................... 165

10. BỐ THÍ CÁCH NÀO ............................................................................ 173

11. TRÌ GIỚI BA LA MẬT ......................................................................... 195

12. NHẪN NHỤC BA LA MẬT .................................................................. 207

13. TINH TIẾN BA LA MẬT ...................................................................... 255

14. TĨNH LỰ VÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT .................................................... 297

15. HỌC TẬP TỨ NHIẾP PHÁP ................................................................. 321

MỤC LỤC CHI TIẾT .................................................................................. 331

SÁCH DẪN .............................................................................................. 339

Lời ngỏ

5

Lời ngỏ Bản dịch này là tập thứ hai trong bộ luận ba tập, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận (Lamrim Chenmo), do ngài Tsong Khapa biên soạn vào đầu thế kỷ thứ 15.

Bộ luận này là một công trình nghiên cứu vĩ đại, không tiền khoáng hậu, trình bày chi tiết trình tự của con đường tu đạo của ba hạng người chí hướng khác biệt. Ở đây chúng ta không dùng thuật ngữ: thượng căn, trung căn, hạ căn, mà dùng thuật ngữ: hạ sĩ (là những người có ý hướng truy cầu phước lạc nhân thiên), trung sĩ (là những người có ý hướng tìm cầu giải thoát cá nhân), và thượng sĩ (là những người có ý hướng tìm cầu sự giải thoát cho chính mình và cho tất cả chúng sinh). Bởi vì có những bậc thượng căn nhưng chỉ truy cầu khoái lạc cõi trời cõi người (hạ sĩ), ngược lại, có những bậc hạ căn (tức là những người phước tuệ đều ít ỏi) nhưng lại có ý hướng ưu việt tìm cầu sự an lạc cho mình và tất cả chúng sinh (thượng sĩ). Cho nên ở đây, ngài Tsong Khapa rất hợp lý khi dùng những thuật ngữ: hạ sĩ đạo, trung sĩ đạo và thượng sĩ đạo để chỉ cho con đường tu tập những người có ý hướng khác biệt, chứ không luận đến căn cơ của họ. Tập Một của bộ đại luận này nói về con đường tu tập cho hai hạng hạ sĩ và trung sĩ. Tập Hai này hoàn toàn bàn luận về sự tu tập của hạng thượng sĩ. Còn Tập Ba là chuyên giảng về phương pháp tu tập Chỉ (xa ma tha) và Quán (tỳ bát xá na). Ngoài ra, ngài Tsong Khapa cũng đã soạn một bộ tóm tắt của bộ đại luận này nhan đề Lamrim Chungba, mà người dịch cũng đã phiên dịch

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

6

sang tiếng Việt và đã cho xuất bản năm 2013, tựa đề Bậc Thang Giác Ngộ. Bản dịch này chính yếu là dựa trên bản dịch tiếng Hán, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, của pháp sư Pháp Tôn (dịch năm 1935), do Văn Thù Xuất Bản Xả, Đài Bắc, phát hành năm 1987, và tham khảo thêm bản dịch tiếng Anh, The Great Treatise on the Stages of the Path to Enlightenment, do nhà xuất bản Snow Lion phát hành năm 2004. Thế nhưng, nhân vì bản dịch tiếng Hán của ngài Pháp Tôn rất cô đọng khó hiểu nên sự phiên dịch có đôi phần trì hoãn. May thay, vào tháng 8 năm 2018, người dịch tìm thêm được một bản dịch Bạch thoại của nhóm Diệu Âm ở Đài Loan, văn từ tương đối sáng sủa dễ hiểu, cho nên công tác phiên dịch đã được tiếp tục và hoàn thành một cách nhanh chóng. Nội dung của Tập Hai này, sự tu tập của hành giả bậc Thượng (thượng sĩ đạo), là trình bày về phương pháp phát khởi Bồ đề tâm, thọ trì giới Bồ tát luật nghi, tu tập sáu Ba la mật đa và Tứ nhiếp pháp. Ngài Tsong Khapa trình bày vấn đề tu tập rất rõ ràng và thực tế, khiến cho người học có thể theo dõi và thực hành từng bước một. Đặc biệt về phần Trì giới Ba la mật, ngài Tsong Khapa đã soạn riêng một quyển chú giải gọi là Giới Ba La Mật Đa Luận, cũng đã được người dịch phiên dịch và xuất bản năm 2006, dưới nhan đề Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận (bản dịch này sau đó đã được hiệu đính tỉ mỉ toàn bộ vào năm 2017 và đặt lại tựa đề là Bồ Tát Giới Ba La Mật Đa Luận).

Lời ngỏ

7

Con đường tu tập Đại thừa, một cách cơ bản và thuần khiết nhất, chính là tu tập sáu ba la mật và tứ nhiếp pháp. Nhưng nền tảng của sự tu tập Đại thừa lại chính là Bồ đề tâm. Cho nên một hành giả muốn tu tập Đại thừa, hoặc tự nhận mình là hành giả Đại thừa, thì không thể không y theo phương pháp tu tập đã được trình bày trong quyển luận này là Bảy tầng nhân quả và Hoán đổi mình và người để thiết lập nền tảng (Bồ đề tâm) vững chắc cho con đường tu tập Đại thừa. Nhiều người cho rằng, sau mỗi thời khóa tụng kinh, chỉ cần đọc bài kệ Tứ hoằng thệ nguyện là đã phát Bồ đề tâm, nhưng thực sự không phải như vậy. Muốn sinh khởi Bồ đề tâm, hành giả cần phải trải qua một sự tu tập miên mật dài lâu (tương truyền ngài Atisha phải mất mười hai năm để tu tập thành tựu pháp này). Trong luận nói, nếu không có Bồ đề tâm thì dù hành giả có tu tập pháp môn nào chăng nữa, vẫn chẳng phải là pháp môn Đại thừa. Cho nên tại sao sự phát tâm Bồ đề là một điều vô cùng trọng yếu. Sau khi phát Bồ đề tâm nguyện, hành giả lại cần phải thọ trì giới Bồ tát luật nghi, tức là thọ trì Bồ đề tâm hành. Đây là lúc bắt đầu dấn thân tiến bước trên cuộc hành trình tu tập công hạnh Bồ tát. Tu tập sáu ba la mật đa tuy có thể tự lợi lợi tha, nhưng muốn thật sự độ chúng sinh (lợi tha viên mãn) thì cần phải nhiếp thọ họ về với mình, vì thế hành giả lại cần phải tu tập tứ nhiếp pháp. Chỉ có tu hành tự lợi lợi tha viên mãn thì mới có thể thành Phật. Mà chỉ có thành Phật mới có thể thật sự quảng độ chúng sinh. Trong thời đại hiện nay, chúng sinh đang điêu linh thống khổ, đấu tranh chém giết, tàn nhẫn bóc lột,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

8

đây cũng chính là lúc mà tinh thần Bồ tát đạo của Đại thừa cần phải được phát huy đến cực điểm. Chúng ta cần phải tu hành thực tế, lợi mình lợi người ngay trong lúc này, mà không thể hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp mơ hồ ở một tương lai xa xôi diệu vợi nào đó. Có đọc Lamrim Chenmo mới thấy được tinh thần vĩ đại của Phật giáo Đại thừa nói chung, và trí tuệ siêu việt của ngài Tsong Khapa nói riêng. Cho nên, nếu không biết, không tin, không hiểu Đại thừa thì thôi, còn nếu đã tự nhận mình là người Đại thừa thì phải sống với tinh thần quảng đại vị tha, lấy sự mưu cầu lợi lạc chúng sinh làm tiền đề. Thời đại hiện nay, phần lớn những người học Phật chỉ thích pháp môn "dễ tu dễ chứng mà không cần phải phí nhiều công sức." Không chịu học hỏi kinh điển, không chịu huân tập văn, tư, thì giống như trong luận này đã nói: "Không có văn, tư, thì cũng chẳng biết lấy gì để tu." Phật pháp nói nhân quả, không thể nào không gieo nhân mà có quả. Bỏ công rất ít mà muốn hưởng thụ rất nhiều, đây là một loại tinh thần bại hoại khiến cho Phật pháp suy vong. Ước mong các hành giả tu học Đại thừa, sau khi đọc qua quyển luận này, sẽ củng cố dũng khí, mạnh mẽ dấn thân trên con đường Bồ tát hạnh tự lợi lợi tha. Tiết Trung Thu, Kỷ Hợi 2019 Hoằng Đạo Viện Thích Pháp Chánh

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

9

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận Tập II

Đại sư Tsong Khapa tạo luận

Thích Pháp Chánh dịch sang Việt văn

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

Kính lạy các bậc Chí tôn thành tựu tâm Đại bi. Sau một thời gian lâu dài tu tập quán sát những họa hoạn của sinh tử, hành giả nhận rõ ba cõi giống như hầm lửa, rất mong muốn diệt trừ phiền não sinh tử, chứng đắc giải thoát. Do sự mong cầu bức bách tâm ý, cho nên tu tập ba học (giới định huệ) để có thể đạt được giải thoát, ra khỏi sinh tử. Hơn nữa, sự giải thoát này, khác với các pháp tu thiện thế gian, không còn bị thoái chuyển đọa lạc. Thế nhưng, hành giả chỉ mới thu hoạch được một phần công hạnh đoạn đức (đoạn diệt phiền não, chứng đắc Niết bàn), đối với việc tự lợi chưa được viên mãn, còn đối với việc lợi tha cũng chỉ làm được vài phần nhỏ nhặt. Sau đó vẫn phải cần chư Phật khuyến phát để hướng nhập Đại thừa. Cho nên, những hành giả đầy đủ trí tuệ, từ lúc bắt đầu phát tâm tu học Phật pháp, đúng lý phải nên lập tức quy hướng Đại thừa. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận (Compendium of the Perfections, Skt. Pāramitā samāsa) của ngài Thánh Dũng (Āryaśūra) nói:

Rốt ráo nên bỏ hàng Nhị thừa, Vì họ không thể lợi thế gian,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

10

Những người chỉ muốn lợi chúng sinh, Nên tu Đại thừa, Phật thương nói.

Lại nói:

Nếu biết khổ vui đều như mộng, Thấy vô minh bức bách hữu tình, Sao lại chỉ biết lo cho mình, Bỏ hạnh thù thắng lợi chúng sinh?

Như vậy, thấy các chúng sinh, giống như chính mình, trầm luân trong biển khổ luân hồi, không có mắt trí tuệ, không biết phân biệt thiện ác, mịt mờ quờ quạng, không thể xa lìa các cõi hiểm nguy. Những hành giả thành tựu chủng tính Đại thừa, nếu như không biết thương xót, không siêng cần tu tập lợi ích cho họ, thì đây là một điều vô cùng phi lý. Luận trên lại nói:

Những Bồ tát muốn lợi thế gian, Ai mà không khởi lòng thương xót, Không siêng năng cứu vớt những người, Mắt tuệ mù, quờ quạng tử sinh.

Hành giả cần phải áp dụng sự hứng khởi, uy đức, thắng lực của bậc đại nhân, nghĩa là có thể đảm đang sự nghiệp lợi tha; bởi vì, nếu như chuyên nghĩ đến lợi lạc cho chính mình, thì cũng chỉ giống như những loài động vật khác. Cho nên, bản tính của các vị Bồ tát là chuyên tâm nhất ý đảm đang hạnh nghiệp lợi tha. Đệ Tử Thư (Letter to a Student, Skt. Śiṣya-lekha) của ngài Nguyệt Quan (Candragomin) nói:

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

11

Súc vật ăn rau cỏ dễ tìm, Lúc khát gặp nước, vui mừng uống, Bồ tát vì tinh tiến lợi tha, Vui thích công đức lực thù thắng. Như mặt trời soi chiếu khắp nơi, Mặt đất nâng đỡ không phân biệt, Bồ tát không màng sự tự lợi, Một lòng chỉ biết lợi thế gian.

Như vậy, thấy chúng sinh bị khổ bức, bèn siêng năng tu tập công hạnh quên mình lợi người, thì được gọi là Bồ tát, cũng được gọi là bậc thiện xảo. Lại nói:

Chúng sinh bị vô minh che chướng, Mê muội, chìm ngụp trong lửa khổ, Thấy thế, như cứu đầu bị cháy, Đây gọi là Bồ tát thiện xảo.

Cho nên, Đại thừa là cội nguồn sinh khởi tất cả sự lợi lạc tự tha, là thuốc thần trị liệu tất cả sự suy não, là con đường lớn dẫn dắt tất cả bậc trí tuệ. Tất cả những sự thấy nghe nhớ nghĩ đều có thể trưởng dưỡng tất cả chúng sinh, tạo tác công hạnh lợi tha, mà vẫn thành tựu công hạnh tự lợi, không chỗ nào không toàn vẹn, đầy đủ uy lực thiện xảo rộng lớn. Có được con đường Đại thừa mà hành giả có thể tiến nhập, phải nên tư duy đây là sự kiện cực kỳ hiếm có, vô cùng hân hạnh được tu tập, phải nên vận dụng toàn diện những công hạnh hiện có, để tiến nhập con đường Đại thừa vi diệu. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

12

Tịnh tuệ dẫn phát nhập Đại thừa, Xuất sinh trí tuệ của Năng Nhân, Là cặp mắt của cả thế gian, Chiếu soi rực rỡ như mặt nhật.

Từ nhiều phương diện, quán sát công đức Đại thừa, hành giả khởi tâm cung kính, tiến bước vào ngưỡng cửa Đại thừa vĩ đại. E3. Trình tự tu tâm của hành giả bậc Thượng. Trình tự tu tâm của hành giả bậc Thượng có ba phần: (1) Phát Bồ đề tâm là ngưỡng cửa duy nhất đi vào Đại thừa. (2) Làm sao phát khởi Bồ đề tâm (Chương 1-6). (3) Sau khi phát khởi Bồ đề tâm phải học tập Bồ tát hạnh như thế nào (Chương 7 về sau). F1. Phát Bồ đề tâm là ngưỡng cửa duy nhất đi vào Đại thừa. Hỏi: Như vậy, nếu cần phải tiến nhập Đại thừa thì đâu là ngưỡng cửa bước vào?

Đáp: Đức Phật nói có hai loại Đại thừa, một là Ba la mật đa Đại thừa (Hiển giáo), và hai là Mật chú Đại thừa (Mật giáo). Ngoài hai loại này ra, không còn con đường Đại thừa nào khác. Hành giả có thể tùy ý bước vào một trong hai loại Đại thừa này, thế nhưng, điều kiện tiên quyết để có thể tiến nhập là phải phát Bồ đề tâm. Bất cứ lúc nào hành giả sinh khởi tâm Bồ đề, dù chưa hề tu tập một công đức nào khác, cũng được an lập là một hành giả Đại thừa. Ngày nào hành giả thoái

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

13

thất tâm Bồ đề, dù lúc đó đã thông đạt Tính Không, cũng vẫn bị xem là bị thoái đọa vào hàng ngũ Thanh văn, thoái thất giai vị Đại thừa. Điều này đã được đề cập đến trong nhiều kinh điển Đại thừa, và cũng đã được chứng minh bằng lý luận. Lúc đầu, sự gia nhập hàng ngũ Đại thừa chỉ là do tâm Bồ đề đoán định, thì sau đó sự thoái thất giai vị Đại thừa cũng chỉ là do tâm Bồ đề đoán định. Cho nên, hành giả có trở thành một hành giả Đại thừa hay không, đều tùy thuộc vào sự có hay không có tâm Bồ đề. Một khi phát tâm Bồ đề, hành giả sẽ lập tức trở thành con của đức Như Lai, như Nhập Bồ Tát Hành Luận (Engaging in the Bodhisattva Deeds, Skt. Bodhisattva-caryāvatāra) của ngài Tịch Thiên (Śantideva) nói:

Kẻ tù trong [ngục] sinh tử, Nếu phát tâm Bồ đề, Liền được gọi [là] Bồ tát. (Phẩm 1, kệ 9a-c)

Lại nói:

Lại sinh trong nhà Phật, Làm con đức Như lai. (Phẩm 3, kệ 25cd)

Nghĩa là nếu hành giả phát tâm Bồ đề thì được gọi là Phật tử (Bồ tát). Di Lặc Giải Thoát Kinh (Life of Maitreya, Skt. Ārya-maitreya-vimokṣa) nói rằng hành giả đã phát Bồ đề tâm thì được gọi là Bồ tát, dù họ chưa từng tu tập Bồ tát hạnh:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

14

Thiện nam tử, ví như kim cương, tuy bị đập nát, ánh sáng của nó vẫn che lấp [ánh sáng của] những vật trang sức bằng vàng, [hơn nữa, nó] cũng không bị mất tên kim cương, mà lại [vẫn] có công năng diệt trừ tất cả sự bần cùng. Thiện nam tử, hành giả phát khởi tâm kim cương nhất thiết trí (Bồ đề tâm), dù chưa tu tập (công hạnh Đại thừa), cũng vẫn vượt hơn các công đức trang nghiêm của tất cả Thanh văn, Độc giác, mà cũng không bị mất tên Bồ tát, và có thể trừ diệt tất cả sự bần cùng của sinh tử.

Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) trong Bảo Man Luận (Precious Garland, Skt. Ratnāvali) nói:

Tự mình và thế gian, Muốn chứng quả Vô thượng, Phải giữ tâm Bồ đề, Kiên cố như Tu Di.

Kim Cang Quán Đảnh Kinh (Tantra Bestowing the Initiation of Vajrapāṇi, Skt. Vajrapāṇy-abhiṣeka-mahā-tantra) nói:

- Này [Đại bồ tát] Văn Thù Sư Lợi, đà la ni chú mạn đà la này, cực kỳ sâu xa, khó có thể suy lường, bí mật nhất trong các bí mật, không thể giảng nói cho các hữu tình ác. - Này Kim Cang Thủ, ngài cho rằng mạn đà la này cực kỳ hiếm có, tôi xưa nay chưa từng nghe đến, phải nên giảng nói cho những loại hữu tình nào?

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

15

Kim Cang Thủ trả lời: Này Văn Thù Sư Lợi, nếu có hành giả chân chánh tu tập Bồ đề tâm, [và] nếu như tu tập thành tựu. Văn Thù Sư Lợi, lúc đó các Bồ tát tu tập Bồ tát hạnh – ngưỡng cửa của Mật chú hạnh, nên tiến nhập đại trí quán đảnh đà la ni chú đại mạn đà la. Nếu như hành giả chưa thể tu tập viên mãn Bồ đề tâm thì không được vào. Họ cũng không được vào nhìn mạn đà la, hơn nữa, cũng không nên chỉ dạy cho họ thủ ấn và mật chú.

Cho nên, nếu chỉ riêng pháp được giảng dạy là pháp Đại thừa thì e chưa đủ, mà điều cốt yếu là hành giả tu học phải là hành giả Đại thừa. Hơn nữa, hành giả Đại thừa phải có Bồ đề tâm làm nền tảng, nếu như chỉ hiểu biết Bồ đề tâm qua những kiến giải thông thường, thì đó chỉ là một hành giả Đại thừa giả danh. Nếu như tâm Bồ đề thành tựu viên mãn, thì đó là một hành giả Đại thừa chân thật, cho nên phải nỗ lực tu tập thành tựu tâm này. Hoa Nghiêm Kinh (Array of Stalks Sūtra, Skt. Gaṇḍa-vyūha-sūtra) nói: “Thiện nam tử, Bồ đề tâm là hạt giống cho tất cả Phật đức.” Vì muốn hành giả hiểu rõ điều này, cho nên ở đây giải thích bằng một thí dụ. Ví như hỗn hợp của nước, phân bón, ánh nắng mặt trời, nếu hòa hợp với hạt giống của lúa gạo sẽ làm nhân trở thành mầm lúa gạo; nếu hòa hợp với hạt giống của lúa mạch, đậu, v.v…, thì sẽ làm nhân trở thành mầm lúa mạch, mầm đậu, v.v… Cho nên hỗn hợp của nước, v.v…, là nhân chung, còn hạt giống của lúa mạch, bất luận hòa hợp với duyên nào, chung cuộc không thể làm nhân trở thành mầm lúa gạo; như vậy, hạt giống lúa mạch là

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

16

nhân riêng. Trí tuệ thông đạt Tính Không cũng giống như hỗn hợp của nước, v.v…, là nhân chung cho ba Thừa (Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát), cho nên Vô Thượng Tương Tục Luận (Sublime Continuum, Skt. Uttara-tantra) của ngài Di Lặc (Maitreya) nói:

Lòng tin Đại thừa là hạt giống, Trí tuệ là mẹ sinh Phật đức.

Nghĩa là Bồ đề tâm giống như chủng tử của người cha, còn sự chứng đắc trí tuệ vô ngã giống như người mẹ. Giả như, cha là người Tây Tạng, chắc không thể sinh ra đứa con người Tàu, người Ấn. Người cha là nhân riêng, quyết định tộc tính của đứa con. Nhưng nếu mẹ là người Tây Tạng, vẫn có thể sinh ra những đứa con người Tàu, người Ấn, v.v…, cho nên người mẹ là nhân chung của những đứa con. Các hàng Thanh văn và Độc giác đều nương vào trí tuệ bát nhã, như ngài Long Thọ, trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tán (Praise of the Perfection of Wisdom, Skt. Prajñā-pāramitā-stotra), nói:

Phật, Duyên giác, Thanh văn, Chắc chắn đều nương vào, Đường giải thoát duy nhất: Bát nhã ba la mật.

Bát nhã ba la mật là bà mẹ chung của tất cả hành giả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, cho nên được gọi là “mẹ.” Vì thế, không thể dùng sự chứng đắc Không tánh để phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa, mà phải dùng Bồ đề tâm và công hạnh quảng đại để phán định. Bảo Man Luận nói:

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

17

Trong pháp của Thanh văn, Không nói Bồ tát nguyện, Đại hạnh và hồi hướng, Làm sao thành Bồ tát.

Ở đây muốn nói, không thể dùng kiến giải, mà phải dùng công hạnh để phán biệt. Như vậy, chứng đắc trí tuệ thông đạt Không tánh còn không phải là đạo bất cộng của Đại thừa, huống hồ là những đạo phẩm tu tập khác. Cho nên, nếu không dùng Bồ đề tâm làm trọng tâm để tu tập, mà lúc bắt đầu mỗi thời khóa, chỉ lặp lại qua loa trên mặt văn tự, rồi sau đó lại chuyên tâm tu tập các đạo phẩm hạn cục, thì điều này sẽ đưa đến một sự kiện hiển nhiên là kiến giải Đại thừa rất nông cạn. Nói tổng quát, nếu muốn sinh một đứa con phải cần đến cả cha lẫn mẹ, thì muốn tu tập viên mãn cũng phải cần hai phần: phương tiện và trí tuệ. Đặc biệt, hành giả cần phải có phương tiện chủ yếu là Bồ đề tâm, và trí tuệ chủ yếu là thông đạt Không tánh. Nếu như chỉ tu tập một phần, và chỉ chuyên tâm cầu giải thoát sinh tử, thì phải khéo tu tập ý nghĩa của vô ngã không tính, và không nhầm lẫn giữa xa ma tha và tỳ bát xá na. Thế nhưng, nếu đã tự nhận là hành giả Đại thừa, thì cần phải tu tập Bồ đề tâm.

Vì sao? Hành giả cần trí tuệ để khỏi bị đọa lạc sinh tử, và cần tâm Đại bi để khỏi bị rơi vào Niết bàn, bởi vì trí tuệ không ngăn chận hành giả rơi vào Niết bàn (của Tiểu thừa). Như ngài Di Lặc, trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Ornament for Clear Knowledge, Skt. Abhisamayālaṃkāra), nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

18

Trí không trụ ba cõi, Bi không trụ Niết bàn.

Nếu là hành giả Đại thừa thì cần phải tu tập tâm Bồ đề, bởi vì ngay cả hàng Tiểu thừa cũng không bị đọa lạc sinh tử, mà sự kiện chính yếu trên con đường tu tập Đại thừa là phải ngăn chận không cho hành giả sa vào cõi tịch diệt (Niết bàn của Tiểu thừa).

Những hành giả hiểu rõ mật ý của đức Thế Tôn, phát khởi tâm Bồ đề trân quý này, sẽ thấy đó là một sự kiện vô cùng hiếm có. Thế nhưng, nếu họ chỉ thành tựu những công đức tầm thường mà hàng phàm phu ưa thích, ắt họ sẽ không có cảm tưởng như vậy. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Kẻ khác còn chưa từng, Phát khởi tâm tự độ, Sinh tâm trân quý này, Hiếm có chưa từng gặp. (Phẩm 1, kệ 25)

Lại nói:

Có lành nào như vầy? Có bạn nào tốt hơn? Có phước nào như thế? (Phẩm 1, kệ 30b-d)

Lại nói:

Con nay xin kính lạy, Bậc phát tâm Bồ đề. (Phẩm 1, kệ 36ab)

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

19

Và:

Là quậy sữa Chánh pháp, Sinh ra Diệu đề hồ. (Phẩm 3, kệ 32ab)

Nghĩa là tâm Bồ đề là giáo thọ thù thắng nhất, xuất phát từ những lời dạy tâm tủy của đức Thế Tôn. Ngài Atisha, một hành giả thuộc phái Trung Quán, do y chỉ ngài Kim Châu là một hành giả thuộc phái Duy Thức, mà tu tập thành tựu Bồ đề tâm, cho nên, đối với ngài Atisha, ngài Kim Châu là một bậc ân sư vĩ đại nhất. Hành giả nào đã hiểu rõ những điểm cốt yếu trong giáo lý của đức Phật, sau khi nghe câu chuyện này về ngài Atisha, sẽ thấu rõ được tinh tủy của con đường tu tập. Nếu như hành giả siêng năng tu tập, sinh khởi tâm Bồ đề chân thật, lúc ấy, tuy bố thí một ít thức ăn, do năng lực của tâm Bồ đề nhiếp trì, cũng có thể được xem là công hạnh Bồ tát. Còn nếu như không có tâm Bồ đề, thì dù có đem trân bảo đầy khắp tam thiên thế giới bố thí, cũng không thể được xem là công hạnh Bồ tát. Tương tự, tu tập trì giới cho đến tu tập trí tuệ, hoặc tu tập bổn tôn, mạch, khí, v.v…, đều không thể được xem là công hạnh Bồ tát. Nếu như tâm Bồ đề chưa đạt đến trình độ chân thật, thì bất luận hành giả tu tập công đức bao lâu, cũng không thể thành tựu được mục tiêu. Ví như mài lưỡi liềm để cắt cỏ, tuy tạm thời không cắt cỏ, nhưng lưỡi

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

20

liềm càng lúc càng sắc bén, đến lúc cắt cỏ, thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi, có thể cắt rất nhiều cỏ. Tương tự, sự tu tập tâm Bồ đề đến trình độ chân thật cũng giống như mài lưỡi liềm, trong mỗi sát na cũng có thể nhanh chóng tịnh trừ nghiệp chướng, tích tập công đức, tuy tu tập ít thiện nghiệp, cũng có thể làm cho tăng trưởng rộng lớn, lại còn làm cho công đức sắp cùng tận trở thành vô tận. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Tâm ác rất hung hăng, Nếu bỏ tâm Bồ đề, Làm sao mà diệt ác? (Phẩm 1, kệ 6b-d)

Lại nói:

Tâm này như kiếp lửa, Sát na diệt tội ác. (Phẩm 1, kệ 14ab)

Lại nói:

Chỉ mong ước trị lành, Chúng sinh bệnh đau đầu, Khởi tâm lợi ích này, Được phước vô cùng tận. Huống chi trừ hữu tình, Vô lượng sự khổ đau, Lại thành tựu hữu tình, Vô lượng chư phước đức. (Phẩm 1, kệ 21-22)

Lại nói:

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

21

Việc lành như cây chuối, Sinh quả [xong], liền chết khô, Tâm Bồ đề sinh quả, Không chết lại xanh tốt. (Phẩm 1, kệ 12)

F2. Làm sao phát khởi tâm Bồ đề. Làm sao phát khởi tâm Bồ đề có bốn phần: (1) Nương vào nhân nào để sinh khởi. (2) Thứ tự tu tập Bồ đề tâm (Chương 2-4). (3) Tiêu chuẩn phát khởi Bồ đề tâm (Chương 4). (4) Làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ Bồ đề tâm (Chương 5-6). G1. Nương vào nhân nào để sinh khởi. Nương vào nhân nào để sinh khởi có ba phần: (1) Từ bốn duyên phát tâm. (2) Từ bốn nhân phát tâm. (3) Từ bốn lực phát tâm. H1. Từ bốn duyên phát tâm. 1. Hành giả thấy được thần lực bất khả tư nghì của chư Phật và chư Đại bồ tát, hoặc nghe được những điều này từ những bậc đáng tin cậy, nghĩ như thế này: “Sự tu tập và an trụ trong tâm Bồ đề của các ngài có uy lực to lớn như vậy”, sau đó bèn phát tâm Bồ đề. 2. Hành giả tuy chưa thấy, chưa nghe những sự kiện như vậy, nhưng do thấy nghe pháp tạng Vô thượng Bồ đề, tin hiểu lời Phật dạy mà phát tâm Bồ đề.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

22

3. Hành giả tuy chưa nghe chánh pháp, nhưng thấy chánh pháp của Bồ tát sắp diệt tận, liền phát tâm Bồ đề, nghĩ như sau: “Mong cho chánh pháp trụ thế lâu dài, để có thể trừ diệt vô lượng đại khổ của hữu tình. Tôi vì muốn cho chánh pháp của Bồ tát trụ thế lâu dài cho nên quyết định phát khởi tâm Bồ đề.” 4. Hành giả tuy chưa thấy nghe chánh pháp sắp diệt tận, nhưng thấy trong đời ác, đầy dẫy những chúng sinh cực kỳ ngu si, không biết tàm quý, đố kỵ, san tham, v.v…, bèn nghĩ như sau: “Trong đời ác này, những chúng sinh phát tâm Thanh văn, Độc giác còn thật hiếm có, huống chi là phát tâm Bồ đề. Tôi nay phát tâm Bồ đề để cho kẻ khác noi theo.” Hành giả thấy sự phát tâm khó khăn, cho nên phát tâm Bồ đề. Đối với ý nghĩa của sự phát tâm từ bốn duyên này, có người cho rằng bốn duyên này kích phát lòng mong cầu chứng đắc Bồ đề, cho nên hành giả sinh khởi ý nguyện phát Bồ đề tâm. Lý do như sau: (1) Sau khi thấy nghe thần lực bất khả tư nghì bèn phát tâm Bồ đề, nghĩ rằng: “Nay tôi sẽ chứng đắc Vô thượng Bồ đề như chư Phật.” (2) Từ các bậc thầy nghe được công đức của chư Phật, thoạt tiên phát khởi lòng tin thanh tịnh, kế đến phát tâm cầu chứng đắc những công đức giống như chư Phật.

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

23

(3) Không thể nhẫn chịu sự kiện Phật pháp Đại thừa suy vong, bèn phát tâm muốn chứng đắc diệu trí của Phật.

Ở đây, vì thấy rằng nếu thánh giáo không bị diệt vong ắt có thể diệt trừ những sự khổ não của hữu tình, như vậy, cũng do sự trừ khổ của chúng sinh mà phát tâm. Thế nhưng, nguyên nhân chủ yếu là vì không thể nhẫn chịu cảnh tượng thánh giáo bị suy tàn mà phát tâm. Nếu không như vậy, thì sẽ trùng lặp với nhân duyên thứ tư phía dưới. (4) Thấy sự lợi ích của tâm Bồ đề cực kỳ hiếm có, và chính vì do nhân duyên này kích động, cho nên phát tâm cầu chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Đối với hai thành phần của tâm Bồ đề - mong cầu chứng đắc quả Phật và mong cầu cứu độ chúng sinh - điều (4) vừa nêu trên được kiến lập trên lòng mong cầu chứng đắc quả Phật, chứ không phải được thiết lập trên lòng mong cầu cứu độ chúng sinh. Nếu không có lòng mong cầu chứng đắc quả Phật phát sinh từ sự tu tập lòng tin đối với công đức của Phật, hành giả không thể diệt trừ tâm tự lợi, thỏa mãn với quả vị Niết bàn (của Tiểu thừa). Còn lòng mong cầu chứng đắc quả Phật phát sinh từ sự tu tập tâm từ bi để cứu độ chúng sinh, tuy trên phương diện lợi tha, có thể diệt trừ tâm thỏa mãn quả vị tịch diệt, nhưng trên phương diện tự lợi, không thể diệt trừ tâm thỏa mãn với quả vị tịch diệt.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

24

Ngoại trừ sự mong cầu quả Phật phát sinh từ sự tu tập lòng tin đối với công đức của Phật ra, không còn pháp nào khác có thể trừ diệt tâm thỏa mãn [trên phương diện tự lợi] đối với quả vị tịch diệt. Thật ra, hành giả cần phải diệt trừ tâm thỏa mãn [dù trên phương diện tự lợi] đối với quả vị tịch diệt, bởi vì: (1) hành giả Tiểu thừa tuy có thể thoát ly sinh tử, nhưng chỉ chứng được một phần đoạn đức, do đó, đối với ý nghĩa tự lợi cũng chưa được viên mãn; (2) các hành giả Tiểu thừa tuy thoát ly khỏi sự suy tổn của tam giới, nhưng chưa thoát ly khỏi sự suy tổn của sự giải thoát tịch diệt; (3) hơn nữa, kinh diển nói rằng sự tự lợi viên mãn là chứng đắc pháp thân Phật. Cho nên, những hành giả đã tu tập lòng tin đối với công đức của Phật, ắt sẽ biết rõ dù trên phương diện tự lợi cũng nên chứng đắc pháp thân Phật, huống chi lại vì muốn lợi ích chúng sinh. Đây là nhân duyên quan trọng nhất để hành giả khỏi bị thoái đọa vào con đường Tiểu thừa. Trong bốn nguyên nhân phát tâm ở trên, hai nguyên nhân đầu không nói đến việc do lòng từ bi dẫn khởi sự phát tâm. Các kinh luận khác phần lớn cũng chỉ nói đến việc thấy công đức của sắc thân, hoặc pháp thân của Phật, mà dẫn đến lòng mong cầu thành Phật, gọi là phát tâm. Hơn nữa, cũng nói rằng thệ nguyện an lập tất cả hữu tình thành Phật, cũng gọi là phát tâm. Cho nên trong hai nguyên nhân này, tuy mỗi nguyên nhân đều được gọi là phát tâm, thế nhưng, nói đến sự phát tâm viên mãn, thì nếu chỉ thấy rằng muốn lợi ích chúng sinh cần phải cầu thành Phật, và do đây mà phát tâm Vô thượng Bồ đề, thì sự phát tâm này chưa được đầy đủ. Hành giả không thể thiếu phần “tự lợi” (vì mong thành

1. Trình tự tu tập của hành giả bậc Thượng

25

tựu công đức của Phật) mà phát tâm thành Phật. Điều này không có nghĩa là phải xả bỏ phần lợi tha, mà vẫn phải cần điều kiện “vì muốn lợi ích chúng sinh mà mong cầu thành Phật.” Hiện Quán Trang Nghiêm Luận nói vừa cầu thành Phật, vừa cầu lợi ích chúng sinh:

Phát tâm vì lợi tha, Cầu Chánh đẳng Bồ đề.

H2. Từ bốn nhân phát tâm. Hành giả phát tâm Bồ đề nương vào bốn nhân sau đây: (1) chủng tánh viên mãn, (2) được thiện hữu nhiếp thọ, (3) thương xót chúng sinh, (4) không sợ hãi những hiểm nguy trong sinh tử. H3. Từ bốn lực phát tâm. Hành giả phát tâm Bồ đề nương vào bốn lực sau đây: (1) tự lực: do lực lượng của chính mình mà phát tâm Bồ đề; (2) tha lực: do trợ lực của kẻ khác mà phát tâm Bồ đề; (3) nhân lực: đời quá khứ đã tu Đại thừa, hiện nay nghe chư Phật Bồ tát ngợi khen tâm Bồ đề liền phát tâm Bồ đề; (4) gia hành lực: trong hiện đời tu tập pháp lành trong một thời gian lâu dài, gần gũi các bậc thiện tri thức, lắng nghe chánh pháp, suy ngẫm sâu xa, v.v…, mà phát tâm Bồ đề. Ngài Vô Trước (Asaṅga), trong Bồ Tát Địa (Bodhisattva Levels, Skt. Bodhisavattva-bhūmi), nói nương vào bốn nhân và bốn duyên (dù tổng hay biệt), nếu do tự lực hoặc do nhân lực mà phát tâm thì gọi là

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

26

phát tâm kiên cố, nếu do tha lực hoặc do gia hành lực mà phát tâm thì gọi là phát tâm không kiên cố. Như vậy, sau khi hiểu rõ giáo pháp tổng quát và đặc biệt là giáo pháp Đại thừa, sắp bị diệt vong, và hơn nữa, trong thời đại ác trược hiện nay, rất hiếm có người chí thành phát tâm Bồ đề. Hành giả cần phải nương tựa các bậc thiện tri thức để được lắng nghe chánh pháp, suy tư nghiền ngẫm, siêng năng tu học kinh tạng Đại thừa, v.v..., vun trồng gốc rễ cho sự phát triển tâm Bồ đề từ lòng tin sâu xa của chính mình, điều này không phải chỉ vì người khác khuyến khích, không bị họ lay chuyển, cũng không bắt chước quy cũ nghi thức, v.v…, mà phải do tự lực, chí thành phát tâm, xây dựng từ căn bản, bởi vì tất cả công hạnh khác của Bồ tát đều nương tựa vào tâm Bồ đề.

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

27

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

G2. Thứ đệ tu tập Bồ đề tâm. Sự tu tập tâm Bồ đề được chia làm hai phần: (1) Pháp tu bảy tầng nhân quả do ngài Atisha truyền thọ (Chương 2-3). (2) Pháp tu hoán đổi mình người của ngài Tịch Thiên (Chương 4). H1. Pháp tu bảy tầng nhân quả do ngài Atisha truyền thọ. Bảy tầng nhân quả theo trình tự là: (7) sinh khởi tâm Bồ đề; (6) tâm Bồ đề do quyết tâm dũng mãnh (Anh: wholehearted resolve, Hán: tăng thượng ý nhạo) sinh; (5) quyết tâm dũng mãnh do tâm bi sinh; (4) tâm bi do tâm từ sinh; (3) tâm từ do tâm báo ơn sinh, (2) tâm báo ân do tâm nhớ ơn sinh; (1) tâm nhớ ơn do tâm biết mẹ sinh. Sự tu tập bảy tầng nhân quả được chia làm hai phần: (1) Hiểu rõ trình tự tu tập. (2) Trình tự tu tập (Chương 3). I1. Hiểu rõ trình tự tu tập. Hiểu rõ trình tự tu tập có hai phần: (1) Chỉ rõ tâm Đại bi là căn bản của Đại thừa. (2) Sáu pháp tu khác là nhân hoặc quả của tâm Đại bi.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

28

J1. Chỉ rõ tâm Đại bi là căn bản của Đại thừa. Chỉ rõ tâm Đại bi là căn bản của Đại thừa có ba phần: (1) Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc đầu. (2) Sự quan trọng của tâm Đại bi ở đoạn giữa. (3) Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc cuối.

K1. Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc đầu. Hành giả, do lòng Đại bi tác động lên tâm ý, vì mong muốn cứu vớt tất cả hữu tình ra khỏi biển khổ sinh tử, cho nên phát khởi thệ nguyện quyết định. Nếu như lòng Đại bi yếu ớt, ắt không thể làm được như thế. Cho nên gánh vác trọng trách “độ thoát tất cả chúng sinh” là nương vào tâm Đại bi. Nếu như không gánh vác trọng trách này ắt không thể tiến nhập Đại thừa. Cho nên tâm Đại bi rất quan trọng vào lúc ban đầu. Vô Tận Tuệ Kinh (Teachings of Akṣayamati Sūtra, Skt. Akṣayamati-nirdeśa-sūtra) nói:

Lại nữa, Đại đức Xá Lợi Phất, tâm Đại bi của chư Bồ tát vô tận. Vì sao? Vì nó là tiền đạo. Đại đức Xá Lợi Phất, ví như hơi thở là tiền đạo của mạng sống con người, thì tâm Đại bi của chư Bồ tát là tiền đạo của sự thành tựu Đại thừa.

Già Da Phong Đỉnh Kinh (Foremost of Gayā, Skt. Gayā-śirṣa) nói:

“Bạch ngài Văn Thù Sư Lợi, cái gì phát khởi Bồ tát hạnh, cái gì là đối tượng của Bồ tát hạnh?” Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Này thiên tử. Tâm Đại bi

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

29

phát khởi Bồ tát hạnh, còn hữu tình là đối tượng của Bồ tát hạnh.”

Bồ đề tâm phát động công hạnh Bồ tát, bởi vì nếu chúng ta không tu tập hai loại tư lương rộng lớn, chung quy không thể viên mãn những thệ nguyện. Hành giả vì nhận thức được điều này bèn tu tập những công hạnh khó khăn rộng lớn để tích tập những tư lương quảng đại này. K2. Sự quan trọng của tâm Đại bi ở đoạn giữa. Hành giả có thể phát tâm một lần như vậy, và sau đó bắt đầu tu tập công hạnh Bồ tát. Thế nhưng, nhân vì thấy hữu tình số lượng vô biên, hành vi bạo ác, hơn nữa, học xứ Bồ tát bao la vô tận, rất khó hành trì, lại cần phải trải qua vô lượng số kiếp, thấy như vậy rồi, sinh tâm khiếp sợ, thoái đọa vào hàng ngũ Tiểu thừa. Bởi thế, không phải chỉ một lần phát khởi tâm Đại bi, mà phải thường thường tu tập khiến cho tăng trưởng. Hành giả không còn quan tâm đến sự khổ lạc của chính mình, không còn nhàm chán xả bỏ những công hạnh lợi lạc chúng sinh, do đây rất dễ dàng tu tập viên mãn tất cả tư lương. Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Stages of Meditation, Skt. Bhāvanā-krama) (Sơ Biên) của ngài Liên Hoa Giới (Kamalaśila) nói:

Bồ tát do tâm Đại bi kích động, không còn đoái tưởng đến chính mình, mà hoàn toàn nỗ lực mong cầu lợi ích chúng sinh. Do đó, có thể tạo tác những công hạnh cực kỳ khó khăn, ngày đêm lao nhọc tích tập tư lương. Như Phát Tín Lực Ấn Kinh

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

30

(Seal of Engaging in Developing the Power of Faith Sūtra, Skt. Śraddhā-balādhānāvatara-sūtra) nói: “Những hành giả có tâm Đại bi, vì muốn thành tựu tất cả hữu tình, luôn luôn xả bỏ sự an vui của chính mình, và nhận chịu sự đau khổ.”

Nếu Bồ tát tu tập những công hạnh cực kỳ khó khăn như vậy, sẽ mau thành tựu viên mãn tư lương, quyết định sẽ chứng đắc quả vị Nhất Thiết Trí. Cho nên chỉ có Đại bi là căn bản của tất cả Phật đức.

K3. Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc cuối. Chư Phật sau khi chứng đắc Phật quả, không giống như hàng Thanh văn an trụ trong cảnh giới tịch diệt, mà các ngài biến nhập khắp mười phương pháp giới để làm lợi lạc hữu tình, đây cũng là do uy lực của tâm Đại bi. Nếu như không có tâm Đại bi, các ngài cũng sẽ giống như hàng Thanh văn. Ngài Liên Hoa Giới, trong Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Trung Biên), nói:

Chư Phật Thế Tôn, tuy đã thành tựu viên mãn tất cả sự tự lợi, nhưng vì bị tâm Đại bi nhiếp trì, nên đã khéo an trụ trong thế giới hữu tình đến cùng tận vô biên tế.

Lại nói:

Tâm Đại bi là nguyên nhân độc nhất của Vô trụ Đại niết bàn của chư Phật.

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

31

Ví như trong việc trồng lúa, hạt giống, nước, và lúa chín là sự quan trọng của lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối. Tương tự, tâm Đại bi là sự quan trọng của lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối của sự thành tựu Phật quả. Ngài Nguyệt Xứng (Candrakirti), trong Nhập Trung Luận (Commentary on the Middle Way, Skt. Madhyamakāvatāra), nói:

Đại bi là giống tốt thành Phật, Ban đầu, hạt giống, kế như nước, Thọ dụng lâu dài, như lúa chín, Con xin kính lễ tâm Đại bi. (Phẩm 1, kệ 1)

Vì thấy được ý nghĩa này, Pháp Tập Kinh (Compendium of the Teachings Sūtra, Skt. Dharma-saṃgiti-sūtra) nói:

Bạch Thế Tôn, Bồ tát không cần học tập nhiều pháp. Thế Tôn, Bồ tát nếu khéo thọ trì thông đạt một pháp, tất cả Phật pháp đều ở trong tay họ. Một pháp đó là gì? Tức là tâm Đại bi. Bạch Thế Tôn, do tâm Đại bi mà tất cả Phật pháp đều đến trong tay Bồ tát. Thế Tôn, ví như Luân bảo của Chuyển luân vương đến nơi nào, thì tất cả quân binh đều đến đó. Thế Tôn, tâm Đại bi của Bồ tát đến nơi nào, thì tất cả Phật pháp đều đến nơi đó. Thế Tôn, nếu như mạng căn tồn tại, thì tất cả các căn khác đều tồn tại. Thế Tôn, nếu như tâm Đại bi tồn tại, thì tất cả các công đức khác của Bồ tát sẽ sinh khởi.

Nếu như tin chắc rằng tâm Đại bi là cốt tủy của con đường đạo thù thắng, đã được thiết lập bằng luận

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

32

chứng trong vô số kinh điển, tại sao hành giả lại không thọ trì tâm Bồ đề, cùng với cội gốc của nó là tâm Đại bi, như những lời giáo huấn tối thượng? Ngài Shang-na-chung nói với ngài Drom-don-ba: “Khi tôi hỏi ngài Atisha phương pháp tu tập, ngài chẳng nói gì khác ngoài câu: ‘Xả tâm thế gian, tu tâm Bồ đề.’ ” Nghe xong, ngài Drom-don-ba cười nói: “Ông đã nhận được lời dạy tâm yếu của ngài Atisha.” Điều này chứng tỏ ngài Drom-don-ba đã hiểu rõ cốt tủy của pháp tu. Niềm tin vững chắc vào Bồ đề tâm này rất khó đạt được, cho nên hành giả cần phải tìm hiểu những điểm tâm yếu của giáo lý bằng cách thường xuyên tịnh trừ nghiệp chướng, tích tập tư lương, và đồng thời nghiên cứu các kinh luận như Hoa Nghiêm Kinh, v.v… Ngài Cát Tường Kính Mẫu (Mātṛceṭa) trong Bách Ngũ Thập Tán Tụng (Praise in One Hundred and Fifty Verses, Skt. Śata-pañcāśatka-strota) nói:

Ngoài Phật, không còn ai, Có thể biết chắc rằng, Hạt giống Bồ đề tâm, Là trân bảo tôn quý.

J2. Sáu pháp tu khác là nhân hoặc quả của tâm Đại bi. Sáu pháp tu khác là nhân hoặc quả của tâm Đại bi có hai phần: (1) Bốn nhân đầu là nhân của tâm Đại bi. (2) Quyết tâm dũng mãnh và tâm Bồ đề là quả của tâm Đại bi.

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

33

K1. Bốn nhân đầu là nhân của tâm Đại bi. Một cách tổng quát, nếu thường tưởng nghĩ đến sự khổ của hữu tình, thì hành giả cũng có thể phát khởi tâm mong cầu giải thoát họ ra khỏi sinh tử. Thế nhưng, nếu muốn sinh khởi tâm này một cách dễ dàng, mạnh mẽ và kiên cố, thì trước đó, hành giả phải quan tâm và có lòng thương mến đối với họ. Giả như người thân của chúng ta gặp cảnh khổ, chúng ta sẽ cảm thấy bất nhẫn, nhưng nếu kẻ thù của chúng ta gặp cảnh khổ, ắt chúng ta sẽ sinh tâm vui mừng, còn đối với những người không thân không thù, thì chúng ta sẽ thờ ơ lãnh đạm.

Trong trường hợp đầu, tùy theo tâm chúng ta đối với một hữu tình có bao nhiêu thương mến, thì khi hữu tình đó gặp cảnh khổ, chúng ta sẽ khởi bấy nhiêu tâm bất nhẫn. Nếu sự thương mến bình thường hoặc sơ sài, chúng ta sẽ khởi tâm bất nhẫn nhỏ; nhưng nếu sự thương mến rất tha thiết, thì dù hữu tình đó chỉ thọ chút khổ, chúng ta cũng vẫn khởi tâm bất nhẫn rất lớn.

Nếu thấy kẻ thù chịu khổ, chúng ta không những

không muốn họ hết khổ, mà còn mong cho họ chịu khổ nhiều hơn, và đừng bao giờ thoát khổ. Đây là do lòng oán ghét sinh khởi. Chúng ta tùy vào sự thù ghét lớn hay nhỏ mà đối với nỗi khổ của kẻ thù khởi tâm hoan hỷ nhiều hay ít.

Đối với những kẻ xa lạ bị thọ khổ, chúng ta không

khởi tâm bất nhẫn, nhưng cũng không khởi tâm hoan hỷ. Đây là do không có sự thương mến hoặc tâm thù ghét.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

34

Như vậy, tu tập quán sát hữu tình như người

thân có thể khởi lòng thương mến đối với họ. Thế nhưng, người mà ta thương mến nhất chính là bà mẹ của mình, cho nên tu tập ba pháp: (1) biết mẹ (quán hữu tình là mẹ mình), (2) nhớ tưởng ơn mẹ, và (3) báo ơn mẹ, thì có thể phát khởi tâm thương mến tất cả hữu tình giống như bà mẹ thương đứa con độc nhất của mình. Lòng từ thương mến [được phát sinh] này là thành quả của ba pháp tu tập vừa nêu trên. Từ đó có thể dẫn phát tâm bi.

Sự quan hệ nhân quả giữa tâm từ (ban vui) và

tâm bi (cứu khổ) không nhất định. Nên biết, ba pháp biết mẹ, nhớ ơn và báo ơn là căn bản của hai tâm từ và tâm bi, cho nên hành giả cần phải siêng cần tu tập. Ngài Nguyệt Xứng, Nguyệt Quan và Liên Hoa Giới đều cho rằng tu tập quán sát hữu tình là bạn bè, quyến thuộc của mình cũng là nguyên nhân cho sự phát tâm Bồ đề. K2. Quyết tâm dũng mãnh và tâm Bồ đề là quả của tâm Đại bi. Hỏi: Do tu tập theo trình tự vừa nêu trên, nếu tâm Đại bi sinh khởi, thì có thể dẫn phát tâm vì muốn lợi lạc hữu tình mà mong cầu thành Phật, như vậy có lẽ cũng đủ, tại sao trong giai đoạn tu tập trung gian lại phải tu tập quyết tâm dũng mãnh? Đáp: Nếu nói đến tâm từ bi vô lượng, mong muốn hữu tình thoát khổ được vui, thì hàng Thanh văn Độc giác cũng có tâm này, nhưng nếu nói đến việc tự mình

2. Tâm Đại bi là ngưỡng cửa đi vào Đại thừa

35

gánh vác trọng trách cứu khổ ban vui cho tất cả hữu tình, thì ngoài hành giả Đại thừa ra, không ai có thể đảm đang. Cho nên hành giả cần phải phát khởi quyết tâm dũng mãnh vượt bực. Nếu chỉ tưởng nghĩ “làm sao cho tất cả hữu tình có thể lìa khổ được vui”, thì e chưa đủ, mà phải tự mình chí thành tha thiết gánh vác trọng trách này. Chúng ta cần phải nhận biết rõ ràng quan niệm khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Hải Tuệ Sở Vấn Kinh (Questions of Sāgaramati Sūtra, Skt. Sāgaramati-paripṛcchā-sūtra) nói:

Hải Tuệ, ví như một vị thương chủ, hoặc một vị trưởng giả chỉ có một đứa con trai, phương phi, khả ái, vui vẻ. Cậu bé nhân vì mãi mê vui đùa nên đã rơi xuống một cái hố chứa đầy phẩn dơ. Mẹ của cậu bé và các người thân đến nơi miệng hố, thấy cậu bé bị rơi trong đó, mọi người đều cùng nhau kêu la, gào khóc, nhưng không ai dám lao xuống để cứu cậu bé lên. Khi cha cậu bé đến nơi, thấy con mình bị rơi trong hố phẩn dơ, hoảng hốt bàng hoàng, vì lòng tha thiết muốn cứu đứa con ra khỏi, không cảm thấy nhờm tởm, bèn lao xuống hố cứu đứa con lên.

Đoạn kinh trên muốn ví ba cõi cũng giống như cái hố chứa đầy phẩn dơ, đứa con độc nhất là hữu tình, bà mẹ và các người thân giống như các hàng Thanh văn Độc giác, thấy các hữu tình rơi vào hố sâu sinh tử, tuy sầu lo than thở, nhưng không thể cứu vớt họ ra, còn vị thương chủ trưởng giả tức là các vị Bồ tát. Ở đây muốn nói rằng các hàng Thanh văn Độc giác cũng có lòng từ bi đối với chúng sinh (giống như người mẹ thấy đứa con độc nhất

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

36

đang bị rơi vào hố phân, tuy thương mà không dám cứu). Cho nên, hành giả cần phải nương vào tâm Đại bi mà phát khởi quyết tâm dũng mãnh muốn gánh vác trọng trách cứu độ tất cả hữu tình. Như vậy, hành giả, một khi phát khởi tâm độ thoát tất cả hữu tình, sẽ nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện tại không thể nào viên mãn sự lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Hơn nữa, dù có chứng đắc quả vị của Nhị thừa (Thanh văn và Bích chi phật), cũng chỉ có thể lợi lạc một số ít hữu tình, và cũng chỉ có thể đưa họ đến giải thoát Niết bàn, chứ không thể an lập họ trong quả vị Nhất thiết chủng trí. Cho nên, nếu hành giả suy ngẫm “hiện tại, ai là bậc có thể thành tựu tất cả nghĩa lợi cho tất cả chúng sinh”, ắt sẽ biết rằng chỉ có một vị Phật mới có năng lực như vậy. Do đây, hành giả sẽ phát khởi tâm nguyện thành Phật để lợi lạc tất cả chúng sinh.

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

37

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả I2. Trình tự tu tập. Trình tự tu tập có ba phần: (1) Tu tập tâm lợi tha. (2) Tu tập tâm mong cầu Bồ đề. (3) Nhận thức thành quả tu tập là phát Bồ đề tâm. J1. Tu tập tâm lợi tha. Tu tập tâm lợi tha có hai phần: (1) Thiết lập nền tảng sinh khởi tâm lợi tha. (2) Chánh thức phát khởi tâm thương người. K1. Thiết lập nền tảng sinh khởi tâm lợi tha. Thiết lập nền tảng sinh khởi tâm lợi tha có hai phần: (1) Tu tập tâm bình đẳng đối với hữu tình. (2) Tu tập tâm thương yêu tất cả hữu tình. L1. Tu tập tâm bình đẳng đối với hữu tình. Trong phần tu tập Hạ sĩ đạo và Trung sĩ đạo đã nói về các trình tự tu tập, như phần chuẩn bị, v.v…, ở đây chúng ta cũng sẽ theo trình tự đó mà tu tập. Trước tiên nên tu tập tâm bình đẳng, đoạn trừ tâm phân biệt (đối với một số hữu tình khởi tâm tham luyến, đối với một số hữu tình khởi tâm thù ghét). Nếu không, tâm từ bi sinh khởi sẽ trở nên thiên vị, và hành giả sẽ không bao giờ khởi được tâm từ bi bình đẳng. Cho nên, điều quan trọng là phải tu tập tâm xả. Xả có ba

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

38

loại: (1) hành xả, (2) thọ xả, và (3) vô lượng xả. Pháp tu mà chúng ta muốn tu tập là vô lượng xả. Vô lượng xả có hai loại: (1) tu tập quán sát hữu tình không còn hai tướng tham sân; (2) tu tập tâm bình đẳng, diệt trừ hai tướng tham sân đối với hữu tình. Ở đây, chúng ta muốn tu tập pháp thứ hai. Trình tự tu tập vô lượng xả như sau. Trước tiên duyên đến những hữu tình đối với chúng ta không lợi cũng không hại, dùng đó làm đối tượng tu tập tâm bình đẳng, diệt trừ tâm thương ghét. Sau khi tu tập thành tựu tâm bình đẳng đối với loại chúng sinh này, kế đến, tu tập tâm bình đẳng đối với người thân. Chúng ta không có tâm bình đẳng đối với người thân là bởi tâm phân biệt thương ghét, hoặc tâm thương ghét đối với họ nhiều hay ít. Sau khi tu tập thành tựu tâm bình đẳng đối với người thân, kế đến tu tập tâm bình đẳng đối với kẻ oán thù. Chúng ta không có tâm bình đẳng đối với kẻ thù là vì thấy họ chống báng mà sinh tâm giận ghét. Sau khi tu tập thành tựu tâm bình đẳng đối với kẻ thù, cuối cùng tu tập tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Hỏi: Tu tập như thế nào để diệt trừ tâm tham sân đối với ba loại chúng sinh này? Đáp: Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Trung Biên) của ngài Liên Hoa Giới đưa ra hai phương pháp tu tập: (1) Đối với hữu tình, nên nghĩ rằng tất cả đều giống nhau trong việc cầu vui lánh khổ, cho nên rất là phi lý

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

39

nếu chỉ xem một số hữu tình là thân cận mà làm lợi ích cho họ, và xem một số hữu tình khác là xa lạ mà làm tổn hại hoặc không làm lợi ích cho họ. (2) Đối với chính mình, nên nghĩ rằng trong vòng sinh tử, từ vô thỉ đến nay, tất cả hữu tình đã từng hàng trăm lần làm người thân của mình, như vậy ai là người thân, ai là kẻ thù? Hơn nữa, Nguyệt Thượng Đồng Nữ Thỉnh Vấn Kinh (Daughter Like the Finest Moon's Discourse Sūtra, Skt. Candrottama-dārikā-vyākaraṇa-sutrā)nói:

Đời trước, ta đã từng giết ngươi, Và cũng từng bị ngươi sát hại, Hai bên đều từng giết hại nhau, Tại sao ta phải tham luyến ngươi?

Như phần trước đã nói về tai hại của sự bất định. Hãy nên suy ngẫm về sự chuyển biến nhanh chóng của mối quan hệ thân thù giữa mình và chúng sinh. Nếu suy ngẫm như vậy, ắt có thể diệt trừ tâm tham sân của mình đối với hữu tình.

Ở đây, cần phải dùng tâm phân biệt thân thù để tu tập, cho nên không cần phải trừ diệt tâm phân biệt thân thù, mà chỉ muốn cho chúng ta trừ diệt tâm thiên vị thân thù (thân thì thương, thù thì ghét). L2. Tu tập tâm thương yêu tất cả hữu tình. Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Trung Biên) của ngài Liên Hoa Giới nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

40

Tâm thấm nhuần nước “từ”, Như mảnh đất màu mỡ, Khi gieo hạt giống “bi”, Sẽ mau chóng tăng trưởng, Sau khi tu tâm từ, Nên tu tập tâm bi.

Ở đây nói đến tâm từ, nghĩa là hành giả xem tất cả hữu tình với lòng yêu thương, như đứa con một của mình. Hơn nữa, do tu tập tâm xả, hành giả sẽ diệt trừ được tâm tham sân khởi lên bởi tâm thiên vị thân sơ, và tâm của hành giả sẽ giống như một mảnh đất tốt. Ngài Liên Hoa Giới nói rằng nếu hành giả tưới mảnh đất tâm của mình bằng nước “từ”, nghĩa là thương yêu tất cả chúng sinh, và sau đó gieo hạt giống “bi”, thì tâm Đại bi sẽ mau chóng tăng trưởng. Phải nên hiểu rằng đây là điều cực kỳ thiết yếu. Phương pháp tu tập có ba phần. M1. Quán tưởng tất cả hữu tình là mẹ mình. Bởi sự luân hồi vô thỉ, cho nên sự thọ sinh của chúng ta cũng vô thỉ. Trong vòng sinh tử không cùng, không có loại thân nào mà chúng ta chưa từng thọ, không có nơi chốn nào mà chúng ta chưa đến để thọ sinh, cho nên bất cứ chúng sinh nào cũng đều có thể là người thân, chẳng hạn như mẹ, cha, v.v…, của chúng ta. Như trong Du Già Sư Địa Luận (Levels of Yogic Deeds, Yoga-caryā-bhūmi), ngài Vô Trước dẫn kinh nói:

Khi quán đại địa, ta khó thấy có một nơi nào mà các ông chưa từng ở đó thọ sinh. Khi quán hữu tình, ta cũng khó thấy, trong vòng sinh tử, có các

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

41

hữu tình nào mà chưa từng là cha mẹ, anh em, các bậc mô phạm, tôn trưởng, sư trưởng, v.v…, của các ông.

Hơn nữa, tất cả hữu tình không những chỉ là mẹ của chúng ta trong đới quá khứ, mà còn là mẹ của chúng ta trong cùng tận đời vị lai. Suy ngẫm như vậy để quyết chắc rằng tất cả hữu tình đã từng là mẹ của mình. Sau khi sinh khởi sự tin tưởng chắc chắn, ắt sẽ rất dễ dàng sinh khởi tâm nhớ ơn, báo ơn, v.v… Nếu không, chúng ta sẽ không có nền tảng cho sự tu tập nhớ ơn này. M2. Tu tập tâm nhớ ơn. Sau khi tu tập quán sát tất cả hữu tình là mẹ mình, hành giả nên duyên vào bà mẹ hiện đời để tu tập thì sẽ dễ dàng sinh khởi tâm nhớ ơn. Nên tu tập theo lời chỉ dẫn của ngài Bo-do-wa như sau. Quán tưởng bà mẹ mình đang ở trước mặt. Sau đó tư duy nhiều lần như sau: “Bà ấy không chỉ là bà mẹ của mình trong hiện đời, mà từ vô thỉ đến nay, bà cũng đã từng làm mẹ mình biết bao nhiêu lần, vô lượng vô biên. Lúc làm mẹ, bà cũng đã từng cứu vớt mình thoát khỏi biết bao nhiêu sự hiểm nguy, thành toàn cho mình biết bao nhiêu sự lợi lạc. Đặc biệt, ngay trong đời này, lúc ta còn trong thai, bà đã cưu mang bảo dưỡng trong một thời gian lâu dài. Lúc ta còn ấu thơ, bà thường ôm ấp vào lòng, vuốt ve trìu mến, bú mớm vỗ về, tắm rửa lau giặt. Như vậy, tận tụy chăm nom, không hề biết mỏi mệt.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

42

Lúc ta đói, mẹ cung cấp thức ăn uống; khi ta lạnh, mẹ cung cấp quần áo ấm; lúc ta thiếu thốn, mẹ cung cấp tiền bạc mà bà chắt mót không dám tiêu xài. Những vật dụng tiền bạc này không phải dễ có, mà là những gì mà bà phải tạo tội, chịu đựng tiếng xấu, vất vả gian nan mới có được, dành dụm để lo lắng cho ta. Lúc ta bị bệnh khổ, mẹ lo lắng nghĩ rằng chẳng thà để mẹ chết còn hơn để ta chết, chẳng thà mẹ bị bệnh còn hơn để ta bị bệnh, chẳng thà mẹ chịu khổ còn hơn để ta chịu khổ. Những sự lo lắng xuất phát tự lòng thành, dùng đủ mọi phương tiện để diệt trừ sự khổ cho con. Tóm lại, hành giả quán tưởng mẹ mình dùng tất cả phương tiện trong phạm vi mà bà biết được để mang đến lợi ích và diệt trừ đau khổ cho chúng ta. Hành giả phải nên chuyên tâm tu tập để sinh khởi tâm nhớ ơn chân thật, chứ không chỉ [nhớ ơn] bằng những lời nói xuông. Sau khi đã sinh khởi tâm này, hành giả nên duyên đến những người thân khác, như cha, v.v…, và tiếp tục quán tưởng họ là mẹ mình để tu tập tâm nhớ ơn, v.v…, giống như phần trên. Sau đó, duyên đến những hữu tình trung dung (không thương không thù) mà tu tập. Nếu có thể khởi tâm thương mến họ như người thân, thì đối với kẻ oán thù cũng nên tu tập quán sát họ như mẹ của mình. Sau cùng, quán sát tất cả hữu tình trong mười phương thế giới cũng đều là mẹ của mình, và dần dần tu tập tăng trưởng tâm nhớ ơn đối với họ. M3. Tu tập tâm báo ơn.

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

43

Những hữu tình này đã từng là những bà mẹ có ơn với chúng ta, nhưng vì sinh tử luân hồi nên chúng ta không còn nhận ra họ. Hiện nay, họ đang nhận chịu sự khổ đau, không nơi nương tựa, nếu như chúng ta không đoái hoài, nhẫn tâm bỏ phế họ, mà chỉ riêng tìm cầu sự thoát ly sinh tử cho chính mình, há chẳng phải là rất đáng hổ thẹn hay sao? Đệ Tử Thư của ngài Nguyệt Quan nói:

Người thân rơi vào biển sinh tử, Tựa như bị rớt trong hầm lửa, Luân hồi, không biết nên bỏ phế, Tự cầu giải thoát, há không thẹn?

Việc bỏ phế người ân, những kẻ hạ đẳng còn không nên làm, huống hồ chúng ta là những người tu đạo? Sau khi tư duy như vậy, phải nên gánh vác việc báo ơn. Đệ Tử Thư nói:

Đứa bé mới sinh, toàn vô lực, Bú sữa đem đến bởi tình thương, Vì thương con nên mẹ nhọc nhằn, Dù hạ đẳng nhất, ai bỏ mẹ?

Lại nói:

Lúc bé, đã ở trong thai ai, Ai thương, chăm sóc được như vầy, Nay mẹ khổ não, không nơi tựa, Dù hạ đẳng nhất, ai bỏ mẹ?

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

44

Vô Biên Công Đức Tán (Praise of Infinite Qualities, Skt. Guṇāparyanta-stotra) của ngài Tam Bảo Tôn (Triratna- dāśa) nói:

Hữu tình vì vô minh, Đui mù, không trí tuệ, Đã từng là cha, con, Thương yêu cứu giúp mình, Nếu chỉ tự giải thoát, Đây không phải pháp Phật, Nên phải độ hữu tình.

Hỏi: Như vậy, làm sao có thể báo ơn?

Đáp: Các bà mẹ cũng có thể tự họ tìm được sự an lạc thế gian, thế nhưng, những thứ đó đều là hư dối. Hành giả tu tập tâm báo ơn bằng cách quán tưởng như sau: “Trong quá khứ ta đã từng bị ma phiền não làm thương tổn, giống như bị rắc muối lên vết thương, tự thân vốn đã khổ, lại còn gia tăng sự khổ. Nếu muốn dùng tâm từ báo ơn thì ta phải nên an lập các hữu tình này trong sự an lạc giải thoát Niết bàn.” Trung Quán Tâm Luận (Heart of the Middle Way, Skt. Madhyamaka-hṛdaya) của ngài Thanh Biện (Bhāvaviveka) nói:

Hơn nữa, chúng sinh bị, Ma phiền não tổn hại, Ta làm họ khổ hơn, Như rắc muối vết thương. Nếu như họ đã từng, Ban ơn và cứu giúp,

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

45

Nếu muốn báo ơn họ, Chỉ có pháp Niết bàn.

Ơn đức chưa được báo đáp so ra còn nặng hơn biển lớn và núi Tu Di cộng lại, nếu như hành giả có thể báo đáp ơn sâu, thì đây là điều mà các bậc trí giả tán thán. Long Vương Cổ Âm Tụng (Verses from the Nāga King's Drum, Skt. Nāga-rāja-bheri-gāthā) nói:

Biển, đại địa, Tu Di, Không phải là gánh nặng, Nếu không biết báo ơn, Đây mới là gánh nặng. Bậc trí khen những người, Tâm không còn dao động, Biết ơn và báo ơn, Không quên ơn người khác.

Nói tóm, tưởng nghĩ mẹ mình chưa an trụ trong chánh niệm, tâm loạn mắt lòa, không người dẫn dắt, đang khập khễnh quờ quạng đến chỗ hiểm nguy. Bà mẹ đó nếu không mong đợi con mình đến cứu thì còn mong đợi ai? Nếu đứa con của bà không đến giải cứu, thì ai là người sẽ đến giải cứu? Người con nhất định phải cứu độ mẹ mình. Như vậy, nếu thấy các bà mẹ chúng sinh của mình, hiện đang bị ma phiền não quấy nhiễu, tâm thức không được tự tại, như cuồng như loạn, lại không có trí tuệ để nhận thức được đường ngay nẻo chánh, mà cũng không có các bậc thầy dẫn dắt, trong từng sát na tạo tác ác hành, mê loạn quanh quẫn trên bờ vực thẳm sanh tử, đang bị nguy cơ sa vào ác đạo, đang mong đợi con mình

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

46

đến cứu, và người con ắt cũng có bổn phận phải đến cứu độ mẹ mình. Sau khi tư duy như vậy, hành giả quyết định tìm mọi cách giải thoát mẹ mình ra khỏi sinh tử để báo đáp ơn đức của họ. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu (Compendium of Trainings, Skt. Śikṣā-samuccaya) của ngài Tịch Thiên nói:

Phiền não, cuồng, mê muội, Trong cảnh giới hiểm nguy, Những bước chân quờ quạng, Những bức não mình người, Chúng sinh đều như thế.

Sau khi quán sát như vậy, không còn soi mói lỗi người, mà ngược lại, nếu thấy được một công đức [dù không đáng kể] của họ, cũng nên cho là hiếm có. Điều này thích ứng với sự quán sát khổ não của chúng sinh. K2. Chánh thức phát khởi tâm thương người. Chánh thức phát khởi tâm thương người có ba phần: (1) Tu tập tâm từ. (2) Tu tập tâm bi. (3) Tu tập quyết tâm dũng mãnh. L1. Tu tập tâm từ. Đối tượng của tâm từ là những chúng sinh thiếu an lạc. Hành tướng của tâm từ là sự tưởng nghĩ “làm thế nào cho chúng sinh được an lạc”, “nguyện cho chúng sinh được an lạc”, và “ta sẽ làm cho chúng sinh được an lạc.” Sự lợi ích thù thắng của tâm từ, như Tam Ma Địa Vương

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

47

Kinh (King of Concentrations Sūtra, Skt. Samādhi-rāja-sūtra) nói:

Đem đồ cúng dường số vô lượng, Từng cúng dường các bậc tôn thắng, Trong cùng tận vô biên cõi Phật, Không bằng một phần tu tâm từ.

Điều này muốn nói rằng sự tu tập tâm từ còn thù thắng hơn sự cúng dường vô lượng tài vật đến các bậc phước điền tối thắng. Văn Thù Sư Lợi Trang Nghiêm Phật Độ Kinh (Array of Qualities in Mañjuśri's Buddha-realm, Skt. Mañjuśri-buddha-kṣetra-guṇa-vyūha-sūtra) nói:

Ở phương đông bắc có Đại Tự Tại Vương Phật, thế giới gọi là Thiên Trang Nghiêm. Các hữu tình ở cõi đó đầy đủ sự an lạc, giống như các tỳ kheo nhập Diệt tận định. Thế nhưng, dù một hành giả ở cõi đó tu hành Phạm hạnh trải qua trăm ngàn câu chi năm, công đức cũng không bằng một hành giả ở cõi này, dù chỉ trong một sát na, phát khởi tâm từ duyên đến tất cả hữu tình. Huống hồ là ngày đêm an trụ trong tâm từ?

Bảo Man Luận của ngài Long Thọ nói:

Mỗi ngày, ba lần thí, Ba trăm hộc ẩm thực, Phước không bằng một phần, Khoảnh khắc tu tâm từ. Dù chưa được giải thoát,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

48

Cũng được tám công đức: Trời, người đều thương tưởng, Lại thường hay bảo hộ. Được hỷ lạc bình an, Đao, độc không thể hại. Được thành tựu dễ dàng, Sẽ sinh lên Phạm thiên.

Nếu hành giả thành tựu tâm từ, trời người đều khởi tâm kính ái, ngưỡng mộ vây quanh. Chư Phật đã cũng dùng sức mạnh của tâm từ mà đánh bại ma quân, do đó tâm từ là sự thủ hộ tối thắng. Bởi thế, tuy tâm từ rất khó sinh khởi, hành giả vẫn phải nỗ lực tu tập. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói hành giả cần phải tư duy những bài kệ chỉ dạy về tâm từ trong Kim Quang Minh Kinh (Sūtra of the Golden Light, Skt. Suvarṇa-prabhāsa-sūtra). Tối thiểu, hành giả cũng nên đọc tụng và tu tập bài kệ sau:

Nguyện cho cõi thế giới tam thiên, Do tiếng trống thù thắng Kim quang, Mà khổ ác đạo, khổ Diêm la, Tất cả sự khổ đều tiêu diệt.

Trình tự tu tập tâm từ như sau. Trước tiên, duyên với người thân; kế đến, duyên với hữu tình trung dung; kế đến, duyên với kẻ thù, và sau cùng, dần dần duyên với tất cả hữu tình. Phương pháp tu tập tâm từ như sau. Nếu thường suy ngẫm về sự khổ của hữu tình thì sẽ khởi lòng thương xót. Như vậy, thường suy tư đến những hữu

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

49

tình đang thiếu thốn các sự an lạc hữu lậu lẫn vô lậu. Sau khi quán sát thuần thục, tự nhiên sẽ khởi tâm mong muốn họ được an lạc, và hơn nữa, sẽ khởi lên nguyện vọng đem những sự diệu lạc đến cho họ. L2. Tu tập tâm bi. Để hiểu rõ phương pháp tu tập tâm bi, hành giả cần phải biết rõ những đề mục sau: (1) Cảnh sở duyên (đối tượng) của tâm bi là những hữu tình đang bị ba khổ (khổ khổ, hoại khổ và hành khổ) bức bách. (2) Hành tướng của tâm bi là tưởng nghĩ “làm thế nào để xa lìa sự khổ”, “nguyện chúng sinh được xa lìa sự khổ”, và “tôi sẽ khiến cho chúng sinh được xa lìa sự khổ.” (3) Trình tự tu tập tâm bi là trước tiên dùng người thân, kế đến, dùng người xa lạ, kế đến, dùng kẻ thù làm đối tượng tu tập. Sau khi thành tựu tâm bình đẳng đối với người thân và kẻ thù, kế đến, dùng tất cả hữu tình trong mười phương thế giới làm đối tượng để tu tập. Ngài Liên Hoa Giới, căn cứ vào các luận điển A tỳ đạt ma, trong khi phân biệt đối tượng tu tập, đã thiết lập trình tự tu tập tâm [bình đẳng] xả, tâm từ, và tâm bi. Đây là một sự kiện rất quan trọng. Nếu hành giả, lúc tu tập tâm xả, tâm từ và tâm bi, không chịu phân chia thành đối tượng đặc trưng, mà chỉ dùng một đối tượng tổng quát, thì tuy có vẻ như sinh khởi được những tâm này, nhưng khi áp dụng vào bất cứ một đối tượng cá biệt nào thì lại không thể sinh khởi. Nếu hành giả tu tập chuyển biến tâm thức với từng đối tượng riêng biệt theo phương pháp vừa nêu trên, sau đó dần dần tăng gia số lượng của đối tượng tu tập, và cuối cùng, hành giả

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

50

sẽ dùng tất cả hữu tình làm đối tượng tu tập. Nếu hành giả duy trì phương pháp tu tập này thì bất luận đối tượng là cá thể hay tập thể, đều có thể sinh khởi tâm bi. Phương pháp tu tập như sau. Hành giả suy ngẫm các hữu tình này - những bà mẹ của mình – đang bị đọa lạc trong sinh tử luân hồi, đang phải chịu đựng những sự đau khổ tổng quát và riêng biệt như thế nào. Hơn nữa, nếu hành giả đã tu tập nhận thức sự khổ riêng biệt và tổng quát của chính mình bằng phương pháp tu tập "trung sĩ đạo", thì có thể từ sự nhận thức này dẫn phát lòng thương xót đối với sự khổ của kẻ khác. Dùng phương pháp này, hành giả sẽ dễ sinh khởi tâm bi. Quán sát sự khổ của chính mình để phát khởi tâm cầu xuất ly khỏi ba cõi. Quán tưởng sự khổ của kẻ khác để phát khởi tâm bi. Thế nhưng, nếu hành giả không quán sự khổ của chính mình trước tiên, thì sẽ không thể đạt đến mục đích (sinh khởi tâm bi) trong sự tu tập. Đây là những mô tả đơn giản về phương cách tu tập. Người trí cần phải dùng tâm bi quán chiếu chi tiết một trăm mười sự khổ. Phần tu tập này được giải thích trong Bồ Tát Địa. Hơn nữa, trong giai đoạn tu tập tâm bi, Bồ tát suy ngẫm về sự khổ còn nhiều hơn các hành giả Thanh văn, là những người dùng tâm xuất ly cứu cánh hiện chứng khổ đế, thấy được sự khổ. Nếu chúng ta tư duy từ vô lượng khía cạnh mà các hữu tình nhận chịu sự khổ, thì có thể phát sinh tâm từ và tâm bi nhiều hơn. Hơn nữa, nếu chúng ta có thể tư duy về đạo lý này trong một thời gian lâu dài, thì tâm từ bi của chúng ta lại càng trở nên

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

51

kiên cố mạnh mẽ. Cho nên, nếu chúng ta chỉ thỏa mãn với chút ít hiểu biết, mà lại xả bỏ những lời giải thuyết trong các giáo điển lớn, thì tâm từ bi của chúng ta (tu tập được) sẽ vô cùng yếu ớt. Lại nữa, sau khi chúng ta đã triệt để phân biệt các phương pháp tu tập liên hệ với các lời dạy ở phần trên là "tâm bi là căn bổn của Đại thừa", "Bồ đề tâm là ngưỡng cửa tiến nhập Đại thừa", v.v..., thì cần phải dùng trí tuệ để quán sát quyết trạch và dùng sự tu tập (thiền định) để đạt được sự thể ngộ về những đạo lý nêu trên. Nếu như chúng ta chưa thể hiểu rõ ý nghĩa mà chúng ta vừa nhận thức, mà lại chỉ dốc toàn lực theo đuổi những cảm giác tạm thời xuất hiện mơ hồ, thì sẽ không thành tựu được điều gì. Nên biết, nguyên tắc này cũng có thể áp dụng vào các phương pháp tu trì khác. Đối với tiêu chuẩn cho sự tu tập tâm từ, ngài Liên Hoa Giới, trong Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Sơ biên), đã có nói:

Đến trình độ khi chúng ta có thể một cách tự nhiên sinh khởi tâm bi muốn tận trừ sự khổ sở cho tất cả hữu tình, giống như một người mẹ đang hy vọng tiêu trừ sự khổ sở cho đứa con yêu quý của mình, thì đây là lúc sự tu tập tâm bi của chúng ta đã được viên mãn, và có thể gọi là tâm đại bi.

Ở đây, ngài Liên Hoa Giới muốn nói là khi hành giả đối với hữu tình sinh khởi tâm bi một cách tự nhiên, giống như lòng thương yêu của một bà mẹ đối với đứa con bé

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

52

nhỏ đáng yêu của bà đang bị khổ sở, thì hành giả đã thành tựu viên mãn tâm đại bi. Tương tự, có thể dùng tiêu chuẩn này để nhận thức sự sinh khởi của tâm đại từ. Dùng đoạn văn vừa nêu trên như một khởi điểm, ngài Liên Hoa Giới nói:

Khi hành giả thiết lập thệ nguyện dẫn đạo tất cả hữu tình bằng sự tu tập tâm đại bi, hành giả sẽ tự nhiên sinh khởi tâm Bồ đề mong cầu thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề viên mãn.

Ở đây, ngài muốn nói rằng tâm đại bi, đã giải thích ở trên, là nguyên nhân thiết yếu cho sự phát khởi tâm nguyện Bồ đề. Lại nữa, ở đây nói về Bồ đề tâm, không phải chuyên chỉ cho Bồ đề tâm của các bậc thánh đã tu tập đến trình độ cao, mà cũng là chỉ cho Bồ đề tâm của các hành giả mới bắt đầu tu tập. Ngài Vô Trước, trong Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahāyāna Compendium, Skt. Mahāyāna-saṃgraha), nói:

Các Bồ tát lúc ban đầu tiến nhập (tu tập công hạnh) ba đại a tăng kỳ kiếp, cần phải có đầy đủ thiện căn, nguyện lực, tâm kiên cố.

Cho nên, Bồ tát ngay lúc bắt đầu tu tập công hạnh ba vô số kiếp, cũng cần phải phát khởi nguyện Bồ đề tâm này. Nếu như chúng ta không biết rõ những cảnh sở duyên này, mà chỉ nghĩ tưởng như sau: "Tôi vì lợi ích tất cả hữu tình mà cầu thành Phật, cho nên mới tu các thiện căn này", điều này có thể đưa đến sự khởi tâm tăng

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

53

thượng mạn, vọng chấp "chưa chứng đã cho là chứng", mà phạm phải sự sai lầm to lớn. Hơn nữa, nếu như chúng ta không xem Bồ đề tâm là những lời dạy tâm yếu để theo đó tu học, mà lại nỗ lực theo đuổi những sự tu tập khác, tự cho rằng như vậy có thể đưa đến sự thành tựu vượt bực, thì điều này, đối với những bậc đã am tường giáo học thiết yếu của Đại thừa, quả thật là một sự kiện rất đáng buồn cười! Trong nhiều kinh điển nói rằng các Bồ tát bậc cao vẫn còn tu tập tâm Bồ đề trải qua nhiếu kiếp, và hơn nữa, xem đây là đề mục quan trọng bậc nhất trong việc tu trì. Bởi vậy, chúng ta đâu cần phải đề cập đến việc những kẻ chỉ hiểu biết chút ít, tu tập không thể chứng đắc Bồ đề tâm! Nhưng điều này không phải nói rằng hành giả không nên tu tập các pháp môn khác, mà chỉ muốn nói rằng hành giả cần phải xem Bồ đề tâm là đề mục chính yếu và nỗ lực tu tập. Có những hành giả, tuy chưa đạt được những trải nghiệm (về Bồ đề tâm) vừa nêu trên, nhưng nếu có thể hiểu rõ các học xứ của Đại thừa, và hơn nữa, có đầy đủ tín giải đối với Đại thừa, thì cũng có thể trước tiên phát tâm Bồ đề, y chiếu nghi quỹ để thọ trì giới luật Bồ tát, sau đó mới tu học Bồ đề tâm. Chẳng hạn như trong Nhập Bồ Tát Hành Luận có mô tả sự kiện trước tiên thọ trì Bồ đề tâm và luật nghi, sau đó trong phẩm Tĩnh Lự mới giảng giải tường tận phương pháp tu tập Bồ đề tâm như thế nào. Thế nhưng, để thích ứng cho những sự tu tập này, hành giả trước tiên phải được tập luyện nhiều loại tâm chí đã được đề cập trước đó, như quán sát

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

54

những sự lợi ích của sự phát Bồ đề tâm, tu trì bảy chi cúng dường, quy y, v.v..., để điều phục, tu tâm, và sau khi hiểu rõ ý nghĩa của sự tu tập, hành giả sẽ phát khởi ý nguyện muốn thọ trì Bồ đề tâm. Có người nói đúng, dù chỉ là một lời nói xuông: "Nếu muốn tu đạo tiến bộ, chúng ta cần phải tăng gia sự hiểu biết về Tánh không." Còn như: "Muốn tu đạo tiến bộ, trước tiên cần phải tu tập Bồ đề tâm, dùng một loại phương thức thù thắng để cho tâm này hướng thượng phát triển", thì chẳng thấy người nào nói đến, dù chỉ là lời nói xuông! Hiện Quán Trang Nghiêm Luận nói đến hai mươi hai loại phát tâm (Bồ đề), là đạo lộ duy nhất mà tất cả bậc Chiến Thắng đã dấn bước. Cho nên, chúng ta cần phải từ luận thích của các bậc tiền bối mà nhận thức được ý nghĩa "dùng tâm Bồ đề và Không tuệ (trí tuệ tương ưng với Tính Không) để đề thăng sự tu tập1." L3. Tu tập quyết tâm dũng mãnh. Sau khi tu tập tâm từ và tâm bi, hành giả cần phải suy ngẫm như sau: "Ôi, các hữu tình thân thương này thiếu thốn sự an lạc, bị các loại thống khổ dày vò, ta phải làm thế nào cho họ được lìa khổ được vui?" Ít nhất cũng

1 Trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận nói về hai mươi loại phát tâm là đem Bồ tát phàm phu (dị sinh), từ sơ phát tâm siêu phàm nhập thánh, cho đến khi viên mãn quả Phật, trong khoảng trung gian, công đức của Bồ đề tâm chia làm hai mươi hai tầng bậc, và đối với mỗi loại công đức của Bồ đề tâm đem một sự vật ra làm thí dụ.

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

55

phải dùng ý tưởng này để tu tập, khiến cho chúng ta có thể gánh vác trách nhiệm to lớn là độ thoát tất cả hữu tình. Phương pháp quán tưởng này, trong phần Tu tập tâm báo ơn ở trên tuy đã mô tả, nhưng ở đây cần phải chỉ rõ, nếu chỉ có tâm từ bi mong muốn "nếu chúng sinh có thể lìa khổ được vui thì tốt quá" thì chưa đủ. Cho nên loại ý tưởng đảm đang trách nhiệm rộng lớn hiển thị sự kiện cần phải phát khởi tâm từ bi kiên cố có năng lực dẫn sinh "tôi muốn thành tựu lợi lạc cho tất cả hữu tình." Nếu chúng ta không những tu tập trong những thời thiền quán, mà còn tu tập trong tất cả các thời gian hoạt động khác, thì sự tu tập này sẽ trở nên vô cùng hiệu quả. Ngài Liên Hoa Giới, trong Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Trung biên), nói:

Tu tập tâm bi đối với hữu tình trong mọi thời khắc, hoặc lúc tu thiền định, hoặc trong bất cứ hoạt động nào.

Ở đây đề cập đến tâm bi, chỉ là một ví dụ, hành giả có thể áp dụng phương pháp tu tập này vào bất cứ đề mục tu tập nào khác. Ngài Nguyệt Quan trong Sám Hối Tán (Praise of Confession, Skt. Deśanā-stava) nói:

Tâm thọ (Anh: tree of the mind) từ vô thỉ đến nay đã được tưới tẩm tràn đầy bởi nước phiền não, mùi vị không thể biến thành cam lộ, làm sao một giọt nước công đức mà có thể ảnh hưởng nó.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

56

Ý muốn nói rằng chúng ta không thể làm một cây Tig-ta (Hán: đế đinh 蒂丁) to lớn (bổn tính rất đắng) trở nên ngọt ngào bằng cách chỉ nhỏ một giọt đường (vào gốc cây). Tương tự, chỉ tu tập một chút ít công đức với tâm từ và tâm bi, v.v..., thì không thể khiến cho cái tâm đã chứa chất đầy phiền não tương tục từ vô thỉ đến nay trở nên cải biến, cho nên chúng ta cần phải nỗ lực tu tập không ngừng. J2. Tu tập tâm mong cầu Bồ đề. Sau khi thọ nhận sự sách tấn bởi những lời dạy ở trên, chúng ta sẽ thấy cần phải giác ngộ mới có thể làm lợi lạc hữu tình, do đây chúng ta sẽ sinh khởi tâm mong cầu đạt đến sự giác ngộ. Thế nhưng, như vậy vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải, giống như phần Quy Y ở trên đã nói, trước tiên suy ngẫm về công đức và sự nghiệp của thân khẩu ý của đức Phật, tận lực tăng cường lòng tin thanh tịnh của chính mình. Như trong kinh luận đã nói, lòng tin là chí tâm phát khởi cầu chứng được công đức này, và phải hiểu rằng, dù là "tự lợi", cũng tuyệt đối cần phải có cơ sở căn bổn là ý nguyện cầu chứng đắc "nhất thiết chủng trí." Tuy phát tâm Bồ đề có nhiều loại nhân tố, nhưng trong Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Sơ biên), đã dẫn dụng Trí Ấn Tam Ma Địa Kinh (Concentration of the Tathāgata's Sublime Wisdom Gesture Sūtra, Skt. Tathāgata-jñāna-mudrā-samādhi-sūtra) nói: "Do tâm (đại) bi kích phát, dùng lực lượng của chính mình để phát khởi, đây là thù thắng nhất."

3. Pháp tu Bảy tầng nhân quả

57

J3. Nhận thức thành quả tu tập là phát Bồ đề tâm. Định nghĩa tổng thể của Bồ đề tâm là nương vào phần trên dẫn dụng Hiện Quán Trang Nghiêm Luận để nói lên ý nghĩa "phát Bồ đề tâm tức là vì muốn lợi tha mà cầu Chánh giác Viên mãn." Đối với sự phân loại Bồ đề tâm, Nhập Bồ Tát Hành Luận, y cứ vào Hoa Nghiêm Kinh cho rằng tâm Bồ đề có hai loại là Nguyện và Hành, giống như sự khác biệt giữa hai tình huống "dự định đi" và "đang đi." Người trí cần phải biết phân biệt sự trước và sau của hai tâm này.

Nên biết hai tâm này, Khác biệt nhau như là, Người đang dự định đi, Và người đã dấn bước. (Phẩm 1, kệ 16)

Tuy có nhiều loại thuyết pháp khác nhau về hai tâm này, nhưng cần phải biết rằng, nếu chúng ta phát khởi lòng mong muốn "nguyện thành Phật", hoặc "phải thành Phật", để làm lợi lạc tất cả hữu tình, bất luận là chúng ta có tu tập các công hạnh bố thí, v.v..., hay không, chỉ cần chúng ta chưa thọ giới (Bồ tát) thì là "nguyện Bồ đề tâm." Sau khi thọ trì Bồ tát luật nghi, thì tâm này trở thành "hành Bồ đề tâm." Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Sơ biên) nói:

Lần đầu tiên sinh khởi ý nguyện "vì lợi ích hữu tình nên nguyện thành Phật", tức là nguyện Bồ đề tâm. Sau khi thọ Bồ tát luật nghi, tu học tích tập hai loại tư lương: phước đức và trí tuệ, tức là hành Bồ đề tâm.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

58

Đối với quan điểm này, tuy có nhiều sự tranh luận, nhưng ở đây chúng ta sẽ không giải thích chi tiết.

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

59

4. Pháp tu hoán đổi mình và người H2. Nương vào giáo pháp của Bồ tát Tịch Thiên mà tu học. Sự tu học nương vào giáo pháp của ngài Tịch Thiên có ba phần: (1) Suy ngẫm về sự lợi ích của pháp hoán đổi mình và người, và sự họa hoạn nếu không tu. (2) Nếu tu tập ý tưởng này thì có thể hoán đổi mình và người. (3) Trình tự tu tập pháp hoán đổi mình và người. I1. Suy ngẫm về sự lợi ích của pháp hoán đổi mình và người, và sự họa hoạn nếu không tu. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu muốn được mau chóng, Cứu hộ ta và người, Nên tu "tự tha hoán", Bí quyết rất tuyệt vời. (Phẩm 8, kệ 120)

Lại nói:

Tất cả vui trên đời, Đều do lợi người sinh, Tất cả khổ trên đời, Do tự lợi mà thành. Đâu cần phải dài lời, Phàm phu cầu tự lợi, So với Bậc lợi tha, Công đức xa vời vợi.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

60

Nếu không chân thật đem, Vui mình thay khổ người, Không những không thành Phật, Sinh tử cũng không vui. (Phẩm 8, Kệ 129-131)

Cho nên chúng ta suy ngẫm rằng "thương chính mình" (ích kỷ tự lợi, lấy tự ngã làm trung tâm) chỉ là cánh cửa đưa đến sự khổ não, còn "yêu kẻ khác" thì là căn bổn cho sự thành tựu tất cả phước lợi mỹ mãn. I2. Nếu có thể tu tập ý tưởng này thì có thể hoán đổi mình và người. Ví dụ như trường hợp biến kẻ thù thành người thân. Lúc ban đầu, chúng ta chỉ cần nghe tên kẻ thù là đã cảm thấy lo sợ, thế nhưng, sau khi sự giao hảo bắt đầu tốt đẹp, và trở thành bạn thân, thì khi xa cách người đó, chúng ta sẽ trở nên vô cùng buồn bả. Cho nên, tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyển biến của nội tâm. Tương tự, nếu chúng ta có thể luyện tập quán sát thái độ hiện nay của chúng ta đối xử với kẻ khác để đối xử với chính mình, quán sát thái độ hiện nay của mình đối xử với chính mình để đối xử với người khác, thì chúng ta có thể thực hành pháp tu "hoán đổi mình và người." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Thấy khó không lùi bước, Mọi việc đều do (thói) quen, (Như) xưa, nghe tên (kẻ thù thì) sợ hãi, (Ở) gần lâu, (trở) thành bạn hiền. (Phẩm 8, kệ 119)

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

61

Và,

Thân ta (hoán) đổi thân người, Như thế cũng không khó. (Phẩm 8, kệ 112cd)

Hỏi: Thân thể của người khác không phải là thân thể của chúng ta, làm sao có thể sinh khởi ý tưởng đối đãi kẻ khác như chính mình? Đáp: Thân thể chúng ta là do tinh cha huyết mẹ sinh ra. Mặc dù thân này là một phần thân thể của kẻ khác, nhưng chúng ta do vì tập quán đời quá khứ ảnh hưởng, cho nên chấp trước đây là thân thể của mình. Tương tự, nếu như chúng ta có thể yêu quý thân thể của kẻ khác như yêu quý thân thể của mình, thì tự nhiên có thể dùng thái độ đối với tự thân để đối đãi kẻ khác. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Tuy tinh cha, huyết mẹ, Vốn không phải thân ta, Vì tập khí chấp trước, (Nên) nhận tinh huyết là ta. (Phẩm 8, kệ 111)

Cần phải suy tư cặn kẻ về lợi ích của sự yêu quý kẻ khác và tai hại của sự yêu quý bản ngã. Như vậy, chúng ta có thể chân thực ưa thích pháp hoán đổi mình và người. Sau đó, chúng ta sẽ thấy rằng, sau khi quen thuộc đối với lối suy tưởng này, thì sẽ có thể chân thực sinh khởi tâm hoán đổi mình và người.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

62

I3. Trình tự tu tập pháp hoán đổi mình và người. Ý nghĩa của câu "hoán đổi mình và người" (đem mình làm người khác, đem người khác làm mình), không phải nói là tu tập một loại quán tưởng rằng "mình là người khác", hoặc "mắt, v.v..., của người khác là của mình", mà là hoán đổi hai loại tâm thái "yêu mình", "khinh người khác", bồi dưỡng tâm thái "yêu thương người khác như yêu thương chính mình", "bỏ mặc (Anh: neglecting) chính mình như mình đã bỏ mặc người khác." Cho nên, ngài Tịch Thiên cho rằng chúng ta phải "hoán đổi sự an lạc của mình với sự thống khổ của người khác", ý muốn nói rằng chúng ta nên xem sự "yêu thương chính mình" như kẻ thù, không còn xem trọng sự an lạc của chính mình, cần phải xem sự "thương yêu kẻ khác" là công đức, không thể không nhìn thấy sự thống khổ của kẻ khác, và cần phải xem trọng sự diệt trừ thống khổ cho người khác. Nói tóm, ý nghĩa của sự giảng thuyết là muốn chúng ta cần phải diệt trừ sự thống khổ của kẻ khác và không màng đến sự an lạc của chính mình. Chướng ngại của sự tu tập "hoán đổi mình và người" có hai loại: 1. Chướng ngại thứ nhất là đem sự hạnh phúc hoặc đau khổ phân làm hai loại: của mình và của kẻ khác, xem chúng hoàn toàn khác nhau, tựa như màu xanh và màu vàng. Sau đó, đối với những gì mà mình nhận là "của ta" thì nghĩ đến việc thành tựu sự hạnh phúc và diệt trừ sự đau khổ, còn những gì mà mình

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

63

nhận là "của kẻ khác" thì bỏ mặc, không quan tâm đến sự hạnh phúc hoặc đau khổ của họ. Cho nên, phương pháp để đối trị chướng ngại này, chúng ta không nên xem "của ta" và "của kẻ khác" có tính chất khác biệt, mà ngược lại, cần phải nhận thức rằng "mình" và "kẻ khác" nương tựa nhau để sinh tồn. Chỉ cần cảm giác về "mình" thì tự nhiên sẽ có cảm giác về "kẻ khác", và khi có cảm giác về "kẻ khác" thì tự nhiên cũng sẽ có cảm giác về "mình." Điều này cũng giống như cảm giác về ngọn núi này và ngọn núi kia, tùy vào vị trí hiện thời của chúng ta, mà chúng ta có cảm giác ngọn núi ở xa là "núi kia", thế nhưng, sau khi chúng ta đi đến ngọn "núi kia", thì lại có cảm giác nó (núi kia lúc trước) là ngọn "núi này." Cho nên, đối với cảm giác "mình, kẻ khác" không giống như cảm giác về màu sắc, bất luận đối với người nào nhìn thấy, màu xanh chỉ có thể sản sinh cảm giác màu xanh, mà không thể sản sinh cảm giác màu nào khác. Ngài Tịch Thiên trong Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Tu tập "tự tha bình đẳng", Bồ đề tâm trở nên kiên cố. "Tự, tha" nương tựa vào nhau (mà giả lập tên gọi), giống như bờ sông bên này và bờ sông bên kia (của một dòng sông) là hư vọng không thật (chỉ là tên gọi tương đối). Bờ bên kia không phải "vốn là" bờ bên kia, bởi vì, đối với cái nhìn của người bên bờ kia, thì "bờ bên kia" là "bờ bên này." Tương tự, "tự (mình)" cũng không phải tự nó tồn tại, mà từ cái nhìn của người khác, cái "tự" này chính là "tha (kẻ khác)."

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

64

Điều này muốn nói rằng "tự" và "tha" chỉ là y cứ vào nơi xuất sinh mà an lập giả danh, không phải tự tính vốn là như vậy.

2. Chướng ngại thứ hai cần phải trừ khử là ý tưởng cho rằng: "sự thống khổ của kẻ khác không tổn hại gì đến mình, cho nên không cần phải nỗ lực trừ khử." Điều này giống như cho rằng sự thống khổ của tuổi già (của mình) không tổn hại gì đến thời thanh niên (của mình), cho nên không cần nhân vì lo sợ đến già sẽ khổ cho nên hiện tại cần phải tích tụ tài sản. Hoặc giống như Nhập Bồ Tát Hành Luận nói: "Do vì xem [bàn] chân là 'kẻ khác' (nghĩa là xem [bàn] tay và [bàn] chân của mình là hoàn toàn khác biệt), cho nên không cần phải dùng [bàn] tay để trừ khử sự thống khổ của [bàn] chân." Tuổi già tuổi trẻ, đời này đời sau cũng chỉ là một trong những ví dụ này. Lập luận này có thể dùng trong các tình trạng "hôm trước, hôm sau", hoặc "năm ngoái, năm sau", v.v... Hỏi: Tuổi già và tuổi trẻ của một người thuộc về cùng một loại tương tục, tay và chân cũng thuộc về cùng một loại tụ hợp (thân thể), cho nên không thể xếp cùng loại với tự và tha (mình và kẻ khác). Đáp: Tương tục và tụ hợp lẽ nào chẳng phải là sự vay mượn của nhiều "sát na" và nhiều loại "bộ phận" (Anh: parts) mà giả lập. Chúng không có tự tính độc lập. Cái "ngã" của chúng ta và cái "ngã" của kẻ khác cũng cần phải vay mượn một loại tụ hợp và tương tục (nào đó) mới có thể an lập. Cho nên tự (mình) và tha (kẻ khác)

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

65

không phải do một loại thể tính riêng biệt (có thể tự an lập) nào đó mà được thành lập. Thế nhưng, do vì chúng ta từ vô thỉ đến nay đã tập quán sự "ái ngã" (yêu chính mình), cho nên không thể nhận thọ sự đau khổ đến với mình. Giả như chúng ta tập quán sự "ái tha" (yêu kẻ khác), thì có thể sinh khởi lòng bất nhẫn đối với sự khổ của kẻ khác.

Sau khi dùng phương pháp này để đoạn trừ chướng ngại của sự tu tập "hoán đổi tự tha", phương pháp chánh thức tu tập như sâu: Do vì tham luyến tự ngã, sự ái chấp tự ngã, trong sự luân hồi sinh tử từ vô thỉ đến nay đã tạo tác không biết bao nhiêu sự việc tổn hại. Tuy chúng ta xem trọng sự lợi ích của bản thân, trong vô lượng kiếp đã dùng những thủ đoạn bất chánh, muốn đạt được sự tận thiện tận mỹ cho chính mình, thế nhưng đối với sự lợi ích chính mình và lợi ích kẻ khác, vẫn chưa thành tựu được điều gì. Chúng ta không những không đạt được thành quả tự lợi lợi tha, mà lại còn phải nhận chịu bao nhiêu thống khổ. Giả như chúng ta có thể đem tâm "lợi mình" chuyển thành "lợi người", thì chắc chắn chúng ta đã sớm thành Phật, và đồng thời đã thành tựu viên mãn sự nghiệp tự lợi lợi tha. Thế nhưng, do vì chúng ta đã không làm như vậy, thành thử mới luống uổng thời gian, khó khăn khổ nhọc mà chẳng làm được gì. Chúng ta cần phải quyết tâm, suy ngẫm như thế này: "Hiện nay ta đã nhận rõ tai hại của sự 'yêu chính mình' và lợi ích của sự 'yêu kẻ khác', cần phải nương vào chánh niệm, chánh tri, tận lực trừ khử ngã chấp (là

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

66

kẻ thù lớn nhất của chúng ta), và quyết định sẽ không để cho tâm này có cơ hội tái phát sinh." Phải thường xuyên sử dụng phương pháp này để đoạn trừ tâm "yêu chính mình." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Trong sinh tử, ngã chấp, Bao lần hảm hại ta. Tâm! Ngươi muốn tự lợi, Thế nhưng bao số kiếp, Từng chịu bao gian nan, Chấp ngã chỉ tăng khổ. (Phẩm 8, kệ 154cd-155)

Lại nói:

Nếu ngươi (tâm) từ xa xưa, Chỉ làm việc lợi tha, Nay chắc không gặp khổ, Mà đã chứng Phật Đà! (Phẩm 8, kệ 157)

Cho nên, không thể ôm giữ tâm "yêu chính mình", cũng không duy trì tập khí "yêu chính mình", mà cần phải thường thường tu tâm, học tập phương pháp dùng thân thể, tài sản, thiện căn của mình, mạnh dạn bố thí cho tất cả hữu tình. Hơn nữa, chúng ta cần phải làm lợi ích cho những người đã thọ nhận sự bố thí (của chúng ta), không nên làm tổn hại họ. Bởi thế, chúng ta cần phải đoạn trừ ý tưởng dùng thân thể, tài sản và thiện căn (của mình) để mưu cầu tự lợi. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Này tâm, ngươi nên biết,

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

67

Ta đã thuộc (về) người khác, Ngươi phải rải lòng thương, Đừng nên nghĩ tự lợi. Chớ dùng mắt kẻ khác, Để làm lợi cho mình, Cũng không được đem chúng, Làm ác, hại chúng sinh. (Phẩm 8, kệ 137-138)

Giả như chúng ta xả bỏ ý tưởng dùng thân thể (tài sản, thiện căn) của mình để làm việc lợi tha, mà lại nghĩ rằng phải lợi dụng chúng để thành tựu tự lợi, hoặc dùng chúng làm trợ duyện để tổn hại thân, ngữ, ý của kẻ khác, thì phải nên suy ngẫm rằng "trong quá khứ những ý tưởng như vậy đã đem đến cho mình bao nhiêu thống khổ", và mượn đạo lý đã suy ngẫm mà đoạn trừ ý tưởng tự lợi hoặc hại người. Nếu chúng ta vẫn còn bị dẫn dắt bởi những hành vi hư dối (tuồng như lợi ích chúng sinh), bị thao túng bởi cái tâm hư ngụy (giả vờ thương người), thì điều này chỉ đưa đến cho chúng ta những sự đau khổ không thể nhẫn chịu được. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Xưa bị ngươi (tâm ích kỷ) thống trị, Nay ta đã giác ngộ, Bất luận đến nơi nào, Đều phá kiêu mạn (của) ngươi. Ngươi chớ nên nghĩ rằng, Ngươi vẫn còn quyền lợi, Ngươi đã bị (ta) bán đứng, Chớ than, phải tận lực.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

68

Nếu ta còn phóng dật, Chưa đem ngươi cho người (khác), Ngươi chắc đã đem ta, Mà bán cho ngục tốt. Ngươi đã từng bao phen, Làm ta khổ triền miên, Nay nhớ oán hận xưa, Quyết giết tâm ích kỷ. (Phẩm 8, kệ 169-172)

Tương tự, nếu chúng ta thường xuyên suy ngẫm về lợi ích của sự "yêu kẻ khác", thì từ trong đáy tim có thể sinh khởi sự thiết tha nồng nhiệt. Dứt trừ tâm "hiện đang bỏ phế" kẻ khác, và giữ cho chúng không còn sinh khởi trở lại. Tận lực dùng cái nhìn thân thiết để nhìn thấy kẻ khác khả ái, khả thân, thì chúng ta có thể dẫn sinh thái độ trân ái kẻ khác giống như trân ái chính mình trước đó. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Thương người như thương mình. (Phẩm 8, kệ 136d) Muốn dẫn sinh (loại) tâm thái "trân ái hữu tình" này, thì chúng ta nhất định phải nhớ tưởng đến ân đức của họ, hoặc nhận thức rõ sự trợ giúp của họ đối với chúng ta. Giống như một nông phu, nếu biết rõ việc gieo hạt giống xuống ruộng đất phì nhiêu sẽ thu hoạch được hoa quả tươi tốt, thì họ sẽ vô cùng quý trọng mảnh ruộng đất phì nhiêu này. Tương tự, nếu chúng ta biết rõ gieo trồng hạt giống bố thí, v.v..., xuống những ruộng phước hữu tình sẽ sinh trưởng phước lạc hiện đời và

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

69

phước lạc cứu cánh, thì chúng ta sẽ trên ái kẻ khác (chúng sinh). Cho nên chúng ta cần phải suy ngẫm về đạo lý này. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Chúng sinh, Phật đều là, Nhân duyên giúp thành Phật, Kính Phật, khinh chúng sinh, Lẽ nào có lý này? (Phẩm 6, kệ 113)

Ý muốn nói rằng, sát hại hữu tình sẽ đưa chúng ta đọa vào ba ác đạo, cứu hộ kẻ khác khỏi sự sát hại sẽ được thác sinh vào cõi lành và được trường thọ. Tương tự, trộm cắp tài vật hoặc bố thí tài vật, sinh khởi tâm sân hoặc tu tập tâm từ bi, cũng sẽ đưa chúng ta đọa vào ác đạo hoặc sinh về cõi lành. Đặc biệt suy ngẫm rằng chúng ta cần phải chuyên tâm duyên vào chúng sinh hữu tình thì mới có thể phát Bồ đề tâm, vì muốn lợi ích chúng sinh hữu tình mà tu tập Bồ tát hạnh, đạt thành Phật quả. Tất cả những sự việc này đều là nương nhờ vào hữu tình. Cần phải y chiếu vào các bài kệ (như "làm cho hữu tình vui", v.v...). Suy ngẫm về sự tu tập bố thí, v.v..., cũng cần phải y tựa vào hữu tình thì mới đạt được viên mãn. Ngài Long Thọ trong Thích Bồ Đề Tâm Luận (Essay on the Spirit of Enlightenment, Skt. Bodhicitta-vivaraṇa) nói:

Quả báo tốt và xấu của thiện thú và ác thú trên thế gian đều là từ sự lợi ích hữu tình và tổn hại hữu tình mà sản sinh. Nếu như Phật quả Vô thượng còn phải nương tựa vào hữu tình mới được thành đạt, thì đâu có gì lạ

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

70

khi tài vật của trời người, sự thọ dụng của Phạm thiên, Đại tự tại thiên và Hộ thế (Anh: Worldly protectors) đều là do sự lợi ích hữu tình mà đạt được. Tất cả các loại thống khổ mà các loài hữu tình: bàng sinh, ngạ quỷ, địa ngục, v.v..., nhận thọ đều là đến từ sự tổn hại chúng sinh hữu tình.

Tất cả các sự thống khổ vô cùng vô tận, không thể kham nhẫn, như bị đói khát, đánh đập, hành hạ, v.v..., đều là quả báo của sự tổn hại hữu tình.

Do vì hàng Thanh văn không xem trọng sự lợi tha, cho nên quả đức của họ thấp kém, ngược lại, chư Phật do vì xem trọng sự lợi tha, cho nên có thể đạt đến quả vị cứu cánh. Có người cho rằng nếu chúng ta đã từng suy ngẫm về đạo lý này, thì sẽ không còn tham luyến sự tự lợi, dù chỉ trong một sát na. Thích Bồ Đề Tâm Luận nói:

Cần phải xả bỏ tâm "bỏ mặc chúng sinh" như xả bỏ độc vật. Thanh văn chúng đắc quả vị thấp kém, phải chăng là do họ thiếu tâm quan hoài đến chúng sinh? Do vì Chánh giác Phật đà không xả bỏ hữu tình, cho nên chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

71

Bồ tát, sau khi nhận rõ quả báo của sự lợi ích và sự không lợi ích hữu tình, mà vẫn còn sinh khởi, dù một sát na, tâm tham luyến tự lợi hay sao?

Cho nên, sau khi Bồ tát biết rõ sự chuyên tâm lợi tha và quả vị Bồ đề thật sự là từ hạt mầm của tâm Bồ đề sản sinh, và sau khi họ thấy được tâm Đại bi là căn bổn của tâm Bồ đề, thì họ sẽ nỗ lực mạnh mẽ tu tập tâm bi. Sau khi họ đã triệt để tu tập, tâm bi và tâm Bồ đề sẽ trở nên mười phần kiên cố, do đây không thể nào không tu học những hạnh nguyện rộng lớn khó khăn. Thích Bồ Đề Tâm Luận nói:

Quả giác Bồ đề của sự chuyên chí lợi tha là từ hạt mầm của tâm Bồ đề (dùng tâm Bi kiên cố làm căn bổn) mà sinh trưởng, đây tức là sự việc mà Phật và Bồ tát cần phải tu tập. Những người tu tập kiên cố, lúc ban sơ, tuy sợ hãi sự thống khổ của kẻ khác, nhưng sau đó, ngay cả sự khoái lạc của thiền định cũng có thể xả bỏ mà can đảm đi vào địa ngục vô gián. Đây là kỳ công đáng được xưng tán! Đây là con đường Thắng Diệu của bậc Thắng Sĩ!

Hiện nay chúng ta cũng cần phải thải dụng những lời dạy tốn đẹp của các bậc tiên hiền đại đức để sinh khởi định giải đối với những pháp môn này.

Ngài Atisha nói: "Chỉ có người Tây Tạng mới biết những Bồ tát không biết cách tu tập tâm từ và tâm bi."

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

72

Có người bèn hỏi rằng: "Như vậy, Bồ tát tu trì cách nào?" Ngài trả lời: "Họ phải tuần tự tu tập từ đầu." Ngài Lang-ri-tang-ba nói: "Ngài Sha-bo-ba và tôi có mười tám phương tiện ngựa và một phương tiện người. Tổng cộng là mười chín2. Một phương tiện người, đơn giản là phát tâm Bồ để, tất cả những sự tu tập đều là vì lợi ích chúng sinh hữu tình. Phương tiện ngựa tức là "yêu chính mình", khiến cho tâm Bồ đề chưa sinh khởi sẽ không sinh khởi, đã sinh khởi sẽ không thể kiên trụ, không thể tăng cường. Cho nên chúng ta cần phải dùng mọi biện pháp để phá hoại nó (yêu chính mình), cần phải yêu quý chúng sinh, tận lực lợi ích chúng sinh." Ngài Nal-jor-ba-chen-bo giải thích với Geshe Drom-don-ba là ngài đã đạt được các loại tam ma địa bình đẳng (Anh: energy balance), nội nhiếp (Anh: absorb), v.v... Geshe Drom-don-ba trả lời: "Dù ngài có tu tập thiền định đến trình độ trống đánh bên tai cũng không bị nhiễu loạn, nhưng nếu không có tâm từ, tâm bi và tâm Bồ đề, thì sẽ bị thác sinh vào các cõi (không xứng ý), mà muốn tránh khỏi điều này, ngài phải sám hối ngày đêm." Ngài Drom-don-ba nghĩ rằng phương pháp tu tập của ngài Nal-jor-ba-chen-bo sẽ đưa ngài ấy thác sinh vào các cõi thiếu điều kiện tu học Phật pháp (Hán: 2 Ngài Ngag-dbang-rab-brtan giải thích rằng phương tiện người là chỉ cho việc bảo hộ thân hữu, và phương tiện ngựa là chỉ cho việc chiến thắng kẻ thù. Thân hữu của chúng ta tức là chúng sinh hữu tình (là nhân của tâm Bồ đề). Mười tám là chỉ cho số nhiều. Còn "phương tiện ngựa" có nghĩa của là chúng ta chỉ có một kẻ thù, đó chính là "ái ngã chấp."

4. Pháp tu hoán đổi mình và người

73

vô hạ, Anh: lacking of leisure), chẳng hạn như cõi vô sắc định, v.v... Ngài Kam-lung-ba nói: "Bởi vì chúng ta không quan tâm đến hữu tình, là những đối tượng vô cùng tôn quý, cho nên họ cũng đối xử với chúng ta như vậy (nghĩa là không đem đến cho chúng ta công đức của sự tu tập)." Bất luận là chúng ta có trồng gốc rễ Đại thừa hay không, hoặc chúng ta có chân thật tiến nhập Đại thừa hay không, đều đặt nền tảng trên đây (từ, bi, và yêu quý kẻ khác, v.v...). Cho nên cần phải thường xuyên khảo xét xem chúng ta cần phải làm những gì để khiến cho những tâm thái này sinh khởi. Nếu có thể sinh khởi thì đây là điều tuyệt diệu, còn giả như chưa thể sinh khởi, thì không thể để cho tình trạng này tiếp tục kéo dài. Chúng ta cần phải thường xuyên thân cận các vị thiện tri thức khai thị loại giáo pháp này. Thường xuyên giao tiếp với các bạn đạo cũng đang tu tập loại giáo pháp này. Thường xuyên tìm tòi kinh luận giảng giải về loại giáo pháp này. Tích tập tư lương để tạo thành nhân tố sinh khởi những tâm thái này. Hơn nữa, nếu chúng ta có thể y chiếu loại phương pháp tu tập này, thì nhất định có thể sinh khởi hạt giống cho những tâm thái này, cho nên đây tuyệt đối không phải là một sự việc nhỏ nhoi, mà cần phải hoan hỷ phụng hành. Ngài Atisha trong Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Ngữ Tập (Concise Written Method of Achieving the Mahāyāna Path, Skt. Mahāyāna-patha-sādhana-varṇa-saṃgraha) nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

74

Những hành giả muốn tiến nhập ngưỡng cửa giáo pháp Đại thừa, cần phải không tiếc dùng thời gian nhiều kiếp nỗ lực phát khởi Bồ đề tâm. Giống như thái dương trừ khử bóng tối, và giống như mặt trăng trừ diệt nóng bức.

G3. Tiêu chuẩn phát khởi tâm Bồ đề. Nên biết tiêu chuẩn của sự phát tâm Bồ đề giống như phần trên đã nói qua.

5. Nghi quỹ thọ pháp

75

5. Nghi quỹ thọ pháp G4. Làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ Bồ đề tâm. Ngài Atisha, trong Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Ngữ Tập, đã từng nói:

Người hy vọng tu học (Đại thừa), sau khi phát tâm, cần phải trường kỳ nỗ lực tu học tâm từ, v.v..., dùng đây để trừ khử tham lam, tật đố, và dùng nghi quỹ chính xác để phát khởi tâm Bồ đề.

Sau khi chúng ta đã y theo phương pháp này để tu học, đạt được định giải kiên cố đối với sự phát tâm Bồ đề, thì cần phải tham dự nghi quỹ thọ trì (sự phát tâm Bồ đề). Phần giải thích làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ tâm Bồ đề có ba phần: (1) Chưa được (Bồ đề tâm) khiến đạt được. (2) Sau khi đạt được, thủ hộ không cho suy thoái (Chương 6). (3) Phương pháp khôi phục nếu có sự suy thoái (Chương 6). H1. Chưa được (Bồ đề tâm) khiến đạt được. Chưa được (Bồ đề tâm) khiến đạt được, chia làm ba phần: (1) Đối với vị thầy truyền thọ Bồ đề tâm. (2) Đối với hành giả thọ thủ Bồ đề tâm. (3) Làm cách nào dùng nghi quỹ thọ thủ Bồ đề tâm. I1. Đối với vị thầy truyền thọ Bồ đề tâm.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

76

Ngài Atisha, trong Tôn Trưởng Sở Tác Thứ Đệ (Stages of the Activities of the Guru, Skt. Guru-krīyā-krāma), chỉ đề cập đến "cần phải ở nơi vị A xà lê đầy đủ phẩm hạnh mà thọ Bồ đề tâm", ngoài ra ngài không giải thích gì thêm. Các bậc tiên hiền đại đức cho rằng nếu chỉ có "nguyện Bồ đề tâm" và thọ trì học xứ của "hành Bồ đề tâm" thì vẫn chưa đủ, mà vị ấy cần phải đầy đủ "hành Bồ đề tâm luật nghi." Lối giải thích này phù hợp với ý nghĩa mà ngài Thắng Địch (Jetāri), trong Phát Bồ Đề Tâm Nghi Quỹ (Ritual for Generating the Spirit of Enlightenment, Skt. Bodhicittotpāda-samādāna-vidhi), đã nói: "Ở nơi vị thiện tri thức đã có đầy đủ Bồ tát luật nghi..." Thập Pháp Kinh (Ten Teaching Sūtra, Skt. Daśa-dharmaka-sūtra) có đề cập đến trong một số người, do những người khác, trong đó có Thanh văn, khuyến khích nhắc nhỡ mà phát tâm Bồ đề. Điều này muốn nói rằng những người này, trước tiên thọ nhận sự khuyến dụ của các Thanh văn phát tâm yếm ly sinh tử, sau đó mới do những người khác khuyến khích mà hồi tâm thọ thủ Bồ đề tâm, chứ không phải nói rằng do các Thanh văn chấp hành nghi quỹ truyền thọ Bồ đề tâm. I2. Đối với người thọ thủ Bồ đề tâm. Nói tổng quát, như ngài Thắng Địch Luận sư đã nói: "Thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân thân tâm kiện toàn (Anh: sound in body and mind) thì mới có thể thọ Bồ đề tâm." Cho nên tất cả trời, rồng, v.v..., nào mà thân tâm kiện toàn thích hợp phát khởi Bồ đề tâm, đều là những đối tượng thích đáng để thọ thủ Bồ đề tâm. Điều này

5. Nghi quỹ thọ pháp

77

phải như Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan (Commen- tary on the Difficult Points of the Lamp for the Path to Enlightenment, Skt. Bodhi-mārga-pradipa-pañjikā) nói: "Người thọ thủ Bồ đề tâm cần phải yếm ly sinh tử luân hồi, quán niệm sự chết, đầy đủ đại tuệ và đại bi." Cho nên những người nào đã y theo những lời dạy trên để tuần tự tu tập tâm ý, và đối với tâm Bồ đề đã đạt được ít nhiều thể nghiệm, thì mới có thể thọ trì tâm Bồ đề. I3. Làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ Bồ đề tâm. Làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ Bồ đề tâm có ba phần: (1) Nghi quỹ tiền hành. (2) Nghi quỹ chánh hành, (3) Nghi quỹ kết hành. J1. Nghi quỹ tiền hành. Nghi quỹ tiền hành có ba phần: (1) Tiến hành quy y đặc thù. (2) Tích tập tư lương. (3) Điều trị tâm ý. K1. Tiến hành quy y đặc thù. Tiến hành quy y đặc thù có ba phần: (1) Trang nghiêm giới đàn, an lập vị trí của Tam bảo, chưng bày phẩm vật. (2) Khuyến thỉnh và quy y. (3) Tuyên thuyết học xứ quy y. L1. Trang nghiêm giới đàn, an lập vị trí của Tam bảo, chưng bày phẩm vật.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

78

Thiết trí giới đàn trên một khoảnh đất bằng phẳng, ở một địa điểm cách xa những chúng sinh tội ác (Anh: sinful beings), sau đó dùng năm vật từ thân thể của loại bò vàng3, và các loại nước thơm để rải và phết trên mặt đất. Sau đó rải lên các loại hoa thơm. Kế đến, an trí các tôn tượng tượng trưng cho Tam bảo, làm bằng đồng, bằng sắt, hoặc bằng các loại vật liệu khác. Lại an trí những pho kinh điển và các hình tượng Bồ tát, trên các bảo tòa, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc trên mặt bằng. Tùy theo khả năng, tận lực chưng bày các loại tràng phan, bảo cái, v.v..., và các loại hoa tươi, v.v... Cũng lại phải dự bị các loại nhạc khí, ẩm thực, và các món vật trang sức, v.v... Sau đó dùng hoa tươi trang sức pháp tòa của vị thiện tri thức truyền thọ Bồ đề tâm. Các vị tiên hiền đại đức cho rằng hành giả cần phải trước tiên tích tập tư lương bằng cách cúng dường Tăng già, thí thực cho quỷ thần. Như trong Hiền Kiếp Kinh (Sūtra of the Auspicious Eon, Skt. Bhadra-kalpika-sūtra) có nói: "Nếu chúng ta không có phẩm vật để cúng dường, thì chỉ cần một mảnh vải cũng đủ hoàn thành sự cúng dường, còn như nếu chúng ta có tài sản, thì không được hư dối, mà phải ân trọng tìm cầu phẩm vật cúng dường, và sau đó chưng bày long trọng, khiến cho những người bạn đạo phải kinh ngạc tán thán, cho là hiếm có." Thuở ấy, khi các thiện tri thức Tây Tạng tại các vùng Sam-ye và Mang-yul thỉnh ngài Atisha truyền thọ

3 Năm vật là: phân, nước tiểu, sữa (Anh: milk, Hán: nhũ), lạc (Anh: yogurt), và tô (bơ, Anh: butter).

5. Nghi quỹ thọ pháp

79

phát Bồ đề tâm, ngài bảo rằng họ không thể phát Bồ đề tâm bởi vì họ cúng dường phẩm vật quá thấp kém. Ngài lại nói rằng đối với các biểu tượng của Tam bảo, chúng ta cần phải có (không thể thiếu sót) một tôn tượng đã được khai quang (Anh: a consecrated image) của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, còn về kinh điển thì cần phải có một bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, ít nhất phải to bằng hoặc lớn hơn bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng (Verse Summary of the Perfection of Wisdom in Eight Thousand Lines, Skt. Ratna-guṇa-saṃcaya-gāthā). Sau khi hoàn tất những việc này, theo như lời giải thích trong Tôn Trưởng Sở Tác Thứ Đệ, hành giả cần phải cung thỉnh chư Thánh chúng, tụng niệm ba biến Cúng Dường Vân Đà La Ni (Clouds of Offering Formula, Skt. Dharma-megha-dhāraṇi)4 và tán tụng các ngài. Sau đó, hành giả (cầu thọ Bồ đề tâm) cần phải tắm gội, mặc y phục sạch sẽ, và quỳ xuống chắp tay cung kính. Bậc đạo sư khai thị về công đức của các phước điền, khiến cho các đệ tử chí tâm sinh khởi lòng tin trong sạch, đồng thời dạy cho họ quán tưởng là đang ngồi trước mặt chư Phật Bồ tát, và chậm rãi tụng niệm bảy chi cúng dường. Phần lớn các học giả Tây Tạng xưa kia cho rằng nếu hành giả thọ thủ Bồ đề tâm theo hệ phái truyền thừa của ngài Long Thọ và Tịch Thiên thì mới tu bảy chi 4 Om namo bhagavate vajra-sāra-pramardaṇe tathāgatāya, arhatye samyak-saṃbuddhāya, tadyathā, om vajre vajre, mahā-vajre, mahā-teja-vajre, mahā-vidya-vajre, mahā-bodhi-citta-vajre, mahā-bodhi-maṇḍopa-saṃkramaṇa-vajre sarva-karmāvaraṇa-visodhana-vajre-svāha.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

80

cúng dường, còn nếu hành giả thọ thủ Bồ đề tâm theo hệ phái của ngài Di Lặc và Vô Trước thì chỉ cần tu tập hai chi là lễ bái và cúng dường. Đối với hệ phái sau, các vị ấy cho rằng "nếu hành giả tu tập sám hối nghiệp chướng, ắt phải có tâm truy hối (hối hận việc xưa), và như vậy sẽ cảm thấy áo não, mà hành giả thọ trì Bồ đề tâm cần phải có tâm hoan hỷ và phấn chấn." Thế nhưng đây là điều sai lầm. Ngài Atisha trong Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ (Ritual Procedures for the Spirit of Enlightenment and the Bodhisattva Vows, Skt. Cittopāda-saṃvara-vidhi-kra- ma) nói: "Lễ bái và cúng dường, v.v...", nghĩa là năm chi còn lại được bao hàm trong câu "v.v..." Ngài Atisha cũng nói rõ ràng trong Tôn Trưởng Sở Tác Thứ Đệ là hành giả cần phải tu tập bảy chi cúng dường trước khi phát tâm Bồ đề. Hơn nữa, nếu như hành giả chấp nhận lập luận trên (quan hệ đến tâm hối hận), thì phải nên thừa nhận rằng (hành giả) cũng không thể phát Bồ đề tâm trong hệ phái của ngài Long Thọ và Tịch Thiên. L2. Khuyến thỉnh và quy y. Trong Địa Tạng Thập Luân Kinh (Skt. Daśa-cakra-kṣitigarbha-nāma-mahāyāna-sūtra) cho rằng hành giả cần phải quán tưởng vị A xà lê truyền thọ Bồ đề tâm là đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, sau đó đảnh lễ ngài, trong tâm tưởng nghĩ ngài chính là Phật Thích Ca, sau đó, dâng hiến mạn đà la và các phẩm vật cúng dường. Kế đến, quỳ gối phải chấm đất, chắp tay cung kính niệm tụng văn Khải Thỉnh Bồ Đề Tâm ba lần như sau:

5. Nghi quỹ thọ pháp

81

Như chư Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác và chư Đăng địa Đại bồ tát, trong quá khứ, lúc tối sơ, đã từng phát khởi Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề tâm, nay con (tên là ...) cũng như vậy, thỉnh cầu A xà lê trợ giúp cho con phát khởi Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề tâm.

Sau đó tiến hành lễ quy y đặc thù cho trường hợp này. Đối tượng của sự quy y là: Phật, tức là chư Phật Thế Tôn; Pháp, tức là diệt đế và đạo đế của Đại thừa; và Tăng, tức là cộng đồng của các vị Bồ tát Bất thoái chuyển. Một cách tổng quát, phải nên tưởng nghĩ như sau:

Từ hiện tại cho đến khi chứng đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, vì muốn cứu hộ tất cả hữu tình, con xin quy y chư Phật làm bậc Đạo sư, con xin quy y Pháp làm nơi nương tựa chân thực, con xin quy y Tăng làm bạn trợ giúp cho sự quy y của con.

Ngoài ra, cần phải suy ngẫm như trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận (Lamp for the Path to Enlightenment, Skt. Bodhi-patha-pradīpa) đã nói: "Dùng tâm không thoái chuyển ...", cần phải dũng mãnh phát nguyện: "Con tuyệt đối không bao giờ thoái thất tâm quy y này", và tiến hành sự quy y trong tư thái đã được đề cập ở trên (quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính), tụng niệm văn Quy y bên dưới ba lần để tiếp tục sự quy y:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

82

Duy nguyện A xà lê lắng nghe, con tên là (...), từ hôm nay cho đến khi chứng đạt Vô thượng Bồ đề, xin quy y chư Phật Bạc Già Phạm Lưỡng Túc Tôn. Duy nguyện A xà lê lắng nghe, con tên là (...), từ hôm nay cho đến khi chứng đạt Vô thượng Bồ đề, xin quy y chư Pháp Tịch Tĩnh Ly Dục Pháp Trung Tôn. Duy nguyện A xà lê lắng nghe, con tên là (...), từ hôm nay cho đến khi chứng đạt Vô thượng Bồ đề, xin quy y Bất Thoái Bồ Tát Tăng Chúng Trung Tôn.

Mặc dù mỗi lần quy y một Bảo, có một sự khải thỉnh hộ niệm (Anh: a request for consideration), và văn cú của sự quy y Pháp cũng có sự khác biệt với lệ thường, nhưng tôi (Tsong Khapa) đã ghi lại nghi quỹ hành trì hoàn toàn đúng như lời dạy của ngài Atisha. L3. Tuyên thuyết học xứ quy y. Ở đây, A xà lê cần phải khai thị học xứ quy y như trong phần Hạ sĩ đạo đã giảng thuyết. K2. Tích tập tư lương. Liên quan đến nghi quỹ phát Bồ đề tâm, ngài Atisha, trong Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ, nói rằng vào thời điểm này, hành giả cần phải tiến hành lễ kính và cúng dường, v.v... Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan thì cho rằng hành giả cần phải tu tập bảy chi cúng

5. Nghi quỹ thọ pháp

83

dường, nhớ tưởng tất cả chư Phật Bồ tát, cùng các vị thiện tri thức quá khứ và hiện tại. Do đây biết rằng ban đầu, lúc cúng dường Tam bảo, thì đồng thời cũng phải cúng dường sư trưởng. Tu trì bảy chi cúng dường có thể nương vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện (Prayer of Samantabhara, Skt. Samantabhadra-caryā-praṇidhāna), hoặc Nhập Bồ Tát Hành Luận. K3. Điều trị tâm ý. Ngài Atisha trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói: "Trước tiên, hành giả cần phải sinh khởi tâm từ, sau đó, do quán sát sự khổ não của hữu tình mà phát khởi Bồ đề tâm. Cho nên cần phải như phần trên đã nói, làm cho sở duyên và hành tướng của tâm từ và tâm bi hiển hiện rõ ràng trong tâm. J2. Nghi quỹ chánh hành. Trước mặt vị A xà lê, hành giả phải nên quỳ gối phải sát đất (Hán: hồ quỳ), hoặc ngồi xổm (tục lệ của Ấn Độ), chắp tay cung kính, sau đó phát tâm. Như Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói:

Phát khởi Bồ đề tâm, Thệ nguyện không thoái chuyển.

Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ cũng nói: "... cho đến khi chứng đạt Vô thượng Bồ đề." Cho nên lúc phát tâm Bồ đề, hành giả không chỉ niệm "vì muốn lợi lạc chúng sinh, nguyện thành Phật quả", mà còn phải chuyên chú tưởng niệm: "Cho đến khi chứng đạt Vô

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

84

thượng Bồ đề, con tuyệt đối quyết tâm không bao giờ xả bỏ thệ nguyện vì lợi ích chúng sinh mà cầu thành Phật quả." Cho nên hành giả cần phải y theo nghi quỹ mà phát khởi hai loại chí nguyện này5.

Giả như chúng ta không thể học tập những học xứ của Nguyện Bồ đề tâm thì không nên phát khởi loại ý nhạo này. Nếu như chúng ta y theo nghi quỹ mà chỉ phát khởi ý tưởng "vì lợi ích tất cả hữu tình, nguyện thành Phật", thì bất cứ người nào, dù có thể học tập Học xứ Bồ tát, hay không thể học tập Học xứ Bồ tát, đều thích hợp cho Nghi quỹ Phát tâm. Thế nhưng, nếu trong Nghi quỹ Phát tâm mà lại còn truyền thọ Học xứ Bồ tát cho những hành giả hoàn toàn không có khả năng học tập, thì đây là điều hoàn toàn sai lầm.

Có một số người hiểu lầm nghiêm trọng, cho rằng

trong hệ phái của ngài Long Thọ có thể truyền thọ Bồ tát luật nghi bằng nhiều loại nghi quỹ, còn trong hệ phái của ngài Vô Trước thì không được như vậy.

Lại nữa, có một số người cho rằng hành giả sơ cơ,

trong khi tu tập, phải nên thường xuyên y theo nghi quỹ mà thọ trì "hành Bồ đề tâm." Thế nhưng, do vì các Bồ tát sơ cơ này đối với tổng thể của học xứ và các tội căn bổn, hoàn toàn không có sự hiểu biết, cho nên họ không hiểu rõ những sự việc cần phải thủ xả, điều này (thọ trì hành

5 Ở đây muốn nói ý nguyện phát khởi tâm Bồ đề cầu thành Phật cần phải đầy đủ hai đặc tính: (1) Nguyện vì lợi ích hữu tình mà cầu thành Phật, (2) Cho đến khi thành Phật, tuyệt đối không xả bỏ thệ nguyện này.

5. Nghi quỹ thọ pháp

85

Bồ đề tâm) sẽ khiến cho họ lâm vào một tình cảnh vô cùng nguy hại.

Ngài Liên Hoa Giới, trong Tiến Trình Tu Tập

Thiền Định (Sơ biên), dẫn dụng Giáo Giới Thắng Quang Vương Kinh (Advice to the King Sūtra, Skt. Rāja- vavādaka-sūtra) nói: "Mặc dù hành giả chưa thể tu học các học xứ bố thí, v.v..., chỉ cần có thể phát Bồ đề tâm, là đã có thể thu hoạch rất nhiều phước đức", và sau đó nói rằng:

Bởi vì [Bồ đề tâm] có thể đưa đến quả báo cực kỳ to lớn, cho nên tuy chỉ là phương tiện để nhiếp thọ, cũng phải khiến cho những hành giả, tuy hoàn toàn không thể tu tập các loại Ba la mật, phát khởi Bồ đề tâm.

Điều này rất rõ ràng là tuy cho phép những người không thể tu học các học xứ Bố thí, v.v..., tham dự các nghi quỹ Phát Bồ đề tâm là đúng, nhưng nếu truyền thọ học xứ Bồ tát cho họ thì đây là điều sai lầm. Nghi quỹ Phát Bồ đề tâm như sau. Cần phải đọc đoạn văn sau ba lần:

Duy nguyện chư Phật Bồ tát ở mười phương lắng nghe. duy nguyện A xà lê lắng nghe, con là (...), bằng những thiện căn của sự bố thí, trì giới, tu tập, tự tác giáo tha, kiến tác tùy hỷ của con, trong hiện tại cũng những đời khác, từ nay cho đến ngày thành đạt Vô thượng Bồ đề, con xin phát khởi tâm Vô thượng Chánh giác Bồ đề như chư

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

86

Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác và chư Đại bồ tát trong quá khứ đã từng phát tâm Vô thượng Chánh giác Bồ đề. Những ai chưa được giải thoát, con sẽ khiến cho được giải thoát, những ai chưa được tự tại, con sẽ khiến cho được tự tại, những ai chưa được Niết bàn, con sẽ khiến cho được Niết bàn.

Mặc dù trong Nghi quỹ không nói rõ ràng là hành giả cần phải đọc theo A xà lê đoạn văn trên trong phần này và trong phần quy y, nhưng trên thực tế, hành giả cần phải làm như vậy. Những lời giáo thọ này là Nghi quỹ dành riêng khi có sự hiện diện của vị A xà lê. Còn như nếu không có vị A xà lê hiện diện, thì theo ngài Atisha trong Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ nói:

Dù không có A xà lê hiện diện, có một nghi quỹ cho sự tự phát khởi Bồ đề tâm là: quán tưởng đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai và mười phương chư Như Lai, tu tập nghi quỹ lễ kính và cúng dường, v.v... Sau đó, như phần trên đã nói qua, thực hành các thứ tự quy y, v.v..., chỉ cần loại bỏ những danh xưng "A xà lê" và "khải thỉnh A xà lê."

J3. Nghi quỹ kết hành. Vị A xà lê tuyên thuyết các học xứ của Nguyện Bồ đề tâm cho các hành giả thọ thủ Bồ đề tâm.

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

87

6. Giữ gìn Bồ đề tâm H2. Giữ gìn những gì đã được không cho suy tổn. Hành giả cần phải biết rõ học xứ, cho nên tôi (Tsong Khapa) sẽ giải thích, phân làm hai phần: (1) Tu tập học xứ khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời này. (2) Tu tập học xứ khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời sau. I1. Tu tập học xứ khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời này. Tu tập học xứ khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời này có bốn phần: (1) Vì muốn tăng gia tâm hoan hỷ đối với sự phát tâm mà tu tập tưởng nghĩ lợi ích của Bồ đề tâm. (2) Vì muốn tăng cường Bồ đề tâm nên tu tập phát tâm mỗi ngày sáu lần. (3) Tu tập tâm ý không xả bỏ hữu tình mà chúng ta đã vì họ mà phát tâm Bồ đề. (4) Tu học tích tập tư lương phước đức và trí tuệ. J1. Vì muốn tăng gia tâm hoan hỷ đối với sự phát tâm mà tu tập tưởng nghĩ lợi ích của Bồ đề tâm. Sau khi nghiên cứu kinh điển, hoặc nghe sư trưởng giảng dạy, hành giả suy ngẫm về lợi ích của Bồ đề tâm. Hoa Nghiêm Kinh trình bày rất tường tận về lợi ích của Bồ đề tâm, hành giả có thể tham khảo. Như phần trên đã dẫn dụng Kinh này nói: "Bồ đề tâm như hạt giống công đức của tất cả chư Phật", lại nói: "Bồ đề tâm tổng nhiếp tất cả hạnh nguyện của Bồ tát, cho nên giống như một loại khái yếu (Anh: summary)."

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

88

Nếu muốn giải thích tường tận tất cả các chi phần, có thể nói là vô cùng vô tận, thế nhưng "khái yếu" có thể dùng ngôn ngữ vắn tắt để thuyết minh, cho nên gọi là "khái yếu." Lại nữa, khái yếu của những chi phần này giống như "tóm tắc" (Hán: ôn đà nam 嗢陀南, Anh: sypnosis), có thể tổng nhiếp tất cả những điều thiết yếu của Bồ tát đạo. Những lợi ích được đề cập trong Bồ Tát Địa là những lợi ích của " Bồ đề tâm nguyện." Luận này đề cập lúc đầu tiên phát khởi Bồ đề tâm kiên cố có hai loại lợi ích: một là có thể trở thành phước điền thanh tịnh, hai là được phước đức bảo hộ. (1) Ý nghĩa của sự lợi ích thứ nhất, giống như Nhập Bồ Tát Hành Luận nói: "Trời người đều kính lễ", nghĩa là ngay sau khi phát Bồ đề tâm, liền trở thành đối tượng cho tất cả hữu tình cung kính. Căn cứ vào lời dạy trên, sau khi chúng ta phát Bồ đề tâm, chủng tính (Anh: lineage) của chúng ta sẽ trở nên tôn quý vô thượng, siêu thắng hơn tất cả A la hán. Và mặc dù chúng ta tạo tác thiện hạnh nhỏ nhoi không đáng kể, cũng có thể dẫn sinh vô lượng quả báo, cho nên chúng ta (đã phát Bồ đề tâm) là phước điền cho tất cả chúng sinh. "Tất cả thế gian nương tựa vào chúng ta, cho nên chúng ta giống như đại địa (mặt đất)." Ý muốn nói rằng chúng ta giống như bậc cha mẹ của tất cả chúng sinh. (2) Ý nghĩa của sự lợi ích thứ hai, nghĩa là số lượng hộ pháp theo bảo hộ chúng ta (những người đã phát Bồ đề tâm) nhiều gấp đôi số hộ pháp bảo hộ một vị

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

89

chuyển luân thánh vương. Bất luận là trong lúc chúng ta ngủ nghỉ, say sưa hay phóng dật (Anh: careless), đều không bị các loài dạ xoa, quỷ thần và phi nhân xâm hại. Đối với tất cả những mật chú, minh chú dùng để tiêu trừ tai họa, tật bệnh, v.v..., tuy tất cả những người khác xử dụng đều không linh nghiệm, nhưng nếu đến tay của người đã phát Bồ đề tâm kiên cố thì sẽ trở thành linh nghiệm; huống chi là những mật chú và minh chú dã được dùng linh nghiệm bởi những người khác. Bồ Tát Địa nói: "Nếu Bồ đề tâm của chúng ta kiên cố, tất cả sự nghiệp (về tức tai, tăng ích, hàng phục, v.v...) đều có thể thành tựu dễ dàng. Cho nên, nếu chúng ta có đầy đủ tâm Bồ đề kiên cố thì có thể nhanh chóng thành tựu các loại tâm linh thông thường (Hán: các chủng cộng đồng thành tựu, Anh: ordinary spiritual attainments). Bất luận chúng ta ở nơi nào, thì nơi đó sẽ không có sự sợ hãi, đấu tranh, đói khát, và không bị loài phi nhân (quỷ thần) xâm hại. Giả như những sự việc này có phát sinh đi nữa, cũng sẽ bị trừ diệt. Lại nữa, trong đời sau chúng ta sẽ ít có bệnh tật, hoặc không bị bệnh tật. Giả sử có bị bệnh tật đi nữa, cũng sẽ không kéo dài hoặc nghiêm trọng. Lúc tham gia các sự nghiệp lợi sinh, như thuyết pháp, v.v..., thân thể không cảm thấy mệt mỏi, tâm ý cũng không thất niệm, hoặc bị suy thoái. Nếu chúng ta an trụ trong chủng tính Bồ tát, thì phiền não sẽ tự nhiên giảm thiểu. Sau khi chúng ta đã phát Bồ đề tâm, phiền não của thân và tâm sẽ trở nên vô cùng yếu ớt, khiến cho chúng ta trở nên kham nhẫn, nhu hòa, có thể nhẫn thọ sự tổn hại của kẻ khác mà không tìm cách trả thù. Khi chúng ta nhìn thấy người khác tàn hại lẫn nhau, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Chúng ta

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

90

rất ít khi nổi các phiền não như giận dữ, đố kỵ, gian dối, v.v..., mà giả sử, đôi khi phiền não có hiện hành đi chăng nữa, cũng sẽ bị nhanh chóng tiêu trừ. Chúng ta cũng sẽ ít bị đọa vào ác đạo, mà giả sử có bị đọa lạc (ác đạo) chăng nữa, cũng sẽ mau chóng được thoát khỏi. Trong lúc đang trong ác đạo, sự khổ bị nhận thọ cũng tương đối ít ỏi, và cũng nhân đây cảm thấy vô cùng nhàm chán sinh tử, và đồng thời cũng khởi tâm thương xót đối với tất cả hữu tình (đang cùng ở trong cảnh khổ đó). Nếu như công đức của Bồ đề tâm mà có hình tướng, thì ngay cả hư không cũng không thể dung chứa nổi. Phước đức của sự đem tài vật cúng dường chư Phật cũng chỉ bằng một phần nhỏ phước đức của Bồ đề tâm. Dũng Mãnh Trưởng Giả Thỉnh Vấn Kinh (Questions of the Householder Vīradatta Sūtra, Skt. Vīradatta-gṛha-patiparipṛcchā-sūtra) nói:

Giả sử phước đức của Bồ đề tâm có hình tướng, thì không những có thể tràn lấp, mà còn vượt quá phạm vi của hư không. Giả như có người đem tài bảo tràn đầy khắp cả mười phương, dùng đây để cúng dường đức Phật, nhưng vẫn không thể so sánh với một phần nhỏ phước đức vô lượng vô biên của một người chỉ cung kính chắp tay phát Bồ đề tâm.

Tương truyền, khi ngài Atisha đang đi nhiễu quanh tòa Kim cương ở Bồ đề Đạo tràng, trong tâm nghĩ tưởng: "Làm thế nào có để có thể mau chứng đắc Viên mãn Bồ

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

91

đề?" Thì ngay lúc ấy, ngài nhìn thấy một bức tượng (Phật) nhỏ đứng lên hướng về một bức tượng (Phật) lớn hơn hỏi rằng: "Những người mong cầu mau thành Phật cần phải làm thế nào?" Tượng Phật lớn trả lời: "Cần phải tu học Bồ đề tâm." Ngài Atisha lại nhìn thấy trên bầu trời phía trên (nóc) chùa, một phụ nữ trẻ hỏi một bà lão cùng một câu hỏi vừa rồi, và nghe thấy bà lão cũng trả lời tương tự. Nhân đây, Bồ đề tâm của ngài càng trở nên kiên định. Do đây biết rằng, Bồ đề tâm hàm nhiếp tất cả giáo thọ (lời dạy) thiết yếu nhất của Đại thừa. Bồ đề tâm là kho tàng trân bảo rộng lớn cho tất cả sự thành tựu, đây là sự thù thắng đặc biệt của Đại thừa (so với Tiểu thừa). Bồ đề tâm là nền tảng thù thắng nhất để sách tấn chúng ta phụng hành những hạnh nguyện quảng đại của Bồ tát. Cho nên chúng ta phải khiến cho lòng hoan hỷ khao khát đối với Bồ đề tâm càng lúc càng tăng gia, giống như người đang khát mà nghe nói đến nguồn nước. Chư Phật Bồ tát trải qua thời gian nhiều kiếp, dùng trí tuệ hy hữu nan tư, quán sát cực kỳ tinh tế, những đạo lộ tu tập dẫn đến quả Phật, đã thấy rằng chỉ có Bồ đề tâm mới là phương tiện thù thắng để thành Phật. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Phật nhiều kiếp suy tư, Tâm Bồ đề là nhất. (Phẩm 1, kệ 7ab)

J2. Vì muốn tăng cường Bồ đề tâm nên tu tập phát tâm mỗi ngày sáu lần.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

92

Vì muốn tăng cường Bồ đề tâm nên tu tập phát tâm mỗi ngày sáu lần có hai phần: (1) Tuyệt đối không xả bỏ Nguyện Bồ đề tâm. (2) Tăng trưởng Nguyện Bồ đề tâm. K1. Tuyệt đối không xả bỏ Nguyện Bồ đề tâm. Chúng ta cần phải dùng chư Phật, Bồ tát và thiện tri thức là người chứng minh, ở trước mặt các ngài lập thệ nguyện: "Khiến cho kẻ chưa được giải thoát đạt được giải thoát, v.v..." Giả như sau này, do vì số lượng hữu tình quá nhiều, mà hành vi của họ lại cực kỳ hạ liệt (cang cường khó độ), hoặc là thấy cần phải siêng năng khổ nhọc nhiều kiếp, hoặc là thấy cần phải tu học vô lượng công hạnh khó làm để tích tập hai loại tư lương, nhân đây cảm thấy nguội lạnh chán nản, bèn xả bỏ trách nhiệm rộng lớn của Bồ đề tâm. Loại tội chướng này còn to nặng hơn cả phạm giới căn bổn (ba la di) của giới biệt giải thoát của Thanh văn. Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng nói:

Dù là đã trải qua ức kiếp tu thập thiện nghiệp, nếu như (sau đó) khởi tâm cầu chứng Độc giác A la hán, thì hành giả đó hủy tổn Bồ tát luật nghi, tội xả bỏ Bồ đề tâm còn nặng hơn tội ba la di rất nhiều.

Điều này có nghĩa là giới luật Bồ tát (của vị hành giả thoái tâm) có sự lầm lỗi. Điều giới luật thù thắng nhất của Bồ tát là sự phòng hộ không cho thoái thất tâm (Vô thượng Bồ đề)6, bởi vì nếu như Bồ tát thoái thất tâm 6 Nghĩa là không để cho tâm thoái đọa xuống trình độ mong cầu quả vị Thanh văn và Bích chi phật.

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

93

(Vô thượng Bồ đề) này, tức bị xem là phá giới. Giả như Bồ tát không thoái thất tâm Bồ đề, thì dù có tùy ý hưởng thọ ngũ dục, họ vẫn không bị xem là phá hoại sự phòng hộ đặc thù của Bồ tát. Lại như Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng nói:

Dù cho Bồ tát hưởng ngũ dục, chỉ cần họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Thánh tăng, chí cầu Nhất thiết chủng trí, phát nguyện cầu Phật quả, nên biết, những người trí này vẫn là hành trì "trì giới ba la mật đa."

Nếu như Bồ tát xả bỏ thệ nguyện (thành Phật độ chúng sinh), thì họ nhất định sẽ bị lưu lạc lâu dài trong các ác đạo. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu phát tâm bố thí, Dù là ít vật quèn, Lại sẻn tiếc không cho, Kinh nói đọa ngạ quỷ. Huống mời chúng sinh đến, Buổi tiệc Vô thượng lạc, Sau đó lừa chúng sinh7, Khó mà sinh cõi lành. (Phẩm 4, kệ 5-6)

Lại nói: 7 "Mời chúng sinh đến buổi tiệc Vô thượng lạc", tức là phát nguyện độ tất cả chúng sinh thành Phật (dự tiệc Vô thượng lạc). "Sau đó lừa chúng sinh", tức là xả bỏ lời thệ nguyện độ chúng sinh thành Phật lúc trước.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

94

Giống như một kẻ mù, Trong rác [lượm] được ngọc quý, Con thật là diễm phúc, Phát tâm Bồ đề này. (Phẩm 3, kệ 27)

Cần phải suy ngẫm rằng "Chúng ta có thể thu thập được bảo vật (Bồ đề tâm) như vầy, quả thật vô cùng kỳ diệu!" Cho nên quyết định không bao giờ xả bỏ, cần phải đặc biệt chú ý, thường xuyên lập thệ không bao giờ xả bỏ Bồ đề tâm dù trong một sát na. K2. Tu học tăng trưởng Nguyện Bồ đề tâm. Nếu chỉ không xả bỏ Bồ đề tâm thì vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải ngày ba lần đêm ba lần (ngày đêm sáu thời) tận lực khiến cho nó tăng trưởng. Nếu chúng ta có thể tu tập theo nghi thức chi tiết như phần trên đã nói, thì nên làm như vậy. Giả như không thể, thì cần phải quán tưởng phước điền, dâng cúng phẩm vật, sau đó tu tập tâm từ, tâm bi, v.v..., thọ trì tâm Bồ đề sáu lần. Mỗi thời tu tập nên đọc Nghi quỹ tụng văn dưới đây ba lần:

Đến ngày thành Phật, con quy y, Chư Phật, chư Pháp, Chúng trung tôn, Dùng thiện căn tu tập lục độ, Vì lợi chúng sinh, nguyện thành Phật.

J3. Tu tập tâm ý không xả bỏ hữu tình mà chúng ta đã vì họ mà phát tâm Bồ đề. Tuy trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận và Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ không có đoạn văn nào đề cập đến

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

95

học xứ này, nhưng ngài Atisha trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan có nói:

Vì cảnh sở duyên (chúng sinh), vì lợi ích, vì nghi quỹ phát tâm, vì sự tăng trưởng và không thoái thất của tâm Bồ đề, chúng ta cần phải hộ niệm hữu tình và không xả bỏ hữu tình để thủ hộ Bồ đề tâm.

Đoạn văn trên liệt kê những sự tình hoàn toàn không mâu thuẫn với bản văn gốc, cho nên chúng ta cũng cần phải nên tu học. Đến như tiêu chuẩn để biết chúng ta có xả bỏ chúng sinh hữu tình hay không là khi chúng ta khởi lên ý niệm: "Bây giờ tôi không còn muốn làm lợi ích cho người này nữa", dựa trên những điều kiện, chẳng hạn như họ có những hành vi mà chúng ta không thể chấp nhận, v.v... J4. Tu học tích tập hai loại tư lương phước đức và trí tuệ. Sau khi chúng ta dùng nghi quỹ thọ thủ "Nguyện Bồ đề tâm", thì cần phải mỗi ngày tu tập tích tập tư lương bằng cách cúng dường Tam bảo, v.v..., để trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Tuy tôi (Tsong Khapa) chưa thấy qua những nguồn tư liệu quyền uy nào khác cho những học xứ (vừa nêu trên) này, ngoại trừ những lời dạy của các bậc cổ đức, nhưng đây cũng đã là sự lợi ích rất lớn.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

96

I2. Tu tập khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời sau. Tu tập khiến Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời sau chia làm hai phần: (1) Đoạn trừ bốn "hắc pháp" khiến cho Bồ đề tâm thoái thất. (2) Tu tập bốn "bạch pháp" giúp cho Bồ đề tâm không thoái thất. J1. Đoạn trừ bốn hắc pháp khiến cho Bồ đề tâm thoái thất. Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm (Kāśyapa Chapter, Skt. Kāśyapa-parivarta) trong Đại Bảo Tích Kinh (Ratna-kūṭa Collection, Skt. Ārya-mahā-ratna-kūṭa-dharma-paryāya-śata-sāhasrika-grantha) nói có bốn pháp có thể khiến cho Bồ đề tâm bị thoái thất, hoặc không hiện hành. Ngoài ra cũng có bốn pháp có thể khiến cho Bồ đề tâm trong đời sau hiện hành hoặc không thoái thất. Những pháp này đều là học xứ của Nguyện Bồ đề tâm. Bốn hắc pháp là: (1) Lừa dối thân giáo sư (hòa thượng), hoặc quỹ phạm sư (a xà lê), thượng sư (Hán: sư trưởng, tôn trưởng, Anh: guru), và các bậc phước điền:

Nên hiểu rõ những từ ngữ trên từ hai phương diện, một là đối tượng, hai là những sự việc tạo tác đến những đối tượng đó.

Căn cứ vào sự giải thích của ngài An Huệ

(Sthiramati) trong Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích (Commentary on the Kāśyapa Chapter, Skt. Kāśyapa-

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

97

parivarta-ṭīkā), thì cảnh (đối tượng), tức là thân giáo sư và quỹ phạm sư. Điều này tương đối dễ hiểu. Thượng sư, tức là những người muốn làm lợi ích cho chúng ta, và các bậc phước điền là những người đầy đủ công đức nhưng không thuộc vào hai nhóm trên. Cần phải làm gì đối với "cảnh" thì mới trở thành hắc pháp? Giả như chúng ta cố ý lừa dối bất cứ vị nào trong nhóm người trên. Đối với "làm cách nào để lừa dối họ", trong Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích nói rằng: "Đang khi họ từ bi giải thuyết cho chúng ta về tội tha thắng (ba la di), thì chúng ta lại nói dối để đánh lừa họ. Đây là hắc pháp. Đây có nghĩa là bất cứ khi nào chúng ta cố ý lừa dối họ, thì đó là hắc pháp. Thế nhưng, phải dùng "vọng ngữ" để lừa dối, còn như không phải dùng vọng ngữ để lừa dối thì phần dưới sẽ nói rõ. Do vì Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu của ngài Tịch Thiên cho rằng tu trì đoạn trừ hắc pháp thì tức là bạch pháp, do đây phương pháp đối trị hắc pháp thứ nhất này tức là bạch pháp thứ nhất. Giả như có một đệ tử ngỗ nghịch, trước mặt thầy mình thì nói thế này, nhưng sau lưng thầy mình thì lại nói thế kia, lại còn rỉ tai dặn dò: "Cẩn thận, đừng để truyền đến tai thầy tôi!" Thì đây là lừa dối sư trưởng.

(2) Khiến cho người khác hối hận về những việc không đáng hối hận:

Điều này có thể dùng hai phương pháp ở trên để thuyết minh. Đối tượng là một người (Bổ đặc già la) đối với sự tu tập thiện hạnh không có sự hối hận, cần phải làm sự việc gì (để họ hối hận)? Đây tức là cố ý khiến cho họ đối với sự việc không đáng hối hận lại cảm thấy hối hận. Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích nói: "Đang lúc người bạn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

98

đồng tu phụng hành học xứ một cách đúng đắn (chánh xác), nếu chúng ta ôm lòng khi dối, tìm cách làm cho họ hiểu sai (lầm) dụng ý của những từ ngữ trong học xứ, đây tức là hắc pháp.

Đối với hai loại hắc pháp nêu trên, bất luận là

chúng ta có thể lừa dối người khác hay không, hoặc giả, có thể khiến cho họ hối hận hay không, cũng đều là phạm tội. Trong hai trường hợp, sự giải thích của Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích cũng tương đồng. Chẳng qua, trong Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích cho rằng trường hợp sau (khiến người khác hối hận) cũng được xếp vào loại "lừa dối."

(3) Buông lời khinh khi đối với những người đã chân thực tiến nhập Đại thừa:

Có người cho rằng đối tượng là chỉ cho các hành giả đã từng dùng nghi quỹ để thọ thủ và đầy đủ Bồ đề tâm. Những người khác thì cho rằng đối tượng là những người tuy trước kia đã phát Bồ đề tâm nhưng hiện nay đã thoái thất. Thế nhưng lối giải thích sau mâu thuẫn với kinh điển, nên là một sự sai lầm. Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích chỉ nói: "Một vị Bồ tát", ngoài ra không giải thích gì thêm. Tuy phần lớn các kinh điển khác nói: "Chân thực tiến nhập Đại thừa" là chỉ cho người đã đầy đủ Bồ tát luật nghi và đang học tập Bồ tát học xứ, thế nhưng, theo ý riêng của tôi (Tsong Khapa), "đối tượng" ở đây là chỉ cho tất cả Bồ tát đã phát khởi "Nguyện Bồ đề tâm."

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

99

Đối với sự kiện "làm thế nào gọi là buông lời khinh khi", đây tức là những việc quở trách, phỉ báng, phê bình, v.v... Có người cho rằng những sự kiện trên phát xuất từ tâm sân, và điều này phù hợp với sự giải thích của Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích.

Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích tuy nói rằng đối

tượng của hắc pháp này là những Bồ tát tinh cần cầu pháp, và mục đích của người tạo nên hắc pháp là muốn làm trở ngai sự tín phụng và tu trì Đại thừa của đối tượng. Chẳng qua, chỉ cần đối tượng (của hắc pháp này) hiểu rõ ý nghĩa của những lời nói "khinh khi" là đủ để trở thành hắc pháp.

Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích nói "buông lời

khinh khi" là chỉ chung cho một lỗi lầm nào đó, chẳng hạn như nói Bồ tát nào đó "phẩm cách thấp kém." Quở trách là nói một cách cụ thể (Anh: specific), chẳng hạn như nói Bồ tát nào đó "làm việc phi phạm hạnh" (thường chỉ cho phạm giới dâm). Còn phỉ báng là nói một cách càng cụ thể (chi tiết) hơn, chẳng hạn như nói Bồ tát nào đó "làm việc phi phạm hạnh như thế này, như thế này..." Còn phê bình là chỉ chung cho ba sự việc trên.

Loại họa hoạn to lớn rất dễ dàng xảy đến cho

chúng ta này, đã được giải thích ở phần trên. Nếu như Bồ tát khởi tâm khinh miệt đối với một vị Bồ khác, thì tùy tâm niệm đó kéo dài bao nhiêu sát na, vị Bồ tát (khởi tâm khinh miệt) sẽ bị đọa vào địa ngục bấy nhiêu kiếp (bằng với số sát na khởi tâm khinh miệt). Tịch Tĩnh Quyết Định Thần Biến Kinh (Sūtra on the Magic of

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

100

Final Peace, Skt. Praśānta-viniścaya-prātihārya-sūtra) nói rằng "ngoại trừ tội phỉ báng các Bồ tát khác ra, không có hành nghiệp nào khác có thể khiến cho Bồ tát bị đọa ác đạo." Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng nói:

Các Bồ tát chưa được thọ ký thành Phật, nếu sinh tâm phẩn nộ tranh chấp đối với Bồ tát đã được thọ ký, thì họ sẽ phải mặc áo giáp siêng năng khổ nhọc để tu hành trong số kiếp bằng với số lượng sát na mà họ đã sinh khởi ác tâm.

Ý muốn nói rằng các Bồ tát khởi tâm phẫn hận trong số lượng thời gian dài bao nhiêu sát na, thì trong số kiếp bằng với số lượng sát na đó, họ phải bắt đầu tu tập lại từ đầu, thành thử khoảng thời gian để thành Phật trở nên vô cùng xa xăm. Cho nên chúng ta, thời thời khắc khắc, cần phải đoạn trừ tâm phẫn nộ. Giả như sinh khởi (tâm sân hận) thì phải nên lập tức sám hối, tận lực đề phòng. Kinh trên lại nói:

Nên sinh khởi chánh niệm, suy ngẫm như sau: "Loại tâm thái này hoàn toàn vô ích." Cần phải nhất nhất sám hối trừ diệt, đề phòng không cho tái phạm. Chớ nên tùy hỷ với tâm sân hận, mà phải học tập chánh pháp của đức Phật.

Nếu như chúng ta để cho tâm sân hận có cơ hội, thì tâm từ bi (đã sinh khởi trước kia) sẽ trở nên yếu ớt, và chúng ta khó mà sinh khởi tâm từ bi mới, dù có tu tập một thời gian rất dài lâu. Và như thế chúng ta đã cắt đứt gốc rể (căn bổn) của tâm Bồ đề. Nếu chúng ta có thể đoạn trừ tâm sân hận (là nghịch duyên của tâm từ bi),

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

101

và y chiếu theo những lời dạy ở trên để tu tập tâm từ và tâm bi, thì chúng (từ bi) sẽ dần dần tăng trưởng rộng lớn, biến thành vô lượng vô biên. Ngài Pháp Xứng (Dharmakirti) trong Thích Lượng Luận (Commentary on the Compendium of Valid Cognition, Skt. Pramāṇa-vārttika) nói:

Nếu không bị nghịch duyên làm tổn hại, trong tâm tự nhiên sinh khởi từ bi.

Lại nói:

Nếu hành giả có sự tu tập, thì tâm từ bi sẽ do chủng tử đẳng lưu trước đó mà dần dần được tăng trưởng, như vậy, những tập quán cũ làm thế nào mà không thay đổi?

(4) Thiếu sự chân thành (Anh: sincere), dùng thủ đoạn dối trá để được lợi dưỡng từ người khác: Đối tượng (cảnh) là tất cả hữu tình khác (không phải chính mình). Chúng ta đã làm gì đối với hữu tình? Chúng ta dùng sự gian dối (Anh: deceit) và giải thích sai lạc (Anh: misinterpretation). Sự chân thật, trong Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích, giải thích là tâm thái bình thường. Gian dối và giải thích sai lạc là chỉ cho những hành vi gian trá như sử dụng cân đo, v.v... Điều này giống như ngài Thắng Trí Sinh nói, chẳng hạn như trong tâm thì muốn một người nào đó đi đến Rag-ma (một địa điểm xa hơn Stod-lungs), nhưng miệng thì lại bảo họ đi đến Stod-lungs, sau đó mới bảo họ nhân tiện hãy đi đến Rag-ma (hoặc giống như những người bán hàng nâng

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

102

cao giá hành, sau đó quảng cáo đại hạ giá để đánh lừa khách hàng). A Tỳ Đạt Ma Tập Luận (Compendium of Knowledge, Skt. Abhidharma-samuccaya), của ngài Vô Trước, nói rằng lừa dối và giải thích sai lạc là do tâm tham đắm lợi (tài vật) dưỡng (sự hầu hạ cung phụng) mà sản sanh, cho nên đều thuộc vào phạm vi tham hoặc si. Lại nói "lừa dối" là không có công đức mà giả trang là có công đức. Giải thích sai lạc (Hán: siễm) là che đậy lỗi lầm của chính mình. Che đậy, nghĩa là dùng biện pháp dấu diếm lỗi lầm của mình (không cho người khác biết). J2. Tu tập bốn bạch pháp khiến cho Bồ đề tâm không thoái thất. (1) Trong mọi trường hợp, không cố ý nói dối với tất cả hữu tình, dù là nói đùa, hoặc ngay cả vì tính mạng của chính mình:

Đối tượng của bạch pháp thứ nhất là tất cả hữu tình. Ở đây chúng ta không được dùng lời nói dối để lừa dối những nghiệp cảnh thù thắng, như hòa thượng, a xà lê, v.v... (2) Không được lừa dối mà phải thành thật đối với tất cả hữu tình:

Đối tượng của bạch pháp thứ hai là tất cả hữu tình. Việc phải làm là thường giữ tâm thành thực ngay thẳng, và tuyệt đối không được lừa dối họ. Đây là phương pháp đối trị cho hắc pháp thứ tư.

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

103

(3) Phát khởi ý tưởng rằng tất cả Bồ tát đều là bậc thầy của mình:

Đối tượng của bạch pháp thứ ba là tất cả Bồ tát. Việc phải làm là đối với tất cả Bồ tát sinh khởi ý tưởng là họ đều giống (ngang bằng) như đức Phật, và đồng thời muốn tuyên dương công đức của họ cùng khắp mười phương. Chúng ta tu tập chút ít phước đức tương tự (chưa phải phước đức chân thật), nhưng lại không thấy biểu hiện của sự tăng trưởng, mà lại thấy có nhiều biểu hiện của sự giảm sút, đây chính là kết quả của sự sân nộ, hủy báng, nhục mạ của chúng ta đối với các vị Bồ tát và các bạn đồng tu. Cho nên, nếu như chúng ta có thể đoạn trừ hai loại lỗi lầm nêu trên và sự nhục mạ Bồ tát, thì chúng ta có thể hoàn toàn miễn trừ các sự tổn hại đến từ bổ đặc già la mà Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu đã nói đến. Cho nên, nếu chúng ta không thể biết được ai là Bồ tát, thì cần phải như Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm đã dạy là tu tập "thanh tịnh tướng", dẫn sinh ý tưởng nhìn tất cả chúng sinh đều giống như Phật. Nếu có người đến nghe (pháp), thì chúng ta cần phải xưng dương công đức của Bồ tát, và như vậy chúng ta sẽ không phạm lỗi nếu chúng ta không đi khắp bốn phương để tuyên dương công đức của Bồ tát. Đây là phương pháp đối trị cho hắc pháp thứ ba ở trên. (4) Khiến cho tất cả hữu tình (mà chúng ta muốn họ thành thục) không sinh tâm ưa thích Tiểu thừa mà sinh lòng cầu Vô thượng Bồ đề:

Đối tượng của bạch pháp thứ tư là tất cả hữu tình mà chúng ta đang muốn cứu độ. Việc cần phải làm là

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

104

khiến cho họ không hâm mộ Tiểu thừa, mà muốn họ khởi tâm mong cầu Viên mãn Chánh giác. Từ cái nhìn của chúng ta, tuy chúng ta cần phải khiến cho hàng đệ tử dấn bước trên con đường Đại thừa, nhưng nếu họ không thể sinh khởi lòng tin Đại thừa, thì đó cũng không phải là lỗi của chúng ta, chỉ là chúng ta chưa đủ năng lực để thành tựu (sự việc mình mong muốn). Loại bạch pháp này có thể đoạn trừ hắc pháp thứ hai (làm cho kẻ khác hối hận những việc không đáng hối hận), bởi vì nếu chúng ta đem tâm chân thật muốn đưa người khác đến sự an lạc cứu cánh, chúng ta tuyệt nhiên không làm bất cứ điều gì khiến cho kẻ khác bất an mà cảm thấy hối hận về những việc thiện mà họ đã làm. Sư Tử Thỉnh Vấn Kinh (Sūtra Requested by a Lion, Skt. Siṃha-paripṛcchā-sūtra) nói:

Nếu trong tất cả các đời tu tập Bồ đề tâm, ngay trong mộng cũng không xả bỏ (Bồ đề tâm), thì bàn đến việc xả bỏ Bồ đề tâm trong lúc tỉnh thức là có ý gì? Đức Phật nói: "Bất luận ở đâu, dù là nơi làng xóm, hoặc thành thị, nếu chúng ta khiến cho chúng sinh ở đó tiến nhập Chánh giác Bồ đề, thì chúng ta sẽ không xả bỏ (thoái thất) Bồ đề tâm (của chính mình).

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi Trang Nghiêm Phật Độ Kinh nói:

Nếu chúng ta có đầy đủ bốn pháp thì sẽ không xả bỏ đại nguyện (Nguyện Bồ đề tâm): (1) phá hủy ngã mạn, (2) đoạn trừ tật đố, (3) phá trừ bỏn sẻn, và (4) sinh tâm hoan hỷ khi thấy người khác giàu

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

105

có. Chỉ cần chúng ta tu tập Bồ đề tâm, trong đời vị lai cũng sẽ không xa lìa loại tâm trân quý này.

Bảo Vân Kinh (Cloud of Jewels Sūtra, Skt. Ratna-megha-sūtra) trong Đại Bảo Tích Kinh cũng nói rõ ràng:

Nếu chúng ta tu học Bồ đề tâm trong tất cả mọi uy nghi, thì tất cả thiện pháp tu tập đều lấy Bồ đề tâm làm tiền đạo...

Trong Tam Ma Địa Vương Kinh cũng nói:

Nếu chúng ta quán sát càng nhiều, thì tâm chúng ta càng khế nhập với những sự việc mà chúng ta suy ngẫm.

Và những kinh điển khác cũng nói như thế. H3. Phương pháp khôi phục nếu có sự suy thoái. Nhiều luận sư cho rằng: "Một hành giả được xem là 'đánh mất' Bồ đề tâm nếu: (1-4) vi phạm bốn loại hắc pháp, (5) có ý tưởng xả bỏ hữu tình, và (6) tự cho rằng mình không thể thành Phật mà thoái thất Bồ đề tâm, trải qua một đoạn thời gian (mà không chịu sám hối). Thế nhưng, nếu trong một khoảng thời gian (ấn định) mà hành giả sám hối sự vi phạm này, thì Bồ đề tâm chỉ trở nên suy yếu, nhưng vẫn không bị xả bỏ. Lại nữa, nếu như hành giả không chịu thọ trì Bồ đề tâm mỗi ngày sáu thời, đồng thời để cho sự tu học hai loại tư lương thoái chuyển, thì đây cũng chỉ là Bồ đề tâm suy yếu. Nếu như nhân tố của sự xả bỏ Bồ đề tâm hiện tiền, hành giả cần

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

106

phải theo nghi quỹ thọ lại Nguyện Bồ đề tâm, nhưng nếu Nguyện Bồ đề tâm chỉ suy yếu, thì hành giả chỉ cần sám hối là đủ, không cần thọ lại." Đối với vấn đề này, nếu hành giả nghĩ rằng: "Mình không thể thành Phật", rồi sau đó lập tức xả bỏ Bồ đề tâm, thì không cần đoạn văn "trải qua một khoảng thời gian" ở trên, bởi vì lập luận ở trên hoàn toàn không hợp lý. Bốn hắc pháp không phải là nhân tố cho sự xả bỏ Bồ đề tâm trong đời hiện tại, nhưng chúng sẽ là nhân tố ngăn trở sự sinh khởi của Bồ đề tâm trong đời vị lai, cho nên chúng ta cần phải trừ khử chúng ngay ở trong đời này. Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói:

Vì muốn trong đời vị lai nhớ lại Bồ đề tâm, cho nên cần phải hộ trì các học xứ đã được giảng dạy.

Câu "đã được giảng dạy" đã được giải thích trong Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm. Do vì trong phần Bốn bạch pháp trong bộ kinh này đã tuyên thuyết ý nghĩa này một cách rõ ràng:

Này Ca Diếp, Bồ tát đầy đủ bốn pháp thì trong mọi đời, sau khi sinh ra liền lập tức sinh khởi Bồ đề tâm, nhẫn đến khi thành Phật, tuyệt đối không bao giờ quên mất.

Trong kinh, phần Bốn hắc pháp, tuy không nói rõ là chúng ảnh hưởng đời này hoặc đời sau, nhưng có thể biết là chỉ cho đời sau. (Vả lại, nếu hành giả trong đời này thường vi phạm bốn pháp, thì Bồ đề tâm sẽ trở nên suy yếu.) Nếu không, thì một vị Bồ tát hộ trì giới luật

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

107

nghi, chỉ vì nói dối chút ít trong khi đùa giởn, hoặc chỉ hơi lừa dối kẻ khác, hoặc nhân vì sân hận mà nói xấu chút ít về Bồ tát khác, hoặc làm cho người khác chỉ hơi khởi chút ít hoài nghi đối với thiện căn của chính họ, và nếu như trải qua một khoảng thời gian mà không sám hối thì bị hủy hoại Bồ tát luật nghi. Bởi vì đánh mất Nguyện Bồ đề tâm thì sẽ bị đánh mất Bồ tát luật nghi. Căn cứ vào những lời dạy trong Bồ Tát Địa và Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu, hành giả đánh mất Nguyện tâm thì sẽ đánh mất luật nghi. Giả như chúng ta xác quyết rằng các hành giả vừa được đề cập ở trên là đánh mất Bồ đề tâm, và như vậy chúng ta phải công nhận rằng hắc pháp là tội căn bổn, nhưng rõ ràng là không có kinh luận nào xác quyết như vậy, và đây là điều không hợp lý. Lại nữa, loại lập luận kế toán thời gian này tuy được đề cập trong Ưu Ba Ly Thỉnh Vấn Kinh (Questions of Upāli Sūtra, Skt. Upāli-paripṛcchā-sūtra), nhưng tuyệt đối không phải là ý nghĩa của kinh muốn nói, như tôi (Tsong Khapa) đã giải thích chi tiết trong Giới Ba La Mật Đa Luận (Basic Path to Awakening, Tib. Byang chub gzhug lam), cho nên sẽ không lặp lại ở đây. "Ý tưởng xả bỏ hữu tình", muốn nói rằng khi nghĩ tưởng đến hữu tình (nói chung), nhận rằng "tự mình không thể nào làm lợi ích cho nhiều hữu tình như vậy", nếu hành giả xả bỏ hữu tình với ý tưởng này, tức là hành giả đã xả bỏ Nguyện Bồ đề tâm. Còn đang khi chúng ta tưởng nghĩ đến một hữu tình cá biệt nào đó, và khởi lên ý niệm "tôi không bao giờ làm lợi ích cho cá nhân này", thì điều này có vẻ giống như chỉ phá hoại một phần nhỏ, nhưng (thật sự) là phá hủy luôn toàn bộ

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

108

thệ nguyện "vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà phát Bồ đề tâm." Nếu không, chúng ta có thể xả bỏ lợi ích của chúng sinh thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v..., và chỉ phát khởi Bồ đề tâm để làm lợi ích những chúng sinh còn lại, và như vậy vẫn có thể phát khởi Bồ đề tâm viên mãn, nhưng sự thật tuyệt đối không phải như vậy (nghĩa là không thể xả bỏ bất cứ chúng sinh nào, Bồ đề tâm là vì TẤT CẢ chúng sinh). Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan nói học xứ của Bồ đề tâm có nhiều hệ thống (hệ phái) khác nhau của Vua Indrabhuti, Long Thọ, Vô Trước, Thánh Dũng, Tịch Thiên, Nguyệt Quan, Tịch Hộ, v.v... Có một số người cho rằng "học xứ của Bồ đề tâm tức là tất cả học xứ của sơ phát Bồ đề tâm và tiến nhập Bồ đề tâm hành." Một số người cho rằng "cần phải thủ hộ những học xứ mà trong kinh điển đề cập đến." Một số cho rằng "đây là học xứ của các hành giả thuộc tư lương đạo (Anh: the path of accumulation)." Lại có một số không thừa nhận chúng là "những học xứ đặc định như thế này hoặc thế kia." Lại có một số thì cho rằng "ngoài học xứ quy y, hành giả cần phải thủ hộ tám loại tu tập là: không có ý định xả bỏ sự thọ trì bốn bạch pháp và xả bỏ ý tưởng dẫn sinh bốn hắc pháp." Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan nói: "Bậc đạo sư của tôi nói rằng giáo thuyết của các vị a xà lê này đều xuất phát từ những lời dạy của kinh điển, cho nên hành giả cần phải thọ trì những lời dạy của bậc thượng sư của tông (hệ phái) mình." Điều này có nghĩa rằng tất cả những gì được thảo luận ở đây đều là ý nghĩa của kinh điển.

6. Giữ gìn Bồ đề tâm

109

Một cách tổng quát, những vị thiện tri thức theo hệ phái truyền thừa của ngài Geshe Drom-don-ba không thừa nhận Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan là cho chính ngài Atisha chú thích; thế nhưng, hệ thống truyền thừa của ngài Nag-tso lại chấp nhận đó là tác phẩm của ngài Atisha và cho rằng đó là giáo pháp bí truyền của ngài Nag-tso. Các bậc cổ đức cho rằng ngài Atisha soạn một bản chú thích ngắn khi ngài đang ở tại Bu-rang. Tương truyền, sau khi ngài Atisha đi đến Sam-ye, một nhà dịch kinh hỏi ngài Atisha là ông ấy có được phép tăng bổ bản chú giải (của ngài Atisha) hay không, và sau đó ông đã thực hiện công tác này. Ngài Atisha quả thực có biên soạn một quyển chú giải ngắn, và quyển chú giải này được tăng bổ bởi những giải thích dựa trên những lời dạy của các bậc đạo sư khác. Trong đó tuy có nhiều sai lầm rất hiển nhiên, nhưng cũng có nhiều giải thích giá trị về ý nghĩa của kinh điển. Cho nên, trong Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận này và trong những luận thích khác, tôi (Tsong Khapa) đã dẫn dụng những đoạn văn đó, nếu như chúng không có sự sai lầm. Phần lớn các học xứ được đề cập đến trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan không thể được tin là (hoàn toàn) đúng. Cho rằng học xứ của Bồ đề tâm là tất cả học xứ của người mới phát Nguyện Bồ đề tâm và người đã tiến nhập Bồ đề hành là một điều không hợp lý. Bởi vì nếu cho rằng phát (Bồ đề) tâm học xứ tức là hành (Bồ đề) tâm học xứ, thì ngoại trừ học xứ quy y ra, chỉ cần đoạn trừ bốn hắc pháp và thọ trì bốn bạch pháp thì không đủ. Giả như chúng ta cho rằng ý nghĩa của "phát Bồ đề tâm" chỉ là Nguyện Bồ đề tâm, thì trong lúc thọ trì Nguyện Bồ đề tâm, không cần phải thọ trì thêm bất cứ

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

110

học xứ nào khác được đề cập trong kinh điển, mà cũng không cần tu học bất cứ học xứ nào của giai đoạn sau khi tiến nhập Hành Bồ đề tâm. Nếu không, học xứ của nguyện tâm sẽ không khác biệt với học xứ của Bồ tát luật nghi (dành cho Hành Bồ đề tâm). Ngoại trừ hai loại học xứ hắc pháp và bạch pháp mà Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm nói đến, tất cả học xứ được đề cập ở trên là căn cứ lời dạy trong Bồ Đề Đạo Đăng Luận và Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ. Có người cho rằng cần phải tu học học xứ trong Thất Pháp Kinh (Seven Dharmas Sūtra, Tib. Chos bdun po'i mdo), thế nhưng, trong kinh ấy lại nói "những người hy vọng mau đắc thần thông cần phải thọ trì những học xứ này", cho nên các học xứ đó không phải học xứ dành riêng cho Bồ đề tâm, vì thế tôi sẽ không thảo luận ở đây. Tóm lại, lập trường của tôi (Tsong Khapa) ở đây là ngoại trừ không xả bỏ Bồ đề tâm và không có ý tưởng xả bỏ hữu tình ra, trước khi thọ trì Bồ tát luật nghi, nếu hủy phạm học xứ thì không phạm tội đọa liên hệ đến Bồ đề tâm, thế nhưng, nếu chúng ta hủy phạm học xứ (dù chưa thọ), thì vẫn là hủy phạm những học xứ mà chúng ta sẽ thệ nguyện học tập, cho nên vẫn là phạm tội "ác tác", cần phải dùng bốn lực để tiến hành việc sám hối. Sau khi thọ nhận giới Bồ tát luật nghi, nếu hủy phạm học xứ này là phạm tội đọa, thì cần phải y chiếu phương pháp đã được chỉ dẫn để khôi phục sự thanh tịnh. Phương pháp khôi phục thanh tịnh này thuộc phạm vi của học xứ của Hành Bồ đề tâm, chứ không phải nơi nào khác. Còn như sự tu tập phát Bồ đề tâm mỗi ngày sáu thời là học xứ đặc thù của Nguyện Bồ đề tâm.

7. Đại cương về sáu Ba la mật

111

7. Đại cương về sáu Ba la mật. F3. Sau khi phát Bồ đề tâm phải học tập Bồ tát hạnh như thế nào. Sau khi phát Bồ đề tâm phải học tập Bồ tát hạnh như thế nào có ba phần: (1) Lý do cần học tập học xứ sau khi phát Bồ đề tâm. (2) Nói rõ sự tu tập riêng biệt phương tiện hoặc trí tuệ không thể thành Phật. (3) Giải thích trình tự của sự tu tập học xứ (Chương 8 về sau). G1. Lý do cần phải học tập học xứ sau khi phát Bồ đề tâm. Nếu chỉ phát khởi "Nguyện Bồ đề tâm", mà không tu học các học xứ như bố thí, v.v..., tuy cũng chắc chắn dẫn sinh sự lợi ích to lớn, như phần trên đã trích dẫn những lời dạy trong Di Lặc Giải Thoát Kinh, thế nhưng, nếu không tu học Bồ tát học xứ, thì tuyệt đối không thể thành Phật, cho nên hành giả cần phải tu trì Bồ tát học xứ. Già Da Phong Đỉnh Kinh nói:

Bồ đề là sở hữu của các đại Bồ tát dùng chánh hạnh làm tâm yếu, chứ không phải là sở hữu của những kẻ dùng tà hạnh làm tâm yếu.

Tam Ma Địa Vương Kinh cũng nói:

Cho nên phải dùng chánh hạnh làm tâm yếu. Vì sao? Này Vương tử! Nếu dùng chánh hạnh làm tâm yếu thì sẽ dễ dàng đạt được Viên mãn Bồ đề.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

112

Chánh hạnh là chỉ cho pháp môn phương tiện để đạt thành Phật quả, mà cũng tức là học tập Bồ tát học xứ. Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Sơ biên) nói:

Bồ tát đã phát Bồ đề tâm cần phải biết, nếu chưa thể điều phục chính mình thì không thể điều phục kẻ khác. Cho nên tự mình cần phải chuyên tâm tu học bố thí, v.v... Nếu không có chánh hạnh thì không thể đạt được Bồ đề.

Và Thích Lượng Luận của ngài Pháp Xứng cũng nói:

Hành giả đầy đủ tâm bi vì muốn trừ khổ cho chúng sinh, cần phải thực hành các pháp môn phương tiện. Tự mình chưa hiểu rõ phương tiện và thành quả của chúng thì không thể thuyết pháp cho người khác.

Nếu có tâm đại bi đối với kẻ khác thì sẽ cảm nhận rằng cần phải diệt trừ sự thống khổ cho họ. Thế nhưng, nếu chỉ có ý niệm tốt là "nguyện họ được lìa khổ", thì không đủ để trừ khổ. Nếu tự mình trước đó chưa tu tập các pháp môn phương tiện này, thì không thể độ thoát kẻ khác, cho nên nếu muốn lợi lạc kẻ khác, trước tiên cần phải điều phục chính mình. Bởi vậy, Tam Ma Địa Vương Kinh nói: "Cần phải dùng chánh hạnh làm tâm yếu." Chánh hạnh, là chỉ cho sau khi thọ trì Bồ tát luật nghi, thì cần phải học tập các học xứ liên quan. Cho nên, người dùng chánh hạnh làm tâm yếu, đối với những điều cần phải học tập, tuyệt đối không được sai lầm.

7. Đại cương về sáu Ba la mật

113

G2. Nói rõ sự tu tập riêng biệt phương tiện hoặc trí tuệ không thể thành Phật. Nếu chỉ hy vọng thành Phật, e rằng chưa đủ, mà chúng ta cần phải tiến tu pháp môn phương tiện để có thể thành Phật. Hơn nữa, loại pháp môn phương tiện này cần phải không có sự sai lầm. Bởi vì bất luận chúng ta nỗ lực cách nào chăng nữa, thì cũng không thể nương vào con đường sai lầm mà đạt được thành quả (chân chánh). Điều này giống như nặn sừng bò để lấy sữa. Mà giả sử phương pháp tu học không có sai lầm chăng nữa, nếu như không tu tập viên mãn mỗi thành phần, thì cũng giống như sự trồng trọt, nếu thiếu hạt giống, hoặc nước, hoặc phân bón, v.v..., thì cũng khó có sự đơm hoa kết trái. Như Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Trung biên) nói:

Nếu chúng ta tu tập một nhân sai lầm, dù có ân cần tu tập trải qua một thời gian lâu dài, thì cũng sẽ không đạt được thành quả như nguyện. Giống như nặn sừng bò lấy sữa. "Nhân" không viên mãn thì không thể sinh quả, ví như thiếu hạt giống thì không thể nẩy mầm, cho nên người muốn đạt được thành quả cần phải y tựa vào nhân duyên đầy đủ và không sai lầm.

Như thế nào mới là nhân duyên đầy đủ và không sai lầm? Đại Tỳ Lô Giá Na Hiện Chứng Bồ Đề Tục (Vairo- cana's Great Enlightenment Discourse, Skt. Mahā-vairocanābhisaṃbodhi-dharma-paryāya) nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

114

Này Bí mật chủ! Nhất thiết chủng trí dùng tâm đại bi là căn bổn mà xuất sinh, dùng tâm Bồ đề làm nhân mà xuất sinh, dùng phương tiện mà đạt đến cứu cánh viên mãn.

Ý nghĩa của "đại bi", phần trên đã giải thích. Theo ngài Liên Hoa Giới, Bồ đề tâm là chỉ cho hai loại: thế tục Bồ đề tâm và thắng nghĩa Bồ đề tâm, còn phương tiện là chỉ cho các loại thiện pháp, như bố thí, v.v...

Hỏi: Một vài người, như nhóm Hòa thượng China, v.v..., có ý tưởng sai lầm điên đảo về hai loại Bồ đề tâm này. Bọn họ cho rằng bất cứ tư duy (ý tưởng) phân biệt nào cũng đều trói buộc chúng ta vào sinh tử luân hồi. Ý tưởng ác đương nhiên là như vậy, ý tưởng thiện cũng không ngoại lệ, cho nên quả báo không thể siêu xuất sinh tử luân hồi. Điều này giống như bị trói buộc bằng sợi dây bằng vàng hoặc bằng sợi dây thừng thông thường, đều là sự trói buộc; hoặc giống như mây trắng hoặc mây đen đều là che phủ hư không, hoặc sự đau đớn do bị cắn bởi chó đen hoặc chó trắng. Chỉ có an trụ trong trạng thái vô [phân biệt] niệm thì mới là con đường thành Phật. Những thiện hạnh như bố thí, trì giới, v.v..., là cho những hạng người không có năng lực tu tập liễu nghĩa (Anh: meditation on the definite –emptiness). Giả như đã đạt được liễu nghĩa mà lại còn tu các thiện hạnh (bố thí, trì giới, v.v...), thì cũng giống như một vị quốc vương tự hạ bệ mình xuống hàng thường dân, hoặc là sau khi đã tìm được con voi mà lại còn tiếp tục đi tìm dấu chân voi. Hòa thượng China tìm cách chứng minh lập trường của mình bằng cách trưng dẫn tám mươi đoạn kinh văn tán thán "vô phân biệt."

7. Đại cương về sáu Ba la mật

115

Đáp: Lập trường của Hòa thượng China "tất cả sự kiện liên quan đến phân biệt đều không phải là con đường chân chánh để thành Phật", là một sự phủ định cực đoan đối với "thế tục (đế)." Do vì ông ta đã phá xích tâm yếu của Phật giáo là sự dùng quán tuệ để quyết trạch ý nghĩa chân thực của vô ngã, cho nên đã xa lìa pháp quy của thắng nghĩa (Anh: the system of the ultimate). Đại Bồ tát Liên Hoa Giới đã dẫn dụng rộng rãi những lời dạy trong kinh điển, và dùng chánh lý vô cấu để phá trừ sự chấp trước: "tâm trụ trong vô phân biệt là chánh đạo thù thắng", bởi vì ý tưởng này là một loại tà kiến cực kỳ hạ liệt. Loại tu trì "tâm an trụ trong vô phân biệt" này, bất luận là tu tập thù thắng thế nào, trên thực tế, chỉ thuộc vào phạm vi của sa ma tha (định). Sau đó, ngài Liên Hoa Giới đã viết nhiều chú giải về những con đường tu tập mà các bậc Chiến Thắng ưa thích. Điều đáng tiếc là vẫn còn nhiều người tiếp tục tu tập theo phương pháp của Hòa thượng China. Đây là vì thánh giáo [của đức Phật] sắp sửa ẩn diệt (suy vong), không còn có những bậc thiện tri thức có thể vận dụng kinh điển liễu nghĩa và chánh lý vô cấu để biện biệt minh bạch tất cả những điều thiết yếu viên mãn của chánh đạo. Lại nhân vì phước đức của hữu tình vô cùng ít ỏi, hơn nữa, có rất nhiều người, đối với Thánh giáo, tín tâm yếu ớt, trí lực cạn cợt, cho nên bọn họ xem thường sự tu tập các công hạnh (những thệ nguyện mà họ có bổn phận phải hộ trì), và hơn nữa, trong khi tu trì lại xả bỏ những sự việc này. Ngoài ra, có một số người, tuy không công nhận lối lập luận (phủ định các phương tiện tu tập) của Hòa thượng China, nhưng lại cho rằng

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

116

kiến giải của ông ta mười phần cao diệu. Lại còn có một số người xả bỏ quán tuệ, và đề cao lối tu tập "hoàn toàn không tư duy" của Hòa thượng China là phương pháp tu trì cao nhất. Con đường tu tập của những người này, thật sự hoàn toàn không theo chiều hướng hoặc tương cận với sự tu tập Tính Không. Giả sử chúng ta có tiếp thọ một phương pháp tu tập Tính Không chăng nữa, cũng không thể nói rằng: "Những người đạt được sự hiểu biết từ sự tu tập chính xác, sau khi hiểu rõ ý nghĩa chân thực của Tính không, chỉ cần tu tập Tính không, không nên tu tập công hạnh thế tục", hoặc nói: "Không nên siêng năng tu tập các loại công hạnh thế gian", hoặc nói "Không nên xem chúng là tâm yếu." Loại lập luận như vậy không những trái ngược với tất cả lời dạy của Phật, mà còn hoàn toàn không đếm xỉa đến chánh lý (Anh: completely flies in the face of reason). Bởi vì, mục tiêu mà hành giả Đại thừa muốn thành đạt là "vô trụ đại Niết bàn", do đó cần phải dùng trí tuệ thông đạt "như sở hữu" (Chân thực, Tính không), thứ đệ của thắng nghĩa (đế) đạo, thậm thâm (sâu xa) đạo, trí tuệ tư lương, tức là "trí tuệ phần", để thành biện sự "không trụ sinh tử luân hồi." Lại nữa, cần phải dùng trí tuệ thông đạt "tận sở hữu", thứ đệ của thế tục (đế) đạo, quảng đại (rộng lớn) đạo, phước đức tư lương, tức là "phương tiện phần", để thành biện sự "không trụ tịch tĩnh Niết bàn." Bất Khả Tư Nghì Bí Mật Kinh (Sūtra of Showing the Tathagata's Inconceivable Secret, Skt. Tathāgatācintya-guhya-nirdeśa-sūtra) nói:

7. Đại cương về sáu Ba la mật

117

Trí tuệ tư lương có thể đoạn trừ tất cả phiền não, phước đức tư lương có thể tăng trưởng tất cả hữu tình. Bạch Thế Tôn, do nhân duyên như vậy, Bồ tát ma ha tát cần phải tinh cần tu tập hai loại tư lương phước đức và trí tuệ.

Hư Không Tạng Kinh (Questions of Sky Treasure Sūtra, Skt. Gagana-gañja-paripṛcchā-sūtra) nói:

Dùng tuệ trí, tức có thể đoạn tận tất cả phiền não; dùng phương tiện trí, tức có thể nhiếp độ khắp tất cả hữu tình.

Giải Thâm Mật Kinh (Sūtra Unravelling the Intended Meaning, Skt. Saṃdhi-nirmocana-sūtra) nói:

Ta không bao giờ nói rằng những người một mực xả bỏ sự nghiệp lợi ích chúng sinh, một mực không chịu phát khởi các công hạnh [lợi sinh], sẽ ngồi nơi Bồ đề đạo tràng, chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Duy Ma Cật Kinh (Teaching of Vimalakīrti, Skt. Vimala- kīrti-nirdeśa-sūtra) cũng nói:

Sự giải thoát và trói buộc của Bồ tát là gì? Nếu không phương tiện mà lại trôi lăn trong sinh tử, thì đây là sự trói buộc của Bồ tát. Nếu có phương tiện, tới lui trong ba cõi, thì đây là sự giải thoát của Bồ tát. Nếu không có trí tuệ mà lại trôi lăn trong sinh tử, thì đây là sự trói buộc của Bồ tát. Nếu có trí tuệ, tới lui trong ba cõi, thì đây là sự

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

118

giải thoát của Bồ tát. Trí tuệ mà không có phương tiện nhiếp trì là sự trói buộc, trí tuệ có phương tiện nhiếp trì là giải thoát. Phương tiện không có trí tuệ nhiếp trì là sự trói buộc, phương tiện có trí tuệ nhiếp trì là giải thoát.

Cho nên, muốn thành đạt Phật quả, trên đường tu tập phải nương tựa vào cả hai trí tuệ và phương tiện. Nếu chỉ nương tựa vào một bên thì không thể thành đạt. Già Da Phong Đỉnh Kinh nói:

Con đường tu tập của Bồ tát có thể thâu nhiếp sơ lược thành hai loại. Hai loại nào? Tức là phương tiện và trí tuệ.

Cát Tường Tối Thắng Bổn Sơ Tục (Glorious First and Foremost Tantra, Śrī-paramādya-kalpa-rāja) nói:

Bát nhã ba la mật đa là mẹ, phương tiện thiện xảo là cha.

Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm cũng nói:

Này Ca Diếp, giống như một vị quốc vương có đại thần phù trì thì có thể tiến hành việc nước, tương tự, trí tuệ của Bồ tát, nếu có phương tiện thiện xảo nhiếp trì thì có thể tiến hành tất cả Phật sự.

Cho nên, cần phải tu tập tất cả loại Không tính tối thắng, đầy đủ tất cả chi phần, như bố thí, v.v... Nếu chỉ đơn tu tập Không tính, thì vĩnh viễn không thể tiến nhập con

7. Đại cương về sáu Ba la mật

119

đường Đại thừa. Bảo Đỉnh Sở Vấn Kinh (Questions of Crest Jewel Sūtra, Skt. Ratna-cūḍā-sūtra) nói:

Sau khi mặc lên áo giáp "tâm từ" và đứng vững trên cương vị "tâm bi", hành giả cần phải chuyên tâm tu tập tất cả loại tối thắng chân thực Không tính. Thế nào là "tất cả loại tối thắng Không tính?" Đây tức là không xa lìa bố thí, không xa lìa trì giới, không xa lìa an nhẫn, không xa lìa tinh tiến, không xa lìa tĩnh lự, không xa lìa trí tuệ, không xa lìa phương tiện.

Vô Thượng Tương Tục Luận nói:

Bố thí, trì giới, v.v..., giống như người thợ vẽ, còn tất cả loại thù thắng Không tính giống như bức họa.

Ở đây dùng thí dụ một nhóm thợ vẽ hợp tác vẽ bức họa chân dung của nhà vua. Mỗi thợ vẽ đều có đặc trường của mình, trong đó có một người chuyên môn vẽ đầu mà không thể vẽ cái khác, những người khác cũng chỉ vẽ được tay, hoặc vẽ được chân, v.v..., mà không thể vẽ được cái khác. Nếu như thiếu đi một người thì không có cách nào hoàn thành bức họa. Bức họa chân dung của nhà vua ví cho Không tánh, còn các thợ vẽ ví cho bố thí, trì giới, v.v..., cho nên nếu các phương tiện bố thí, trì giới, v.v..., không hoàn toàn đầy đủ, thì cũng giống như vẽ một bức họa thiếu đầu, thiếu tay, v.v... Lại nữa, nếu như chỉ tu tập Không tánh, mà lại còn cho rằng "không cần tu tập các pháp khác", thì đây

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

120

là lập luận mà đức Thế Tôn đã từng đưa ra quan điểm trái ngược để đả phá. Ngài cho rằng nếu như lập luận trên là đúng, thì các Bồ tát nhiều kiếp tu tập bố thí, trì giới, v.v..., lại biến thành một loại hoạt động chướng ngại cho trí tuệ, không hiểu rõ liễu nghĩa (Không tính). Như đức Thế Tôn trong Biến Nhiếp Nhất Thiết Nghiên Ma Kinh (Sūtra Gathering All the Threads, Skt. Sarva-vaidalya-saṃgraha-sūtra) nói:

Này Di Lặc, nếu có Bồ tát cầu thành Viên mãn Chánh giác, chính xác tu trì sáu Ba la mật, thế nhưng những kẻ ngu, vì muốn phủ định những Ba la mật khác, bèn cho rằng "Bồ tát chỉ cần tu học Bát nhã ba la mật đa, còn các Ba la mật khác thì không cần đến." Này A Dật Đa (Di Lặc), ý ông nghĩ sao? Ngày trước vua xứ Kasi (tiền thân của Phật Thích Ca), vì muốn cứu một con bồ câu mà đã xả thịt cho diều hâu, là đã làm tổn hại trí tuệ hay sao?

Ngài Di Lặc đáp: "Thưa không, bạch Thế Tôn." Đức Thế Tôn nói: "Này A Dật Đa, ông cũng đã từng tu trì Bố thí ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp, tu trì Trì giới ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp, tu trì An nhẫn ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp, tu trì Tinh tiến ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp, tu trì Tĩnh lự ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp, tu trì Bát nhã ba la mật đa hơn sáu mươi đại kiếp. Vậy mà những kẻ ngu đó cho rằng chỉ cần một loại tu tập Không tính là có thể chứng

7. Đại cương về sáu Ba la mật

121

đắc Bồ đề. Việc tu tập của họ hoàn toàn không thanh tịnh.

Bởi vậy, nếu cho rằng "người đã liễu giải Tính không thì không cần nỗ lực tu tập phương tiện", thì đây là sự hủy báng, cho rằng "đức Phật (Bổn sư) của chúng ta, trong các đời kiếp, đã không hiểu rõ liễu nghĩa (Không tính)." Hỏi: Tu tập các công hạnh, như bố thí, v.v..., là khi chúng ta chưa có sự liễu giải chính xác về Tính không, nhưng khi chúng ta đã đạt được sự liễu giải chính xác về Tính không, thì đây là đủ (không còn cần phải tu tập các công hạnh khác nữa). Đáp: Đây là điều vô cùng sai lầm. Nếu điều này là đúng, thì các vị Đăng địa Bồ tát (từ Sơ địa trở lên), đã chứng đắc vô phân biệt trí hiện kiến thắng nghĩa đế, đặc biệt là Bồ tát Bát địa, đã đạt được sự tự tại với vô phân biệt trí, thì không còn cần phải tu Bồ tát hạnh nữa. Nhưng đây là điều cực kỳ vô lý, bởi vì Thập Địa Kinh (Sūtra on the Ten Levels, Skt. Daśa-bhūmika-sūtra) nói rằng tuy mỗi Địa (trong Thập địa) tu tập một loại công hạnh (như bố thí, v.v...), nhưng không nói rằng họ không thể tu các công hạnh khác, cho nên trên mỗi địa, các ngài đều tu sáu ba la mật, hoặc mười ba la mật. Vả lại, các ngài Di Lặc, Long Thọ, và Vô Trước đều giải thích ý nghĩa của các kinh điển giống như ở đây, cho nên tuyệt nhiên không thể giải thích một cách khác được. Đặc biệt, các Bồ tát Bát địa đoạn tận tất cả phiền não. Đang lúc các ngài an trụ trong cảnh giới thắng giải (tất cả hý luận đều tận diệt), thì chư Phật bèn khuyên

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

122

nhắc các ngài tiếp tục tu học Bồ tát hạnh: Nếu chỉ đầy đủ sự chứng giải về Không tính thì chưa thể thành Phật, bởi vì các Thanh văn và Bích chi phật cũng đều có thể đạt đến Vô phân biệt. Hãy nên quán sát vô lượng thân, vô lượng trí tuệ, và vô lượng cõi nước, v.v..., của ta (Phật). Ông cũng chưa có "(thập) lực", v.v..., của chư Phật, cho nên cần phải tinh tiến tu tập các công đức này. Hãy nghĩ đến các chúng sinh chưa được tịch tĩnh, vẫn còn đang nhận chịu sự bức bách của đủ loại phiền não. Nhưng (ông) cũng không thể xả bỏ sự "nhẫn" (chỉ cho sự thể chứng hoặc tu tập Không tính của Bồ tát Bát địa) này, v.v... Nếu như chỉ đạt được một loại tam ma địa bậc thấp mà đã thỏa mãn, rồi xả bỏ sự tu tập các công hạnh khác, thì đối với các bậc trí tuệ, đây là điều rất đáng buồn cười (bi ai!). Thập Địa Kinh nói:

Phật tử hãy lắng nghe! Nếu có Bồ tát an trụ giai vị Bất động địa (Bát địa), đã phát khởi nguyện lực đời quá khứ, an trụ trong sự tu tập Không quán (pháp môn chi lưu). Chư Phật Thế Tôn muốn họ tu tập trí tuệ của Như Lai bèn giáo đạo họ như thế này: "Này thiện nam tử, thiện tai, thiện tai! Ông cần phải chứng ngộ tất cả Phật đức. Tuy sự chứng ngộ của ông hiện nay là thắng nghĩa pháp nhẫn (vô sinh pháp nhẫn), nhưng ông vẫn chưa được công đức viên mãn như thập lực, tứ vô úy, v.v... Ông cần phải tinh tiến cầu đạt được những công đức viên mãn này của chư Phật. Thế nhưng, cũng không nên xả bỏ loại pháp nhẫn (Không quán) này. Này thiện nam tử! Tuy ông đã đạt

7. Đại cương về sáu Ba la mật

123

được tịch tĩnh giải thoát, thế nhưng, ông hãy tưởng nghĩ đến các phàm phu dị sinh chưa đạt được tịch tĩnh, vẫn còn nhận chịu sự bức bách của các loại phiền não. Này thiện nam tử! Ông hãy nhớ đến thệ nguyện của ông khi xưa là mong cầu thành tựu sự nghiệp lợi sinh và trí tuệ nan tư. Lại còn, này thiện nam tử! Đây là pháp tính chân thực của các pháp, bất luận là có chư Phật xuất thế hay không, loại pháp giới này y nhiên thường hằng vĩnh trụ, đây tức là Không tính của tất cả các pháp, tính bất khả đắc của tất cả các pháp. Nhưng đây không phải là chỗ ưu việt khác thường của chư Phật Như Lai, bởi vì Thanh văn và Độc giác cũng cùng đạt đến trình độ vô phân biệt pháp tính này. Lại còn, này thiện nam tử, cần phải quán sát vô lượng Phật thân, vô lượng trí tuệ, vô lượng Phật độ, vô lượng thành tựu, vô lượng quang minh luân, vô lượng thanh tịnh âm thanh, v.v..., của chư Phật. Ông cũng cần phải đạt thành những sự nghiệp này."

Thập Địa Kinh cũng cho ví dụ về một chiếc thuyền ra biển, nếu như gặp được gió thuận, thì khoảng cách di chuyển trong một ngày còn nhiều hơn một chiếc thuyền khác rời bến mà không gặp gió và phải ra sức chèo tay trong cả trăm năm. Tương tự, sau khi đạt được Bồ tát Bát địa thì không cần hao phí sức lực to lớn, mà trong khoảnh khắc có thể tiến nhập con đường "nhất thiết chủng trí", mà trước đó (trước khi đạt được Bất động địa), dù có siêng năng tu tập cả trăm ngàn năm cũng không thể nào thành đạt. Cho nên, nếu cho rằng mình

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

124

có "phương tiện vắn tắt" (Anh: shortcut), mà lại không chịu tu học Bồ tát hạnh, thì đây là tự khinh chính mình.

Hỏi: Tôi không nói rằng các công hạnh bố thí, v.v..., là không cần thiết, mà chỉ cho rằng trong trạng thái "tâm vô phân biệt" (Anh: state of mind that lack of any thoughts) đã đầy đủ bố thí, v.v..., không chấp trước là người bố thí, vật bố thí, và người thọ nhận bố thí, đầy đủ "vô duyên bố thí", tương tự cũng đầy đủ các loại ba la mật đa khác, bởi vì trong kinh, Phật cũng nói là mỗi loại ba la mật đa đều có đầy đủ sáu ba la mật đa.

Đáp: Giả như trong trạng thái vô phân biệt có thể

có đầy đủ tất cả, thì các hành giả ngoại đạo trụ trong tâm nhất cảnh tính tịch chỉ tam ma địa cũng có thể đầy đủ tất cả ba la mật đa, bởi vì bọn họ (khi đang trong định) cũng không chấp trước có người bố thí, vật được bố thí và người nhận bố thí. Đặc biệt là Thanh văn và Độc giác, giống như Thập Địa Kinh đã nói ở phần trên, lúc họ đang ở trong vô phân biệt hiện quán chân thật pháp tính, cũng có thể đầy đủ tất cả Bồ tát hạnh, và như vậy họ cũng có thể trở thành hành giả Đại thừa. Nếu như vì kinh điển từng cho rằng chỉ cần tu một loại ba la mật đa là đủ, thì trong lúc cúng dường dâng hiến mạn đà la, niệm tụng những câu như "Bố thí phân bò và nước, v.v...", thì cũng có thể nói rằng đã đầy đủ sáu ba la mật, chỉ cần hiến cúng mạn đà la là đã đầy đủ tất cả cái khác.

Nhân đây, nên biết ý nghĩa của sự dùng "kiến"

(Anh: philosophical view) nhiếp "hành" (công hạnh), và sự dùng "phương tiện" nhiếp "tuệ", có thể được hiểu

7. Đại cương về sáu Ba la mật

125

bằng một ví dụ. Ví như có một người mẹ đang đau khổ vì mất một đứa con. Khi bà nói năng, hoặc tham dự vào các hoạt động khác, tuy rằng ảnh hưởng của sự ưu sầu không bị tiêu mất, nhưng không phải tất cả sự biểu hiện của bà đều là ưu sầu. Tương tự, giả sử tuệ lực của sự thông đạt Tính không vô cùng mạnh mẽ, và tuy tâm cảnh tương ưng với sự bố thí, lễ bái, nhiễu Phật, niệm tụng, v.v..., không phải là sự tri giải về Tính không, nhưng vẫn có thể cùng với thế lực của sự tri giải về Tính không đồng thời vận chuyển, không tạo thành sự chướng ngại. Chẳng hạn như trong lúc bắt đầu tu tập thiền quán, giả như chúng ta trước tiên phát khởi Bồ đề tâm vô cùng mạnh mẽ, đến lúc chúng ta tiến nhập Không tính tịch tĩnh tam ma địa, Bồ đề tâm (vốn phát khởi lúc nảy) không còn minh hiển nữa, nhưng sự nhiếp trì của Bồ đề tâm đối với loại tĩnh lự này vẫn không bị chướng ngại.

Danh xưng "vô duyên bố thí" (Anh: non-appre-

hending generosity) là chỉ cho một loại sự kiện tương tự như vừa mô tả ở trên. Tuy rằng sự bố thí không thể hiện thực (một cách cụ thể), nhưng tâm bố thí vẫn không phải hoàn toàn vắng mặt. Các ba la mật khác cũng được hiểu tương tự như vậy. Đây gọi là trí tuệ và phương tiện không có sự cách biệt.

Hơn nữa, chúng ta không nên hiểu lầm những lời

dạy trong kinh là "những sự tình trong sinh tử luân hồi, như là: thân, thọ dụng, trường thọ, v.v..., là quả báo của sự tích tập phước báo tư lương", đó chẳng qua chỉ là thiếu sự nhiếp trì của phương tiện và trí tuệ. Hiện nay, phước đức tư lương được nhiếp trì bởi phương tiện và

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

126

trí tuệ, chúng sẽ trở thành nhân cho sự giải thoát và nhất thiết chủng trí. Có vô số kinh điển nói về ý nghĩa này, như trong Bảo Man Luận nói:

Đại vương, nói tổng quát, sắc thân được thành tựu từ phước đức tư lương.

Hơn nữa, như chúng ta đôi khi cho rằng ngay những ác hành và phiền não là nhân của ái dục cũng có thể trở thành nhân cho sự thành tựu Phật quả, và (cũng cho rằng) những thiện hành chiêu cảm quả báo tăng thượng như bố thí, trì giới, v.v..., đôi khi lại là nhân cho sinh tử luân hồi mà không phải là nhân cho sự thành Phật. Cho nên trước khi mở lời, chúng ta phải nên suy xét kỹ lưỡng. Không nên hiểu lầm những lời dạy sau đây. Chư Kinh Tập Yếu (Skt. Sūtra-samuccaya) nói:

Chấp trước vào sáu ba la mật, như bố thí, v.v..., đều là ma nghiệp.

Tam Uẩn Kinh (Three Heaps Sūtra, Skt. Tri-skandhaka-sūtra) nói:

Cần phải sám hối những việc sau: Dựa vào cảnh sở duyên mà làm việc bố thí, chấp trước giới luật là ưu thắng mà thủ hộ luật nghi, v.v...

Lại từ Phạm Vấn Kinh (Sūtra Requested by Brahma, Skt. Brahma-paripṛcchā-sūtra) nói:

Quán sát quyết trạch đều là phân biệt, vô phân biệt tức là Bồ đề.

7. Đại cương về sáu Ba la mật

127

Xin chớ hiểu lầm nguyên ý của những đoạn kinh văn trên. Đoạn kinh văn thứ nhất (Chư Kinh Tập Yếu) có ý muốn nói sự bố thí phát khởi bởi hai loại điên đảo chấp trước (ngã và pháp) là không thanh tịnh, cho nên gọi nói là ma nghiệp, chứ không phải nói rằng bố thí, v.v..., là ma nghiệp. Nếu không, do vì đoạn kinh văn đề cập đến toàn bộ sáu ba la mật, chúng ta phải thừa nhận rằng tĩnh lự ba la mật và bát nhã ba la mật cũng là ma nghiệp. Đoạn kinh văn thứ hai (Tam Uẩn Kinh) cũng nói do điên đảo chấp trước phát động ba la mật đều là không thanh tịnh, cho nên nói hành giả cần phải sám hối, mà tuyệt nhiên không nói rằng không nên bố thí, trì giới, v.v... Nếu không, trong câu "dựa vào cảnh sở duyên mà làm việc bố thí" không cần đề cập đến "cảnh sở duyên" (nghĩa là chấp có người bố thí, vật bố thí, và người nhận bố thí), mà chỉ cần nói tổng quát "làm việc bố thí cần phải sám hối", nhưng kinh văn đã không nói như vậy. Loại hỏi đáp như vậy, được trình bày trong Tiến Trình Tu Tập Thiền Định (Tam biên), nhấn mạnh đến một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì kiến giải của hòa thượng China quả đúng là sự hiểu lầm nghiêm trọng những đoạn kinh văn này, và do đây ông ấy mới chủ trương rằng tất cả hành pháp (ba la mật), xem chúng là "hữu tướng", đều là nhân ngã tướng chấp và pháp ngã tướng chấp. Giả như nhận định "xả tâm", như "tôi muốn bố thí món vật này", hoặc "phòng hộ tâm", như "tôi cần phải đề phòng ác hành này", v.v..., là những loại tâm

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

128

phân biệt "thiện", là hoàn toàn thuộc về pháp ngã chấp (theo lập luận của hòa thượng China), thì một vị hành giả đã đạt được "pháp vô ngã kiến", cần phải bài trừ các "tâm thiện phân biệt", cũng giống như đã bài trừ các "tâm ác phân biệt" (như sân khuể, ngã mạn, v.v...), mà không nên quyết tâm tu tập những thiện hạnh này (!?). Nếu như tất cả sự phân biệt tư duy (như phân biện "cái này là cái này"), đều thuộc về pháp ngã chấp (vọng chấp tam luân), thì những sự tư duy về: "công đức của thiện tri thức", "được thân người nhàn hạ viên mãn", "cái chết vô thường", "sự thống khổ trong ác đạo", "tu học quy y", "nghiệp này sinh quả này", "đại từ đại bi", "bồ đề tâm", "tu học các học xứ của hành Bồ đề tâm", v.v..., sẽ là cái gì? Bởi vì những đạo lộ tu tập này cần hành giả phải xuyên qua sự tư duy "cái này là cái này", "cái này từ cái kia sinh ra", hoặc "cái này có công đức này, hoặc có những họa hoạn kia", để dẫn sinh định giải. Như vậy, nếu như định giải đối với những đạo lộ tu tập càng trở nên vững chắc, thì pháp ngã chấp cũng càng trở nên vững chắc, ngược lại, nếu định giải của pháp ngã chấp đối với sự tu tập càng trở nên yếu ớt, thì định giải đối với những đạo lộ tu tập cũng càng trở nên yếu ớt. Như vậy, hai phần "hành và kiến"sẽ trở thành bài xích nhau, giống như lạnh và nóng, hành giả vĩnh viễn không thể bồi dưỡng định giải kiên cố lâu dài đối với "kiến và hành." Cho nên, điều này giống như hai quả vị "Phật pháp thân" và "Phật sắc thân", đều được xưng là thành tựu, mà hơn nữa, hoàn toàn không có một hào ly mâu thuẫn xung đột. Tương tự, trên đạo lộ tu tập. hành giả

7. Đại cương về sáu Ba la mật

129

cần phải dẫn sinh hai loại định giải hoàn toàn không có mâu thuẫn xung đột là chân thật viễn ly hý luận (dù nhỏ như hại bụi) về hai loại ngã tướng thực hữu, và định giải "cái này từ cái kia sản sinh, cái này có loại công đức này hoặc họa hoạn này", và điều này được xem là phương pháp "nhị đế" (Hán: quyết trạch nhân vị chánh kiến). Nếu như chúng ta đối với hai loại "lượng" phía dưới đây đạt được định giải:

(1) Có thể dùng "giáo", "lý" quyết trạch bổn tính sinh tử niết bàn của tất cả các pháp, mà thành lập "thắng nghĩa lượng" (dù là một điểm vi trần tự tính cũng không hiện hữu). (2) Thành lập "danh ngôn lượng" của nhân và quả, mà mỗi pháp (nhân quả) vận hành một cách rõ ràng chắc chắn, mà không có một hào ly hỗn loạn. Đây còn gọi là "thế tục danh ngôn lượng."

Nếu biết rõ hai loại định giải này không những không tổn hại nhau mà còn phù trợ lẫn nhau, chúng ta sẽ dần dẫn thông đạt "nhị đế", có thể gia nhập hàng ngũ của "các bậc đã thông đạt mật ý của đức Phật." Điều này sẽ được giải thích trong phần Tỳ Bát Xá Na. Đến như đoạn kinh văn thứ ba (Phạm Vấn Kinh), do vì đoạn kinh văn này xuất phát từ phần quyết trạch các sự việc như "sinh", v.v..., vì muốn khai thị rằng tất cả các sự việc như bố thí, v.v..., là cứu cánh vô sinh, cho nên mới sử dụng từ vựng "phân biệt", để khai thị rằng các pháp hành như bố thí, v.v..., chỉ là xuyên qua sự tư duy

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

130

phân biệt mà được giả lập, chứ không phải cho rằng phải phủ định sự bố thí, không thể tu tập bố thí. Cho nên, trong giai đoạn trước khi chúng ta thành Phật, không có thời điểm nào mà chúng ta "không cần phải" tu trì sáu pháp ba la mật. Bởi vậy chúng ta hiện nay có thể chí tâm nỗ lực tu hành, đối với những pháp nào có thể tu trì thì nỗ lực siêng tu, còn đối với các pháp chưa thể tu tập thì phát nguyện trong tương lai sẽ cố gắng thành đạt. Hơn nữa, vì muốn có thể tu trì các pháp đó mà hiện nay tích tập tư lương, tịnh trị tội chướng, phát nguyện quảng đại, như vậy, không bao lâu sau sẽ có năng lực để tu trì các pháp hành đó. Nếu chúng ta không làm như vậy, cho rằng mình không hiểu và không thể thực hành, mà lại còn bảo những người khác không cần tu tập các pháp hành đó, thì điều này không những làm tổn hại chính mình và người khác, mà còn tạo thành nhân duyên cho Phật pháp diệt vong. Cho nên tuyệt đối không nên làm như vậy. Ngài A xà lê Long Thọ, trong Chư Kinh Tập Yếu, nói:

Quán sát "vô vi", nhưng lại chán ghét "pháp thiện hữu vi", thì đây là ma nghiệp. Hiểu rõ "Bồ đề đạo" mà không tìm cầu "ba la mật đa đạo", thì đây cũng là ma nghiệp.

Lại nói:

Bồ tát nào khiếm khuyết phương tiện thiện xảo, thì không nên siêng năng tu tập pháp tính thậm thâm (Không tính).

7. Đại cương về sáu Ba la mật

131

Bất Khả Tư Nghì Bí Mật Kinh cũng nói:

Thiện nam tử, giống như lửa từ nhân mà bùng cháy, nếu không có nhân thì sẽ rụi tắt. Tương tự, tâm nương vào cảnh sở duyên mà hiện hành khởi dụng, nếu không có cảnh sở duyên thì sẽ ngừng dứt (tác dụng). Các Bồ tát có đầy đủ phương tiện thiện xảo này, do vì Bát nhã ba la mật đa của họ thanh tịnh, nên họ có thể biết rõ cách trừ diệt cảnh sở duyên thực sự, nhưng không trừ diệt cảnh sở duyên của thiện căn. Không dẫn sinh cảnh sở duyên của phiền não, nhưng lại tác ý với cảnh sở duyên của ba la mật đa, có thể quán cảnh sở duyên của Không tánh và đồng thời dùng đại bi tâm duyên với tất cả hữu tình.

Chúng ta cần phải phân biện thỏa đáng hai loại giải thích "vô sở duyên" và "hữu sở duyên."

Cho nên cần phải giải tỏa sự trói buộc của phiền não và chấp trước, nhưng lại cần phải buộc chặt dây thừng "giới học." Cần phải đoạn trừ hai loại tội ác, nhưng lại không thể đoạn trừ thiện hạnh. Thọ nhận sự trói buộc của giới học, khác với bị trói buộc bởi sự chấp thực hữu tướng. Buông lỏng sự hộ giới (nghĩa là buông lung) cũng khác biệt với sự buông lỏng sự trói buộc của ngã chấp. Nhất thiết chủng trí cần phải do nhiều nhân tố (hợp lại) mới có thể thành đạt. Nếu chỉ có một nhân tố thì tuyệt nhiên không đủ. Những hành giả có được tấm thân hạ mãn này, cần phải dùng nhiều con đường tu tập

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

132

để đạt được thực nghĩa tâm yếu. Nếu có người cho rằng: "Ném một viên đá có thể làm kinh động hàng trăm con chim, chỉ cần tu tập một bộ phận đặc thù (của đạo lộ tu tập) mà không cần tu những pháp khác", thì nên biết rằng kẻ đó là một ác tri thức đang làm bế tắc con đường tu tập hai loại tư lương (phước tuệ) của người khác. Lại nữa, sự khác biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa là xem khi họ trên con đường tu trì chánh pháp, có hay không có tu tập vô lượng vô biên tư lương. Độc nhất thừa (Anh: modest vehicle) và Tiểu thừa (Hinayana) có ý nghĩa giống nhau. Cụm từ "độc nhất" có nghĩa là "một bộ phận." Dù cho quả báo hạ liệt hiện tiền, như ẩm thực, v.v..., vẫn cần phải có nhiều loại nhân duyên hợp thành mới có thể đạt được, thế nhưng, đối với mục tiêu vô thượng của chúng ta là Phật quả, ngược lại lại cho rằng chỉ cần tu tập một phần là đủ, đây là điều vô cùng lầm lạc, bởi vì quả tùy thuộc vào nhân mà được thành lập. Đây là bổn tính pháp nhĩ của pháp duyên khởi. Đức Phật trong Bi Hoa Kinh (Lotus Compassion Sutra, Skt: Karuṇā-puṇḍarika-sūtra) nói: "Một phần thành một phần, tất cả thành tất cả." Điều này được giải thích chi tiết trong Như Lai Xuất Hiện Phẩm (Sutra on the Coming Forth of the Tathāgata, Skt: Tathāgatotpatti-saṃbhava) nói:

Chư Như Lai không phải chỉ do một loại nhân duyên mà xuất hiện trên đời. Vì sao? Này Tối thắng tử! Chư Như Lai cần phải có muôn ức vô lượng chánh nhân thì mới có thể thành lập. Số mười này có nghĩa gì? Tức là dùng vô lượng phước đức trí tuệ tư lương viên mãn chánh nhân.

7. Đại cương về sáu Ba la mật

133

Duy Ma Cật Kinh cũng nói:

Này các bạn. Phật thân của đức Như Lai là từ trăm loại phước nghiệp mà sanh, từ tất cả thiện pháp mà sanh, từ vô lượng thiện đạo mà sanh!

Ngài Long Thọ, trong Bảo Man Luận, cũng nói:

Ngay cả nhân của sắc thân của Phật mà thế gian còn không có cách nào để đo lường, thử hỏi làm sao có thể đo lường nhân của pháp thân (của Phật)?

Như phần trên đã nói, sự tu học bao hàm sáu loại ba la mật này là pháp tu chung cho hai thừa Ba la mật đa (Hiển giáo) và Mật chú (Mật giáo). Rất nhiều tục bộ (tantra), trong lúc giải thích toàn thể của vô lượng cung điện và chư tôn thiên chúng đều là công đức của nội tâm, đều cũng thường đề cập đến đạo lộ ba la mật viên mãn: sáu ba la mật, ba mươi bảy pháp bồ đề phần, thập lục không, v.v... Do đây biết rằng ngoại trừ vì một thiểu số bổ đặc già la mà thi thiết Mật tục "dùng dục trần làm sự tu tập" ra, tất cả những lời dạy của kinh điển Hiển giáo nói về những pháp cần phải thủ xả, sự việc cần phải phụng hành và cấm chỉ đều là pháp mà các hành giả Mật thừa đều phải tu học (chung với Hiển giáo). Cần phải đem nội dung của những lời dạy trên làm hạt giống (chủng tử) để khéo léo tư duy và tu tập. Nếu như chưa đạt được định giải đối với "đạo lộ viên mãn" (không phải chỉ là một phần của đạo lộ), thì chưa

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

134

hiểu rõ tổng thể căn bổn của con đường Đại thừa, cho nên người trí đối với con đường tu tập "phương tiện và trí tuệ" này, cần phải dẫn sinh định giải kiên cố, và cũng phải nên dùng nhiều phương pháp (tu tập) để khiến cho chủng tính Đại thừa có thể tiếp tục tăng trưởng vững bền.

8. Tu học Đại thừa

135

8. Tu học Đại thừa G3. Giải thích thứ đệ tu học học xứ. Giải thích thứ đệ tu học học xứ có hai phần: (1) Phương pháp tu học tổng thể của Đại thừa (chương 8 về sau). (2) Phương pháp tu học đặc thù của Kim cang thừa (chương 27 của Tập 3). H1. Phương pháp tu học tổng thể Đại thừa. Phương pháp tu học tổng thể của Đại thừa có ba phần: (1) Kiến lập lòng mong muốn tu tập học xứ của Bồ đề tâm. (2) Sau khi kiến lập lòng mong muốn tu học học xứ bèn thọ trì Bồ tát luật nghi. (3) Phương pháp học tập sau khi thọ trì luật nghi. I1. Kiến lập lòng mong muốn học tập học xứ của Bồ đề tâm. Trong Biệt giải thoát luật nghi và Mật tục, nếu như trước đó chưa thọ trì giới luật thì không được lắng nghe các loại học xứ, thế nhưng, những luật nghi của Bồ tát thì có sự khác biệt. Chúng ta trước tiên cần phải biết rõ các loại học xứ, sau đó mới có thể tiến hành sự tu học, nếu như ưa thích thọ trì học xứ, thì có thể cầu xin truyền thọ các loại luật nghi. Bồ Tát Địa nói:

Đối với những hành giả hy vọng thọ trì Bồ tát thanh tịnh luật nghi, trước tiên phải vì họ khai thị học xứ căn bổn của Bồ tát và những sự vi phạm đã được đề cập trong Ma Đạt Lý Ca (luận tạng)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

136

của Bồ tát pháp tạng. Sau khi xuyên qua sự quán sát của tuệ lực và sự quyết trạch tinh tế, nếu như họ có thể chân thành ưa thích, mà không phải là do người khác sai khiến, mà cũng không phải vì tranh hơn với người khác, thì có thể biết rằng họ là Bồ tát chân thực, cần phải y chiếu nghi quỹ, vì họ mà truyền thọ tịnh giới luật nghi, cho phép họ thọ trì tịnh giới luật nghi.

Đây là phương pháp hay nhất, bởi vì nếu chúng ta trước đó có thể hiểu rõ học xứ, nhớ kỹ trong tâm, sau khi thiết lập tâm tha thiết muốn học tập học xứ, rồi mới thọ trì Bồ tát luật nghi, thì sự hành trì sẽ vô cùng vững chắc. Nếu như lập tức giải thích các loại luật nghi ngay nơi đây thì sẽ rất rườm rà, cho nên tôi sẽ giải thích chúng ở những chương sau. I2. Sau khi kiến lập lòng mong muốn tu học học xứ bèn thọ trì Bồ tát luật nghi. Trong Giới Ba La Mật Đa Luận, tôi (Tsong Khapa) đã giải thích quyết trạch tường tận về phương pháp thọ trì Bồ tát luật nghi, và sau khi thọ giới, phương pháp phòng hộ tội căn bổn và tội ác tác. Các hành giả trước khi thọ trì giới luật Bồ tát cần phải nghiên cứu cẩn thận (Giới Ba La Mật Đa Luận) để có thể hiểu rõ phương pháp thọ giới và hộ trì giới luật Bồ tát. I3. Phương pháp học tập sau khi thọ trì luật nghi. Phương pháp học tập sau khi thọ trì luật nghi có ba phần: (1) Những điều cần phải học là gì. (2) Ý nghĩa của

8. Tu học Đại thừa

137

tất cả học xứ được hàm nhiếp trong sáu ba la mật. (3) Thứ tự tu học ba la mật đa (chương 9 về sau). J1. Những điều cần phải học là gì. Nếu phân loại tường tận, học xứ của Bồ tát nhiều vô lượng vô biên, thế nhưng, nếu muốn đem học xứ phân thành môn loại khác biệt, thì có thể đem chúng hàm nhiếp trong sáu loại ba la mật. Cho nên sáu ba la mật là một đại cương lĩnh thiết yếu của đạo lộ tu tập Bồ tát hạnh. Mà ngay cả tứ nhiếp pháp cũng được hàm nhiếp trong sáu ba la mật này. Ý nghĩa của sự bao hàm "bố thí" tương đối dễ hiểu. "Ái ngữ" là y theo sáu loại ba la mật mà giáo hóa đệ tử. "Lợi hành" là khiến cho người khác an trụ trong ý chỉ (Anh: aims) căn bổn của những giáo pháp này. Còn "đồng sự" tức là phải cùng với đệ tử thực hành những giáo pháp mà mình đang giảng dạy. Tuy toàn thể đạo lộ tu tập của Bồ tát có thể được bao hàm bởi hai loại tư lương (phước, tuệ), hoặc tam học (giới, định, tuệ), thế nhưng chúng (hai loại tư lương hoặc tam học) không thể sanh khởi sự hiểu rõ về đường hướng tu tập giống như sáu loại ba la mật, cho nên sáu ba la mật là phương thức tốt nhất để thống nhiếp đạo lộ tu tập của Bồ tát. J2. Ý nghĩa của tất cả học xứ được hàm nhiếp trong sáu ba la mật. Ý nghĩa của tất cả học xứ hàm nhiếp trong sáu ba la mật có hai phần: (1) Nói rõ chủ đề số mục cố định của các ba la mật. (2) Thuận tiện nói rõ thứ tự của các ba la mật.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

138

K1. Nói rõ chủ đề số mục cố định của các ba la mật. Đức Thế Tôn chế định tổng cương của sáu ba la mật, ngài Bồ tát Bổ xứ Di Lặc án chiếu mật ý của đức Phật mà nêu rõ nguyên lý chủ chốt của phương thức chế định này, nương vào đây để dẫn sinh sự hiểu biết quyết định. Những giải thích này chỉ rõ các ba la mật có số mục nhất định. Nếu chúng ta hiểu rõ chắc chắn nghĩa lý này, thì chúng ta sẽ phụng trì sự tu tập ba la mật đa như một giáo thọ thù thắng, cho nên chúng ta cần phải đạt được sự hiểu biết chắc chắn này. Nói rõ chủ đề số mục cố định của các ba la mật có sáu phần: (1) Nương vào tăng thượng sinh mà quyết định số mục của các ba la mật. (2) Nương vào viên mãn nhị lợi mà quyết định số mục. (3) Nương vào viên mãn lợi tha mà quyết định số mục. (4) Nương vào năng nhiếp tất cả Đại thừa mà quyết định số mục. (5) Ước định viên mãn tất cả đạo lộ (tu tập) hoặc phương tiện mà quyết định số mục. (6) Nương vào tam học mà quyết định số mục. L1. Nương vào tăng thượng sinh mà quyết định số mục của các ba la mật. Nếu muốn viên mãn hạnh nguyện quảng đại của Bồ tát, cần phải trải qua vô lượng đời, trong khoảng thời gian này, nếu muốn nhanh chóng đạt thành đạo quả, thì lại cần phải đạt được sinh mệnh với đức tướng viên mãn. Giả như đời này chỉ có một vài đức tướng chưa được viên mãn, thì dù chúng ta có nỗ lực tu pháp cũng khó

8. Tu học Đại thừa

139

mà tiến triển, cho nên cần phải đạt được sinh mệnh có đầy đủ bốn loại viên mãn như sau: (1) tài vật để thọ dụng (đây là quả báo của sự tu tập bố thí ba la mật), (2) thân thể để hưởng thọ tài vật (đây là quả báo của sự tu tập trì giới ba la mật), (3) bạn hữu để cùng nhau thọ dụng (đây là quả báo của sự tu tập nhẫn nhục ba la mật), (4) có thể thành đạt sự việc mà mình muốn hoàn thành (đây là quả báo của sự tu tập tinh tiến ba la mật). Thế nhưng, do vì bốn loại sự nghiệp viên mãn nêu trên thường hay biến thành trợ duyên cho phiền não, cho nên quyết không để cho phiền não làm chủ tể (đây là quả báo của sự tu tập tĩnh lự ba la mật). Nếu chỉ có bốn loại viên mãn vẫn chưa đủ, cho nên chúng ta phải khéo léo phân biệt sự việc nào cần phải thủ, hoặc cần phải xả, những sự việc nào cần phải làm, những sự việc nào cần phải ngừng (đây là quả báo của sự tu tập bát nhã ba la mật trong quá khứ). Nếu không, sẽ giống như cây trúc, hoặc cây chuối, sau khi đơm hoa kết trái thì liền héo tàn, hoặc giống như con loa, nhân vì sinh đẻ mà mất mạng; không có tĩnh lự và bát nhã, chúng ta sẽ bị bốn loại viên mãn này hủy hoại. Người trí biết rằng sáu loại này – bốn loại viên mãn (1-4), không bị phiền não làm chủ tể (5), và biết rõ sự thủ xả (6), là quả báo của thiện nghiệp đời quá khứ, cho nên càng gia tăng nỗ lực tu tập, khiến cho nhân của thiện quả không ngừng tăng trưởng. Còn kẻ ngu, ngược lại, chỉ biết dùng hết quả báo của tư lương thiện nghiệp đã tạo trong đời quá khứ, mà không biết làm cho nhân lành tăng trưởng, do đây trong đời vị lai sẽ bị rơi vào cảnh khổ.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

140

Trong đời vị lai có thể tiếp tục chiêu cảm được sau quả báo lành này, không phải là do "vô nhân", hoặc các loại "bất thuận nhân" sản sinh, mà là từ "tùy thuận nhân" của sáu quả báo lành này sản sinh. Cho nên, số mục của các ba la mật được quy định là sáu loại. Cho nên, chúng ta trong đời hiện tại cần phải y chỉ sáu ba la mật mà thường xuyên tu tập không ngừng, bởi vì nhân thù thắng thì mới chiêu cảm quả báo thù thắng. Thân thể đầy đủ bốn loại viên mãn chỉ là hiện tiền (tạm thời) tăng thượng sinh, mà chưa phải là "cứu cánh tăng thượng sinh", cứu cánh viên mãn, v.v..., của Phật địa, cho nên, như Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận (Ornament for the Mahāyāna Sūtras, Skt. Mahāyāna-

sūtrālaṃkāra) nói:

Tăng thượng sinh đầy đủ thọ dụng viên mãn, thân viên mãn, quyến thuộc viên mãn, việc làm viên mãn, không bị phiền não làm chủ tể, và sự nghiệp tuyệt đối không bao giờ điên đảo sai lầm.

L2. Nương vào viên mãn nhị lợi mà quyết định số mục. Đang lúc Bồ tát dùng sinh mệnh tăng thượng này để học tập Bồ tát hạnh, những công hạnh tu tập này được phân làm hai loại là "viên mãn tự lợi" và "viên mãn lợi tha." Cho nên hiện nay có thể nương vào sự "viên mãn nhị lợi" mà quyết định số mục của các ba la mật. Nếu muốn viên mãn lợi tha, trước tiên cần phải dùng tài vật làm lợi ích cho họ, thế nhưng, giả như chúng ta lúc bố thí lại làm tổn hại hữu tình thì không có

8. Tu học Đại thừa

141

sự lợi ích. Nếu có thể đoạn trừ những việc tổn hại hữu tình (chỉ cho ba nghiệp ác của thân và bốn nghiệp ác của miệng), và nhân của chúng (chỉ cho ba nghiệp ác của ý), thì đối với sự lợi tha sẽ có tác dụng rất lớn, cho nên cần phải hộ trì giới luật. Thế nhưng, muốn sự hộ trì giới luật được cứu cánh viên mãn thì cần phải nhẫn nại sự tổn hại của kẻ khác đối với chúng ta. Nếu như không thể nhẫn nại sự tổn hại của kẻ khác, chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách báo thù, và như vậy sự trì giới sẽ không thanh tịnh. Nếu như có thể nhẫn nại mà không trả thù, thì có thể tránh cho người khác không gây tạo nghiệp ác to lớn, mà còn có thể khiến cho đối phương, nhân sự nhẫn nại của chúng ta cảm hóa mà làm việc thiện. Cho nên an nhẫn có tác dụng lợi tha rất lớn. Ý nghĩa của sự tự lợi là dùng tuệ lực để đạt được sự an lạc giải thoát, thế nhưng, nếu như tự tâm tán loạn thì không thể đạt thành sự việc này, cho nên cần phải dùng "tĩnh lự" để đạt đến "tâm kham năng", có thể tùy ý an trụ trong cảnh giới tu tập. Lại do những kẻ lười biếng không thể sinh khởi loại định cảnh này, cho nên cần phải ngày đêm tinh tiến, không được giải đãi, vì thế tinh tiến là căn bổn của tất cả các ba la mật khác. Vì muốn thành tựu nhị lợi, số mục của các ba la mật được quy định là sáu (loại). Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Tinh cần lợi ích hữu tình, tu tập bố thí (bố thí), bất hại (trì giới), và nhẫn nhục (an nhẫn). Dùng an trụ giải thoát (tĩnh lự, bát nhã) và căn bổn (tinh tiến), để thành biện sự tự lợi viên mãn cứu cánh.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

142

Sáu ba la mật này không hoàn toàn viên mãn lợi tha8. Ở đây đề cập đến "an trụ và giải thoát", có hai điểm khác biệt: (1) Tâm ý an trụ trong sở tu cảnh (cảnh sở duyên) là ấn tích (Anh: imprint) của tĩnh lự. (2) Giải thoát sinh tử luân hồi là ấn tích của bát nhã. Nếu có thể hiểu rõ sự phân biệt thì sẽ không lầm lẫn giữa xa ma tha và tỳ bát xá na. Do đây biết rằng, những người tu tập chuyên trụ trong cảnh giới vô phân biệt, rồi cho rằng đây là sự tu tập thậm thâm (Không tính), nhưng đó bất quá chỉ là một phần của sự tu tập xa ma tha (tĩnh lự ba la mật), cho nên cần phải có sự hiểu rõ toàn diện sáu ba la mật đa này. L3. Nương vào viên mãn lợi tha mà quyết định số mục. Chúng ta trước tiên cần phải bố thí tài vật để trừ diệt bần cùng của kẻ khác, sau đó, không được làm bất cứ sự việc gì tổn thương đến hữu tình, sẳn sàng nhận thọ sự tổn hại của kẻ khác đối với mình, mà lại cần phải tinh tiến giúp đỡ những người đã tổn hại chúng ta, không thể chán nản, thoái thất. Chúng ta cần phải nương vào tĩnh lự, dùng lực lượng của thần thông để dẫn nhiếp họ. Đang lúc họ trở thành căn cơ thích hợp, thì chúng ta cần phải dùng trí tuệ để khéo léo khai thị, đoạn trừ sự nghi hoặc, dẫn dắt họ đạt đến sự giải thoát. Do vì chúng ta muốn thành biện những sự việc này, cho nên số mục 8 Ngài Geshe Yeshe Tapkay cho rằng ngài Tsong Khapa hình như cho rằng hành giả nếu muốn lợi tha triệt để cứu cánh, ngoài sáu ba la mật ra, còn cần phải tu tập pháp "hoán đổi mình và người" và Bồ đề tâm.

8. Tu học Đại thừa

143

của ba la mật được quy định là sáu loại. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Tiêu trừ sự nghèo khổ của họ (bố thí), không được tổn hại họ (trì giới), nhẫn thọ sự tổn hại của họ đối với chúng ta (an nhẫn), đối với những hành vi tạo tác của họ không được thoái chí (tinh tiến), khiến cho họ hoan hỷ (tĩnh lự), khéo léo khai thị Phật pháp cho họ (bát nhã). Lợi tha tức là tự lợi.

Đoạn văn này và một đoạn văn phía trên nói rằng nếu không y tựa vào sáu ba la mật thì không thể viên mãn tự lợi lợi tha. Nếu chúng ta đạt được định giải đối với ý nghĩa "sáu ba la mật có thể viên mãn tự lợi lợi tha", thì chúng ta sẽ tu tập sáu ba la mật một cách ân trọng và cung kính. L4. Nương vào năng nhiếp tất cả Đại thừa mà quyết định số mục. Do vì chúng ta không tham lam những tài vật đã được và cũng không truy cầu những tài vật chưa được, cho nên đối với sự thọ dụng tài sản hoàn toàn không còn tham luyến. Vì vậy nên có năng lực thủ hộ học xứ, thọ trì giới luật, tôn kính giới luật. Do có thể nhận thọ sự thống khổ gây tạo bởi hữu tình và vô tình, nên có thể dũng mãnh nhiệt tình tu tập bất cứ thiện hạnh nào mà không biết mệt mỏi chán nản, tu tập "xa ma tha vô phân biệt du già" và "tỳ bát xá na vô phân biệt du già." Sáu loại này hàm nhiếp tất cả sự tu hành Đại thừa nương vào sáu ba la mật để thăng tiến. Do vì chúng ta có thể

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

144

nương vào sáu ba la mật để dần dần thành đạt những sự tu hành này, cho nên ngoài sáu ba la mật ra, chúng ta không còn cần công hạnh nào khác cho sự tu tập Đại thừa. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Có thể tổng nhiếp toàn thể Đại thừa như sau: Không xem tài vật là lạc thú (bố thí), cực kỳ cung kính (trì giới), hai loại không chán nản (nhẫn nhục, tinh tiến), vô phân biệt du già (tĩnh lự, bát nhã).

Do đây biết rằng những người hy vọng tiến nhập Đại thừa, mà lại cự tuyệt sự tu trì sáu ba la mật, thì đây là tự mâu thuẫn với chính mình. L5. Ước định viên mãn tính của đạo lộ hoặc phương tiện mà quyết định số mục. Đạo lộ hoặc phương tiện "có thể không tham lam sự thọ dụng tài vật", tức là bố thí. Nhân vì chúng ta đã quen với sự bố thí tài vật, cho nên có thể xa lìa loại tham đắm này. Phương tiện phòng hộ sự "vì nỗ lực truy cầu tài vật chưa có mà bị tán loạn" tức là trì giới. Do vì an trụ trong giới luật tỳ kheo, chúng ta sẽ không bị tán loạn bởi bất cứ sự kinh doanh sinh kế nào. Phương tiện không xả bỏ hữu tình, tức là tinh tiến. Bởi vì có thể tinh tiến cần mẫn tu tập, cho nên tăng gia thiện pháp. Phương tiện tịnh trừ chướng ngại, tức là hai ba la mật sau, bởi vì tĩnh lự có thể hàng phục phiền não, bát nhã có thể tịnh trừ sở tri chướng. Cho nên số mục của ba la mật được quy định là sáu loại. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

8. Tu học Đại thừa

145

Không tham luyến các loại ngoại cảnh (bố thí) là một đạo lộ, những cái khác là: phòng hộ sự tán loạn do sự truy cầu những cái chưa có (trì giới), không xả bỏ hữu tình (an nhẫn), tăng trưởng thiện pháp (tinh tiến), hai loại còn lại (tĩnh lự, bát nhã) có thể tịnh trừ chướng ngại.

Vì không muốn bị dục trần tán loạn làm chủ tể, cho nên cần phải xa lìa sự tham luyến, cần phải dự phòng những dục sự tán loạn chưa sinh khởi, cho nên cần phải trì giới để có thể ngăn ngừa "nhân" (của sự tán loạn) là giá tội (sự việc vô nghĩa) và tính tội (sự việc phi nghĩa). Giả như những hữu tình xấu ác (có hành vi ác liệt) có số lượng đông đảo và đầy dẫy khắp nơi, thì cần phải đầy đủ tâm an nhẫn mạnh mẽ để có thể đối trị tâm xả bỏ những công hạnh lợi tha. Vì muốn số lượng và thời gian lâu dài tu tập các thiện hạnh, cần phải trải qua sự tư duy về lợi ích của các thiện hạnh mà sinh khởi tâm tinh tiến tu học lâu dài. Vì muốn tạm thời hàng phục phiền não, cho nên cần phải có tĩnh lự, và vì muốn phá trừ chủng tử của phiền não và sở tri chướng thì cần phải có bát nhã. Sự giải thích ở trên có thể khiến chúng ta sinh khởi lòng tin hiểu vững chắc đối với sáu ba la mật này. L6. Nương vào tam học mà quyết định số mục. Tính chất của giới học là trì giới. Điều kiện tiên quyết của giới học là bố thí, bởi vì nếu chúng ta bố thí tài vật không sẻn tiếc thì có thể thọ trì giới luật. Còn an nhẫn có thể phù trợ giới học, bởi vì các loại an nhẫn có thể nhận chịu sự nhục mạ của người khác mà không tìm cách báo thù, thì có thể bảo hộ chúng ta thọ trì giới luật

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

146

đúng pháp. Tĩnh lự là tâm học (định học), còn bát nhã là tuệ học. Đến như tinh tiến thì ba học đều có (là sở hữu chung của ba học). Cho nên số mục của các ba la mật được quy định là sáu loại. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Thắng Giả (Đức Phật) đã từng dùng tam học như thực tuyên thuyết sáu loại ba la mật. Loại học thứ nhất tức là ba ba la mật trước (bố thí, trì giới, an nhẫn), hai loại học sau (định, tuệ) là hai loại ba la mật sau, một ba la mật còn lại (tinh tiến) là chung cho cả ba học.

Phải cần một loại thân thù thắng nào để viên mãn tự lợi lợi tha? Cần phải y chỉ thừa nào? Cần phải có bao nhiêu loại pháp môn phương tiện khác nhau? Cần phải tu trì loại học nào? Phải nên biết rằng sáu loại ba la mật có thể thống nhiếp và viên mãn tất cả: thân, Đại thừa, phương tiện và học được đề cập ở trên. Nếu đối với nghĩa lý của sáu ba la mật (là sự tổng nhiếp của tất cả sự tu trì trọng yếu của Bồ tát) mà chưa đạt được tín giải sâu xa, thì cần phải nên tiếp tục tư duy (về nghĩa lý này). Lại nữa, lúc ban sơ, nguyên nhân cho sự không thể siêu xuất sinh tử luân hồi có hai loại: (1) tham luyến tài vật thọ dụng, và (2) tham luyến gia đình. Phương pháp đối trị riêng biệt cho hai loại tham luyến này tức là bố thí và trì giới. Mà giả sử chúng ta có thể tạm thời xa lìa những sự tham luyến này, thì vẫn có thể bị thoái chuyển, khó

8. Tu học Đại thừa

147

đạt đến cứu cánh, nguyên do cũng có hai loại: (1) nhân vì hành vi của hữu tình mà chịu khổ, và (2) cần phải tu tập thiện pháp trong thời gian lâu dài nhưng lại cảm thấy chán nản bỏ cuộc. Phương pháp đối trị riêng biệt cho hai loại này tức là an nhẫn và tinh tiến. Đang lúc chúng ta biết được cách nào tu trì có thể không nề hà tất cả thống khổ tổn hại, tâm ý dũng mãnh tu tập trong thời gian lâu dài cũng giống như trong một ngày, thì cũng có nhiều phương thức khác nhau để tu tập. Nếu có thể làm được điều này thì chúng ta có thể sinh khởi tâm ý nhẫn nhục và tinh tiến để có thể đối trị "nhân" của sự thoái chuyển, cho nên đây là điều vô cùng quan trọng. Không những tu tập các loại Bồ tát hạnh, mà ngay cả lúc hiện tại tu tập thiện hạnh, cũng do vì đối với những khó khăn nhỏ nhặt, tâm nhẫn nại yếu ớt, và hơn nữa, sự nhiệt thành dũng mãnh tu đạo lại không lớn, cho nên lúc đầu, số người vào đạo tuy nhiều, nhưng về sau số lượng những người đạt được bất thoái chuyển còn lại rất ít. Đây là do không có sự tu trì những lời dạy về an nhẫn và tinh tiến. Giả sử về sau vẫn chưa thoái chuyển, nhưng vẫn còn hai loại nhân tố có thể khiến cho thiện pháp của chúng ta hao tổn, đây tức là: (1) Sự tán loạn khiến cho tâm không thể an trụ vào cảnh sở duyên thiện, và (2) ác tuệ. Phương pháp đối trị riêng biệt cho hai loại này là: tĩnh lự và bát nhã. Bởi vì đức Phật đã từng nói: "Đang lúc chúng ta tu trì các thiện pháp, như niệm tụng, v.v..., nếu như tâm ý tán loạn thì không có lợi ích gì." Phương pháp đối trị cho sự tán loạn này tức là tĩnh lự. Lại nữa, giả như chúng ta không bồi dưỡng trí tuệ khéo léo

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

148

quyết trạch hàm nghĩa của pháp tạng nội minh (kinh luận Phật giáo), thì đối với ngay cả những sự thủ xả thô thiển cũng có thể sản sanh sự hiểu lầm. Như vậy, hành vi của chúng ta sẽ trở nên điên đảo sai lạc. Đây là y chiếu vào pháp đối trị "đoạn trừ bất thuận phẩm của thiện pháp" mà quyết định số mục của các ba la mật. Thực sự, số mục của các ba la mật cũng có thể y chiếu vào cơ sở căn bổn của sự năng thành biện tất cả Phật đức mà quyết định, bởi vì bốn ba la mật trước (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến) là điều kiện tiên quyết cho tĩnh lự, cho nên chúng ta có thể dùng bốn (ba la mật này) để thành đạt "bất tán loạn tĩnh lự ba la mật." Nếu chúng ta dùng đây làm cơ sở để tiến tu thắng quán, thì có thể thông đạt "chân thực." Ý nghĩa của sự y chiếu vào sự tùy thuận thành thục hữu tình mà quyết định số mục của các ba la mật cũng giống như ý nghĩa của phần thứ ba (xem L3. Nương vào viên mãn lợi tha mà quyết định số mục). Ở đây dùng những lời dạy của ngài Sư Tử Hiền (Haribhadra) trong Bát Thiên Tụng Bát Nhã Đại Sớ (Long Explanation of the Perfection of Wisdom Sūtra in Eight Thousand Lines, Skt. Abhisamayālaṃkārālokā) để giải thích chủ trương của ngài Vô Trước. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với sự hiểu rõ về sáu ba la mật. K2. Thuận tiện nói rõ thứ tự của sáu ba la mật. Thuận tiện nói rõ thứ tự của sáu ba la mật có ba phần: (1) Thứ tự sinh khởi. (2) Thứ tự thắng liệt. (3) Thứ tự thô tế.

8. Tu học Đại thừa

149

L1. Thứ tự sinh khởi. Nếu chúng ta đầy đủ sự bố thí, không tham luyến và không quan tâm đến tài vật, thì có thể thọ trì giới luật. Nếu có đầy đủ giới luật có năng lực phòng phi chỉ ác, thì có thể nhẫn nại sự tổn hại của kẻ khác đối với chúng ta. Nếu đầy đủ sự an nhẫn, thì khi gặp khó khăn sẽ không chán nản bỏ cuộc, khiến cho nhân duyên thoái chuyển của thiện pháp trở nên giảm thiểu, do đây mà có thể tinh tiến tu tập. Nếu có thể tinh tiến ngày đêm, thì sẽ có thể dẫn sinh tĩnh lự khiến cho tâm an trụ trong cảnh sở duyên lành. Tự tâm có thể an trụ đẳng chí (Anh: meditative equipoise), thì có thể như thực thông đạt chân thực (Không tính). L2. Thứ tự thắng liệt. Mỗi ba la mật sau đều ưu thắng hơn các ba la mật trước. L3. Thứ tự thô tế. Mỗi ba la mật đi trước dễ thực hành hơn ba la mật sau, cho nên là "thô hiển" so với ba la mật sau. Ba la mật sau khó thực hành hơn ba la mật đi trước, cho nên vi tế hơn so với ba la mật trước. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Cái sau nương vào cái trước mà sinh khởi, bởi vì chúng nương vào sự hạ liệt và thù thắng, thô hiển và vi tế, mà liệt kê theo thứ tự. Cho nên, y theo thứ tự mà tuyên thuyết các loại ba la mật.

9.1 Bố thí ba la mật (I)

151

9.1 Bố thí ba la mật (I) J3. Thứ tự tu học các Ba la mật. Thứ tự tu học các Ba la mật có hai phần: (1) Đại cương của sự tu học Bồ tát hạnh (Chương 9-15). (2) Đặc biệt tu học hai ba la mật sau (Tập 3). K1. Đại cương của sự tu học Bồ tát hạnh. Đại cương của sự tu học Bồ tát hạnh có hai phần: (1) Học tập sáu Ba la mật thành tựu công đức thành Phật cho chính mình (Chương 9-14). (2) Học tập bốn nhiếp pháp để thành tựu các hữu tình khác (Chương 15). L1. Học tập sáu Ba la mật để thành tựu công đức thành Phật cho chính mình. Học tập sáu Ba la mật để thành tựu công đức thành Phật cho chính mình có sáu phần: (1) Học tập bố thí (Chương 9-10). (2) Học tập trì giới (Chương 11). (3) Học tập an nhẫn (Chương 12). (4) Học tập tinh tiến (Chương 13). (5) Học tập tĩnh lự (Chương 14). (6) Học tập bát nhã (Chương 14). M1. Học tập bố thí. Học tập bố thí có bốn phần: (1) Tính chất của bố thí. (2) Tu tập bố thí cách nào. (3) Phân loại bố thí (Chương 9-10). (4) Tổng kết (Chương 10).

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

152

N1. Tính chất của bố thí. Bồ Tát Địa nói:

Tính chất của bố thí là gì? Tức là ý tưởng (tư nghiệp) của Bồ tát không quan tâm đến, không tham luyến tài vật của chính mình, và do ý tưởng này phát khởi thân nghiệp và khẩu nghiệp làm việc bố thí tài vật.

Ý muốn nói rằng bố thí là một loại tâm thiện khảng khái, và do loại tâm thiện này phát khởi các loại hành vi của thân thể và ngôn ngữ. Viên mãn bố thí ba la mật không quan hệ đến vấn đề bố thí tài vật để diệt trừ sự nghèo khổ của kẻ khác, nếu không, công hạnh bố thí của chư Phật đời quá khứ cũng chưa được viên mãn, bởi vì hiện nay vẫn còn rất nhiều chúng sinh bần khổ. Cho nên sự bố thí của thân và miệng không phải là tối chủ yếu, mà là lấy "tâm" làm chủ yếu. Bởi vì đang khi chúng ta có thể hoàn toàn điều phục tự tâm, phá trừ tất cả sự bỏn sẻn về thân thể, tài sản và thiện căn, đem chúng bố thí cho hữu tình, không chỉ như vậy, mà ngay cả quả báo của sự bố thí cũng chí thành đem bố thí cho kẻ khác, đến lúc đó thì mới có thể viên mãn bố thí ba la mật. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu diệt hết bần cùng, Mới thành tựu (Bố) thí độ, (Chư) Phật làm sao thành đạo, (Trong) khi vẫn còn kẻ nghèo?

9.1 Bố thí ba la mật (I)

153

Nếu tâm ưa bố thí, Thân (thể), tài sản, phước đức, Do đây tròn (bố) thí độ, Bố thí chỉ do tâm. (Phẩm 5, kệ 9-10)

Cho nên, tu trì bố thí ba la mật là cần phải tìm đủ mọi phương pháp khiến cho tâm bố thí mỗi ngày một tăng trưởng kiên cố, dù hiện nay không có tài vật để bố thí cho kẻ khác. N2. Tu tập bố thí cách nào. Nếu chỉ phá trừ tâm bỏn sẻn đối với thân thể, tài vật, vẫn chưa được xem là bố thí ba la mật, bởi vì bỏn sẻn thuộc về phạm vi của tâm tham, cho nên hai loại A la hán của Tiểu thừa cũng cần phải hoàn toàn đoạn trừ tâm tham và chủng tử của nó. Điều cần phải tu tập là: không những đoạn trừ sự bám víu của tâm bỏn sẻn làm chướng ngại bố thí, mà còn phải chí thành phát khởi tâm bố thí tất cả vật sở hữu cho kẻ khác. Nhân đây chúng ta cần phải tu tập quán sát những họa hoạn của tâm bám víu tài sản và những lợi ích của sự bố thí. Điều này sẽ được thuyết minh ở phần dưới. Nguyệt Đăng Kinh (Moon Lamp Sūtra, Skt. Candra-pradīpa-sūtra) nói:

Loài người tham chấp sắc thân hư dối và sinh mệnh tới lui vội vã giống như mộng như huyễn này. Do vì tham luyến chúng mà phạm tội nghiêm trọng, bị tội ác làm chủ tể, và bị chiến xa của thần chết chở đến địa ngục khổ đau.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

154

Ý muốn nói rằng chúng ta cần quán thân thể bất tịnh, quán sinh mệnh giống như dòng nước từ núi cao chảy gấp xuống. Thân thể và sinh mệnh đều do nghiệp lực làm chủ tể, không có các "ngã" độc lập tự chủ, chúng chỉ là những mộng cảnh, hoặc huyển tượng được biến hóa bởi nhà ảo thuật, hư vọng không thực. Nếu chúng ta không đoạn trừ sự tham luyến thì sẽ bị sự tham luyến thao túng, mà gây tạo những nghiệp ác to lớn, và sẽ bị sa vào ác đạo. Tu Vô Biên Đà La Ni (Formula That Accomplishes Limitless Methods, Skt. Anata-mukha-nirhāra-dhāraṇi) cũng nói:

Chiếm giữ là căn nguyên khiến cho chúng sinh tranh đấu lẫn nhau, cho nên cần phải xả bỏ tham ái, xả bỏ tham ái thì có thể thành tựu tổng trì đà la ni.

Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Thân thể của chúng ta sinh diệt biến động từng sát na, thế nhưng, nếu có thể dùng tấm thân vô thường đầy uế trược này để chứng đắc giác ngộ Bồ đề thường hằng thanh tịnh, đây chẳng phải là thu hoạch được một viên bảo châu vô giá hay sao?

Bổn Sinh Luận (Garland of Birth Stories, Skt. Jātaka-mālā) nói:

Cái thân thể, hoàn toàn không có (cái) ngã, dễ hư hoại, không chân thật, đầy thống khổ, vong ân phụ nghĩa, luôn luôn bất tịnh này, là để làm lợi

9.1 Bố thí ba la mật (I)

155

ích cho kẻ khác. Nếu (chúng ta) không ham thích làm việc lợi tha thì không phải là một người có trí tuệ.

Tuy chúng ta có phí tận lực lượng để bảo hộ tấm thân mỏng manh này, chung quy cũng phải xả bỏ nó. Nếu như có thể chân thành đem thân này bố thí cho kẻ khác, thì có thể thành tựu rất nhiều công hạnh tự lợi lợi tha. Nên suy ngẫm "nếu như không tu tập thực hành việc (tự lợi lợi tha) này, thì thật không còn gì ngu bằng." Cho nên cần phải phát tâm đem thân thể và mọi sự vật bố thí cho kẻ khác. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Xả hết ắt thoát khổ, Tâm con (trở) thành Niết bàn, Nếu đợi chết mới buông (bỏ), Chi bằng cho (ngay) bây giờ. (Phẩm 3, kệ 11)

Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Nếu chúng ta thấy tài vật là vô thường, tự nhiên sẽ sinh khởi tâm đại bi. Lúc ấy biết rằng tất cả tài sản (mà chúng ta đang gìn giữ) cũng chỉ là những đồ vật thuộc về kẻ khác. Những tài vật đã được bố thí không còn sản sinh sự lo sợ. Những tài vật còn được giữ trong nhà mới đem đến sự bất an. Nghĩa là thiếu thốn, tầm thường và cần phải luôn luôn giữ gìn. Nếu như đem tài vật đó bố thí, thì sẽ không còn bị những sự lo âu này làm tổn hại.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

156

Do bố thí có thể đạt được sự an lạc đời sau. Không bố thí thì đời này cũng chịu nhiều thống khổ. Sự phú quý của loài người giống như sao rơi. Những đồ vật không (chịu đem) bố thí, chung quy cũng đều tiêu tán. Những tài sản không bố thí biến diệt vô thường. Nhưng nếu đem chúng bố thí, thì ngược lại chúng sẽ trở thành kho tàng. Nếu như chúng ta có thể nỗ lực lợi ích hữu tình, thì những tài vật vô giá trị cũng trở thành có giá trị. Người trí tán thán sự bố thí tài vật. Còn kẻ ngu thì ưa thích tích giữ. Những tài sản tích giữ không thể bảo tồn được lâu dài. Còn bố thí tài vật thường chiêu cảm các việc lành viên mãn. Bố thí khiến chúng ta không còn ôm giữ phiền não. Bỏn sẻn chỉ làm tăng trưởng phiền não, không phải là thánh đạo. Bậc thánh ca tụng bố thí là con đường tôn quý. Ngược lại thì gọi là con đường xấu ác.

Giả như chúng ta có thể đem tất cả thiện căn tu tập được, chí tâm hồi hướng thành biện sự lợi lạc rộng lớn hiện tiền và cứu cánh cho tất cả hữu tình mà tiến hành việc bố thí, thì có thể từ mỗi một hữu tình đạt được phước đức như nhau, cho nên có thể nhanh chóng viên mãn tư lương phước đức. Bảo Man Luận nói:

Nếu như phước đức (vừa nói đến ở trên) mà có hình tướng thật sự, thì hằng hà sa thế giới cũng

9.1 Bố thí ba la mật (I)

157

không thể dung chứa hết. Đây là điều mà đức Thế Tôn nói, mà cũng có thể chứng minh là: Bởi vì số lượng hữu tình là vô lượng vô số, cho nên phước đức của thệ nguyện làm lợi ích cho họ cũng vô lượng vô số.

Hơn nữa, chúng ta cũng không nên bám giữ thân hữu (Anh: companions), hoặc tài vật nào mà có thể làm chướng ngại sự tăng trưởng tâm bố thí, hoặc tăng gia tâm bỏn sẻn của chúng ta, hoặc có thể làm cho tâm bố thí của chúng ta trong đời vị lai không sinh khởi, hoặc khiến cho tâm bố thí của chúng ta đã sinh khởi sẽ bị thoái thất. Không nên làm bạn với những loại thân hữu như vậy, hoặc nhận thọ những loại tài vật như vậy, dù đó là do kẻ khác hiến tặng. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ tát bố thí tất cả sở hữu, bởi vì chúng tăng trưởng họa hoạn, hoặc không làm tăng trưởng bố thí, hoặc biến thành vật chướng ngại, hư dối. Nếu như tài vật, trân bảo, ngay cả vương vị, làm tổn hại tâm bố thí, hoặc làm chướng ngại con đường viên mãn Chánh giác thì Bồ tát không nên thọ nhận.

Đang lúc chúng ta nương vào pháp để tu tập, nếu do vì tâm bỏn sẻn mà sinh tâm tham luyến tài vật, thì nên dùng phương thức suy tư như sau để tu tập "vô tham": "Đức Bổn sư (Thích Ca) đã từng bố thí tất cả tài vật nên chứng được Bồ đề. Ta cần phải ghi nhớ sâu xa lời thệ nguyện, noi gương của đức Phật, đem thân thể, tài vật, và thiện căn của chính mình hoàn toàn bố thí cho tất cả

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

158

hữu tình. Giả như ta vẫn còn tham luyến tài vật, thì cũng giống như con voi lớn, nhân vì sự oi bức mà lội xuống ao tắm, sau khi lên bờ lại nằm lăn trên mặt đất. Sau đó thấy thân mình dơ bẩn lại lội xuống ao tắm nữa (và cứ như vậy)." Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Nên ghi nhớ những diệu hạnh thù thắng của các bậc Năng Nhân, cẩn thận giữ gìn thệ nguyện của mình mà nỗ lực tu tập. Vì muốn đoạn trừ sự tham luyến đối với sự vật, cần phải suy ngẫm kỹ lưỡng như sau: "Ta đã đem thân thể bố thí tất cả hữu tình, mà ngay cả công đức của sự bố thí cũng đem bố thí, giả như ta vẫn còn tham luyến tài vật bên ngoài, thì cũng giống như con voi tắm dưới ao, hoàn toàn không ý nghĩa."

Nếu như chúng ta tư duy về sự lợi ích của sự bố thí mà phát sinh một sự ưa thích mạnh mẽ, và tư duy về họa hoạn của sự tích giữ tài sản mà phát sinh một sự sợ hãi cực độ, thì tâm bố thí tự nhiên sẽ sinh khởi. Do đây có thể biết rằng, sau khi tu tập tâm từ, tâm bi, hoặc sau khi suy ngẫm những truyện ký về cuộc đời của chư Phật và chư Bồ tát, thì nên phát khởi tâm bố thí tất cả tài vật sở hữu cho tất cả chúng sinh. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Vì muốn lợi hữu tình, Nguyện cho không sẻn tiếc, Thân, tiền, và vật dụng, Những thiện căn ba đời. (Phẩm 3, kệ 10)

9.1 Bố thí ba la mật (I)

159

Cần chú ý ba sự kiện: thân thể, tài vật thọ dụng, và thiện căn, sau đó tưởng nghĩ đến việc đem bố thí chúng cho tất cả hữu tình. Nếu như chúng ta có thể đoạn trừ sự tham ái đối với tất cả tài sản riêng tư, thường xuyên tu tập tâm bố thí đến tất cả hữu tình, thì có thể được gọi là Bồ tát. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Nếu người nào có thể thường xuyên tưởng nghĩ một cách thù diệu rằng: "Những tài sản này hoàn toàn thuộc về người khác, ta không có phần nào trong đây", và hơn nữa, lại còn noi gương những công đức của đức Phật, thì được gọi là Bồ tát. Đây là lời dạy thù diệu nan tư của đức Phật Vô thượng Thắng sĩ.

Mặc dù chúng ta đã đầy đủ ý niệm đem thân thể bố thí tất cả hữu tình, nhưng hiện nay, do vì ý chí chưa được kiên cố, tâm lực yếu ớt, không cách nào có thể thật sự đem bố thí máu thịt của mình, thì hãy nên như Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu đã nói: "Chúng ta nếu không tu tập ý niệm bố thí thân thể và sinh mệnh, chúng ta sẽ không thường xuyên tập quán với chúng, và như vậy vĩnh viễn sẽ không thể nào bố thí thân thể và sinh mệnh của mình. Cho nên chúng ta phải tu tập ý niệm này ngay từ bây giờ." Đối với những tài vật mà chúng ta đã tâm niệm bố thí cho kẻ khác, Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu cho rằng, giả như chúng ta biết rõ những đồ vật đó là đã thuộc về kẻ khác, nhưng vì tư lợi mà đoạt lấy để tiêu dùng, thì đây là

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

160

"bất dữ thủ" (không cho mà lấy). Nếu như giá trị món đồ vật tiêu dùng đạt đến mức ấn định, thì sẽ phạm tội tha thắng (trong giới Biệt giải thoát của Thanh văn). Đối với vấn đề này, có người cho rằng bởi vì chúng ta đem ẩm thực, v.v..., bố thí cho "tất cả" hữu tình, cho nên giá trị bố thí cho mỗi hữu tình không thể nào đạt đến mức ấn định cho tội tha thắng, cho nên chúng ta cũng không bị phạm tội tha thắng. Có người cho rằng lập luận này không đúng, bởi vì chúng ta đã bố thí tất cả tài vật cho "từng một" hữu tình. Có người cho rằng, tuy chúng ta có tâm ý bố thí cho tất cả hữu tình, nhưng họ chưa nhìn nhận (vì chưa biết) đồ vật đó là của họ, cho nên không có vấn đề vi phạm tội tha thắng. Mật ý của Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu là chỉ cho lúc chúng ta đem ẩm thực, v.v..., chí tâm bố thí cho mọi người, và (những) người thọ nhận đã biết điều đó, và đã xem vật được bố thí là sở hữu của họ. Trong trường hợp nếu chúng ta biết rõ những vật này là sở hữu của người khác, và vì lợi ích cá nhân (của riêng mình) mà đoạt lấy để tiêu dùng, thì nếu như giá trị đạt đến mức giới hạn (mà trong giới Biệt giải thoát đã nêu rõ), thì sẽ bị phạm tội tha thắng. Cho nên các lối giải thích phía trên đều không hợp lý. Giả như đang lúc chúng ta sử dụng đồ vật của kẻ khác, nhưng trong tâm lại nghĩ rằng: "Vì muốn lợi ích cho kẻ khác nên sử dụng món đồ này", thì không bị phạm tội. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói: "Nếu nghĩ rằng tôi cần những món tài vật thuộc về kẻ khác này để bảo trì thân thể đã thuộc về người khác này." Nếu như vậy cũng không có tội quá, bởi vì kẻ nô lệ (chỉ cho hành giả

9.1 Bố thí ba la mật (I)

161

đã bố thí thân thể cho kẻ khác), không còn có thể dùng tài vật riêng tư (vì đã bố thí toàn bộ tài vật cho kẻ khác) để nuôi dưỡng chính họ. Chúng ta có thể nghĩ rằng: "Sau khi ta đem những tài vật này bố thí cho hữu tình, nếu như chưa thông qua sự cho phép, mà tự mình lấy dùng, đây là có tội." Nhưng thật ra điều này không có tội. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Như một kẻ nô bộc tận tụy hầu hạ chủ nhân, đang lúc chủ nhân bị bệnh nặng, hoặc vì những nguyên cớ khác mà đầu óc không còn sáng suốt, thì kẻ nô bộc, tuy chưa được chủ nhân cho phép, có thể lấy các đồ vật (của chủ nhân) để sử dụng mà vẫn không có tội.

Đừng nên đánh mất tín tâm mà nghĩ rằng: "Tuy nghĩ tưởng việc đem tài vật bố thí hữu tình, nhưng không thực sự tiến hành việc bố thí, thì đây là lừa dối, và đây là điều vô ý nghĩa, hoàn toàn không có thực chất." Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Có một số người thấy Bồ tát tu trì theo phương pháp này, do vì họ không biết sự tu trì chân thực của Bồ tát, nhân đây đánh mất lòng tin. Nhưng đây là điều hoàn toàn vô căn cứ, bởi vậy họ cần phải nhận thức rõ rằng một số người có đầy đủ tín tâm thù diệu này (ND: nghĩa là có tâm bố thí tất cả tài sản cho kẻ khác, dù chưa thực sự bố thí). Cho nên hoài nghi loại pháp môn phương tiện này là điều không hợp lý.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

162

N3. Phân loại bố thí. Phân loại bố thí có ba phần: (1) Lý do mọi người cần phải tu tập bố thí. (2) Phân biệt bố thí quan hệ với những nhân vật đặc thù. (3) Phân biệt sự bố thí chân thực. O1. Lý do mọi người cần phải tu tập bố thí. Nhiếp Đại Thừa Luận của ngài Vô Trước nói tu trì bố thí ba la mật có sáu loại thù thắng, tức là: (1) Y cứ thù thắng: nghĩa là sự tu trì bố thí y cứ vào Bồ đề tâm mà phát khởi. (2) Vật thù thắng: nghĩa là trên đại thể, bố thí tất cả tài vật có thể bố thí được, và ngay cả những lúc tiến hành sự bố thí riêng biệt, vẫn không xả bỏ ý niệm bố thí tất cả tài vật này. (3) Mục tiêu thù thắng: đây là chỉ cho việc thực hành bố thí là vì muốn đem sự an lạc hiện đời và an lạc cứu cánh đến cho tất cả hữu tình. (4) Phương tiện thiện xảo thù thắng: trong kinh nói đến là chỉ cho sự bố thí được nhiếp trì bởi "vô phân biệt trí." Các bồ tát sơ cơ cần phải dùng trí tuệ thông đạt các pháp vô tự tính để nhiếp trì (sự bố thí). (5) Hồi hướng thù thắng: dùng thiện căn đạt được do sự bố thí hồi hướng Viên mãn Bồ đề. (6) Thanh tịnh thù thắng: là sự đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng. Ngài Sư Tử Hiền, trong Bát Thiên Tụng Bát Nhã Đại Sớ, nói:

Cần phải đầy đủ sáu ba la mật để tu trì bố thí. Nếu có thể tu tập toàn thể sáu ba la mật thì (bố

9.1 Bố thí ba la mật (I)

163

thí ba la mật) sẽ vô cùng hữu hiệu. Ví như, đang lúc chúng ta tiến hành pháp thí, nếu có thể ngăn chận ý hướng Thanh văn và Độc giác, thì đây là trì giới. Trong lúc mong cầu công đức của Nhất thiết chủng trí, nếu có thể nhận thọ bất cứ sự khó khăn nào, và nhẫn chịu sự nhục mạ của kẻ khác, thì đây là an nhẫn. Hy vọng pháp thí không ngừng tăng trưởng, đây là tinh tiến. Tuyệt đối không hỗn tạp ý hướng Tiểu thừa, nhất niệm chuyên trụ, đem tất cả thiện căn tu tập hồi hướng Viên mãn Bồ đề, đây là tĩnh lự. Có thể thông đạt "người bố thí", "vật bố thí", "người nhận thí", đều là như huyễn như hóa, đây tức là bát nhã.

O2. Phân biệt bố thí quan hệ với những nhân vật đặc thù. Tổng quát, trong kinh thường nói Bồ tát tại gia tu tập tài thí, còn Bồ tát xuất gia tu tập pháp thí. Bồ Tát Biệt Giải Thoát Kinh nói:

Này Xá Lợi Tử, Bồ tát xuất gia chỉ cần giảng dạy một bài kệ bốn câu, có thể sản sinh phước đức vượt quá phước đức của một Bồ tát tại gia dùng số trân bảo chứa đầy hằng hà sa số cõi Phật để cúng dường đức Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác. Này Xá Lợi Tử, đức Như Lai không cho phép Bồ tát xuất gia tu tập bố thí tài vật.

Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu cho rằng mật ý của đức Phật là sự bố thí tài vật có thể chướng ngại sự tu tập (nghe pháp, v.v...). Ý muốn cấm chỉ các hàng xuất gia, vì muốn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

164

tiến hành sự bố thí mà nỗ lực tích tập tài vật, thế nhưng, nếu như hàng xuất gia, do vì phước đức đời quá khứ mà thu hoạch được nhiều tài vật, thì họ nhất định cần phải bố thí những tài vật này, nếu chúng (sự bố thí tài vật) không làm trở ngại những thiện hạnh khác mà họ đang tu tập. Ngài Sha-ra-wa cũng nói: "Tôi không nói với các vị xuất gia về công đức của sự bố thí (tài vật), mà tôi chỉ nói với họ về lỗi lầm của sự tích giữ tài vật." Giả như hàng xuất gia nỗ lực tích tập tài vật để bố thí, nhưng lại vi phạm giới luật, thì đây quả là một điều bất hạnh đối với Phật pháp.

9.2 Bố thí ba la mật (II)

165

9.2 Bố thí ba la mật (II) O3. Phân biệt sự bố thí chân thật. Phân biệt sự bố thí chân thật có ba phần: (1) Pháp thí. (2) Vô úy thí. (3) Tài thí. P1. Pháp thí. Pháp thí là khai thị chánh pháp không điên đảo, không sai lầm, dạy dỗ công xảo, kỹ nghệ, v.v..., những sự nghiệp trí thức thế gian, không có tai hại cho xã hội, mà mọi người cần phải học tập, và cũng khiến cho mọi người thọ trì những học xứ căn bổn. P2. Vô úy thí. Vô úy thí là sự bảo hộ chúng sinh hữu tình, khiến cho họ xa lìa những sự sợ hãi gây ra bởi nhà cầm quyền, trộm cướp, v.v..., hoặc là xa lìa sự sợ hãi gây ra bởi ác thú, như sư tử, cọp, cá sấu, v.v..., hoặc là xa lìa sự sợ hãi gây ra bởi các tai nạn nước, lửa, v.v... P3. Tài thí. Tài thí có hai loại: (1) Bố thí tài vật chân thực (Chương 9-10). (2) Bố thí bằng ý niệm (Chương 10). Q1. Bố thí tài vật chân thực. Bố thí tài vật chân thật có ba phần: (1) Ý nghĩa của bố thí tài vật (Chương 9-10). (2) Nếu không thể bố thí phải

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

166

làm thế nào (Chương 10). (3) Phương pháp đối trị sự chướng ngại của bố thí (Chương 10). R1. Ý nghĩa của bố thí tài vật. Ý nghĩa của bố thí tài vật có bốn phần: (1) Kẻ nhận thọ sự bố thí. (2) Động cơ của sự bố thí. (3) Bố thí cách nào (Chương 10). (4) Tài vật dùng để bố thí (Chương 10). S1. Kẻ nhận thọ sự bố thí. Kẻ nhận thọ sự bố thí có mười loại: (1) Những thân hữu có ơn với mình, (2) kẻ thù đã tổn hại mình, (3) những người bình thường không có ân oán, (4) những người có công đức, như trì giới, v.v..., (5) những người có lỗi lầm, như phạm giới, v.v..., (6) những người thấp kém hơn mình, (7) những người ngang hàng với mình, (8) những người cao cấp hơn mình, (9) những người có hạnh phúc, và (10) những người bần cùng khốn khổ. S2. Động cơ của sự bố thí. Động cơ của sự bố thí có hai phần: (1) Cần phải có động cơ nào. (2) Cần phải diệt trừ động cơ nào. T1. Cần phải có động cơ nào. Động cơ (của sự bố thí) cần phải có ba đặc tính: (1) Chuyên chú vào công dụng – nên suy ngẫm như sau: "Nhân đây mà ta có thể viên mãn bố thí ba la mật, đây là tư lương cho Vô thượng Bồ đề." (2) Chuyên chú vào phẩm vật được bố thí – nên suy ngẫm như sau: "Ngay

9.2 Bố thí ba la mật (II)

167

từ lúc ban đầu tu tập Bồ tát hạnh, các Bồ tát đem tất cả tài vật bố thí cho hữu tình, những tài vật mà ta bố thí là thuộc về kẻ khác, cho nên chúng cũng giống như những món đồ vật mà người khác gửi nhờ (ở chỗ của ta). (3) Chuyên chú vào người nhận thí – nên suy ngẫm như sau: "Bất luận người nhận có hay không có nhu cầu (cần dùng), đều có thể viên mãn bố thí ba la mật cho ta, cho nên họ đều là thiện tri thức của ta." Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Này các Bồ tát, khi có người đến xin tài vật, tức là đến giúp cho ta thành tựu viên mãn tư lương bố thí ba la mật, cho nên ta phải xem vật được bố thí là đã giao phó cho người khác bảo quản, lại còn phải xem người nhận như một vị thiện tri thức.

Đến như chuyên chú vào công dụng của sự bố thí đồ vật cá biệt, nên suy ngẫm như sau: "Ta vì những công đức này mà bố thí vật này." Nên biết, điều này được giải thích tường tận trong Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh và Nhiếp Ba La Mật Đa Luận. Còn vấn đề "chuyên chú vào người thọ nhận bố thí", mà phần trên đã nói, cần phải ứng dụng vào mọi tình cảnh, cho nên đây là "động cơ tổng quát." Động cơ cá biệt, nghĩa là sau khi tu tập thành tựu tâm từ, bèn tiến hành việc bố thí đến những người đã từng tổn hại mình. Sau khi thành tựu tâm bi, bèn tiến hành việc bố thí đến những người đang thọ khổ. Sau khi thành tựu tâm hỷ, bèn tiến hành việc bố thí đến những bậc phước đức. Và sau khi thành tựu tâm xả, bèn tiến hành việc bố thí đến những người ơn.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

168

Hơn nữa, đối với những người thọ nhận bố thí thì cần phải có tâm bình đẳng, lại đem thiện quả của sự bố thí bố thí cho tất cả hữu tình đến cầu xin sự trợ giúp, v.v... Đặc biệt cần phải có tâm thương xót đối với người khổ não nhận thọ sự bố thí. Như ngài Nguyệt Xứng nói:

Khi xa lìa tâm bỏn sẻn để thực hành bố thí, người bố thí cần phải đem lòng thương xót mà bố thí. Đối với những người thọ nhận sự bố thí, dù cao thượng hoặc hèn hạ, đều cần phải dùng tâm bình đẳng bố thí một cách công bình, thì hai bên (kẻ cho người nhận) đều hưởng được quả báo của sự bố thí này. Sự bố thí không sẻn tiếc đối với người đến xin là điều mà các bậc thánh khen ngợi.

Vô Biên Công Đức Tán nói:

Giả như có người thấy một kẻ hạ tiện đến xin bèn không thèm đếm xỉa, và vì muốn cầu quả báo tốt của sự bố thí, bèn đi tìm người có công đức để bố thí. Những người động cơ hạ liệt này, tuy mang tiếng là người bố thí, nhưng thật sự không khác với kẻ ăn mày. Cho nên, đức Thế Tôn nói chúng ta cần phải có lòng thương xót đối với những kẻ đến xin.

T2. Cần phải diệt trừ động cơ nào. Ở đây có bảy loại động cơ cần phải trừ bỏ. (1) Động cơ bố thí vì mê tín tà kiến: tức là trong tâm ôm các loại tà niệm như sau mà bố thí: "Bố thí

9.2 Bố thí ba la mật (II)

169

không có quả báo", "tiến hành việc sát sinh để cúng dường là chánh pháp", "vì muốn nhận thọ sự cát tường lợi lạc nên bố thí", hoặc "chỉ cần viên mãn bố thí là có thể xa lìa sự tham luyến thế gian và xuất thế gian." Không nên ôm giữ các loại tà niệm như vậy mà thực hành bố thí. (2) Động cơ bố thí vì kiêu ngạo: nghĩa là nếu không có loại động cơ này thì sẽ không khinh miệt người đến xin, không tranh thắng với kẻ khác (mà bố thí), và sau khi bố thí sẽ không khởi tâm tự phụ "ta là người bố thí rộng rãi, không ai có thể bố thí rộng rãi như ta." Thanh Tịnh Nghiệp Chướng Kinh (Purification of the Obscurations of Karma Sūtra, Skt. Karmāvaraṇa-viśuddhi-sūtra) nói:

Khi một kẻ phàm phu bố thí, họ mất lòng tin đối với những người bỏn sẻn, bèn sinh khởi tâm sân hận nên bị đọa vào địa ngục, cho nên đây là tự chướng ngại bố thí. Khi một kẻ phàm phu trì giới, họ công kích trắng trợn lỗi lầm của những người phạm giới, nhân đây họ mất tín tâm đối với các hữu tình khác9, và bị đọa vào địa ngục. Khi một kẻ phàm phu tu tập an nhẫn, v.v..., họ thường buông những lời khinh thị đối với những người làm ngược với những pháp tu tập này, và nhân đây tự làm chướng ngại sự tu tập (giới luật, v.v...) của chính họ.

9 Bản Hán dịch: Khiến cho người khác mất tín tâm (đối với họ).

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

170

Cho nên hành giả cần phải tu tập y như lời dạy sau đây trong Vô Biên Công Đức Tán:

Khi chúng ta có học thức rộng rãi và trí tuệ rộng lớn, tuyệt nhiên không tự phô trương. Đối với những người công đức ít ỏi, phải nên tán thán tôn trọng. Tuy mình có công đức to lớn, nhưng cũng nên cực kỳ cẩn thận đối với những hành vi nhỏ nhặt của chính mình.

(3) Động cơ cầu nương tựa: nghĩa là nếu không có động cơ này thì sẽ không bố thí vì cầu mong sự khen ngợi hoặc danh dự. (4) Động cơ khiếp nhược thoái chuyển: nghĩa là nếu không có loại động cơ này thì trước khi bố thí sinh tâm hoan hỷ, đang lúc bố thí đầy đủ tịnh tín, và sau khi bố thí tâm không hối tiếc. Dù nghe những công hạnh bố thí vĩ đại của chư Bồ tát, cũng không tự xem thường chính mình, hoặc sợ hãi không dám tiến tới, mà ngược lại, lại càng tăng cường tâm nhiệt thành hoan hỷ (đối với sự bố thí). (5) Động cơ xả bỏ kẻ khác: nghĩa là nếu không có loại động cơ này thì sẽ xem người thân, kẻ thù, hoặc người lạ đều như nhau, đem lòng thương xót bình đẳng bố thí. (6) Động cơ mong cầu sự báo đáp: nghĩa là nếu không có loại động cơ này, sẽ không vì sự mong cầu báo đáp mà bố thí. Mà động cơ của sự bố thí là vì thấy chúng sinh thiếu thốn sự an lạc, bị lửa tham ái thiêu đốt, và hơn nữa bổn tính (của sự tham ái) là khổ, cho nên họ (chúng

9.2 Bố thí ba la mật (II)

171

sinh) không có năng lực tiêu trừ những sự thống khổ của chính họ. (7) Động cơ mong cầu quả báo dị thục đời sau: nghĩa là nếu không có loại động cơ này, thì sẽ không mong cầu quả báo dị thục đời sau, như thân thể viên mãn và thọ dụng viên mãn, mà biết rằng tuy các hành là vô thường, không có bền chắc, nhưng có thể trợ giúp công hạnh thành tựu Vô thượng Bồ đề cho nên bố thí. Ở đây, không có nghĩa là cấm chỉ chúng ta tạm thời mong cầu đạt được những quả báo này, nhưng cấm đoán chúng ta không được xem thân thể và thọ dụng trong cõi luân hồi này là mục tiêu duy nhất của sự bố thí. Hơn nữa, ngoại trừ bảy động cơ vừa nêu trên, không được có động cơ sống tà mệnh, nghĩa là hy vọng nhờ vào sự bố thí mà được nhà vua, v.v..., biết tiếng mình là người ưa thích làm việc bố thí, mong được sự kính trọng. Không nên lo sợ vì bố thí mà trở nên nghèo khổ, mà cũng không nên khởi tâm lừa dối người đến xin. Trong khi bố thí, nên xa lìa tâm tán loạn, tâm chán ghét, hoặc tâm giận dữ đối với những hành vi tà ác của người đến xin. Không nên cảm thấy thất vọng chán nản (mà không bố thí). Dù thấy người đến xin tạo tác những lỗi lầm như lừa dối, v.v..., cũng không nên nói cho người khác biết. Sau rốt, nên tin chắc rằng "các sự bố thí khác nhau đưa đến các loại quả báo khác nhau", và quyết không bị người khác sai khiến xúi dục (mà không làm việc bố thí).

10. Bố thí cách nào

173

10. Bố thí cách nào S3. Bố thí cách nào. Bố thí cách nào có hai phần: (1) Cách nào không nên bố thí. (2) Cách nào nên bố thí. T1. Cách nào không nên bố thí. Chúng ta cần phải đoạn trừ những cách bố thí như sau: (1) trì hoãn trễ nải, bố thí không đúng thời; (2) bị bức bách rồi mới bố thí; (3) sau khi làm những việc không hợp chánh pháp hoặc đạo lý thế gian rồi mới bố thí; (4) trước hứa cho nhiều, sau lại cho ít, hoặc cho đồ vật kém xấu; (5) bố thí để cầu trả ơn; (6) vốn có thể bố thí một lần, nhưng lại phân ra bố thí nhiều lần; (7) tự thân là một lãnh tụ, đoạt lấy vợ con của một người rồi đem cho một kẻ khác; (8) đoạt lấy đồ vật của cha mẹ và của tôi tớ rồi đem cho người khác; (9) dùng phương pháp tổn hại người khác để bố thí; (10) tự mình nhàn nhã (không làm việc bố thí), nhưng lại sai bảo người khác làm việc bố thí; (11) đối với người đến xin, nhục mạ, chế nhạo, hoặc đả kích, nói xóc, hoặc thô lỗ, dọa nạt, rồi sau đó mới bố thí; (12) vi phạm học xứ đức Phật đã chế định mà bố thí; (13) hiện có tài vật có thể bố thí, nhưng lại để qua một thời gian lâu sau mới bố thí. Hơn nữa, Bồ tát nên biết rằng quan niệm "trước tiên cần tích tập tài sản rồi sau mới bố thí" là sai lầm, nếu đem tài sản hiện có bố thí ngay tức thời thì mới là chánh xác. Bởi vì đợi tích tụ tài sản, rồi sau đó mới bố thí một lần thì cũng không tăng gia phước đức gì hơn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

174

(là có gì cho đó), mà hơn nữa, trong lúc tích tập tài sản, lại do vì thường thường cự tuyệt những người đến xin, do đây mà sinh khởi phiền não cho chính mình và người khác, và hơn nữa, sau khi đã tích tập tài sản, lại có thể đem bố thí cho những người không thật sự cần đến. Bồ Tát Địa nói rằng những ý nghĩa này rất là quan trọng, bởi vì chúng ta thấy được là trong khi tích tập tài sản thường dẫn sinh nhiều phiền não như bỏn sẻn, v.v…, do đây làm chướng ngại rất nhiều thiện hạnh, mà hơn nữa, những tài sản đó có thể bị mất mát, rốt cuộc cũng không thể đem chúng ra bố thí. T2. Cách nào nên bố thí. Trước tiên, cần phải kính trọng người đến xin, tươi cười hớn hở, nói lời chân thật. Lúc nào thích nghi thì phải nên tự tay bố thí, không nên làm tổn thương người khác, lại còn phải nhận chịu sự khó khăn gian khổ. Trong Đế Giả Phẩm (Chapter of the Truth Spearker, Śatyaka-parivarta) đã từng nói đến quả báo của những hành vi này:

Do ưa thích thích sự phụng sự (người khác) mà bố thí, thì sẽ chiêu cảm được thân quyến phụng sự cho mình. Dùng hai tay (của chính mình) để bố thí sẽ chiêu cảm được người khác phụng sự cho mình. Bố thí đúng lúc thì sẽ chiêu cảm quả báo hoàn thành sự nghiệp đúng lúc.

Lại nói:

10. Bố thí cách nào

175

Bố thí mà không tổn hại người khác sẽ chiêu cảm được tài sản ổn định. Có thể nhẫn thọ sự gian khổ để bố thí chiêu cảm được bạn bè tri kỷ.

Câu Xá Luận (Treasury of Knowledge, Skt. Abhidharma-kośa) của ngài Thế Thân (Vasubandhu) nói: "Tự tay bố thí có thể chiêu cảm tài sản to lớn." Câu Xá Luận Sớ (Treasury of Knowledge Auto-commentary, Skt. Abhidharma-kośa-bhāṣya) giải thích: "Tài sản ổn định là chỉ cho tài sản không bị hủy hoại bởi người khác và bởi các thiên tai họa hoạn như nước, lửa, v.v…" Hơn nữa, lại còn có một phương pháp trợ giúp kẻ khác bố thí. Giả như chúng ta có tài sản để bố thí, hãy nên đi đến nhà của những người bỏn sẻn, nói với họ một cách vui vẻ và khoan khoái rằng: "Hiện nay tôi có một số tài sản lớn, hy vọng có người đến xin để tôi có thể viên mãn bố thí ba la mật đa, cho nên nếu ông gặp ai đến cầu xin vật gì, không nên để họ ra về tay không, mà ông có thể dùng tài vật của tôi để bố thí cho họ, hoặc là dẫn họ đến chỗ tôi, và nên tùy hỷ với sự bố thí của tôi." Do vì điều này không làm hao tổn tài sản của họ (những kẻ bỏn sẻn), nên họ sẽ làm theo lời yêu cầu một cách hoan hỷ. Như vậy, họ sẽ có thể trồng vào tâm thức hạt giống diệt trừ sự bỏn sẻn. Sau khi họ dần dần quen thuộc với sự bố thí này, họ sẽ có thể bố thí chút ít tài vật của chính họ, và như vậy, giảm trừ đi một ít tham luyến. Do đây, từ việc trồng chủng tử "vô tham" hạ phẩm, rồi sẽ đạt thành vô tham trung phẩm, và lại từ vô tham trung phẩm mà đạt đến vô tham thượng phẩm.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

176

Tương tự, chúng ta có thể đem tài vật bố thí cho những người bỏn sẻn nặng, không thể bố thí, hoặc giả bố thí cho hòa thượng, a xà lê, đệ tử, bạn bè, những người nhân vì san tham mà không có tài sản để bố thí, thỉnh họ thay mặt mình cúng dường Tam bảo, v.v… Phương pháp này có thể khiến chúng ta chiêu cảm được phước báo to lớn, và lại có thể điều phục phiền não cho họ, có thể thành mãn được ước nguyện giúp cho người khác tu trì chánh pháp, có thể nhiếp thọ chúng sinh, khiến cho họ được thành thục. Lại nữa, nếu như chúng ta hiện thời không có tài sản, chúng ta có thể dùng kỹ năng, hoặc chức nghiệp của mình để làm ra tiền của, và sau đó đem bố thí. Hoặc giả, kể những câu truyện Phật giáo trong đó có nhiều trường hợp là ngay cả những người nghèo hèn khốn khổ cũng muốn tu tập bố thí. Hoặc giả, chỉ dẫn cho những người hành khất đi đến nhà của những người giàu có mà có lòng tin (đối với Tam bảo), và tự thân mình cũng đi đến đó để trợ giúp họ trong việc bố thí. Lại nữa, lúc chúng ta soạn ra những đồ vật để bố thí, nên bố thí vật tốt trước, và sau đó đem tất cả ra bố thí. S4. Tài vật dùng để bố thí. Tài vật dùng để bố thí có hai phần: (1) Giải thích sơ lược phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí. (2) Giải thích chi tiết phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí. T1. Giải thích sơ lược phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí.

10. Bố thí cách nào

177

Nói tóm lược, những vật mà Bồ tát bố thí cho người khác, cần phải có khả năng hiện tiền đem đến cho người nhận xa lìa nhân duyên thọ sinh vào nẻo ác, có thể dẫn sinh sự an lạc cứu cánh, có thể đoạn trừ tội ác cho họ, hoặc có thể đem họ an trú trong thiện pháp. Mặc dù những đồ vật bố thí không thể đem đến sự an lạc tức khắc, nhưng giả như chúng có thể đem đến sự lợi ích cứu cánh cho người nhận thì cũng nên bố thí cho họ. Giả như, món đồ vật bố thí đem đến sự khổ hiện tại, và rốt cuộc có hại, hoặc giả, tuy đem đến vui sướng trước mắt, nhưng rốt cuộc lại có hại, thì Bồ tát không nên bố thí. T2. Giải thích chi tiết phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí. Giải thích chi tiết phẩm vật nên hoặc không nên bố thí có hai phần: (1) Giải thích chi tiết nội vật nên hoặc không nên bố thí. (2) Giải thích chi tiết ngoại vật nên hoặc không nên bố thí. U1. Giải thích chi tiết nội vật nên hoặc không nên bố thí. Một khi chúng ta biết được vì sao không nên bố thí nội vật, thì sẽ biết rằng những gì tương phản thì phải nên bố thí. Có ba phần: (1) Quán sát thời gian mà không nên bố thí. (2) Quán sát mục đích sử dụng mà không nên bố thí. (3) Quán sát người xin mà không nên bố thí. V1. Quán sát thời gian mà không nên bố thí.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

178

Lúc ban sơ mới phát Bồ đề tâm, Bồ tát đã chí tâm đem thân thể, v.v…, của mình để bố thí tất cả hữu tình, chẳng qua, dù cho chúng ta không có tâm nhàm chán đối với sự cầu xin những vật khó bố thí này, thế nhưng, trước khi chúng ta thành tựu tâm "đại bi", giả như có người đến cầu xin những vật khó bố thí này, chúng ta cũng không nên đem máu, thịt, v.v…, ra bố thí. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Những sự việc nào làm cho chúng ta xả bỏ sự tinh tiến? Đây là do vì lực lượng không đủ mà phải đảm đang trách nhiệm to lớn, hoặc là do vì lao nhọc trong một thời gian lâu dài, hoặc là do lòng tin hiểu chưa được chín muồi mà lại đảm nhiệm những công việc quá đổi khó khăn, như bố thí máu, thịt, v.v… Mặc dù có một số Bồ tát sơ cơ muốn đem máu thịt bố thí, nhưng nếu như chưa đến thời cơ, thì vẫn phải cấm chỉ không cho thực hành. Nếu không họ (những Bồ tát sơ cơ không tự lượng sức mình này) sẽ trở nên nhờm tởm những hữu tình đến cầu xin máu thịt này, như vậy sẽ tổn hoại hạt giống của Bồ đề tâm, hoàn toàn lãng phí rất nhiều quả báo thiện lành to lớn. Cho nên Hư Không Tạng Kinh nói: "Thệ nguyện không đúng thời tức là ma nghiệp."

Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bi nguyện chưa thanh tịnh, Không nên thí thân này, Đời này hoặc đời sau, Vì lợi lớn mới (thí) xả. (Phẩm 5, kệ 87)

10. Bố thí cách nào

179

V2. Quán sát mục đích sử dụng mà không nên bố thí. Không nên bố thí thân thể chỉ vì một sự việc nhỏ nhặt. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Chớ vì việc thiện nhỏ, Mà hủy hoại thân này, Vì chúng sinh tu hành, Sẽ chóng được viên mãn. (Phẩm 5, kệ 86)

Nếu từ khía cạnh tự thân mà nhìn, chúng ta đã xa lìa được những chướng ngại của sự bố thí như bỏn sẻn, v.v…, thế nhưng, từ khía cạnh của người khác mà nhìn, giả như chúng ta không bố thí thân thể, thì lại có thể làm lợi ích lớn, thành tựu ý nguyện cho nhiều hữu tình khác, do đây, giả sử có người đến xin cũng không đem thân thể bố thí cho họ. Lại như, nếu có người làm việc sát sinh tổn hại tự tha đến xin thân thể, thì chúng ta có thể tạm thời không đem thân thể bố thí cho họ. V3. Quán sát người xin mà không nên bố thí. Giả như ma quái, quỷ thần, hoặc những người bị ma quỷ sai khiến, ôm lòng hãm hại đến cầu xin tay, chân, các bộ phận cơ thể của chúng ta, thì không nên bố thí, bởi vì điều này sẽ đem đến tai hại cho họ. Nếu có hữu tình tâm ý cuồng loạn đến cầu xin cũng không nên bố thí, bởi vì những người này không có tâm chân thật đến cầu xin, lời nói của họ không đáng tin cậy, cho nên không bố thí cho họ cũng không có tội. Nếu như bố thí cho họ thì ngược lại sẽ có tội. Ngoại trừ những trường hợp này ra,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

180

nếu có người đến cầu xin thì phải nên bố thí. Hơn nữa, phương thức bố thí thân thể có hai loại: (1) cắt đứt thân phần để bố thí vĩnh viễn, (2) vì có nguyện vọng muốn giúp đỡ cho người khác tu trì chánh pháp, bèn tạm thời hiến thân phục dịch, nhận thọ sự sai khiển của họ. U2. Giải thích chi tiết ngoại vật nên hay không nên bố thí. Giải thích chi tiết ngoại vật nên hay không nên bố thí có hai phần: (1) Lý do không nên bố thí ngoại vật. (2) Lý do nên bố thí ngoại vật. V1. Lý do không nên bố thí ngoại vật. Lý do không nên bố thí ngoại vật, có năm phần: (1) Quán sát thời gian nên không bố thí. (2) Quán sát đối tượng nên không bố thí. (3) Quán sát thân phận nên không bố thí. (4) Quán sát vật bố thí nên không bố thí. (5) Quán sát mục đích sử dụng nên không bố thí. W1. Quán sát thời gian nên không bố thí. Quán sát thời gian nên không bố thí, ví như sau giờ ngọ đem thức ăn bố thí cho người xuất gia và người thọ Bát quan trai. W2. Quán sát đối tượng nên không bố thí. Quán sát đối tượng nên không bố thí, ví như sau giờ ngọ đem thực phẩm dư thừa bố thí cho người giữ giới, hoặc đem ẩm thực đã bị vấy bẩn bởi phẩn giải, nước miếng,

10. Bố thí cách nào

181

đồ ói mữa, hoặc máu mủ, hoặc đem các món như hành, tỏi, rượu cho những người không dùng được (những món này), hoặc bố thí những món này đến những người muốn dùng chúng, nhưng vì bị giới luật cấm chỉ nên không dùng được. Đối với vấn đề bố thí con cái, nô bộc, v.v…, mặc dù chúng ta giải thích cho họ (con cái, nô bộc) ý nghĩa của sự bố thí, và họ đã phát tâm hoan hỷ (nguyện làm vật bố thí), nhưng đối với những người mà chúng ta không ưa thích, hoặc dạ xoa, la sát, hoặc những người bạo ác, những người vong ơn bội nghĩa, những người hay quên, khi những người này đến cầu xin mà lại bố thí (con cái, nô bộc) cho họ. Có người đến cầu xin ẩm thực, lại bố thí cho họ những thực phẩm nguy hại đến sức khỏe, hoặc giả, thực phẩm tuy hữu ích, nhưng lại cho họ sử dụng quá độ, hoặc bố thí những món ăn thịnh soạn cho nhưng người đã ăn uống no nê mà vẫn đến cầu xin, hoặc đem kinh điển bố thí cho những ngoại đạo có mục đích tìm tòi lỗi lầm trong kinh điển, hoặc những người có tâm cầu lợi (đem kinh điển đi mua bán đổi chác). Đây là những điều được trình bày trong Bồ Tát Địa. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem Bồ Tát Địa (Nhiếp Quyết Trạch Phần) (Bodhisattva Levels' Compendium of Determination, Skt. Viniścaya-saṃgra- haṃ). Trong đó nói rằng:

Nếu đem kinh điển Phật giáo bố thí cho những người đến xin nhưng trí tuệ cạn cợt, đây là có tội. Nếu như kêu gọi người khác bố thí cho họ (những người trí tuệ nông cạn) những kinh điển đó, cũng là có tội. Nhưng nếu trong tâm nghĩ rằng bố thí kinh điển như vậy sẽ khiến cho họ ưa thích hoặc thọ trì giáo pháp sâu xa của đức Phật, thì

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

182

mới không có tội. Nếu như đem những kinh điển "tương tự với Phật pháp" (Anh: a text of spurious teachings), hoặc kinh điển ngoại đạo mà mình đang ghi chép, hoặc đã có sẳn trong tay, hoặc hỏi xin người khác, để bố thí cho những người có lòng tin chân chính, thì đây cũng là có tội.

Bồ tát nên xóa hết những kinh sách ngoại đạo mà mình hiện có, và chép lên những kinh điển Phật giáo, hoặc nếu biết rằng những kinh sách ngoại đạo này không bổ ích bèn tuyên bố cho người khác biết, nhưng tốt hơn là nên xóa chúng đi, và ghi chép lên những kinh điển Phật giáo. Nếu có người đến xin Bồ tát một xấp giấy trắng, Bồ tát cần phải hỏi họ sử dụng với mục đích gì. Nếu họ trả lời là đem giấy đi bán, và nếu như xấp giấy đó sẽ được Bồ tát dùng vào mục đích ghi chép chánh pháp thì không nên bố thí. Nếu như Bồ tát hiện có món tiền bằng với giá của xấp giấy thì có thể đem tiền bố thí cho họ. Còn nếu không có tiền, thì dù không bố thí tiền và giấy cũng không có tội. Giả như xấp giấy đó không phải dùng để ghi chép chánh pháp thì phải nên bố thí để họ mặc tình sử dụng. Tương tự, nếu đối phương dùng giấy đó để biên chép những sách vở cực kỳ hạ liệt, thì không bố thí cũng không có tội. Nếu họ dùng để ghi chép những sách vở bậc trung, thì cách hành xử cũng tương tự như trên. Còn nếu họ dùng để ghi chép những kinh điển thù thắng, mà chúng ta không bố thí thì là có tội. W3. Quán sát thân phận mà không nên bố thí.

10. Bố thí cách nào

183

Quán sát thân phận mà không nên bố thí, ví như, nếu mình chưa hiểu rõ ý nghĩa của kinh điển, nhưng đối với kinh điển đó không có tâm bỏn sẻn, bèn bố thí kinh điển đó cho người đến xin. Tại sao sự bố thí như vậy không xác đáng là do vì các lý do sau. Bố thí pháp là để đạt thành một trong những mục đích sau: (1) trừ khử tâm bỏn sẻn, (2) viên mãn tư lương trí tuệ, (3) thành tựu sự lợi tha rộng lớn. Vì lý do này, giả như chúng ta không bố thí kinh điển (mà mình đang học tập), thì chúng ta vẫn có thể thành tựu hai mục đích sau (2, 3), còn nếu chúng ta bố thí kinh điển (mà chúng ta chưa thấu đáo ý nghĩa), thì có thể chúng ta không thành tựu hai mục đích sau. Bởi vì trong tình huống này, chúng ta không có tâm bỏn sẻn, cho nên không còn cần phải đạt thành tác dụng thứ nhất (là diệt trừ tâm bỏn sẻn). Nếu chúng ta không đem kinh điển bố thí, thì chúng ta có thể thấy được sự tăng trưởng của tư lương trí tuệ. Lại nữa, nếu chúng ta không bố thí kinh điển, thì có thể viên mãn tư lương trí tuệ, lợi lạc tất cả hữu tình. Như vậy, không những có thể làm cho hữu tình cầu xin kinh điển đạt được an lạc, mà còn có thể làm cho những chúng sinh khác đều được an lạc. Còn như nếu đem kinh điển bố thí (mà không tiếp tục nghiên cứu) thì chỉ có một hữu tình (xin kinh) đạt được an lạc. Bồ Tát Địa dùng phương thức này để thuyết minh tác dụng lớn nhỏ. Nhập Bồ Tát Hành Luận cũng nói:

Đừng chấp nhỏ, bỏ lớn, (Làm) việc lớn, nghĩ (đến) lợi người. (Phẩm 5, kệ 83cd)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

184

Cho nên không bố thí kinh điển, không những không có tội mà còn có lợi ích to lớn. Cự tuyệt không bố thí, không nên dùng những lời lẽ thô lỗ, chẳng hạn như nói thẳng thừng "tôi không cho ông", mà phải nên dùng phương tiện khéo léo khiến họ bỏ đi. Phương tiện khéo léo, nghĩa là trước tiên, Bồ tát dùng tâm ý trong sạch, đem tất cả sở hữu hồi hướng bố thí cho chư Phật Bồ tát ở mười phương. Điều này giống như một tỳ kheo thọ trì pháp y hoặc vật dụng, dùng ý tưởng tịnh thí cho hòa thượng hoặc a xà lê. Do vì các tỳ kheo dùng phương thức này hồi hướng pháp y, cho nên dù họ có tích chứa vật dụng vẫn được gọi là "trụ thánh chủng Bồ tát", và còn có thể tăng trưởng vô lượng phước đức. Cho nên Bồ tát cần phải đem tất cả vật sở hữu xem như là đồ vật mà mình bảo quản dùm cho chư Phật Bồ tát. Giả như có người đến cầu xin, và giả như những đồ vật này thích ứng bố thí, thì Bồ tát bèn bố thí. Nên nghĩ rằng: "Chư Phật Bồ tát không có vật gì là không thể bố thí cho hữu tình." Giả như đồ vật không thích hợp (bố thí cho người đến xin) thì cần phải giống như nghi quỹ tịnh thí, đem đồ vật đó hồi hướng cho chư Phật Bồ tát, đồng thời một giọng ôn tồn nhỏ nhẹ, thành thực nói với người đến xin: "Thưa ông, đây là vật của người khác, cho nên tôi không thể đem nó bố thí được." Lại đem số tiền giá trị hơn hai hoặc ba lần (món đồ vật ho, muốn xin) bố thí cho họ, ý muốn cho họ biết rằng Bồ tát không vì tham chấp mà không dám đem kinh điển bố thí cho họ, chỉ là không có quyền bố thí mà thôi. Đây mới là phương pháp bố thí của người có trí tuệ.

10. Bố thí cách nào

185

W4. Quán sát vật bố thí nên không bố thí. Quán sát vật bố thí nên không bố thí, chẳng hạn như cha mẹ, vợ con, tôi tớ của mình, hoặc ẩm thực có trùng, v.v… Giả như chưa cho họ (cha mẹ, vợ con, tôi tớ, ...) biết, hoặc giả, đã cho họ biết rồi, nhưng họ không nguyện ý, Hoặc giả, vợ con đã quen với nếp sống sung sướng thoải mái (không thể chịu đựng sự khổ nhọc), (thì không được đem họ bố thí).

Ở đây, tôi (Tsong Khapa) tuy biết rằng chúng ta không thể đem bố thí vợ con, v.v…, để họ làm nô bộc cho người khác, thế nhưng, do vì tài vật là một phương thức quan trọng trong sự bố thí, cho nên ở đây tôi (Tsong Khapa) xếp loại họ (cha mẹ, vợ con, v.v...) vào "vật bố thí." Bồ Tát Địa (Nhiếp Quyết Trạch Phần) nói đức Phật cho phép người xuất gia được chứa ba y và các món đồ vật khác, chỉ cần họ không có tâm bỏn sẻn, và nếu như món đồ vật hiện có là vật cần thiết cho sự tu tập thiện pháp, thì dù không bố thí chúng cho người đến xin cũng không có tội. Như trong luận nói:

Ngoại trừ ba y ra, nếu Bồ tát sau khi quán sát cẩn thận, đem những đồ vật mà đức Phật cho phép thọ dụng với mục đích trợ giúp duy trì sự an lạc, bố thí cho người đến xin cũng không có tội. Nhưng nếu vị Bồ tát đó muốn giữ những đồ vật đó với mục đích để tu tập thiện pháp, chứ không phải vì tham luyến, thì mặc dù không đem chúng bố thí cho người đến xin cũng không có tội.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

186

Bồ Tát Biệt Giải Thoát Kinh (Bodhisattva Vows of Liberation, Skt. Bodhisattva-prātimokṣa-sūtra) nói:

Này Xá Lợi Tử, nếu Bồ tát xem người đến xin quan trọng hơn chính mình, do đây đem ba y bố thí cho họ, thì đây không phải là tu tập hạnh thiểu dục.

Do đây biết rằng, Bồ tát xuất gia đem ba y bố thí, đây là có tội. W5. Quán sát mục đích sử dụng nên không bố thí. Quán sát mục đích sử dụng nên không bố thí, ví như, đem thuốc độc, lửa, vũ khí, rượu, v.v…, bố thí cho những người đến xin với mục đích hại mình hại người; hoặc giả, có người đến cầu xin những món đồ chơi vui nhưng lại có thể tích tập nhân duyên đọa lạc ác đạo, chúng ta không những không ngăn cấm, mà còn thỏa mãn sự yêu cầu của họ; hoặc giả, có người đến cầu xin, hoặc cầu học cách đánh bẫy, đặt lưới, v.v…, những sự việc tổn hại chúng sinh, chúng ta lại thỏa mãn lời yêu cầu của họ. Đây có nghĩa là chúng ta không nên truyền dạy những phương pháp, hoặc bố thí những tài vật liên hệ đến việc tổn hại sinh mệnh của chúng sinh. Lại như có người vì muốn tổn hại sinh vật trên đất, hoặc dưới nước, đến cầu xin chúng ta ban cho khu vực đất đai hoặc sông rạch, chúng ta bèn bố thí cho họ. Hoặc có người muốn tổn hại nhân dân của một nước, hoặc nhân dân của một địa phương nào đó, đến cầu xin chúng ta trao quyền cai trị, chúng ta bèn trao quyền cho họ. Hoặc là có kẻ oán địch

10. Bố thí cách nào

187

của chúng ta đến cầu xin những vật trên, chúng ta lại đem những vật đó bố thí cho kẻ thù của họ. V2. Lý do nên bố thí ngoại vật. Giả như thời gian (thời điểm bố thí) không bị cấm chỉ bởi đức Phật, và giả như vật bố thí thích hợp với người đến xin, thì cần phải đem vật ấy bố thí cho họ. Nếu như bản tính của chúng ta tương phản với đoạn văn giải thích ở trên, và bỏn sẻn đối với kinh điển (mà người kia muốn xin), thì mặc dù chúng ta chưa hoàn tất sử dụng (chưa hoàn toàn thấu hiểu nghĩa lý) quyển kinh, cũng phải nên bố thí cho người đến xin. Đây muốn nói là nếu ta có hai bản kinh thì nên bố thí (một bản). Nếu như không có (bản kinh khác) thì nên bố thí món tiền ngang bằng với quyển kinh. Nếu như không có tiền thì cũng nên lập ý quyết định bố thí quyển kinh, nghĩ rằng: "Giả như bố thí quyển kinh này mà ta phải bị ngu si trong đời này thì cũng không có gì đáng tiếc. Ít nhất, ta không bị tâm bỏn sẻn sai sử!" Đến như những món đồ vật khác, ngoại trừ những vật đã được nêu trên, bất cứ vật gì cũng có thể bố thí. Giả như chúng ta làm quốc vương (kẻ thống trị), và nếu có người đến xin vợ con, v.v…, của người khác, không nên tách riêng rẽ những thành viên của một gia đình để bố thí, mà phải nên đem toàn thể gia đình và nơi cư ngụ của họ mà bố thí. Còn những món đồ tiêu khiển, nếu không phải là lưới, bẫy, v.v…, tổn hại đến chúng sinh, không tổn hại đến những động vật cư ngụ trên mặt đất hoặc dưới nước, ẩm thực không có trùng, v.v…, thì chúng ta phải nên bố thí. Nếu như có lợi ích đối

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

188

với người đến xin và những kẻ khác, thì ngay cả thuốc độc, vũ khí, lửa, v.v…, cũng nên bố thí cho họ. Hỏi: Chúng ta phải làm thế nào khi bố thí tài vật cho hai người đến xin cùng lúc, một người nghèo và một người giàu? Đáp: Giả như hai ngươi này đến cùng lúc, nếu như chúng ta có thể thỏa mãn nguyện vọng của cả hai người thì nên làm như vậy. Còn nếu không đủ sức, thì trước đó nên nghĩ như vầy: "Nếu không thể thỏa mãn nguyện vọng của hai người thì cần phải thỏa mãn nguyện vọng của người nghèo trước." Sau đó đem tài vật bố thí cho kẻ nghèo. Đồng thời phải dùng lời ôn hòa nói với người kia khiến cho họ hiểu rõ: "Thưa ông, tôi trước đã dự định đem tài vật bố thí cho người nghèo rồi. Xin ông đừng cho rằng tôi từ chối lời yêu cầu của ông." Do vì sự học tập phương pháp bố thí vô cùng quan trọng đối với những Bồ tát mới hộ trì giới luật, cho nên ở đây đặc biệt nêu ra. Ngoại trừ những trường hợp đặc thù ra, tôi (Tsong Khapa) đều án chiếu ý nghĩa trong Bồ Tát Địa để giải thích. R2. Nếu không thể bố thí phải làm cách nào. Đang lúc có người đến xin, giả như chúng ta bị tâm bỏn sẻn khống chế, thì phải nên suy ngẫm như vầy: "Lúc chết không thể không lìa bỏ những món đồ vật này, chúng sẽ rời bỏ ta, ta cũng sẽ rời bỏ chúng, cho nên phải giống như lúc chết sẽ lìa bỏ, cần phải ưa thích việc bố

10. Bố thí cách nào

189

thí tài vật để chúng được dùng vào việc lợi ích. Nếu đem chúng bố thí, đến lúc lâm chung ta không còn tham luyến tài vật, không có tâm hối tiếc mà lại sinh lòng hoan hỷ." Giả như sau khi suy ngẫm như vậy nhưng vẫn không thể bố thí, thì nên đối với người đến xin trình bày ba sự kiện, giống như trong Kinh Nghi Vấn của Trưởng Giả Úc Già (Questions of Householder Ugra Sūtra, Skt. Gṛha-pati-ugra-paripṛcchā-sūtra):

(1) Hiện nay tâm bố thí của tôi còn yếu ớt, và thiện căn của tôi cũng còn non nớt. (2) Tôi mới bắt đầu học tập Đại thừa. Tôi vẫn còn ý tưởng 'không cho.' (3) Tôi vẫn còn ý tưởng chấp thủ, và còn bị vướng mắc vào ý tưởng đồ vật là ta và của ta. Như vậy thưa ông, tôi xin ông hãy tha thứ cho tôi, và xin đừng buồn phiền. Trong tương lai, tôi sẽ làm thành tựu và sẽ làm thỏa mãn sự yêu cầu của ông và tất cả hữu tình.

Theo ý của Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu, đây chỉ là đoạn trừ sự mất lòng tin của người xin (đối với Bồ tát), nhưng không thể đoạn trừ tội san tham (là một lỗi lầm của Bồ tát mà mọi người khinh bỉ). Chẳng qua, sự phân bua vừa nêu trên tựa hồ có thể tránh khỏi tội tha thắng "nhân vì bỏn sẻn mà không bố thí tài vật và pháp." Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Giả sử có người đến cầu xin, mặc dù khả năng bố thí của chúng ta ít ỏi, cũng không nên làm cho họ cảm thấy tuyệt vọng. Cần phải dùng lời ôn hòa để

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

190

an ủi họ. Ngày sau họ có đến xin nữa, thì cần phải tận lực mà bố thí cho họ, đừng làm cho họ thất ý tuyệt vọng. Nhất định phải đoạn trừ lỗi lầm "bỏn sẻn", siêng năng tu tập để tiêu trừ tham ái.

R3. Phương pháp đối trị sự chướng ngại của bố thí. Y cứ vào lời dạy trong Bồ Tát Địa (Nhiếp Quyết Trạch Phần) có bốn loại chướng ngại: (1) Xưa nay chưa quen bố thí. (2) Phước duyên ít ỏi. (3) Tham luyến tài vật. (4) Không thấy quả báo rộng lớn của sự bố thí. S1. Xưa nay chưa quen bố thí. Ý muốn nói, tuy hiện nay có đầy đủ tài vật có thể bố thí, nhưng không muốn bố thí cho người đến xin. Phương pháp đối trị loại chướng ngại này là phải nhanh chóng nhận thức họa hoạn của sự không quen bố thí này, cần phải quán sát suy ngẫm như vầy: "Loại họa hoạn này là kết quả của ta từ xưa nay chưa quen bố thí. Nếu như hiện nay không bố thí, thì trong đời sau cũng không thích làm thiện bố thí." Sau đó thực hành sự bố thí, quyết không dung thứ loại họa hoạn này. S2. Phước duyên ít ỏi. Ý muốn nói do vì thiếu thốn tài vật cho nên không khởi tâm bố thí. Phương pháp đối trị loại chướng ngại này là chúng ta phải cam tâm nhận chịu sự nghèo thiếu để thực hành sự bố thí. Phải nên suy ngẫm như sau: "Từ khi ta bị lưu chuyển luân hồi đến nay, do vì túc nghiệp nên bị sự nghèo nàn thao túng, cho nên chưa từng làm

10. Bố thí cách nào

191

lợi ích cho kẻ khác, mà phải nhận thọ sự thống khổ đói khát không thể kham nhẫn. Cho nên, đối với bản thân ta, đời này vì lợi ích chúng sinh, bố thí mới là việc tốt, dù có phải chịu khổ đến chết, còn khiến cho người đến xin ra về tay không là điều sai lầm. Bởi vì, dù không có những tài vật đó, ta vẫn có thể sống sót bằng cách hái trái rừng mà ăn." S3. Tham luyến tài vật. Tức là do vì vật bố thí vô cùng mỹ diệu, đẹp đẽ ngoạn mục, khiến cho chúng ta sinh tâm tham luyến, không muốn bố thí. Phương pháp đối trị loại chướng ngại này là cần phải nhanh chóng nhận thức họa hoạn của sự tham luyến, cần phải suy ngẫm như sau: "Vật này bổn tính vốn là khổ mà ta nhận lầm là vui sướng, nó có thể khiến ta sẽ phải chịu khổ đời sau." Nhận rõ điều này thì có thể đoạn trừ sự tham luyến mà bố thí tài vật. S4. Không thấy quả báo to lớn của sự bố thí. Không thấy quả báo to lớn, ý muốn nói rằng chúng ta chưa thấy được lợi ích to lớn của sự bố thí là có thể đạt thành viên mãn Bồ đề, ngược lại, chỉ chú ý vào sự lợi ích về quả báo tài sản to lớn, cho nên mới bố thí tài vật. Phương pháp đối trị cho loại chướng ngại này là cần phải nhanh chóng nhận thức về họa hoạn này, tổng quát là cần phải suy ngẫm về đạo lý "tất cả hành pháp đều là sát na hoại diệt." Đặc biệt cần phải suy ngẫm rằng tài sản của chúng ta sẽ bị hoại diệt nhanh chóng, bỏ ta mà đi, sau đó đem tất cả tài vật bố thí, hòan toàn hồi hướng đến Đại giác Bồ đề.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

192

Giả như chúng ta chỉ chú ý đến quả báo dị thục của sự bố thí tài vật, thì chúng ta chỉ đạt được quả báo tài sản to lớn, nhưng không đạt được giải thoát. Giống như người lái buôn vì một món tiền mà không ngần ngại đem tài vật giao cho người khác, loại hành vi này chỉ có thể thu thập "tiền lời", nhưng không thể thu hoạch "phước đức." Tứ Bách Luận nói:

Nếu cho rằng bố thí người khác sẽ được phước báo to lớn, thì điều này giống như con buôn mưu lợi, rất đáng khinh bỉ.

Q2. Bố thí bằng ý niệm. Bố thí bằng ý niệm, có nghĩa là ở nơi an tĩnh, nhiếp tâm hướng vào trong, phát tâm thanh tịnh và tâm tịch tĩnh, trong ý tưởng hóa hiện vô lượng các loại tài bảo, sau đó, tưởng tượng dùng những loại tài bảo này phổ thí tất cả hữu tình. Y cứ vào lời dạy của Bồ Tát Địa, loại bố thí này có thể dùng lực lượng ít ỏi mà có thể tăng trưởng vô lượng phước đức, và được gọi là "xảo tuệ Bồ tát bố thí." Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh tuy nói pháp tu này dành cho những người không có tài vật, nhưng cũng thích đáng cho những người có tài vật tu tập. Phương pháp tu tập "xảo tuệ Bồ tát bố thí" lúc không có tài vật này là thiết lập cho những Bồ tát chưa chứng đắc Tăng thượng thanh tịnh ý nhạo của Bồ tát Sơ địa. Còn như Bồ tát đã đạt đến Sơ địa thì không còn vấn đề thiếu thốn tài vật. Như Bồ Tát Địa nói:

10. Bố thí cách nào

193

Cho nên, loại tài thí này là thi thiết cho các Bồ tát hiện thời không có tài vật mà cũng chưa chứng được Tăng thượng thanh tịnh ý nhạo. Nếu Bồ tát đã chứng đắc Tăng thượng thanh tịnh ý nhạo, siêu ly ác thú, thì họ đời đời kiếp kiếp sẽ thu hoạch được vô tận tài vật.

N4. Tổng kết. Sau khi chúng ta thọ trì giới Bồ tát luật nghi, cần phải phát nguyện học tập ý nghĩa Bố thí của Bồ Tát Địa, và hơn nữa, tu học những phương pháp bố thí đã được trình bày ở trên. Trước tiên cần phải hiểu rõ những điều cho phép và những điều cấm chỉ trong các phương pháp bố thí ở trên, khiến cho chúng ta có thể lập tức học tập. Đặc biệt cần phải tu tập đối trị sự bỏn sẻn thân thể, tài vật và thiện căn. Sau khi sự bố thí của chúng ta tăng trưởng kiên cố, thì cần phải sinh tâm hoan hỷ đối với loại tu tập này, đồng thời đối với quá khứ chưa thể tu tập phương pháp này sinh khởi tâm hối tiếc. Giả như chúng ta có thể làm như thế, giống như Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh nói, trong đời sau sẽ dễ dàng viên mãn Bố thí ba la mật đa. Ngược lại, nếu chúng ta hoàn toàn bỏ phế, không quan tâm đến sự việc tu tập này, thì không những trong đời hiện tại thường tiêm nhiễm những họa hoạn (không thích bố thí) nghiêm trọng này, mà đời sau cũng không ưa thích tu tập bố thí. Như vậy sự tiến tu Bồ tát hạnh lại càng khó khăn. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ đề tâm là căn bổn của bố thí, bởi vậy không nên xả bỏ sự phát tâm bố thí. Đức Phật đã từng

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

194

dạy: "Sự bố thí tối thù thắng trên đời tức là đầy đủ nguyện dục (lòng ưa muốn) bố thí (tức là Bồ đề tâm).

Điều này muốn nói rằng cần phải ghi nhớ và tu tập Bồ đề tâm là căn bổn của Bồ tát hạnh, cầu chứng Bồ đề. Phát nguyện cầu thành Bồ đề là căn bổn của tất cả sự bố thí, và là sự bố thí thù thắng nhất, cho nên cần phải hết lòng tu học. Đây là tổng nhiếp những ý nghĩa thiết yếu của Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh.

11. Trì giới ba la mật

195

11. Trì giới ba la mật M2. Học tập trì giới. Học tập trì giới có năm phần: (1) Tính chất của trì giới (2) Học tập trì giới cách nào. (3) Phân loại trì giới. (4) Phương pháp tu tập trì giới. (6) Tổng kết. N1. Tính chất của trì giới. Trí giới là một thái độ xả bỏ (Anh: attitude of absten- tion), khiến cho tự tâm nhàm chán sự tổn hại kẻ khác (chỉ cho thân và ngữ) và xa lánh căn bổn của sự tổn hại này (chỉ cho ý). Cho nên hành giả cần phải trải qua sự luyện tập để cho loại tâm thái (nhàm chán tổn hại kẻ khác) này dần dần tăng trưởng cho đến cứu cánh viên mãn. Đây tức là trì giới ba la mật. Thế nhưng, điều này không cần phải khiến cho tất cả hữu tình bên ngoài hoàn toàn tránh khỏi sự tổn hại mới là viên mãn trì giới ba la mật. Nếu không, hiện tại vẫn còn vô lượng chúng sinh chưa tránh được sự tổn hại, và như vậy các đức Phật quá khứ vẫn chưa thể viên mãn trì giới ba la mật, và nếu vậy, các ngài không thể dẫn dắt chúng sinh đạt đến cảnh giới xa lìa phiền não. Cho nên, bất luận là tất cả hữu tình bên ngoài có xa lìa sự tổn não hay không, chỉ cần chúng ta tu tập an trụ tự tâm, xa lìa sự tổn hại tất cả hữu tình, thì đây là tu hành "trì giới." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Phóng sinh cá về đâu, Để chúng không bị hại, Khi đoạn hết ác tâm,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

196

Gọi là tròn giới độ. (Phẩm 5, kệ 11) Tuy giới luật có ba loại (luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, và nhiêu ích hữu tình giới), nhưng ở đây chủ yếu là chỉ cho "tâm năng đoạn" (Anh: attitude of abstention), tức là nói về "giới luật nghi." Nếu như bao hàm cả "tâm đẳng khởi" (động cơ, Anh: motivation), thì có mười loại tâm năng đoạn mười loại bất thiện. Nếu chỉ luận về bổn tính, thì có bảy loại tâm năng đoạn bảy loại bất thiện của thân và miệng. Ngài Nguyệt Xứng trong Nhập Trung Luận Sớ (Explanation of the Middle Way Commentary, Skt. Madhyamakāvatāra-bhāṣya) nói:

Nó được gọi là thi la bởi vì nó tuyệt đối không dung chứa phiền não, không cho tội ác sản sinh, tính chất thanh lương (mát mẽ), có thể diệt lửa hối hận, là nơi y chỉ của bậc thiện sĩ, vì đây là nhân của sự an lạc. Hơn nữa, nó đầy đủ bảy loại tâm năng đoạn, cùng với ba tâm đẳng khởi là vô tham, vô sân và chánh kiến. Bởi vì đầy đủ ba tâm đẳng khởi cho nên thi la được giải thích là mười loại nghiệp đạo.

N2. Học tập trì giới cách nào. Sau khi chúng ta phát khởi tâm Bồ đề và chấp nhận sự học tập Bồ tát hạnh, thì phải phát thệ nguyện khiến cho tất cả hữu tình đầy đủ thi la trang nghiêm của chư Phật Chánh Giác, cho nên chúng ta phải nên thành tựu lợi ích cho tất cả hữu tình, mà điều đầu tiên là phải dẫn sinh lực lượng của sự trì giới thanh tịnh. Bởi vì, nếu như giới luật của chúng ta không được thanh tịnh mà còn bị tổn

11. Trì giới ba la mật

197

hoại, thì chúng ta sẽ bị đọa vào ác đạo, như vậy không tự cứu được chính mình, làm sao còn nói đến việc cứu người khác. Cho nên, khi chúng ta bắt đầu tu tập công hạnh thành tựu lợi tha, thì phải vô cùng xem trọng trì giới, cần phải nghiêm cẩn họ trì giới luật, ước thúc hành vi của chính mình, tuyệt đối không được buông thả. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Hành giả nỗ lực khiến cho tất cả hữu tình đầy đủ thi la trang nghiêm chư Phật Chánh Giác, trước tiên phải tự mình giữ giới thanh tịnh, bởi vì giới luật thanh tịnh có thể sinh khởi đại lực.

Lại nói:

Nếu như hủy hoại giới luật thì không thể thành tựu tự lợi, thì làm sao có lực lượng để lợi ích người khác? Cho nên người siêng tu lợi tha, đối với sự trì giới tuyệt đối không thể lơ là biếng nhác.

Lại nữa, thi la thanh tịnh là hành trì sự thủ xả thuận theo sự chế định của đức Phật. Lại cần phải nương tựa vào tâm tha thiết muốn thủ hộ giới luật. Nhân đây, cần phải quán sát lâu dài về họa hoạn của sự không giữ giới và về lợi ích của sự giữ giới, và do đây dẫn sinh tâm tha thiết mong cầu giữ giới. Họa hoạn của sự không giữ giới, giống như Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Do vì thấy được hậu quả đáng sợ rất khó nhẫn thọ, cho nên, dù sự việc (lỗi lầm) cần phải đoạn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

198

trừ chỉ là một sự việc nhỏ nhặt không đáng kể, thì vẫn cần phải đoạn trừ.

Ý của luận muốn nói, nếu chúng ta sợ hãi hậu quả nghiêm trọng của tội hành, thì dù là một tội hành nhỏ nhặt cũng cần phải đoạn trừ. Cho nên cần phải nương vào phần trên đã nói, suy ngẫm nghịch duyên thô hiển của thi la, tức là họa hoạn nghiêm trọng của mười loại bất thiện nghiệp. Còn phần lợi ích của sự trì giới, thì ở phần trên đã được giải thích. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Chư Phật và Chánh Pháp mà còn do sự trì giới xuất sinh, thì đâu có gì là kỳ lạ, khi những diệu vật khả ái của cõi trời, tài bảo và những diệu lạc thù thắng của cõi người, hoặc những sự việc hưng thạnh và những diệu vị của cõi trời cũng đều xuất sinh từ sự trì giới!

Lại nữa, nương tựa vào thi la có thể làm cho tự tâm dần dần tương tục thăng tiến, khiến cho học xứ của chúng ta ngang bằng với học xứ của các Bồ tát Đại sĩ đầy đủ tâm Đại bi, và cũng khiến cho chúng ta chứng đắc thanh tịnh diệu trí, đoạn tận chủng tử của tất cả ác hành. Chẳng hạn như người thế gian, nếu quá trẻ hoặc quá già mà lại được trang sức lộng lẫy, thì trông rất kệch cởm và rất đáng buồn cười. Thế nhưng, bất luận là già trẻ, trung niên, nếu được trang sức bằng giới đức trang nghiêm, thì ngược lại, mọi người trông thấy đều kính trọng. Do đây, thi la là vật nghiêm sức tối thượng đẳng. Mỹ danh, diệu hương của sự trì giới có thể truyền khắp mười phương, không phải như những hương thơm khác, chỉ

11. Trì giới ba la mật

199

có thể theo gió bay đi trong phạm vi giới hạn. Nước hương chiên đàn tuy có thể tiêu trừ sự nóng bức, nhưng người xuất gia không được phép sử dụng, thế nhưng, nước hương thi la có thể tiêu trừ sự nóng bức của phiền não, không những không cấm chỉ người xuất gia sử dụng, mà còn lại thích hợp cho họ. Mặc dù bên ngoài cùng mang hình tướng xuất gia, nhưng người đầy đủ tài bảo giới luật thì lại ưu thắng hơn (những người xuất gia không giữ giới luật). Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Thi la là con đường thành tựu thù thắng, ngang hàng với sự tu tập của các bậc đầy đủ tính Đại bi, đầy đủ tính chất trí tuệ vô thượng thanh tịnh, có thể xa lìa lỗi lầm, cho nên được gọi là "trang nghiêm tối thắng." Nó là diệu hương khả ý biến khắp ba cõi, là nước thơm không cấm chỉ người xuất gia sử dụng. Mặc dù trên thân cùng mặc một loại phục sức, nhưng người đầy đủ thi la ưu thắng hơn những kẻ khác (khiếm khuyết thi la).

Những lợi ích khác của sự trì giới còn có: (1) Tuy chúng ta (người trì giới) không nói lời dua nịnh, hoặc tìm cầu khó nhọc, nhưng tài vật tự nhiên không cầu mà đến. (2) Tuy chúng ta chưa từng dùng sức mạnh uy hiếp hữu tình, nhưng lại được tất cả hữu tình tôn kính. (3) Mặc dù trong quá khứ chúng ta hoàn toàn không quen biết hoặc chưa từng trợ giúp hữu tình, họ tự nhiên đối xử với chúng ta một cách tương thân tương ái. (4) Đất dưới dấu chân của người trì giới được trời người cung kính, mang đi tôn thờ. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

200

Mặc dù không nói (lời bợ đỡ dua nịnh), hoặc không tìm cầu gian khổ, cũng có thể tích tập những tài vật và sự phụng sự cần thiết. Mặc dù không dùng uy thế bức bách mọi người cung kính, nhưng lại thu hoạch được quyền lực dễ dàng. Người trì giới, đối với những chúng sinh khác, tuy không phải là thân thuộc của họ, xưa nay cũng chưa hề quen biết, cũng chưa tùng giúp đỡ, hoặc thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào của họ, nhưng vẫn được mọi người tôn kính. Đất cát dưới bước chân của người trì giới được các bậc thiện sĩ cung kính đảnh lễ, và được trời người cúi đầu lễ bái, đem chúng đặt lên đỉnh đầu. Cho nên người đầy đủ chủng tính thi la thì là người cực kỳ tôn quý!

Cho nên, những người trí, nếu có thể suy ngẫm tinh tế về những công đức và họa hoạn, thì quyết chắc sẽ thủ hộ giới luật của chính mình. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ tát cần phải thủ hộ thi la, chớ nên vì tham luyến sự an lạc cho chính mình mà hủy phạm chúng.

Lại nói:

Do vì chúng ta có thể điều phục chính mình, cho nên có thể đạt được an lạc. Do vì chúng ta đầy đủ trang nghiêm của sự hộ giới mà các bậc trí tán thán, cho nên có thể khiến cho tất cả học xứ viên

11. Trì giới ba la mật

201

mãn cứu cánh, có thể hoàn toàn y chỉ thi la mà không có tâm kiêu mạn.

Lại nữa, thủ hộ thi la không phải chỉ vì tiêu trừ sự sợ hãi đối với ác đạo, hoặc đạt được những phước lạc của cõi trời, người, mà còn cần phải khiến cho tất cả hữu tình đều sẽ hộ trì giới luật. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

(Đức Phật từng nói) nếu có người đem tất cả hữu tình trong vô lượng thế giới an trí trong thi la, và hy vọng dùng thi la để lợi ích thế gian, thì cần phải làm cho thi la (của chính mình) đạt đến viên mãn. Cho nên, chúng ta không phải chỉ vì đoạn trừ sự sợ hãi (đọa lạc) ác đạo, hoặc mong cầu vương vị, cùng viên mãn phước lạc cõi lành. Chúng ta cần phải vì lợi ích thế gian, mà tinh tiến hộ trì giới luật.

N3. Phân loại trì giới. Phân loại trì giới có ba phân: (1) Luật nghi giới. (2) Nhiếp thiện pháp giới. (3) Nhiêu ích hữu tình giới. O1. Luật nghi giới. Bồ Tát Địa cho rằng luật nghi giới (của Bồ tát) tức là bảy loại luật nghi giới của Biệt giải thoát (Thanh văn) giới. Cho nên, những hành giả đầy đủ Biệt giải thoát luật nghi, đồng thời thọ trì giới Bồ tát luật nghi, thì luật nghi giới của họ tức là giới Biệt giải thoát luật nghi chánh thức của hàng xuất gia hoặc tại gia, hoặc giả, đó là sự tu

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

202

trì những điều giới phối hợp với giới luật nghi chánh thức. O2. Nhiếp thiện pháp giới. Nhiếp thiện pháp giới tức là chuyên tu các loại thiện pháp, như sáu ba la mật, v.v..., khiến cho những thiện pháp chưa sinh khởi sẽ được tương tục sinh khởi trong tâm, những thiện pháp đã được sinh khởi, không bị thoái thất, và khiến cho cả hai đều được tăng trưởng không gián đoạn. O3. Nhiêu ích hữu tình giới. Nhiêu ích hữu tình giới là chuyên tu mười một loại sự nghiệp lợi sinh, dùng những phương thức (không tạo tội) để đạt thành lợi ích đời này và lợi ích đời sau cho họ. Tôi (Tsong Khapa) ở trong Giới Ba La Mật Đa Luận đã giải thích tường tận, xin tất cả hành giả đều phải nên nghiền ngẫm cẩn thận10.

10 Mười một loại sự nghiệp lợi sinh là: (1) Các Bồ tát đối với những hữu tình mà mình có thể đem đến nghĩa lợi thì nên làm người bạn trợ giúp cho họ. Đối với những hữu tình đang bị buồn khổ, tật bệnh, v.v…, thì nên thăm nom, chăm sóc và đồng thời làm người bạn trợ giúp cho họ. (2) Lại nữa, các Bồ tát nương vào những lợi ích thế gian và xuất thế gian, có thể nói những pháp yếu cho các hữu tình. Trước tiên, nói phương tiện, nói đúng lý, sau đó làm cho họ thâu hoạch được nhiều loại lợi ích. (3) Lại nữa, các Bồ tát đối với những hữu tình có ơn với mình, phải nên biết ơn họ, và nếu như có cơ hội phải nên lập tức báo đáp. (4) Lại nữa, các Bồ tát đối với những hữu tình đang bị sợ sệt các ách nạn như sư tử,

11. Trì giới ba la mật

203

Các điều khoản luật nghi giới là một bộ phận của giới luật nghi của Bồ tát xuất gia, và không ra ngoài phạm vi của Bồ tát học xứ. Hơn nữa, luật nghi giới trong "tam tụ tịnh giới", tức là những điều khoản chánh thức của biệt giải thoát luật nghi, hoặc phối hợp với những điều giới (biệt giải thoát) luật nghi mà tu trì sự thủ xả.

cọp, lang sói, quỷ mị, nhà cầm quyền bạo ác, giặc cướp, v.v…, đều có thể cứu hộ, khiến cho họ được xa lìa những sự sợ sệt. (5) Lại nữa, các Bồ tát đối với các chúng sanh đang mất mát tài sản, quyến thuộc, nên khéo khai thị khiến cho họ giải tỏa nỗi ưu sầu. (6) Lại nữa, các Bồ tát đối với các chúng sanh đang thiếu thốn vật chất, tài sản, bố thí cho họ tất cả vật dụng cần thiết. (7) Lại nữa, các Bồ tát tùy thuận đạo lý, làm chỗ y chỉ chân chánh cho chúng sanh, và hướng dẫn đệ tử đúng pháp; (8) Lại nữa, các Bồ tát tùy thuận sự việc ngôn ngữ thế gian, mời gọi, tới lui, đàm luận, hỏi han, an ủi, nhận lời mời thỉnh, hoặc thọ nhận các món vật thực, v.v… Nói tóm lại, tuy [Bồ tát] cố gắng tránh xa việc chung đụng đưa tới những xung đột vô nghĩa, thế nhưng, đối với những sự việc khác (hữu ích cho chúng sanh), [Bồ tát] phải nên tùy thuận chuyển đổi. (9) Lại nữa, Bồ tát, đôi khi cũng phải cho chúng sanh biết, hoặc kín đáo, hoặc công khai, những công đức chân thật của mình, để họ hoan hỷ, tinh tiến tu học. (10) Lại nữa, Bồ tát đối với những người vi phạm học xứ, khởi tâm thương xót, muốn làm cho họ được an lạc lợi ích, bèn trách mắng, trừng phạt, hoặc trục xuất, khiến cho họ xa lìa pháp ác, tu tập pháp lành. (11) Lại nữa, Bồ tát dùng sức thần thông, phương tiện biến hiện cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, v.v…, khiến cho đối phương nhàm chán, xa lìa điều ác; sau đó dùng phương tiện dẫn đắt họ vào Phật pháp, lại khiến cho họ sanh tâm hoan hỷ, khát ngưỡng, siêng tu chánh hạnh.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

204

Điều này rất quan trọng đối với hành giả Bồ tát, cho nên cần phải học tập. Bồ Tát Địa (Nhiếp Quyết Trạch Phần) nói:

Trong tam tụ tịnh giới, luật nghi giới có thể bao hàm và đạt thành hai loại giới kia. Nếu có thể siêng năng hộ trì loại (luật nghi) giới này, thì cũng có thể thủ hộ hai loại giới kia. Nếu không thể thủ hộ loại giới luật nghi này, thì cũng không thể thủ hộ hai loại giới kia. Cho nên, nếu như Bồ tát hủy hoại luận nghi giới, thì sẽ hủy hoại tất cả học xứ của Bồ tát.

Nếu chúng ta cho rằng biệt giải thoát luật nghi là dành riêng cho Thanh văn, rồi xả bỏ tất cả những điều khoản "khai", "ngăn" của giới luật nghi, cho rằng: "Nên học các học xứ khác của Bồ tát", thì đây là không hiểu rõ những sự kiện thiết yếu của Bồ tát giới học. Cho nên các kinh điển thường cho rằng giới luật nghi là căn bổn và xuất xứ của hai loại giới sau. Hơn nữa, chủ yếu của giới luật nghi là đoạn trừ "tính tội." Mà trong Đại thừa lẫn Tiểu thừa đều cho rằng đoạn trừ tính tội tức là đoạn trừ tính tội của những họa hoạn nghiêm trọng của mười loại bất thiện. Cho nên chúng tqa phải nên "đúng lý" đề phòng ba nghiệp thân khẩu ý của chính mình, không cho sinh khởi các loại tâm bất thiện (tham sân si). Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Không thể hủy hoại mười loại thiện nghiệp đạo này, chúng là đạo lộ dẫn đến sự an lạc của cõi

11. Trì giới ba la mật

205

lành và sự giải thoát. An trụ trên con đường (thập thiện) này, tức là có thể đạt được quả báo ý lạc thù thắng của sự "tha thiết lợi ích chúng sinh." Cần phải đúng lý phòng hộ thân khẩu ý. Đức Phật từng nói: "Nói tóm, loại nhiếp luật nghi giới này là căn bổn tổng nhiếp tất cả thi la, cho nên cần phải học tập loại luật nghi này."

Ngài Nguyệt Xứng trong Nhập Trung Luận Sớ cũng nói trì giới ba la mật tức là đoạn trừ mười loại bất thiện. Các kinh điển, như Thập Địa Kinh, v.v..., cũng nói như vậy. Cho nên, giả như chúng ta trước tiên dùng các giới (luật nghi) mà phần trên đã trình bày để tu tập, thì có thể dễ dàng đạt thành hai loại giới sau. N4. Phương pháp tu tập trì giới. Chúng ta cần phải kết hợp sáu loại thù thắng và sáu ba la mật để tu trì ba loại giới này. Lúc phối hợp sáu ba la mật để tu tập, hành giả cần phải tự mình đứng vững trong thi la, sau đó mới khiến cho kẻ khác an trụ trong thi la, thì đây là trì giới ba la mật. Còn như các loại ba la mật khác thì cũng như phần trên đã giảng thuyết. N5. Tổng kết. Cần phải khiến cho Bồ đề tâm (nền tảng của Bồ tát hạnh) tăng trưởng, không thể thoái thất. Đây là căn bổn cho sự tiến nhập các loại Bồ tát hạnh, như trì giới, v.v..., mà cũng là con đường tốt nhất để ngăn ngừa sự tổn hại bất cứ hữu tình nào. Hành giả nào phát nguyện tu tâm bằng cách tu trì luật nghi mà các bậc Bồ tát đăng địa thủ

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

206

hộ, đối với những điều cần phải thủ xả của sự trì giới của các Bồ tát sơ học, cần phải từ hiện tại bắt đầu chí tâm học tập. Đặc biệt cần phải nhận thức "tính tội" và "giá tội" của mười loại bất thiện, v.v... Hàng ngày tu tập tâm phòng hộ không gián đoạn, đồng thời lại cần phải nỗ lực không ngừng, phòng hộ các tội căn bổn của giới luật nghi mà chúng ta đã thọ trì. Nếu có thể y chiếu phần trên đã tường thuật mà tu trì, thì đẳng lưu quả (do sự trì giới) có thể khiến cho chúng ta trong đời sau, không cần phải trải qua sự gian khổ to tát mà có thể viên mãn học xứ của Bồ tát. Thế nhưng, giả như chúng ta, hiện tại xả bỏ những sự việc (trì giới) này, thì sẽ bị lỗi lầm và tội đọa tương tục nhiễm ô, nhiều đời nhiều kiếp cũng không thể học tập Bồ tát học xứ. Cho nên, từ hiện tại, cần phải bắt đầu nỗ lực học tập những sự tu hành này.

12. Nhẫn nhục ba la mật

207

12. Nhẫn nhục ba la mật M3. Học tập an nhẫn. Học tập an nhẫn có năm phần: (1) Tính chất của an nhẫn. (2) Tu tập an nhẫn thế nào? (3) Phân biệt an nhẫn. (4) Phương pháp tu tập an nhẫn. (5) Tổng kết. N1. Tính chất của an nhẫn. An nhẫn tức là: (1) nhận thọ sự oán hại của kẻ khác (Hán: nại oán hại nhẫn), (2) nhận thọ sự khổ do tự thân phát sinh (Hán: an thọ khổ nhẫn), và (3) kiên trụ trong thắng giải tư duy các pháp (Hán: đế sát pháp nhẫn). Các yếu tố trái nghịch với an nhẫn cũng có ba loại: (1) sân hận, (2) sân hận và khiếp nhược, và (3) không tin hiểu và không ưa thích. Ý nghĩa của sự "viên mãn an nhẫn ba la mật" chỉ có nghĩa là tu tập viên mãn đạt thành sự đoạn trừ tất cả tâm niệm sân hận, v.v..., chứ không phải là khiến cho tất cả hữu tình đều xa lìa những hành vi thô ác, bởi vì đó là một sự việc mà chúng ta không có biện pháp nào thành tựu, cho nên chúng ta chỉ cần điều phục tự tâm thì có thể đạt thành mục đích của chính mình. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Kẻ ác nhiều vô biên, Làm sao mà giết hết? Nếu diệt sạch tâm sân, Cũng giống như giết thù. Làm sao đủ da bò, Để lót hết mặt đất,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

208

Da chỉ đủ lót giày, Đồng như lót đại địa. Như vậy không thể nào, Chế phục hết kẻ khác, Chỉ cần điều phục tâm, Đâu cần chế [phục] kẻ khác? (Phẩm 5, kệ 12-14)

N2. Tu tập an nhẫn thế nào. Tu tập an nhẫn tuy có nhiều phương pháp, nhưng trước tiên cần phải giải thích sự lợi ích của an nhẫn và sự họa hoạn của không an nhẫn. Lợi ích của sự tu tập an nhẫn như Bồ Tát Địa nói:

Bồ tát trước tiên cần phải suy ngẫm tường tận về lợi ích của sự tu tập an nhẫn: "Người tu tập an nhẫn ngày sau không có nhiều oán cừu, không thường bị phân ly với những người thân thích. Họ sống an lạc trong sự biết đủ. Đến lúc lâm chung không có sầu ưu hối tiếc. Sau khi thân xác tan rã, sẽ được sinh về thế giới thiện lành của cõi trời cõi người." Sau khi thấy được những sự lợi ích như vậy, họ bèn có thể an nhẫn, đồng thời cũng khuyến khích người khác an nhẫn, tán thán an nhẫn. Khi họ gặp được những kẻ an nhẫn, trong tâm cảm thấy vô cùng hoan hỷ.

Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Đức Phật có nói: "An nhẫn là pháp môn thù thắng nhất cho những người có ý niệm xả bỏ sự tu tập

12. Nhẫn nhục ba la mật

209

công hạnh lợi tha. An nhẫn có thể cứu vớt những lỗi lầm của sự phẫn nộ. (An nhẫn) là sự việc mỹ diệu nhất trên thế gian này. An nhẫn là sự nghiêm sức đẹp nhất của những bậc đại lực, là lực lượng mạnh mẽ nhất của những người tu tập khổ hạnh, là dòng nước có thể diệt trừ lửa dữ của tâm độc hại. An nhẫn có thể diệt trừ sự tổn hại của đời này và đời sau. Những mũi tên nhọn của những lời nói ác độc của những kẻ thô bạo không những không thể xuyên thủng áo giáp an nhẫn của bậc thắng sĩ, mà ngược lại, giống như sự hiến tặng những vòng hoa vinh dự, tán tụng sự nhẫn nhục mà mọi người hân hoan thưởng thức."

Lại nói:

An nhẫn là một nghệ công tinh xảo có thể tạc thành sắc thân (của Phật), đầy đủ diệu tướng công đức trang nghiêm.

Cho nên, ngài Thánh Dũng trong Nhiếp Ba La Mật Đa Luận đã dùng nhiều loại lợi ích để xưng tán an nhẫn. An nhẫn có thể đoạn trừ tâm xả bỏ sự lợi ích chúng sinh (bởi vì chúng ta thấy chúng sinh cang cường khó độ), có thể cứu hộ chúng ta xa lìa kẻ cường địch (tâm phẫn nộ) có thể hủy hoại rật nhiều thiện căn (mà chúng ta đã tu tập). An nhẫn là vật nghiêm sức có thể làm mọi người vui thích, bởi vì nó có thể nhẫn chịu sự gia hại của những kẻ hạ liệt. Nó là sức mạnh lớn nhất của những người tu khổ hạnh để phá trừ sự xâm tổn của phiền não, mà cũng là dòng nước có thể diệt trừ lửa dữ của tâm tổn hại, và là áo giáp không thể bị bắn thủng bởi

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

210

mũi tên tà hạnh của những người tàn ác. An nhẫn là một nghệ công tinh xảo có thể tạo tác những kim thân diệu tướng, khiến cho hữu tình kinh ngạc tán thán. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Người tinh tiến trừ sân, (Đời) nay, (đời) sau hưởng an lạc. (Phẩm 6, kệ 6cd)

Nếu chúng ta thường tu tập an nhẫn thì sẽ không phá hoại tâm thái hỷ lạc của chính mình, cho nên đời này thường được an lạc. An nhẫn lại có thể khiến cho chúng ta đời sau không bị đọa ác đạo, mà được thác sinh về cõi lành, và rốt ráo đem cho chúng ta sự an lạc thù thắng, khiến cho chúng ta đời này đời sau đều được an lạc. Trước khi đạt được tín giải kiên định đối với các loại lợi ích của sự an nhẫn do quan hệ nhân quả sản sinh, chúng ta cần phải nỗ lực tu tập (an nhẫn). Đối với họa hoạn của tâm sân hận, Nhập Bồ Tát Hành Luận nói về những họa hoạn mà chúng ta không thể thấy được như sau:

Một niệm sân hủy diệt, Ngàn kiếp từng tích tụ, Bố thí, cúng dường Phật, Tất cả chư phước thiện. (Phẩm 6, kệ 1)

Kiến giải của ngài Thánh Dũng cũng hoàn toàn tương đồng với Nhập Bồ Tát Hành Luận. Văn Thù Sư Lợi Du Hý Kinh (Play of Mañjuśri Sūtra, Skt. Mañjuśri-vikrīḍta-sūtra) thì cho rằng (sân hận) có thể phá hủy thiện pháp tích tụ trong trăm đại kiếp, và ngài Nguyệt Xứng trong Nhập Trung Luận thì cho rằng chỉ cần sinh khởi tâm sân

12. Nhẫn nhục ba la mật

211

hận trong vòng một sát na thì có thể phá hủy tất cả thiện pháp do tu tập bố thí ba la mật và trì giới ba la mật trong một trăm đại kiếp trở lại. Về phần đối tượng của sự sân hận, có người cho rằng đối tượng cần phải là Bồ tát, lại cũng có người cho rằng đó là nói chung tất cả chúng sinh. Kiến giải trước phù hợp với kiến giải của Nhập Trung Luận:

Sinh khởi một niệm sân hận đối với một vị Bồ tát, liền có thể hủy hoại thiện pháp của sự bố thí và trì giới trong một trăm đại kiếp.

Về phần "người sinh khởi tâm sân hận", ngài Nguyệt Xứng trong Nhập Trung Luận Sớ cho rằng:

Bồ tát sinh khởi sân hận (đối với Bồ tát) còn có thể hủy hoại thiện căn của chính mình, huống chi người không phải Bồ tát (chưa phát tâm Bồ đề) mà lại khởi tâm sân hận đối với Bồ tát. Bất luận là chúng ta có biết đối tượng của sự sân hận là Bồ tát hay không, bất luận là tâm sân hận là thực hay không thực, thì cũng đều giống như phần trên đã trình bày, là đều có thể hủy diệt thiện căn đã tích lũy trong một trăm đại kiếp.

Nói tóm, không nhất định sinh khởi tâm sân hận đối với Bồ tát mới hủy hoại thiện căn. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Giáo điển của Thuyết Nhất Thiết Hữu (Bộ) cũng nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

212

Đức Thế Tôn nói: "Này các tỳ kheo, hãy xem một vị tỳ kheo đầy đủ lòng tin thanh tịnh, đem năm vóc đảnh lễ tháp thờ tóc và móng tay của Phật." "Dạ, bạch Thế Tôn!" "Này các tỳ kheo, vị tỳ kheo đó sẽ được quả báo làm chuyển luân vương trong số đời kiếp nhiều hơn số cát bụi (sâu xuống tám vạn bốn ngàn do tuần cho đến kim luân) dưới khoảnh đất mà thân của vị tỳ kheo đó phủ lên khi lễ lạy." Lúc ấy, ngài Ưu Ba Ly, đang ngồi bên cạnh, đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: "Đức Thế Tôn nói công đức của vị tỳ kheo ấy to lớn như vậy. Bạch Thế Tôn, phước đức to lớn như vậy, trong trường hợp nào sẽ bị tiêu hao, tổn giảm, tiêu hủy đến cùng tận?" "Này Ưu Ba Ly, nếu có người (tỳ kheo) đối với một bạn đồng tu mà lại tạo tác những hành động tổn hại, làm cho bị thương tổn, ta cũng không hoàn toàn thấy được tội báo của sự tổn hại này. Này Ưu Ba Ly, loại tội hành này sẽ làm tổn giảm, tiêu hủy, xóa sạch những quả báo thiện lành vừa nêu trên. Cho nên, này Ưu Ba Ly, đối với một cây khô (loài vô tình) mà còn không nên đem tâm tổn hại, huống là (đem tâm tổn hại) đối với (loài) hữu tình có tâm thức?"

12. Nhẫn nhục ba la mật

213

Nghi vấn: Có một số luận sư cho rằng ý nghĩa của "hủy hoại thiện căn" là chỉ cho sự hủy hoại công năng sinh quả nhanh chóng của những thiện căn vun trồng từ trước, khiến cho quả báo trở nên chậm chín muồi. Ví như, tuy sân hận sẽ chiêu cảm quả báo trước tiên, nhưng chắc chắn không thể cho rằng những chủng tử thiện căn gieo trồng từ trước, sau này gặp được những điều kiện thuận tiện (như nước, đất, ánh sáng mặt trời, v.v...) mà không thể cảm sinh quả báo. Bởi vì, không có con đường thế gian nào có thể đoạn trừ những chủng tử cần phải đoạn trừ, cho nên không thể đoạn trừ chủng tử của phiền não. Đáp: Loại lập luận này không được chính xác, bởi vì: (1) Phàm phu (dị sinh) dùng bốn loại đối trị lực tịnh trừ pháp bất tịnh để đạt được thanh tịnh, tuy không đoạn trừ chủng tử bất thiện, thế nhưng, những chủng tử của pháp bất thiện này, về sau dù gặp thuận duyên cũng không sinh quả. (2) Tuy chủng tử (của những nghiệp thiện và bất thiện đã sinh dị thục quả) không bị hoại diệt, nhưng những chủng tử này, về sau tuy gặp được thuận duyên cũng sẽ không cảm sinh dị thục quả. (3) Lúc hành giả đạt đến "định vị" và "nhẫn vị" của gia hành đạo, mặc dù vẫn chưa thể đoạn trừ chủng tử bất thiện dẫn sinh tà kiến và ác đạo, thế nhưng, những chủng tử này khi gặp thuận duyên vẫn không dẫn sinh sự sinh khởi tà kiến, hoặc sự đọa lạc vào ác đạo. Hơn nữa, lập luận nêu trên không hợp lý, bởi vì như phần trên dẫn dụng Câu Xá Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

214

Nghiệp dẫn đến sinh tử luân hồi có bốn loại: (1) trọng nghiệp, (2) cận nghiệp, (3) tập quán nghiệp, (4) tiên tạo nghiệp. Trong đây, nghiệp chín muồi theo thứ tự vừa nêu trên.

Bất cứ thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nào chín muồi trước đều tạm thời trở ngại sự chín muồi của một loại nghiệp khác, nhưng không thể chỉ bằng sự "chín muồi trước" làm lý do để thành lập sự "có thể hủy hoại thiện hoặc bất thiện", mà kinh luận cũng không nói như vậy, và cũng không thể dùng lý do "dị thục tạm thời chậm lại" để thành lập sự "hủy hoại thiện căn", nếu không thì chúng ta sẽ kết luận phi lý là bất cứ nghiệp bất thiện mạnh mẽ đều phải hủy hoại thiện căn. Cho nên, như phần trên đã giải thích, ngài Thanh Biện cho rằng hai trường hợp: (1) Dùng bốn loại lực để tịnh trị bất thiện, (2) hoặc dùng tà kiến và tâm tổn hại làm hủy hoại thiện căn, thì những chủng tử của thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, về sau dù gặp được thuận duyên cũng không thể sinh quả, giống như những hạt giống hư hoại, dù gặp đầy đủ điều kiện, cũng không thể nẩy mầm. Lại như phần trên đã nói, mặc dù chúng ta dùng bốn lực tịnh trừ tội ác đã tích tập, nhưng điều này không xung đột với sự kiện là sự tu tập của chúng ta sẽ tiến bộ chậm chạp. Cho nên, đối với một số người, nhân vì sân hận mà hủy hoại quả báo được sự thọ dụng tài sản và thân thể thù thắng do sự bố thí, trì giới sản sinh, nhưng lại không thể hủy hoại đẳng lưu quả do sự tu tập "năng xả tâm" và "năng đoạn tâm" của họ, cho nên về

12. Nhẫn nhục ba la mật

215

sau vẫn có thể dẫn sinh thiện căn một cách dễ dàng. Lại có một số người, tuy nhân vì sân hận mà hủy hoại thế lực tương tục của đẳng lưu quả do sự tu tập trì giới, bố thí, v.v..., nhưng lại không hủy hoại sự phát sinh quả báo dị thục về thân thể thù thắng và sự hưởng thụ tài vật, v.v... Lại như phần trên đã nói, có một số Bồ tát, giả như không khởi tâm sân hận đối với một Bồ tát đã được thọ ký, thì có thể viên mãn sự tu chứng trong vòng một đại kiếp. Thế nhưng, nếu họ khởi tâm sân hận đối với một Bồ tát đã được thọ ký, thì tuy họ không xả bỏ tâm tương tục tu tập Bồ tát đạo, nhưng trong một đại kiếp, sự tu tập của họ sẽ tiến bộ một cách rất chậm chạp. Nói tóm, giống như tịnh trị bất thiện, không ắt phải là tịnh trừ tất cả "tạo tác quả" (Anh: behavioral effect), cho nên "hủy hoại thiện căn", cũng không phải là hủy hoại tất cả tạo tác quả. Chẳng qua, do vì ý nghĩa này vô cùng quan trọng, cho nên chúng ta cần phải vận dụng giáo lý "không thể so sánh" (Hán: vô tỉ) của đức Phật, và những "chánh lý" dựa trên giáo lý này để quán sát tinh tế, bởi vậy chúng ta cần phải nghiên cứu kinh điển một cách cẩn thận và quyết trạch một cách thỏa đáng. Do đây có thể biết rằng họa hoạn không thể thấy được của sự sân hận có thể chiêu cảm dị thục quả vô cùng "nghịch ý", và đồng thời chướng ngại sự sinh khởi của vô lượng dị thục quả vô cùng "khả ý." Họa hoạn hiện đời có thể thấy được của sự sân hận là: tâm ý không được tịch tĩnh; những sự hỷ lạc đã

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

216

có được trước kia đều biến mất, không tìm lại được; đêm ngủ không yên giấc; sự an định kiên cố trong tâm trước kia cũng dần dần thoái thất. Nếu chúng ta ôm trong lòng sự sân hận trầm trọng, thì ngay cả những kẻ thọ ơn của chúng ta trước kia cũng sẽ trở thành vong ơn bội nghĩa, và sẽ sát hại chúng ta; những bạn bè thân thích cũng sẽ chán ghét, lìa bỏ chúng ta, và mặc dù chúng ta dùng sự bố thí để lưu giữ họ, họ cũng sẽ không ở lại, v.v... Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu ôm sân trong lòng, Tâm ý không tịch tĩnh, Sự vui cũng khó sinh, Uất ức không ngủ được. Tuy ân cần đem lợi, Cung cấp kẻ nương nhờ, [Nhưng] thí chủ nếu hay sân, Dễ bị họ giết hại. Sân làm người thân ghét, Tuy cho, họ [vẫn] lánh xa, Nếu tâm nhiều giận hờn, An lạc khó trường cửu. (Phẩm 6, kệ 3-6)

Bổn Sinh Luận nói:

Lửa sân hận có thể thiêu hủy dung mạo đẹp đẽ sáng láng của chúng ta, (cho nên) dù trên thân được trang sức bằng những vật trân bảo quý báu, cũng không thấy mỹ lệ. Giả sử có nằm ngủ trên

12. Nhẫn nhục ba la mật

217

chiếc giường êm ái, trong tâm vẫn cảm thấy thống khổ kịch liệt của sự sân hận. Chúng ta quên bẳng việc truy cầu tự lợi, bị sân hận dày vò mà lạc vào con đường tà, thân bại danh liệt, đánh mất ý nghĩa của mục tiêu (mà chúng ta muốn tìm đến). Giống như trăng khuyết, mất đi ánh sáng trắng trong. Mặc dù bạn bè thân thuộc quý mến chúng ta, nhưng chúng ta vẫn bị đọa vào hố sâu tà ác, đánh mất tuệ lực phân biện sự lợi ích hoặc không lợi ích, thường làm hành động nghịch lý, tâm ý hồ đồ ngu muội. Sân hận khiến chúng ta tích tập ác hành, khiến cho chúng ta phải bị thọ khổ trong ác đạo hàng trăm năm. Có sự việc nào mà tạo thành sự tổn hại lớn lao (hơn sân hận) như vầy, dù là kẻ thù của chúng ta (cũng không hại chúng ta như thế). Nếu như chúng ta đã biết sân hận là kẻ thù nội tại (trong tâm), như vậy ai mà còn có thể để cho nó (sân hận) tiếp tục khuếch trương thế lực?

Chúng ta cần phải nỗ lực tu tập cho đến khi đạt được sự tin hiểu chắc chắn đối với hậu quả nghiêm trọng của sự sân hận. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Không gì ác hơn sân, Không gì khó hơn nhẫn, Nên phải dùng đạo lý, Nỗ lực tu an nhẫn. (Phẩm 6, kệ 2)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

218

Trước tiên, cần phải nhận thức sự lợi ích (của an nhẫn) và họa hoạn (của không an nhẫn), sau đó dùng nhiều phương thức khác nhau nỗ lực tu tập an nhẫn. Lý do của câu thứ nhất (của bài kệ trên) giống như Nhập Trung Luận Sớ nói:

Chúng ta không thể đo lường được hậu quả của sự sân hận, giống như chúng ta không thể dùng cân để đo lường lượng nước của bể cả. Cho nên, ngoại trừ sự sân hận ra, không có một tội ác nào có thể dẫn sinh những quả báo bất hạnh, họa hoạn tổn hại thiện pháp nghiêm trọng hơn.

Giả như những tội ác dẫn sinh dị thục quả báo cực kỳ ác liệt, nhưng nếu không thể hủy hoại thiện căn, thì vẫn chưa được xem là tội ác lớn nhất. Chẳng qua, ngoại trừ sân hận ra, cũng có những tội ác khác có thể dẫn sinh quả báo dị thục ác liệt, đồng thời hủy hoại thiện căn, chẳng hạn như: tà kiến hủy báng nhân quả, hủy báng Chánh pháp, hoặc đối Bồ tát và sư trưởng khởi tâm kiêu mạn, đối xử tệ bạc với họ. Chúng ta có thể từ Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu mà biết được những ác hành này. N3. Phân biệt an nhẫn. Phân biệt an nhẫn có ba phần: (1) Nại oán hại nhẫn. (2) An thọ khổ nhẫn. (3) Đế sát pháp nhẫn. O1. Nại oán hại nhẫn. Nại oán hại nhẫn có hai phần: (1) Đoạn trừ sự không thể an nhẫn đối với kẻ hại mình. (2) Đoạn trừ sự không

12. Nhẫn nhục ba la mật

219

vui khi thấy kẻ thù hưng thạnh và vui mừng khi thấy họ lâm nguy. P1. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ hại mình. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ hại mình có hai phần: (1) Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại sự an lạc của chúng ta và khiến chúng ta thọ khổ. (2) Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại không cho chúng ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự, và đối với những kẻ có thái độ khinh khi, nói lời xúc phạm, hoặc làm những việc khiến cho chúng ta không vừa ý. Q1. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại sự an lạc của chúng ta và làm chúng ta thọ khổ. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại sự an lạc của chúng ta và làm chúng ta thọ khổ có hai phần: (1) Nêu rõ sự sân hận không hợp lý. (2) Nêu rõ lòng thương xót vốn là hợp lý. R1. Nêu rõ sự sân hận không hợp lý. Nêu rõ sự sân hận không hợp lý có ba phần: (1) Quán sát cảnh (Anh: object) để nêu rõ sân hận không hợp lý. (2) Quán sát hữu cảnh (Anh: subject) để nêu rõ sân hận không hợp lý. (3) Quán sát sở y (Anh: basis) để nêu rõ sân hận không hợp lý. S1. Quán sát cảnh để nêu rõ sân hận không hợp lý.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

220

Có bốn phần: (1) Quán sát cảnh có tự chủ hay không để nêu rõ không nên sân hận. (2) Quán sát đến từ bên ngoài hoặc vốn có để nêu rõ không nên sân hận. (3) Quán sát sự tổn hại là trực tiếp hoặc gián tiếp để nêu rõ không nên sân hận. (4) Quán sát nguyên nhân của kẻ sách động sự gia hại để nêu rõ không nên sân hận. T1. Quán sát cảnh có tự chủ hay không để nêu rõ không nên sân hận. Chúng ta cần phải quán sát, suy ngẫm như sau: "Vì lý do gì mà phải sân hận kẻ gia hại mình?" Kế đó, có thể chúng ta nghĩ như vầy: "Trước tiên, họ có âm mưu gia hại mình, sau đó họ tìm biện pháp để phá hoại sự an lạc của mình, hoặc khiến cho mình phải chịu sự khổ sở về thân xác và tinh thần, cho nên sân hận họ là đúng." Chúng ta sân hận họ là vì (mặc dù) họ có thể chủ động sự không tổn hại chúng ta, nhưng họ cứ [cố ý] tổn hại, hoặc giả, vì họ không thể chủ động mà hoàn toàn bị một nguyên nhân nào đó sai sử khiến họ tổn hại chúng ta? Giả như, nhân vì trường hợp đầu (hoàn toàn chủ động) mà chúng ta sân hận thì không hợp lý (tuy họ có vẻ như chủ động, nhưng thực sự không có chủ động), bởi vì họ bị thúc đẩy bởi những nguyên nhân như chủng tử tập quán của phiền não quá khứ, hoặc hoàn cảnh, hoặc ý tưởng sai lầm, v.v..., mà manh tâm gia hại, mặc dù họ hoàn toàn không có ý này, nhưng những nguyên nhân này cũng dẫn sinh ý muốn làm tổn hại chúng ta, cho nên kẻ gia hại hoàn toàn không có một năng lực tự chủ, họ giống như nô lệ của phiền não, bị

12. Nhẫn nhục ba la mật

221

phiền não của chính họ thao túng, hoàn toàn không được tự do. Trong trường hợp sau, nếu như kẻ gia hại bị những yếu tố khác bức bách, không cưỡng lại được, bèn gây tổn hại cho chúng ta, nếu chúng ta sân hận với họ thì lại càng không hợp lý. Giống như người bị ma nhập (bị ma khống chế), muốn gây thương tích đến những người muốn giúp cho họ thoát khỏi sự khống chế của ma. Thế nhưng những người đến giúp nghĩ rằng: "Người này bị ma nhập, hoàn toàn không tự chủ nên mới làm như vậy", và họ (đối với người bị ma nhập) hoàn toàn không khởi lên một chút sân hận nào, mà lại còn tận lực giúp cho người (bị ma nhập) đó thoát khỏi sự khống chế của ma. Tương tự, khi Bồ tát bị kẻ khác làm thương tổn, thì nên nghĩ như vầy: "Họ bị ma phiền não khống chế, không tự chủ được, nên mới làm những việc này." Bồ tát đối với hành vi của những hữu tình này, không những không sân hận, mà còn cần phải phát khởi tâm Bồ đề, nghĩ như vầy: "Ta cần phải tinh cần tu tập Bồ tát hạnh, giúp cho họ xa lìa những phiền não này." Giống như Tứ Bách Luận của ngài Đề Bà nói:

Đức Phật thấy được họa hoạn đến từ phiền não, chứ không phải đến từ kẻ phiền não, cũng như thầy thuốc không sận đối với người bệnh đang bị ma khống chế.

Ngài Nguyệt Xứng cũng nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

222

Đây không phải là lỗi lầm của hữu tình, mà là lỗi lầm của phiền não, cho nên người trí thấu rõ vấn đề, sẽ không đối địch với hữu tình.

Tuy Nhập Bồ Tát Hành Luận nêu ra nhiều lập luận khác nhau, nhưng lập luận vừa nêu trên là xác đáng nhất, và là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị sân hận. Bồ Tát Địa nêu lên cùng ý tưởng khi nói hành giả tu tập "quán các pháp do nhân duyên sinh" có thể nhẫn thọ sự gia hại của kẻ khác. Cho nên chúng ta cần phải không ngừng tu tập thiền quán, cho đến khi đạt được định giải về sự an nhẫn. Nếu những hữu tình này có năng lực tự chủ, thì họ sẽ không bị thống khổ, bởi vì nếu họ có thể làm chủ phiền não, thì họ sẽ không cam nguyện thọ khổ. Lại nữa, chúng ta có thể dùng sự quán tưởng sau để đoạn trừ sân hận: "Hữu tình bị phiền não mãnh tợn kích động, thúc đẩy, ngay cả thân thể mà họ trân quý nhất, họ còn có thể làm tổn thương, như nhảy xuống vực tự tử, hoặc dùng gai nhọn, vũ khí, v.v..., để tự tàn hại mình, hoặc nhịn ăn đến chết, huống chi là không làm tổn thương kẻ khác." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Như vậy, tất cả pháp, Tùy duyên, không tự chủ, Hiểu rồi chớ nên sân, Những sự như huyễn hóa. (Phẩm 6, kệ 31)

Lại nói:

Nếu thấy oán, hay thân,

12. Nhẫn nhục ba la mật

223

Vô cớ đến hại mình, Biết là do duyên sinh, Vui nhận như ăn mật. Nếu tất cả hữu tình, Đều được tự chọn thì, Tất cả đều không khổ, Vì không ai muốn khổ. (Phẩm 6, kệ 33-34)

Lại nói:

Người đời tiếc thân mạng, Vì sân còn tự sát, Huống chi đối người khác, Mà không gây tổn hại. (Phẩm 6, kệ 37)

T2. Quán sát đến từ bên ngoài hoặc vốn có để nêu rõ không nên sân hận. Lỗi lầm của kẻ làm tổn hại không ra ngoài hai loại: "là bổn tính của hữu tình", hoặc "không phải là bổn tính của hữu tình" (nghĩa là đến từ bên ngoài hoặc ngẫu nhiên phát sinh). Giả như là bổn tính của họ, thì chúng ta không nên sân hận đối với họ, bởi vì điều này giống như sân hận với lửa bởi vì tính chất của nó là nóng bức và thiêu đốt [vật khác]. Còn nếu từ bên ngoài (không phải là bổn tính của họ), thì càng không nên sân hận đối với họ. Giống như khi mây mù xuất hiện trên bầu trời, chúng ta không nên nhân vì mây mà nổi sân với bầu trời. Cho nên chúng ta phải nên dùng phương pháp tư duy này để diệt trừ sân hận. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

224

Nếu bổn tính kẻ ngu, Là làm hại kẻ khác, Giận họ là vô lý, Như ghét lửa bởi vì, Tính nó là thiêu đốt. Nếu tính vốn hiền lương, Ngẫu nhiên mà phạm tội, Giận họ cũng vô lý, Như ghét khói bởi vì, Nó che đen bầu trời. (Phẩm 6, kệ 39-40)

T3. Quán sát sự tổn hại là trực tiếp hoặc gián tiếp để nêu rõ sự không nên sân hận. Nếu chúng ta muốn sân hận với đối tượng đã trực tiếp gây sự tổn hại thì chúng ta phải nên sân hận với dao, gậy, v.v..., giống như chúng ta đã sân hận với người gây tổn hại cho ta. Nếu chúng ta muốn sân hận đối với đối tượng đã gián tiếp gây sự tổn hại, thì cũng giống như dao, gậy bị người đang gia hại chúng ta sai khiển, thì kẻ đó (người đang gia hại) cũng đang bị tâm sân hận của họ sai khiển, và như vậy, chúng ta phải nên sân hận đối với tâm sân hận của họ. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bị gậy làm tổn thương, Không (nên) giận người cầm gậy, (Vì) họ bị sân sai khiến, Đáng lý, nên ghét sân (của họ). (Phẩm 6, kệ 41)

12. Nhẫn nhục ba la mật

225

Nếu như không nên sân hận với dao gậy, thì cũng không nên sân hận đối với người cầm gậy. Còn nếu sân hận với dao gậy, hoặc người cầm gậy, thì đúng hơn phải nên sân hận với tâm sân hận của họ. Nếu như không thể tin chắc điều này thì tâm ta sẽ đi vào con đường lầm lạc. Cho nên chúng ta cần phải đạt được sự tin chắc vào ý nghĩa là tất cả đều bình đẳng, khiến cho tâm không còn nổi sân với người gia hại mình, giống như mình không nổi sân với dao gậy. Hơn nữa, nên dùng lý do giống như phần trên đả phá về sự "tự chủ" để hiểu rõ là chúng ta không cần phải phân biệt là dao gậy hoặc người cầm dao gậy có cố ý tổn hại chúng ta hay không. T4. Quán sát nguyên nhân của kẻ sách động sự gia hại để nêu rõ không nên sân hận. Sự thọ khổ do kẻ gia hại tác động, tuyệt nhiên không phải là không có nhân, hoặc từ "bất thuận nhân" phát sinh, mà là do chủng tử của "thuận nhân" phát sinh. Điều này muốn nói, sự thọ khổ của chúng ta phải là từ những nghiệp bất thiện do chúng ta tạo tác trong quá khứ thì mới có thể sản sinh. Kẻ gia hại bị nghiệp lực của chúng ta sai sử thì mới (vô cớ) gia hại chúng ta, cho nên chúng ta cần phải tự trách mình: "Đây là lỗi của mình, nếu mình sân hận kẻ khác là không đúng." Chúng ta phải thường dùng loại suy tưởng như vậy để đoạn trừ sân hận. Ví dụ như những ngục tốt (trong địa ngục) tổn hại những tội nhân trong đó là do nghiệp ác của chính những tội nhân (hữu tình) đó gây tạo. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Xưa kia ta đã gây,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

226

Tổn hại đến hữu tình, Nếu đã tổn hại họ, Nay ta nên chịu (sự) tổn (hại). (Phẩm 6, kệ 42)

Lại nói:

Người ngu không muốn khổ, Mà tạo toàn nhân khổ, Do lỗi mình tự hại, Sao còn ghét kẻ khác? Ví như quỷ địa ngục, Cùng với rừng đao kiếm, Đều do nghiệp mình tạo, Vậy sân với ai đây? Do nghiệp xưa phát động, Nay khiến người (tổn) hại ta, Nhân đây họ bị đọa, Phải chăng ta hại họ? (Phẩm 6, kệ 45-47)

Ngài Sha-bo-ba cũng nói:

Nếu một hành giả nói rằng: "Đây không phải là lỗi của tôi", thì điều này chứng tỏ rằng hành giả đó hoàn toàn chưa thể ngộ Chánh pháp.

S2. Quán sát hữu cảnh để nêu rõ sân hận không hợp lý. Nếu chúng ta không thể nhẫn thọ sự thống khổ gây tạo bởi kẻ gia hại mà lại khởi tâm sân với họ, thì đây là sự

12. Nhẫn nhục ba la mật

227

tự mâu thuẫn, bởi vì nếu chúng ta không thể hiện tiền nhẫn thọ sự khổ chút ít, thì chúng ta sẽ miệt mài gây tạo nhân (tố) cho vô lượng sự khổ trong ác đạo sau này. Cho nên cần phải sinh khởi tâm hổ thẹn, nghĩ rằng "mình ngu không thể tưởng tượng", và tận lực đình chỉ tâm sân. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Hiện nay chút ít khổ, Mà còn không nhẫn được, Sao không trừ sân hận, Gốc của khổ [ở] địa ngục. (Phẩm 6, kệ 73)

Do vì thống khổ do sự tổn hại là quả của nghiệp ác quá khứ của chúng ta, bằng cách nhẫn thọ những quả báo này, khiến cho ác nghiệp được tiêu trừ. Nếu chúng ta có thể nhẫn thọ thống khổ thì sẽ không tích chứa thêm tội ác mới, mà lại khiến cho phước đức tăng trưởng rộng lớn. Cho nên, chúng ta không cần phải xem xét là kẻ gia hại hủy hoại thiện pháp của họ thế nào, mà chỉ cần xem những hành động tổn hại của họ như những ân đức giúp cho chúng ta tịnh trừ những ác nghiệp của chúng ta. Bổn Sinh Luận nói:

Tôi xem những hành vi của người đó như sự giúp đỡ tôi thanh tịnh tội ác, chứ không cho là đang hủy hoại thiện hạnh của chính họ. Nếu như tôi không dung thứ người đó, thì đây là sự bất nghĩa không còn gì hơn.

Nhập Trung Luận cũng nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

228

Nếu chúng ta cho rằng chúng ta muốn tiêu trừ những quả báo bất thiện đã gây tạo trong quá khứ, thì tại sao lại trồng xuống hạt giống "khổ" cho đời vị lai, bằng cách sân hận và tổn hại kẻ khác?

Cho nên, giống như chúng ta chấp nhận sự chảy máu, hoặc bị châm chích trong việc trị liệu một căn bệnh hiểm nghèo, thì sự nhẫn thọ một ít khổ nhỏ để tiêu trừ sự khổ lớn là một điều mười phần hợp lý. S3. Quán sát sở y để nêu rõ sân hận không hợp lý. Có hai phần: (1) Quán sát nhân "năng hại" và lỗi lầm ở đâu. (2) Quán sát thệ nguyện của chính mình. T1. Quán sát nhân năng hại và lỗi lầm ở đâu. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Gươm người và thân ta, Cả hai là gốc khổ, Gươm đâm, thân đón nhận, Vậy sân với ai đây? Mù quáng nên chấp trước, Thân người đầy ố trược, Dù rờ nhẹ cũng đau, Giận ai nếu bị tổn [thương]? (Phẩm 6, kệ 43-44)

Lại nói:

12. Nhẫn nhục ba la mật

229

Kẻ vì ngu làm ác, Người vì ngu nổi sân, Trong đây, kẻ nào lỗi, Kẻ nào không có lỗi? (Phẩm 6, kệ 67)

T2. Quán sát thệ nguyện của chính mình. Cần phải tu tập nghị lực kiên cố cho sự an nhẫn, nên nghĩ như vầy: "Hàng Thanh văn chỉ cầu tự lợi, nếu như không thể an nhẫn mà lại sinh khởi sân hận, thì đã là không hợp lý, huống chi mình lúc phát Bồ đề tâm, đã từng lập thệ nguyện tu tập công hạnh lợi tha, hộ niệm tất cả chúng sinh, là vì muốn đem an lạc lợi ích cho tất cả hữu tình." Như ngài Bo-do-wa nói:

Thánh giáo của đức Phật là thệ nguyện không làm ác, nếu chúng ta không tu tập an nhẫn đối với việc hại nhỏ, đây cũng giống như trù ếm: "mong cho sự sân hận của tôi hủy diệt Thánh giáo của đức Phật." Do điều này (sân hận) mà chúng ta xả bỏ luật nghi, và như vậy hủy hoại Thánh giáo của đức Phật. Tuy chúng ta không có được toàn thể Phật pháp, nhưng nếu chúng ta phá hoại luật nghi, thì chúng ta đã đánh mất tất cả những gì chúng ta đã học hỏi được.

Ngài lại nói:

Khi chúng ta buộc yên cho con bò núi (Anh: yak) để chỡ hàng hóa, nếu như dây yên buộc chặt đuôi bò, nó sẽ nhảy loạn lên, và như vậy cái yên sẽ đụng vào chân nó. Nếu chúng ta thả lỏng yên ra,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

230

sợi dây yên sẽ rớt xuống, và con bò sẽ cảm thấy vui sướng. Tương tự, nếu chúng ta không thể đối xử khoan dung với kẻ gia hại (chúng ta), mà lại đối địch với họ, thì chúng ta lại càng trở nên khổ sở.

R2. Nêu rõ lòng thương xót vốn là hợp lý. Cần phải chí tâm suy ngẫm như sau: "Tất cả hữu tình từ vô thỉ sinh tử luân hồi đến nay, không một ai mà chưa từng là bạn bè thân thuộc (như cha, mẹ, v.v...) của mình. Thế nhưng, do vô thường mà đánh mất sinh mạng, lại thường bị ba khổ làm tổn não, bị ma phiền não dụ hoặc làm cho mê muội điên cuồng, cho nên đã tự tàn hủy sự lợi ích đời này và đời sau. Đáng lẽ chúng ta cần phải thương xót họ, tại sao lại sân hận họ, đem oán trả oán?" Q2. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại, không cho chúng ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự, và đối với kẻ có thái độ khinh khi, nói lời xúc phạm, hoặc làm những việc khiến cho chúng ta không vừa ý. Có hai phần: (1) Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ chướng ngại không cho chúng ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự. (2) Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ hủy báng, nói lời thô tục, nói lời ác đối với chúng ta.

12. Nhẫn nhục ba la mật

231

R1. Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ chướng ngại không cho chúng ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự. Có ba phần: (1) Suy ngẫm các sự khen ngợi, v.v..., không đem được công đức gì cho ta. (2) Suy ngẫm họa hoạn của sự khen ngợi, v.v... (3) Cho nên cần phải vui mừng đối với những kẻ chướng ngại, v.v... S1. Suy ngẫm các sự khen ngợi, v.v..., không đem được công đức gì cho ta. Sự khen ngợi của người khác, thực sự không đem đến hai sự lợi ích: (1) Sống lâu không bệnh hoạn, và (2) đời sau được phước đức. Cho nên chúng ta không nên tham luyến sự khen ngợi và nổi danh. Cần phải suy ngẫm để trách mình như sau: "Nếu nhân vì mất danh vọng mà cảm thấy buồn rầu thì chẳng khác gì đứa con nít khóc la khi thấy lâu đài bằng cát mà chúng đắp trên bãi biển bị sụp đổ." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Khen ngợi và vinh dự, Không đem đến phước thọ, Sức lực, sự khỏe mạnh, Không làm thân an lạc. Nay hiểu rõ tổn, ích, Danh vọng có ích gì? (Phẩm 6, kệ 90-91ab)

Lại nói:

Nhà cát bị sụp đổ,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

232

Trẻ con khóc, gào la, Mất danh, nếu bi thương, Khác nào lũ con trẻ? (Phẩm 6, kệ 93)

S2. Suy ngẫm họa hoạn của sự khen ngợi, v.v... Chúng ta cần suy ngẫm như sau để nhàm chán sự khen ngợi, v.v...: "Khen ngợi, danh vọng, vinh dự có thể làm cho tâm chúng ta tán loạn vô ý nghĩa, phá hoại tâm nhàm chán sinh tử luân hồi của chúng ta, khiến cho chúng ta ganh ghét với người có công đức, phá hoại thiện hạnh của chúng ta." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Khen ngợi làm tâm loạn, Tổn hoại tâm xuất ly, Ghen ghét người có đức, Sẽ [hủy] hoại quả báo lành. (Phẩm 6, kệ 98)

S3. Cho nên cần phải vui mừng đối với kẻ chướng ngại. Cần phải nghĩ như vầy: "Những kẻ phá hoại không cho chúng ta nhận được sự khen ngợi, được danh vọng, được vinh dự, là muốn cứu vớt chúng ta ra khỏi ác đạo, chặt đứt sự trói buộc của tham dục, đóng cánh cửa dẫn đến sự thống khổ, cho nên giống như sự gia bị của đức Phật." Nếu chúng ta suy ngẫm như vậy thì có thể chí tâm đoạn trừ sân hận, và hơn nữa, tâm ý sẽ sinh khởi sự hoan hỷ. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Vì vậy nếu có người, Tổn hoại danh dự ta,

12. Nhẫn nhục ba la mật

233

Phải chăng [là] đã cứu ta, Khỏi đọa ba đường ác? Ta chỉ cần giải thoát, Không cần lợi trói buộc, Tại sao lại sinh sân, Với người cởi trói [cho] ta? Như ta sắp bị đọa, Vì nhờ Phật gia hộ, Kẻ thù thành vật ngăn, Cớ sao lại ghét họ? (Phẩm 6, kệ 99-101)

Q2. Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ hủy báng, nói lời thô tục, nói lời ác đối với chúng ta. Nên suy ngẫm như sau để đoạn trừ sự bất an: "Tâm không có hình thể, cho nên nó không bị kẻ khác trực tiếp tổn thương. Nếu đối tượng bị tổn hại trực tiếp là thân thể, còn đối tượng bị tổn hại gián tiếp là tâm, thì những lời hủy báng, lời thô tục, lời độc ác không thể trực tiếp tổn hại thân thể. Nếu những sự thể này không tổn hại thân và tâm, thì chúng ta phải nên vui mừng." Như vậy, khi chúng ta đoạn trừ được sự bất an, thì chúng ta sẽ không sinh khởi tâm sân hận. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Tâm vốn không hình thể, Không ai tổn hại được, Vì tâm chấp [vào] thân này, Nên gặp nhiều khổ nạn.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

234

Bị kẻ khác khinh miệt, Nói lời thô, khinh miệt, [Điều này] không tổn hại đến thân, Tâm, sao mi lại sân? (Phẩm 6, kệ 52-53)

Ngài Sha-ra-wa nói:

Bất luận ai nói chuyện với ba ngài Kam-lung-ba, Neu-sur-ba và Drap-ba, cũng không khác gì nói chuyện với đất cát, gỗ đá, cho nên ba ngài thường được an lạc. Con người đời nay thường phản ứng nhanh chóng với những gì nghe được, cho nên họ không được an lạc. Khi có người rỉ tai với ngài Shen-don về việc thị phi của kẻ khác, ngài Shen-don bèn trả lời: "Ồ, ngay nhà vua cũng bị mọi người nói xấu sau lưng. Ông đã phạm tội nói lời ly gián. Cần phải sám hối." Có người nói với nhà Du già Shay-rap-do-jay: "Có người nói về việc của chúng ta, và nói rằng các thị giả của chúng ta quá phóng túng." Ngài Shay-rap-do-jay trả lời: "Người đó nói về chuyện của người khác. Họ đâu còn chuyện gì khác để nói?" Từ đó về sau, người đó hoàn toàn không còn nói lời ly gián nữa.

Hỏi: Giả như tôi bị chê bai hủy báng, điều này làm cho những người khác không còn ưa thích tôi nữa, cho nên tôi không vui về chuyện này.

12. Nhẫn nhục ba la mật

235

Đáp: Cứ cho là người khác không ưa thích cũng có thể đem đến chúng ta chút ít tổn hại, nhưng sự không ưa thích đó cũng không làm gì được chúng ta, cho nên phải nên xả bỏ tâm bất an khi bị người khác chê bai hủy báng. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu nói họ ghét ta, Nhưng đời này, đời sau, Họ không thể [tổn] hại ta, Sao [ta] lại ghét [sự] hủy báng? (Phẩm 6, kệ 54)

Hỏi: Tuy rằng sự không ưa thích của họ không làm tổn hại chúng ta, nhưng điều này làm chướng ngại chúng ta thu hoạch sự lợi ích (cúng dường, cung kính, v.v...) từ người khác, cho nên chúng ta sân hận những kẻ hủy báng, khinh thường, hoặc nói lời ác độc đối với chúng ta.

Đáp: Mặc dù chúng ta đạt được lợi ích (cúng dường, v.v...), nhưng mà rốt cuộc chúng ta cũng phải bỏ chúng lại ở thế gian này. Ngược lại, tội ác sân hận sẽ theo chúng ta như bóng theo hình. Cho nên chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là nhân vì nghèo khó mà chết, hoặc là nhân vì tà mạng mà được sống lâu. Chẳng qua, cái trước (nghèo mà chết sớm) tốt hơn nhiều. Dù cho chúng ta có thể đạt được lợi ích và được sống lâu, thế nhưng, do vì chưa thoát được sinh tử, cho nên rốt cuộc vẫn phải chết. Đến lúc lâm chung, dù có hưởng sự an lạc cả trăm năm, hoặc chỉ hưởng sự an lạc chỉ có một năm, thì cũng không có gì khác biệt. Cả hai cũng chỉ còn là những ấn tượng trong ký ức. Cũng giống

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

236

như trong giấc mộng, thọ hưởng sự an lạc trăm năm, hoặc chỉ hưởng sự khoái lạc trong phút chốc, đến lúc tỉnh mộng cũng không có gì khác biệt. Nếu có thể dùng phương pháp tư duy này để phá trừ sự tham luyến danh lợi, thì đối với sự hủy báng, khinh miệt sẽ không còn cảm thấy khổ não, bất an, có thể không còn quan tâm rằng mình có quan trọng trong mắt người khác hay không, cho nên vĩnh viễn không bao giờ mất đi sự an vui. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu nói ghét kẻ thù, Vì sợ mất lợi dưỡng, Lợi này, chết sẽ mất, Chỉ tội báo là còn. Chẳng thà chết hôm nay, Quyết không sống tà mệnh, [Bởi] dù có được sống lâu, Chết chỉ gặp thống khổ. Dù mộng vui trăm năm, Giấc mộng rồi phải tỉnh, Hoặc mộng vui phút chốc, Chung cuộc mộng sẽ tàn. Hai kẻ [nằm] mộng tỉnh giấc, Mộng vui không trở lại, Cuộc sống tuy ngắn, dài, Đến chết như tỉnh mộng. Dù được nhiều lợi dưỡng,

12. Nhẫn nhục ba la mật

237

Hưởng an lạc lâu dài, Lúc chết, như bị cướp, Ra đi, bàn tay không. (Phẩm 6, kệ 55-59)

P2. Đoạn trừ sự không vui khi thấy kẻ thù hưng thịnh và vui mừng khi thấy họ lâm nguy. Cần phải suy ngẫm như sau: "Chúng ta vì lợi ích tất cả hữu tình mà phát Bồ đề tâm, thế mà lại sân hận kẻ gia hại chúng ta, bởi vì họ cũng đang tìm cầu sự an lạc cho chính họ. Chúng ta tuy trong miệng hay nói nguyện cho tất cả hữu tình đều được thành Phật, vậy mà khi nhìn thấy kẻ gia hại chúng ta được chút đỉnh danh lợi cung kính thì lại buồn bực bất an. Đây quả là điều cực kỳ mâu thuẫn." Cho nên, chúng ta cần phải đoạn trừ tâm ganh ghét đối với sự hưng thịnh của kẻ khác, và cần phải hết lòng hoan hỷ. Nếu không, sự phát tâm Bồ đề của chúng ta "nguyện thành tựu tất cả lợi ích an lạc cho hữu tình" chỉ là hữu danh vô thực. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Xưa muốn hữu tình vui, Nên phát tâm Bồ đề, Nay [thấy] hữu tình được vui, Sao lại sân hận họ? Xưa mong cho hữu tình, Thành Phật, thọ cúng dường, Nay thấy họ được lợi, Sao lại sinh tật đố? Bổn phận ta phải nuôi, Phải chăm sóc người thân,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

238

Nay thấy họ tự lập, [Sao ta] không vui, lại [còn] sân hận? Không muốn người được lợi, [Lẽ] nào muốn họ thành Phật? Ghen ghét kẻ phú quý, [Làm] sao có Bồ đề tâm? Kẻ thù đã được lợi, Hoặc thí chủ chưa đưa [họ], [Cả hai,] ta đều không có phần, Việc gì ta phải lo? (Phẩm 6, kệ 80-84)

Dù cho chúng ta ôm lòng xấu ác, vui mừng khi thấy kẻ thù lâm nguy, hoặc mong cho họ gặp tai ương, điều này chẳng làm tổn hai gì được kẻ thù, mà chỉ làm cho chúng ta thống khổ. Mà giả sử tâm xấu ác của chúng ta có thể gia hại họ đi chăng nữa, chúng ta cũng phải đoạn trừ tâm xấu ác này ngay tức khắc, nên suy ngẫm rằng sự kiện này sẽ tổn hại cho mình và người. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Giả sử người đau khổ, Thì ta được vui gì? Chỉ mong người khác khổ, Chưa chắc họ sẽ khổ. Giả sử ta mãn nguyện, Người khổ, ta vui gì? Nếu nói ta thỏa mãn, Không gì tệ hơn đây.

12. Nhẫn nhục ba la mật

239

Nếu móc câu sân hận, Bén nhọn móc dính ta, Đưa ta xuống địa ngục, [Ắt] đọa vào vạc dầu sôi. (Phẩm 6, kệ 87-89)

Nếu chúng ta bất mãn với: (a) sự chướng ngại những gì mình và bạn bè mình mong muốn, hoặc (b) những hành động chướng ngại sự mong muốn, và (c) sự hưng thịnh của kẻ thù, thì chúng ta sẽ sầu khổ bất an. Nếu như sự bất mãn tăng gia, chúng ta sẽ trở nên sân hận. Nếu chúng ta có thể đoạn trừ tâm bất mãn đối với ba sự kiện nêu trên, thì sẽ tiêu trừ sự sầu khổ. Khi không còn sầu khổ, thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy sân hận nữa. Cho nên, chúng ta cần phải dùng những lập luận chánh đáng đã được nêu ra ở phần trên để tiêu trừ loại tâm thái bất mãn này. Cần phải dùng nhiều loại phương pháp để diệt trừ tâm sân hận, bởi vì tâm sân hận là một loại họa hoạn cực kỳ to lớn. Những lời dạy vừa nêu trên là những lời dạy hợp lý của chư Phật Bồ tát trình bày những phương pháp hàng phục kẻ thù của chúng ta là sân hận. Những phương pháp này liên hệ với sự tự biện luận với chính mình bằng cách phản quán tự tâm. Nếu chúng ta có thể dùng trí tuệ quán sát quyết trạch thỏa thuận, dùng các loại chánh lý khéo léo phá trừ, thì có thể phá trừ nhiều loại tâm sân khác nhau, và đồng thời sinh khởi nhiều loại an nhẫn. Bởi vì kinh nghiệm tu tập này là do sự suy ngẫm chánh lý vô cấu, rút tỉa từ sự tin hiểu vững chắc vào chánh nghĩa của Thánh giáo, cho nên sẽ bảo trì một tập khí (an nhẫn) cực kỳ kiên cố.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

240

Do đây, những ai xả bỏ sự dùng quán tuệ để tu tập quán sát thì tức là đã xả bỏ những loại đạo hạnh này của Bồ tát. Nên biết xả bỏ sự tu tập như vậy là một đại chướng ngại cho việc sử dụng thân hạ mãn của chúng ta trong việc lợi ích cho chính mình và người khác, cho nên phải nên xa lìa chúng (sự xả bỏ tu tập chánh quán) như xa lìa thuốc độc. O2. An thọ khổ nhẫn. Có ba phần: (1) Lý do cần phải an nhẫn thọ khổ. (2) Phương pháp dẫn sinh an nhẫn thọ khổ. (3) Giải thích tường tận từ quan điểm căn bổn. P1. Lý do cần phải an nhẫn thọ khổ. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nguồn vui rất là ít, Gốc khổ lại rất nhiều. (Phẩm 6, kệ 12ab)

Do vì chúng ta thường xuyên gặp phải những sự thống khổ, cho nên không thể không biết phương pháp "lấy khổ làm con đường tu đạo." Nếu không, chúng ta sẽ giống như Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói "nếu không khởi tâm sân hận thì cũng sẽ trở nên chán nản bỏ phế con đường tu tập", và như vậy sẽ chướng ngại sự tu tập thiện hạnh của chúng ta. Lại nữa, bất luận là chúng ta có tu đạo hay không, có một số thống khổ là do kẻ khác đem đến, có một số thống khổ là do nghiệp quá khứ của chính mình chiêu

12. Nhẫn nhục ba la mật

241

cảm, lại cũng có một loại thống khổ, như phần dưới sẽ nói đến, là chỉ phát sinh khi chúng ta tu tập thiện hạnh, còn khi chúng ta không tu tập thiện hạnh thì lại không phát sinh. Do thế lực của nghiệp quá khứ và nhân duyên hiện tại mà quyết định sự cảm sinh thống khổ, chúng ta không có biện pháp nào tiêu trừ, cho nên lúc loại thống khổ này hiện hành, chúng ta phải nên an nhiên nhẫn thọ, bởi vì ba lý do sau: (1) Giả sử chúng ta không thể nhẫn thọ, thì ngoài sự thống khổ sẳn có, lại còn nhân vì tâm phân biệt của chúng ta sản sinh sự ưu tư sầu não, khiến cho chúng ta càng thêm thống khổ. (2) Nếu chúng ta có thể an nhiên nhẫn thọ sự thống khổ thì mặc dù chúng ta chưa thể diệt trừ sự thống khổ sẳn có, nhưng đang lúc chúng ta tập trung vào sự thống khổ đầu tiên, sẽ không nhân đây mà phát sinh sự ưu tư sầu não. (3) Nếu như chúng ta có thể dùng sự thống khổ ban đầu làm phương tiện tu đạo, thì có thể khiến cho sự thống khổ giảm thiểu rất nhiều, và như vậy chúng ta có thể nhẫn thọ. Cho nên dẫn sinh "an nhẫn thọ khổ" là một điều phi thường quan trọng. P2. Phương pháp dẫn sinh "an nhẫn thọ khổ." Có hai phần: (1) Phá trừ ý tưởng "khi đang thống khổ, sẽ hoàn toàn không có sự an vui", (2) nêu rõ lý do cần phải an nhiên thọ khổ. Q1. Phá trừ ý tưởng "khi đang thống khổ, sẽ hoàn toàn không có sự an vui." Khi sự thống khổ hiện diện, nếu chúng ta có thể cứu vãn tình thế, thì không còn phải cảm thấy không an vui, còn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

242

nếu như không thể vãn hồi tình thế, thì dù không an vui cũng không ích gì, không những vô ích mà lại còn có hại. Nếu như chúng ta rất khiếm khuyết sự nhẫn nại, thì đối với ngay cả những thống khổ rất nhỏ nhặt chúng ta cũng không thể nhẫn thọ được, ngược lại, nếu chúng ta có thể tăng gia sự nhẫn nại, thì chúng ta có thể nhẫn thọ sự khổ lớn. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu việc còn cách cứu [vãn], Tại sao không hoan hỷ? Việc đã không cách cứu [vãn], Sầu lo nào ích chi? (Phẩm 6, kệ 10)

Lại nói:

Đối với nóng, gió, lạnh, Bệnh, trói, bị đánh đập, Không nên quá nhu nhược, Càng nhu nhược càng khổ. (Phẩm 6, kệ 11)

Q2. Nêu rõ lý do cần phải an nhiên thọ khổ. Nêu rõ lý do cần phải an nhiên thọ khổ có ba phần: (1) Suy ngẫm công đức của sự thọ khổ. (2) Suy ngẫm công đức của sự khó thực hành nhẫn thọ sự thống khổ. (3) Tu tập nhẫn thọ những sự khổ nhỏ nhặt, dần dần có thể nhẫn thọ sự khổ khó nhẫn. R1. Suy ngẫm công đức của sự thọ khổ. Thọ khổ có bốn loại công đức: (1) Sách tấn sự tu tập giải thoát – Bởi vì nếu như không có sự thống khổ thì sẽ

12. Nhẫn nhục ba la mật

243

không thể sinh khởi quyết tâm xa lìa sự khổ. (2) Trừ khử kiêu mạn – Bởi vì bị sự thống khổ dùi mài cho nên giảm trừ cảm tưởng "ưu việt" của chính mình. (3) Hổ thẹn việc ác – Bởi vì thân thể nhận thọ thống khổ thì mới biết rằng sự khổ không phải do tu tập thiện hạnh sản sinh, cho nên nếu không thích thọ khổ thì phải xa lìa nhân của sự khổ. (4) Hoan hỷ tu thiện – Do thân thọ sự khổ bức thành thử truy cầu sự an lạc, mà muốn tìm cầu sự an lạc thì cần phải tu tập nhân thiện. (5) Sinh khởi lòng thương xót đối với những chúng sinh đang lưu lạc trong luân hồi – Do vì suy luận thân mình đến thân người khác, cho nên biết rằng những chúng sinh khác cũng đang thọ khổ như chính mình. Từ năm loại công đức này và những gì chúng biểu hiện, có thể nhận biết được các công đức khác, sau đó thường xuyên suy ngẫm như sau: "Sự thống khổ này là điều kiện mà chúng ta đang cần cho sự tu tập." Dùng đây để tu tâm. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Không khổ, khó xuất ly, Vì thế phải an nhẫn. (Phẩm 6, kệ 12cd)

Lại nói:

Sự khổ giúp hành giả, Buông xả, trừ kiêu mạn, Ghét ác, ưa việc lành, Thương xót kẻ trầm luân. (Phẩm 6, kệ 21)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

244

R2. Suy ngẫm công đức của sự khó thực hành nhẫn thọ sự thống khổ. Suy ngẫm công đức của sự khó thực hành nhẫn thọ sự thống khổ có hai phần: (1) Suy ngẫm sự lợi ích to lớn của sự giải thoát, v.v..., (2) suy ngẫm sự lợi ích của sự trừ diệt vô lượng đau khổ. S1. Suy ngẫm sự lợi ích to lớn của sự giải thoát, v.v... Chúng ta cần phải thường xuyên suy ngẫm khiến cho tâm kiên định không lay động như sau: "Trong quá khứ, khi chúng ta luân chuyển trong sinh tử luân hồi, chỉ vì những dục vọng vô ý nghĩa và các nhu cầu tầm thường mà phải chịu khổ. Chúng ta đối với những sự thống khổ này còn có thể không màng đến, lại còn nhân đây mà tạo tác nhân duyên dẫn sinh vô lượng thống khổ cho các đời sau, nhận chịu bao nhiêu là sự thống khổ vô ý nghĩa. Huống chi là hiện nay chúng ta vì muốn thành tựu vô lượng sự lợi ích cho chính mình và cho người khác mà tu tập thiện hạnh, nhân đây đáng lý phải nên nhận chịu sự thống khổ nhiều gấp ức triệu lần hơn trước. Cho nên, nếu như nhận chịu một ít số thống khổ nhỏ nhặt thì đây là điều đương nhiên. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Vì [tham] dục [nên] đã ngàn lần, Bị đọa [địa] ngục, [chịu] thiêu đốt, [Thế] nhưng việc lợi mình, người, [Đến] nay vẫn chưa thành tựu. An nhẫn, khổ không nhiều,

12. Nhẫn nhục ba la mật

245

Lại thành tựu việc lớn, Vì [muốn] trừ hại [cho] chúng sinh, Nên vui nhận khổ này. (Phẩm 6, kệ 74-75)

Cho nên chúng ta phải suy tư từ xưa nay chưa từng thành tựu sự lợi ích cho chính mình và cho người khác, mà còn có thể nhẫn thọ sự gian khổ, hiện nay vì cầu đạt được sự lợi ích to lớn, tại sao lại không thể nhận thọ những sự thống khổ này? Tuy nhiên thọ khổ nhưng có thể đạt được sự lợi ích, điều này quả thật rất đáng vui mừng. Chúng ta phải dùng phương pháp suy tư như vậy để cổ võ tự tâm. Lại nữa, nên suy ngẫm rằng lúc chúng ta đang bị các tà sư dẫn dắt lạc vào ác đạo một cách vô ý nghĩa, chúng ta còn không sợ hãi sự gian khổ, nhẫn thọ sự tu tập khổ hạnh, như nhảy lên cây đinh ba, dùng năm loại lửa đốt thân, v.v... Hoặc suy tư rằng chúng ta vì chút lợi mọn thế gian mà phải nhận chịu sự gian nan thống khổ của sự cầy bừa, mua bán, chiến tranh, v.v..., như vậy tại sao hiện nay vì muốn thành tựu lợi ích to lớn cho mình và người lại không thể nhận thọ sự thống khổ? S2. Suy ngẫm sự lợi ích của sự trừ diệt vô lượng đại khổ. Nên suy ngẫm về sự khác biệt giữa sự thống khổ tạm thời và sự thống khổ lâu dài như sau: "Giống như một tử tù, nay chỉ nhận chịu sự khổ chặt tay mà được miễn tội tử hình, thì đây là điều vui mừng ngoài sức tưởng tượng. Tương tự, chúng ta nếu có thể dùng những sự khổ nhỏ nhặt này để vĩnh viễn đoạn trừ vô biên sinh tử luân hồi, và vĩnh viễn đoạn trừ sự khổ trong ác đạo, như địa ngục, v.v..., thì đây cũng là điều vui mừng quá sức

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

246

tưởng tượng." Nếu có thể suy ngẫm như vậy, chúng ta sẽ sinh khởi dũng khí, không còn sợ hãi sự gian khổ. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

(Giống) như, đáng (lẽ) bị tử hình, Nay chỉ bị chặt tay, Tu hành chịu chút khổ, (Mà được) giải thoát, chẳng vui sao? (Phẩm 6, kệ 72)

R3. Tu tập từ những sự khổ nhỏ nhặt, dần dần có thể nhẫn thọ sự khổ lớn. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Không có sự việc nào, Tập lâu mà không quen, Tập nhẫn những hại nhỏ, Mới nhẫn được hại lớn. (Phẩm 6, kệ 14)

Nếu có thể đầy đủ ý niệm kiên cường nhẫn thọ sự khổ (giống như mặc áo giáp), thì điều trước tiên là bắt đầu tu tập nhẫn thọ những sự khổ nhỏ nhặt, dần dần tu tập khiến cho năng lực thọ khổ càng lúc càng tăng trưởng để sau này có thể nhẫn thọ những sự khổ lớn. Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Đầu tiên chỉ cần tập quán với những sự khổ nhỏ, thì có thể quen dần với sự khổ lớn và sự khổ rất lớn. Cũng như tất cả hữu tình nhân vì sức mạnh tập quán mà sản sinh ý tưởng lấy khổ cho là lạc. Nếu chúng ta tập quán trui luyện ý tưởng hỷ lạc,

12. Nhẫn nhục ba la mật

247

thì có thể đến lúc thọ khổ vẫn bảo trì được ý tưởng an vui.

Kinh Nghi Vấn của Trưởng Giả Úc Già đã từng đề cập đến việc làm cách nào để sản sinh ý tưởng này:

Chúng ta hãy xả bỏ cái tâm giống như một mảnh bông vải.

Hoa Nghiêm Kinh cũng nói:

Này Đồng nữ, vì muốn phá hủy tất cả phiền não, con hãy sinh khởi cái tâm kiên cường (khó có thể bị khuất phục).

Ý muốn nói là chúng ta cần phải có dũng khí vô cùng vững mạnh, tâm chí bạc nhược không thể nhẫn thọ thống khổ. Giả như trước tiên chúng ta có thể dưỡng thành dũng khí vững chãi, thì dù là những thống khổ to lớn nhất cũng sẽ trở thành trợ duyên tu tập của chúng ta, giống như một dũng sĩ đang lúc chiến đấu, khi thấy mình bị chảy máu, dũng khí lại tăng gia gấp bội. Nếu như lúc bắt đầu lại tự xem thường mình: "Ta chưa từng nghe qua sự việc này, mà có nghe qua cũng không biết làm cách nào để giải quyết!" Nếu như vậy thì dù là một sự thống khổ nhỏ nhặt cũng trở thành nhân duyên thoái chuyển sự tu đạo. Giống như một kẻ nhát gan thấy người khác chảy máu thì liền té xỉu. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

248

Có kẻ thấy máu mình, Càng kiên quyết dũng cảm, Có kẻ thấy máu người, Lại kinh hoàng chết giấc. Sự khác biệt là do, Dũng cảm hay khiếp nhược. (Phẩm 6, kệ 17-18ab)

P3. Giải thích tường tận từ quan điểm căn bổn. Hỏi: Giả như chúng ta cần phải an nhiên thọ khổ, thì những thống khổ này từ đâu đến, và chúng ta làm cách nào để nhẫn thọ? Đáp: Xuất xứ của sự thống khổ cần phải nhẫn thọ được chia làm tám loại:

(1) Vật xứ: Chỉ cho y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, các vật cần dùng, v.v..., và những phẩm vật làm tăng gia phạm hạnh. Giả như người bố thí những phẩm vật này cho chúng ta không có thái độ cung kính, hoặc trì hưỡn một thời gian dài sau đó mới bố thí, hoặc vật bố thí phẩm chất quá kém, hoặc số lượng quá ít ỏi, chúng ta cũng không nên thất vọng, buồn bực, mà cần phải an nhẫn những thống khổ do những sự việc này sản sinh. (2) Thế pháp xứ: Thế pháp (việc đời) có chín loại: (a) Suy bại, (b) hủy báng, (c) chê bai, (d) khổ sở, (e) hư hoại (Anh: disintegration), (f) tận diệt (Anh: extinguished), (g) già, (h) bệnh, và (i) chết. Chúng ta cần

12. Nhẫn nhục ba la mật

249

phải quán sát và an nhiên nhẫn thọ sự thống khổ do chín loại này phát sinh. (3) Uy nghi xứ: Uy nghi có bốn loại là đi, đứng, ngồi, nằm. Mỗi ngày đang trong giai đoạn tu tập thanh tịnh tự tâm bằng hai loại uy nghi là đi và ngồi, chúng ta an nhiên nhẫn thọ sự thống khổ do hai uy nghi này sản sinh, thế nhưng, nếu chưa phải thời điểm thích đáng (để nghỉ ngơi), chúng ta không nên nằm nghỉ trên ghế dài (Hán: trường kỷ), hoặc trên giường trải cỏ hoặc trải lá. (4) Nhiếp pháp xứ: Nhiếp pháp xứ có bảy loại là (a) cúng dường phụng sự Tam bảo, (b) cúng dường phụng sự sư trưởng, (c) nhận thức (hiểu rõ) chánh pháp, (d) giảng nói cho người khác nghe những gì mình đã học hiểu được, (e) dùng âm điệu rõ ràng trong trẻo đọc tụng chánh pháp, (f) ở một mình nơi nhàn tĩnh, như lý tư duy pháp nghĩa, (g) tu tập du già tác ý xa ma tha và tỳ bát xá na. Trong lúc siêng năng tu tập những pháp này, cần phải nhẫn thọ nhưng thống khổ do chúng sản sinh. (5) Khất thực sinh hoạt xứ: Khất thực sinh hoạt có bảy loại: (a) Hiện xuất hình tướng xấu xí như cạo tóc, cạo râu, v.v... (b) Mặc y phục hoại sắc. (c) Đoạn trừ phương thức sinh hoạt của người thế gian, và phụng hành phương thức sinh hoạt (của người xuất gia) khác với người đời. (d) Xả bỏ những công việc ngoài đời như cầy cấy, buôn bán, v.v..., và phải sinh hoạt bằng nương nhờ vào sự bố thí tài vật của người khác, và như vậy sự sinh hoạt hoàn toàn tùy thuộc vào người khác. (e) Vì không thể tích chứa, hoặc sử dụng tài vật, cho nên trọn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

250

đời phải đi khất cầu những vật dụng như y phục, v.v... (f) Bởi vì đã đoạn trừ dâm hạnh, cho nên trọn đời phải xả bỏ những dục lạc thế gian. (g) Bởi vì đã xả bỏ sự ca múa, tán gẫu, v.v..., cho nên trọn đời xả bỏ bạn bè, thân thuộc, v.v..., và những sự hưởng thọ khoái lạc thế gian. Chúng ta cần phải nhẫn thọ những thống khổ sản sinh từ những sự việc nêu trên. (6) Tinh cần cù lao xứ: Chúng ta cần phải nhẫn thọ sự khổ sở sản sinh trong lúc tu tập thiện pháp, như thân thể lao nhọc, và tâm lý bị nhiễu loạn. (7) Lợi ích hữu tình xứ: Có mười một công hạnh nhiêu ích hữu tình (Xem phẩm Trì giới phần trên), chúng ta cần phải nhẫn thọ sự thống khổ do chúng sản sinh. (8) Hiện tiền sở tác xứ: Đối với người xuất gia, sự thống khổ quan hệ đến việc tìm cầu y, bát, v.v...; đối với người tại gia, sự thống khổ liên quan đến những công tác nông nghiệp, thương mại, hành chánh, v.v... Chúng ta đều cần phải nhẫn thọ. Dù cho chúng ta bị bức bách bởi sự thống khổ phát sinh từ tám sự kiện nêu trên, cũng không thể xả bỏ tinh tiến hành trì trong mỗi sự kiện. Cần phải ôm lòng hoan hỷ cầu chứng Bồ đề, không thể để cho những sự thống khổ này trở thành chướng ngại khiến cho chúng ta thoái chuyển (những thệ nguyện mà chúng ta đã thiết định).

12. Nhẫn nhục ba la mật

251

O3. Đế sát pháp nhẫn. Đế sát pháp nhẫn là chỉ cho sức nhẫn nại khi sinh khởi định giải. Đối tượng của nó có tám loại:

(1) Tịnh tín cảnh: tức là công đức của Tam bảo.

(2) Hiện chứng cảnh: tức là sự chân thực của nhị vô ngã (nhân vô ngã và pháp vô ngã). (3) Hy nhạo cảnh: tức là thần lực quảng đại của chư Phật Bồ tát. Có ba loại là thần thông lực, lục ba la mật đa lực, và câu sinh lực. (4) Sở thủ cảnh: cầu mong hoạch được nhân và quả của thiện hành. (5) Sở xả cảnh: cầu mong xả bỏ nhân và quả của ác hành. (6) Sở đắc sở tu cảnh: tức là Đại Bồ đề. (7) Năng tác phương tiện sở tu cảnh: tức là tất cả học xứ của Bồ đề tâm. (8) Văn tư tùy hành cảnh: Theo ngài Dro-lung-ba, điều này chỉ cho sở tri cảnh (phạm trù của nhận thức), như vô thường, v.v... Nhưng phẩm Lực Chủng Tính (Power Lineage Chapter) trong Bồ Tát Địa nói loại thứ tám này tức là Mười hai phần giáo. Tôi (Tsong Khapa) nghĩ rằng chúng ta nên chấp nhận lối giải thích (của Bồ Tát Địa) này.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

252

Phương thức đạt được "định giải" là nhận thức "như thực" những đối tượng (cảnh) này, sau đó dần dần tư duy, hiểu rõ chúng mà không có sự mâu thuẫn. Tôi (Tsong Khapa) đã y chiếu vào lời dạy trong Bồ Tát Địa để liệt kê tám loại y xứ của "an thọ khổ nhẫn", và tám loại đối tượng (cảnh) của "đế sát pháp nhẫn." Du Già Sư Địa Luận, đối với "đế sát pháp nhẫn", đặc biệt giảng giải rất tường tận. N4. Phương pháp tu tập an nhẫn. Khi tu tập bất cứ loại an nhẫn nào, đều phải đầy đủ sáu loại thù thắng và sáu ba la mật đa. Ngoại trừ "an nhẫn thí" (nghĩa là đặt người khác vào sự an nhẫn), các phần khác cũng được giải thích giống như phần trên. N5. Tổng kết. Cơ bản của Bồ tát là ức niệm (ghi nhớ) Bồ đề tâm và tu tập Bồ đề tâm, tức là đem tất cả hữu tình an trí trong "lậu tận nhẫn11." Cho nên sau khi Bồ đề tâm tăng trưởng kiên cố, chúng ta cần phải phát nguyện tu trì, an trụ trong sự an nhẫn của các bậc Bồ tát đăng địa mà tinh cần tu tâm. Bồ tát sơ học, sau khi hiểu rõ học xứ của "an nhẫn", thì cần phải tu tập một cách chính xác và đúng lý. Giả như, lỡ vượt ngoài giới hạn của học xứ thì cần phải hết lòng sám hối để được thanh tịnh trở lại. Nếu như trong lúc tu trì các học xứ (an nhẫn) mà lại xem thường

11 Tức là Phật quả. "Lậu" là một tên gọi khác của phiền não.

12. Nhẫn nhục ba la mật

253

các tội đọa này, thì sẽ không ngừng bị ô nhiễm bởi những tội ác lớn, và như vậy, trong những đời sau cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tu trì các loại diệu hạnh của Bồ tát. Nếu chúng ta có thể thấy được sự quan trọng của thắng đạo, đối với những gì chúng ta có thể tu tập được thì phải nên lập tức tu tập, còn đối với những gì tạm thời chưa thể tu tập cũng phải trưởng dưỡng tâm ưa thích tu tập. Điều này cũng giống như Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh nói, chỉ cần trải nghiệm những gian khổ nhỏ nhặt là có thể thành tựu "an nhẫn ba la mật đa."

13. Tinh tiến ba la mật

255

13. Tinh tiến ba la mật M4. Học tập tinh tiến. Học tập tinh tiến có năm phần: (1) Tính chất của tinh tiến. (2) Học tập tinh tiến thế nào. (3) Phân biệt tinh tiến. (4) Phương pháp tu tập tinh tiến. (5) Tổng kết. N1. Tính chất của tinh tiến. Tinh tiến là tâm thái dũng mãnh nhiệt thành chuyên chú vào cảnh sở duyên thiện. Giống như Nhập Bồ Tát Hành Luận nói: Siêng là hay làm thiện (Phẩm 7, kệ 2a) Bồ Tát Địa nói tinh tiến là một loại tâm thái không điên đảo, hăng hái tha thiết trong việc tích tập thiện pháp và sự nghiệp lợi sinh, và cũng nói ba nghiệp thân ngữ ý được phát động bởi loại tâm thái này. N2. Học tập tinh tiến thế nào. Chúng ta phải nên thường xuyên suy ngẫm sự lợi ích của tinh tiến và sự họa hoạn của không tinh tiến, bởi vì nếu có thể tập luyện lối suy ngẫm như vậy thì có thể phát khởi sự tinh tiến. Suy ngẫm về lợi ích của sự tinh tiến, như Khuyến Phát Tăng Thượng Ý Nhạo Kinh (Exhortation to Wholehearted Resolve, Skt. Adhyāśaya-saṃcodana-sūtra) nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

256

Thường y chỉ vào sự tinh tiến cao quý, thì có thể trừ diệt tất cả u ám và thống khổ. Tinh tiến là cơ sở cho sự xa lìa ác đạo. Tất cả chư Phật đều ca ngợi tán thán. Người tinh tiến có thể đạt thành những kế hoạch thế gian và xuất thế gian một cách không khó khăn. Thử hỏi có một người trí nào mà thất vọng đối với sự tinh tiến? Hành giả truy cầu quả vị Bồ đề của chư Phật, thấy được lỗi lầm của sự lười biếng ngủ nghỉ, cho nên tinh tiến không ngừng. Bởi thế, nên tôi mới khuyến khích họ như vậy.

Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận cũng nói:

Trong tất cả thiện pháp, tinh tiến là thù thắng nhất. Những thiện pháp khác đều nương vào tinh tiến mới có được. Tinh tiến có thể khiến cho chúng ta lập tức được hoan hỷ và thành tựu sự nghiệp thế gian và xuất thế gian. Tinh tiến có thể đạt được sự khoái lạc mong cầu hiện đời. Tinh tiến có thể đạt được sự thanh tịnh cứu cánh. Tinh tiến có thể siêu việt "hoại tụ kiến" (Anh: the view of the perishing aggregates), mà được giải thoát. Tinh tiến có thể đạt đến sự chứng đắc Phật quả Vô thượng Bồ đề.

Lại nói:

Người đầy đủ tinh tiến không bị hàng phục bởi sự hưng thịnh thế gian, không bị hàng phục bởi phiền não, không bị hàng phục bởi sự biếng nhác,

13. Tinh tiến ba la mật

257

không bị hàng phục bởi những sự thành tựu nhỏ nhặt.

Bồ Tát Địa cũng nói:

Chỉ có tinh tiến mới chính là thắng nhân căn bổn của sự thành tựu thiện pháp của Bồ tát, cho nên đức Phật tán thán tinh tiến có thể chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Nếu như có được sự đại tinh tiến hăng hái không mỏi mệt thì không có sự việc nào mà không thể đạt đến, hoặc không thể thành tựu.

Lại nói:

Ngay cả tất cả phi nhân (quỷ thần) cũng sẽ phò trợ chúng ta. Chúng ta có thể chứng được các loại tam ma địa, không bị hoang phí ngày tháng, mà tư lương phước đức cũng không bị suy tổn, và đạt được sự lợi ích vượt quá người thế gian, giống như hoa sen xanh nở rộ.

Đến như họa hoạn của sự không tinh tiến, Hải Tuệ Sở Vấn Kinh nói:

Người lười biếng mà muốn được giác ngộ thì quả thật là điều xa vời. Người lười biếng không đạt được một điều gì, từ bố thí cho đến Bát nhã. Người lười biếng không thể làm việc lợi tha.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

258

Chánh Pháp Niệm Trụ Kinh (Mindfulness of the Excellent Teaching, Skt. Sad-dharmānusmṛty-upas- thāna) cũng nói:

Bất cứ người biếng nhác nào cũng đều có đầy đủ căn bổn duy nhất là phiền não. Chỉ cần có một chút biếng nhác thì thiếu thốn tất cả mọi công đức.

Do đây biết rằng nếu chúng ta thiếu tinh tiến thì sẽ bị sự biếng nhác khống chế, tất cả công đức đều suy tổn. Như vậy sẽ mất tất cả sự lợi ích hiện tại cũng như lợi ích cứu cánh của đời người. N3. Phân biệt tinh tiến. Phân biệt tinh tiến có hai phần: (1) Chân chánh phân biệt. (2) Phương pháp dẫn sinh tinh tiến. O1. Chân chánh phân biệt. Chân chánh phân biệt có ba phần: (1) Mặc áo giáp tinh tiến. (2) Nhiếp thiện pháp tinh tiến. (3) Nhiêu ích hữu tình tinh tiến. P1. Mặc áo giáp tinh tiến. Trước khi tích cực tu tập tinh tiến, các Bồ tát mặc lên áo giáp "ước nguyện dũng mãnh tinh tiến" như sau: "Vì muốn trừ khử sự thống khổ cho hữu tình, thì dù phải trải qua số ngày tháng dài lâu vạn ức lần của ba đại a

13. Tinh tiến ba la mật

259

tăng kỳ kiếp, mà thời gian của mỗi ngày dài như một ngàn đại kiếp, chúng ta cũng sẽ không xả bỏ sự tinh tiến tu hành. Mà giả như, trước khi thành Phật, chúng ta chỉ có thể duy trì thân mệnh của một hữu tình cõi địa ngục, chúng ta cũng nguyện ý thi hành (chí nguyện thành Phật độ sinh). Nếu như chúng ta đã nguyện như vậy để cầu chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì không cần phải bàn đến số lượng thời gian ít hơn, hoặc sự thống khổ ít hơn (đã mô tả ở trên). Đây gọi là mặc áo giáp tinh tiến. Giả như Bồ tát vì cầu chứng Vô thượng Bồ đề mà tu tập vô lượng nhân của tinh tiến, thì bất luận Bồ tát đối với loại tinh tiến này sinh khởi bao nhiêu thắng giải hoặc tịnh tín, đều có thể gọi là kiên cố. Bồ Tát Địa nói loại Sĩ phu (Bồ tát) này đối với sự cầu chứng Bồ đề và sự nghiệp lợi tha, tuyệt đối không bao giờ cảm thấy nhụt chí hoặc sợ hãi sự khó khăn. Nếu chúng ta có thể tu tập loại ý nguyện này, nó sẽ trở thành nhân tố quyết định cho sự đánh thức tiềm năng của chủng tính Đại thừa, cho nên chúng ta cần phải tu học. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Giả sử mỗi ngày đêm dài bằng số thời gian từ sinh tử luân hồi đến nay, đem chúng tập hợp thành "năm", sau đó tập hợp thành "kiếp." Nếu như chúng ta ở trong số kiếp (vừa tập hợp ở trên) nhiều như số giọt nước trong biển lớn, chỉ phát khởi tâm Bồ đề một lần. Và mặc dù chúng ta cần phải trải qua một thời gian dài lâu như vậy để viên mãn tất cả tư lương, thế nhưng do vì

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

260

chúng ta đầy đủ tâm đại bi, cho nên tuyệt đối không sợ hãi nhút nhát, không sợ chướng ngại chúng ta cầu chứng Vô thượng Bồ đề. Cho nên, (nếu) chúng ta quan tâm đến sự khổ sinh tử luân hồi, cần phải mặc lên loại áo giáp kiên cố này. Đây là sự việc trước tiên mà một dũng sĩ giữ giới, đầy đủ đại bi cần phải như pháp phụng hành.

Giả sử khoảng thời gian sinh tử luân hồi từ vô thỉ đến nay được xem như một ngày đêm, gộp ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Giả như chúng ta trong mười vạn năm như vậy mới phát tâm Bồ đề một lần, và gặp được một vị Phật. Lại giả như cần phải trải qua hằng hà sa số mười vạn năm như vậy mới có thể hiểu rõ tư tưởng và hành vi của một hữu tình, thì chúng ta cũng cần phải hiểu rõ tư tưởng và hành vi của tất cả hữu tình. Vô Tận Tuệ Kinh nói áo giáp dũng mãnh vô úy này là "áo giáp vô tận." Đây là mặc áo giáp tinh tiến tối thượng phẩm. Nói tóm, nếu chúng ta có thể phát khởi một niệm tâm thái dũng mãnh như vậy thì chúng ta sẽ có thể nhanh chóng viên mãn vô biên tư lương, tịnh trừ vô lượng chướng ngại, từ đây mà trở thành nhân tố bất thoái chuyển thù thắng, bất luận cần phải trải qua bao nhiêu thời gian cũng vẫn cảm thấy hoan hỷ, nhân đây mà có thể nhanh chóng thành Phật. Còn những kẻ hy vọng mau thành Phật, hoàn toàn không có tâm hoan hỷ đối với vô biên Bồ tát hạnh và thời gian dài lâu, thì thời gian để thành Phật, ngược lại, lại trở nên dài dẳng, bởi vì loại suy tưởng như vậy chướng ngại sự phát khởi sự quyết tâm thù thắng của Bồ tát. Sau khi chúng ta đã mặc

13. Tinh tiến ba la mật

261

lên loại áo giáp này, thì cần phải vì hai mục tiêu sau đây mà tinh tiến: (1) nhiếp thiện pháp, và (2) nhiêu ích hữu tình. P2. Nhiếp thiện pháp tinh tiến. Nhiếp thiện pháp tinh tiến tức là nỗ lực tu tập để chân chánh thành tựu sáu Ba la mật. P3. Nhiêu ích hữu tình tinh tiến. Nhiêu ích hữu tình tinh tiến tức là nỗ lực tu trì mười một loại sự nghiệp lợi sinh (đã giải thích ở phần trên). O2. Phương pháp dẫn sinh tinh tiến. Như phần trên đã nói, do vì chúng ta nương vào sự tinh tiến để sinh khởi, bảo trì, tăng trưởng tất cả thiện pháp của hai loại tư lương, cho nên dẫn phát sự tu trì tinh tiến quả thật là vô cùng quan trọng. Loại tu trì này chỉ có thể tìm thấy trong Nhập Bồ Tát Hành Luận của ngài Tịch Thiên, nghĩa lý rất đầy đủ, tương đối dễ hiểu, dễ dàng thực hành, cho nên ở đây tôi (Tsong Khapa) cần phải giải thích hệ thống giáo lý trong đó. Phương pháp dẫn sinh tinh tiến có bốn phần: (1) Tiêu trừ nghịch duyên chướng ngại tinh tiến. (2) Tích tập thế lực của thuận duyên. (3) Nương vào sự tiêu trừ nghịch duyên và tích tập thuận duyên để chuyên tu tinh tiến. (4) Làm thế nào do tinh tiến khiến cho thân tâm kham năng. P1. Tiêu trừ nghịch duyên chướng ngại tinh tiến.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

262

Tiêu trừ nghịch duyên của tinh tiến có hai phần: (1) Biết rõ nghịch duyên của tinh tiến (nghĩa là sự kiện trái ngược hoặc làm tổn hại tinh tiến). (2) Phương pháp tu tập để tiêu trừ nghịch duyên. Q1. Biết rõ nghịch duyên của tinh tiến. Có hai loại nghịch duyên khiến cho không thể nhập đạo: (1) Mặc dù biết mình có năng lực tu trì nhưng không chịu tiến tu. (2) Sợ hãi không dám tiến bước, nghĩ rằng: "Ta làm sao có thể tu tập được như vậy?" Đương nhiên còn có một số tình cảnh, bất luận tự mình có năng lực tu trì hay không, cũng không chịu tu trì. Thế nhưng, do vì nội dung của đoạn văn này là đối với hành giả cầu giải thoát mà nói, cho nên những tình cảnh đó không quan hệ với những gì đang bàn luận ở đây. Nguyên nhân thứ nhất là hai trường hợp: (1) Biếng nhác trì hưỡn cho rằng trong tương lai còn có thời gian để tu tập. (2) Tuy không hưỡn đãi, nhưng lại bị sự tham luyến vào các công việc tầm thường áp đảo (sự tinh tiến). Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu không sẽ lười biếng, Ham những việc thấp hèn, Tự khinh và chán nản. (Phẩm 7, kệ 2b-d)

Nguyên nhân sản sinh sự lười biếng là: biếng nhác, ham mê hưởng thọ những thú vui thấp hèn, ham mê ngủ nghỉ, và thiếu tâm xuất ly đối với sinh tử luân hồi. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

13. Tinh tiến ba la mật

263

Tham mê sự lười vui, Biếng nhác, ưa ngủ nghỉ, Không nhàm (chán) khổ luân hồi, Càng lúc càng lười biếng. (Phẩm 7, kệ 3)

Có người cho rằng hai câu đầu là nói về hình thức, chứ không phải nói về nguyên nhân của sự lười biếng. Q2. Phương pháp tu tập để tiêu trừ nghịch duyên. Phương pháp tu tập để tiêu trừ nghịch duyên có ba phần: (1) Đoạn trừ sự lười biếng hưỡn đãi. (2) Đoạn trừ sự ham mê những sự nghiệp thấp kém. (3) Đoạn trừ sự nhút nhát hoặc tự ti. R1. Đoạn trừ sự lười biếng hưỡn đãi. Đoạn trừ sự lười biếng hưỡn đãi có ba phương pháp tu tập như sau: (1) Suy ngẫm thân thể có được hiện thời sẽ sớm bị hoại diệt. (2) Sau khi mệnh chung sẽ bị đọa lạc vào ác đạo. (3) Khó có lại được thân người thù thắng. Tu tập ba phương pháp này có thể đoạn trừ sự lười biếng cho rằng "ngày tháng còn dài", khiến cho trong tâm sinh khởi sự biết chắc là "ngày tháng không còn bao nhiêu." Ba loại phương pháp tu tập này, trong phần Hạ sĩ đạo đã được giải thích tường tận. R2. Đoạn trừ sự ham mê những sự nghiệp thấp kém.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

264

Nên quán sát chánh pháp mới là nguyên nhân chính yếu cho vô lượng sự hỷ lạc đời này cũng như đời sau. Nếu chúng ta vì ham thích sự bàn luận vu vơ mà phân tâm tán loạn, thì sẽ đánh mất sự lợi ích to lớn đời này và đời sau. Điều này sẽ dẫn đến nguyên nhân căn bổn cho những sự thống khổ vô lượng sau này. Chúng ta phải nên tu tập đạo lý này để đoạn trừ sự tham luyến. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bỏ pháp vui cao thượng, Nguồn (gốc của) hoan lạc vô biên, Tham sự vui phù phiếm, Nguồn gốc của khổ đau. (Phẩm 7, kệ 15)

R3. Đoạn trừ sự nhút nhát hoặc tự ti. Sau khi đoạn trừ sự hưỡn đãi và sự tham luyến những sự nghiệp thấp kém, tuy chúng ta có thể ưa thích chánh pháp, nhưng nếu chỉ như thế cũng vẫn chưa đủ, mà còn cần phải siêng năng tu tập giống như một hành giả Đại thừa. Cho nên, nếu chúng ta cho rằng tự mình chưa có thể tu trì như vậy thì sẽ chán nản sợ hãi, do đó chúng ta cần phải đoạn trừ sự nhút nhát sợ hãi này. Đoạn trừ sự nhút nhát hoặc tự ti có ba phần: (1) Đoạn trừ sự sợ hãi đối với mục tiêu tu tập. (2) Đoạn trừ sự sợ hãi đối với phương pháp tu tập để đạt đến mục tiêu. (3) Đoạn trừ sự sợ hãi đối với nơi chốn tu tập. S1. Đoạn trừ sự sợ hãi đối với mục tiêu tu tập. Hỏi: Giả sử mục tiêu muốn đạt đến là Phật quả, cần phải hoàn toàn đoạn trừ tất cả lỗi lầm, cứu cánh viên mãn tất

13. Tinh tiến ba la mật

265

cả công đức, nhưng chúng ta đối với sự tu tập thành tựu một loại công đức, hoặc đoạn trừ một lỗi lầm, đã cảm thấy quá gian nan, như thế thì làm sao có năng lực thành tựu Phật quả? Đáp: Nếu như loại tâm thái sợ hãi này xuất hiện, thì đây là điều lỗi lầm cực lớn, bởi vì loại tâm thái này sẽ làm cho chúng ta xả bỏ tâm Bồ đề. Dù cho loại ý tưởng này chưa hoàn toàn xuất hiện, chỉ cần nó vừa manh nha là chúng ta cần phải đoạn trừ. Làm sao đoạn trừ? Cần phải dùng ý tưởng sau đây để cổ võ chính mình: "Đức Thế Tôn là bậc đại trượng phu quyền uy nói lời chân thật, không bao giờ nói dối, đã từng nói rằng ngay cả những loài muỗi mòng còn có thể chứng đắc Bồ đề, huống chi là chúng ta hiện nay có được thân người làm cơ sở thù thắng, khiến chúng ta có đủ tuệ lực để quyết trạch thủ xả, chỉ cần chúng ta không xả bỏ sự tinh tiến, làm sao mà không thể chứng đắc Bồ đề?" Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Không nên sợ, thoái lui, Nghĩ ta không thành Phật, Như Lai, đấng nói thật, Đã dạy như thế này: "Như lũ muỗi, mòng, ong, Tất cả loài côn trùng, Nếu phát tâm tinh tiến, Đều chứng Vô thượng giác." Huống ta sinh làm người, Sáng suốt, rõ thiện ác,

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

266

Nếu hành trì không ngừng, Lẽ nào không thành Phật? (Phẩm 7, kệ 17-19)

Hơn nữa, cần phải suy ngẫm như vầy để đoạn trừ sự sợ hãi: "Chư Phật đời quá khứ, chư Phật ở hiện tại, chư Phật đời vị lai, đều không phải trước tiên thành Phật, rồi sau đó mới tu đạo. Các ngài cũng giống như chúng ta hiện nay, cần phải thăng tiến từng bước mà đã thành Phật, hoặc sẽ thành Phật." Bảo Vân Kinh nói:

Bồ tát nên nghĩ tưởng như thế này: "Tất cả những bậc đã chứng đắc Như lai Ứng cúng Chánh đẳng giác, cùng các bậc đang chứng đắc, sẽ chứng đắc Đẳng giác, cũng đều dùng phương pháp này, con đường tu tập này, sự tinh tiến như vầy mà đã chứng Đẳng giác, hiện chứng Đẳng giác, sẽ chứng Đẳng giác. Cho nên chúng ta cũng cần phải như vầy mà hiện chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta cần dùng sự tinh tiến chung với hữu tình và sự tinh tiến duyên khắp tất cả hữu tình mà siêng cần cầu chứng Đẳng giác."

Khi chúng ta hiểu rõ triệt để rằng đức Phật có đầy đủ vô lượng công đức, mà những quả báo (công đức) này tùy thuộc vào nhân (tinh tiến) mà sinh khởi, cho nên đang khi chúng ta tu đạo cũng cần phải dùng vô lượng đạo lộ (pháp môn) để thành tựu các loại công đức và tiêu trừ các loại lỗi lầm. Do đó, khi chúng ta phản quán tự thân, thì sẽ cảm thấy chán nản, và từ đó sinh khởi tâm trạng nhút nhát. Thế nhưng, loại tâm thái "nhút nhát" đặc thù đó (sinh khởi sau khi đã tu tập) sẽ không giống như trong tình huống hiểu lầm chánh pháp như hiện nay. (Vì

13. Tinh tiến ba la mật

267

sao?) Hiện nay, trong khi chúng ta tu tập cầu chứng đạt vô biên công đức của Phật, do vì chúng ta nghĩ rằng chư Phật chỉ cần chuyên tâm tu tập một phần công đức thì (vẫn) có thể thành tựu, và vì chúng ta hiện nay tưởng nghĩ như vậy cho nên không hề cảm thấy nhút nhát, thì đây không phải là một hiện tượng tốt. Đây là bởi vì chúng ta đối với sự tu tập chưa đạt được sự hiểu biết chắc chắn, hoặc giả chúng ta chỉ hiểu biết chút ít mà chưa thực sự tu tập, cho nên mới sinh khởi hiểu lầm về sự tu tập dễ dàng này. Thế nhưng, một khi chúng ta tiến nhập sự tu tập thực tiển, hoặc giả, nhận được sự khai thị khái lược về toàn thể con đường tu tập thì chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, nghĩ rằng: "Nếu như phải tu tập tân khổ dài lâu như vậy thì ai có thể làm được!" Sau đó (có thể chúng ta) sẽ hoàn toàn bỏ cuộc. Ngài Sha-ra-wa nói:

Đối với các Bồ tát chưa từng thực sự tu tập Bồ tát hạnh mà nói, sự tu tập (thành Phật) có vẻ dễ dàng, giống như nhìn mục tiêu của mũi tên, cho nên hoàn toàn không cảm thấy sợ hãi. Hiện nay, chúng ta tu tập chưa được hoàn thiện, cho nên chưa đạt đến giai đoạn cảm thấy sợ hãi nhút nhát. Nếu như chúng ta tu tập đến giai đoạn hoàn mãn hơn, thì sẽ lâm vào nguy hiểm của sự sợ hãi và tự ti.

Đây là điều vô cùng chí lý. S2. Đoạn trừ sợ hãi đối với phương pháp tu tập để đạt đến mục tiêu.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

268

Hỏi: Muốn đạt thành Phật quả cần phải tu tập thí xả tay chân, v.v…, của chính mình, nhưng tôi không đủ khả năng làm những việc này. Đáp: Chúng ta cần phải nhẫn thọ những sự thống khổ này bởi vì ngay những kẻ sống tùy theo sở thích của họ, chưa hề thọ Bồ tát hạnh, trong sinh tử luân hồi, cũng phải nhẫn chịu những sự thống khổ khốc liệt của sự phanh thây, thân bị chặt chém, bị thiêu đốt, v.v…, thế nhưng bọn họ chưa hề thành tựu được sự lợi ích cho ngay cả chính mình. Sự thống khổ mà chúng ta nhẫn chịu trong khi tu tập cầu đạo Bồ đề, so với sự thống khổ vừa nêu trên, thật ra không có gì đáng kể, mà lại có thể giúp chúng ta thành tựu sự lợi ích cho mình và cho kẻ khác. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu nói ta sợ rằng, Phải bố thí chân tay, Thật chưa rõ trước sau, Kẻ ngu sợ vớ vẫn. Đã qua vô lượng kiếp, Nhiều lần bị chặt, cắt, Đâm, đốt, bị phanh thây, Mà vẫn chưa thành Phật. Nay tu hạnh Bồ đề, Chịu khổ chỉ có hạn, Như trị bệnh ung nhọt, Bị mổ, tạm thời đau. Vì muốn trị lành bệnh,

13. Tinh tiến ba la mật

269

Lương y dùng chút khổ, Muốn diệt khổ sinh tử, Phải nhẫn (sự) tu hành khổ. (Phẩm 7, kệ 20-23)

Đến như vấn đề thí xả thân thể, lúc mới bắt đầu tu tập, chúng ta cảm thấy sợ hãi không thể thí xả, cần phải dần dần tu học bố thí đến trình độ chúng ta không còn tham luyến thân thể của chính mình. Đến lúc tâm đại bi của chúng ta muôn phần mạnh mẽ, và hơn nữa, vì những ý nghĩa trọng đại, thì chúng ta sẽ có thể thí xả thân thể hoàn toàn không còn cảm thấy khó khăn. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Chư Phật không dùng đến, Lối trị bệnh tầm thường, Mà dùng sự ngọt ngào, Trị cơn bệnh trầm kha. Ban đầu, Phật cũng dùng, Cơm, rau đem bố thí, Lần lần tâm rộng lớn, Mới bố thí thân thể. Một khi biết (rõ) thân ta, Tầm thường như cây cỏ, Lúc đó (bố) thí xương thịt, Đâu còn khó khăn gì? (Phẩm 7, kệ 24-26)

Có nhiều người cho rằng các hành giả tu tập Ba la mật cần phải thí xả thân thể, tính mệnh, nhẫn thọ những sự hành hạ (khổ hạnh), cho nên họ gọi con đường Bồ tát hạnh rất khó tu tập. Bộ luận (Bồ Đề Đạo Thứ Đệ) này đả

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

270

phá quan niệm đó, bởi vì khi nào hành giả còn nhận thấy việc thí xả thân thể là khó làm thì không cần phải thí xả thân thể, mà đợi cho đến khi nào cảm thấy việc thí xả thân thể dễ dàng như thí xả rau cải, thì mới đem thân thể mình ra bố thí. S3. Đoạn trừ sự sợ hãi đối với nơi chốn tu tập. Hỏi: Muốn đạt thành Phật quả cân phải chuyển sinh vô lượng đời trong sinh tử luân hồi, trong giai đoạn này cần phải nhận chịu sự xâm tổn (sự thống khổ sinh tử), tôi không thể nào thực hiện được sự việc này. Đáp: Cần phải suy ngẫm như sau: "Bồ tát đã đoạn tận ác nghiệp, nếu như đã đoạn tận nhân (của sự khổ) thì tuyệt nhiên sẽ không sản sinh quả (sự thống khổ). Do vì thông đạt chắc chắn rằng sinh tử luân hồi chỉ là huyễn tượng, toàn vô tự tính, cho nên trong tâm của Bồ tát không có sự khổ não. Nếu sự an lạc của thân tâm của Bồ tát không ngừng tăng trưởng, thì giả sử có ở trong sinh tử luân hồi chăng nữa cũng không nên có cảm giác nhàm chán." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Ác nghiệp làm thân khổ, Vọng tưởng khiến tâm sầu, Đoạn ác, tiêu nỗi khổ, Có trí, diệt niềm đau. Có phước, thân vui sướng, Có tuệ, tâm an lạc, Bồ tát vì chúng sinh, Trong sinh tử không nhàm. (Phẩm 7, kệ 27-28)

13. Tinh tiến ba la mật

271

Lại nói:

Thế nên, quên nhọc nhằn, Cưỡi ngựa Bồ đề tâm, Càng lúc càng an lạc, Người trí (lẽ) nào sờn lòng. (Phẩm 7, kệ 30)

Tương tự, dù cho chúng ta cần phải ở lại trong sinh tử luân hồi dài lâu vô lượng kiếp cũng không trở nên chán nản, bởi vì thời gian dài lâu vốn không phải là lý do để nhàm chán. Giả như phải chịu đựng sự thống khổ cực kỳ mãnh liệt, thì trong khoảng thời gian cực ngắn cũng sinh tâm sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta an lạc không khổ, thì dù phải trải qua khoảng thời gian cực dài cũng không sinh khởi tâm nhàm chán. Bảo Man Luận nói:

Đang lúc bị thống khổ, thì dù trong khoảng thời gian ngắn ngủi cũng khó nhẫn thọ, huống chi thời gian lâu dài. Nhưng lúc không khổ và khoái lạc, thì dù trải qua thời gian vô tận cũng đâu có gì tổn hại? Bồ tát vốn đã không có thân khổ, thì làm sao có tâm khổ? Các ngài vì thương xót thế gian mà lo buồn, cho nên mới ở lại lâu dài trong sinh tử. Bởi thế, chúng ta không phải nhân vì tưởng nghĩ "Phật quả xa vời không thể đạt đến", mà sợ hãi nhút nhát. Vì muốn đoạn trừ lỗi lầm, tích tập công đức, chúng ta cần phải thường siêng năng tu tập các loại tư lương.

Lại nữa, chúng ta do vì nghĩ rằng thành Phật cần phải viên mãn vô lượng tư lương phước đức trí tuệ, những

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

272

công hạnh khó khăn như vậy làm cho chúng ta sợ rằng không thể thành tựu. Thế nhưng, trước tiên phải nên biết rằng chúng ta nhân vì lợi ích vô biên hữu tình mà phát nguyện cầu chứng vô biên công đức của Phật quả, thành thử mới ở lại dài lâu trong sinh tử luân hồi, thọ trì Bồ tát luật nghi, tận lực viên mãn vô biên tư lương, chỉ cần chúng ta thủ hộ hành trì những luật nghi này, thì không cần biết tâm chúng ta có tán loạn hay không, trong giấc ngủ hay trong lúc tỉnh thức, cũng có thể làm cho phước đức tăng trưởng rộng lớn như hư không, cho nên cầu thành tựu vô biên tư lương không có gì khó khăn. Bởi thế, không nên vì lý do Phật quả dài lâu mà trở nên sợ hãi nhút nhát. Bảo Man Luận nói:

Cũng như mười phương đất nước gió lửa là vô lượng vô biên, cho nên chúng ta có thể nói rằng các hữu tình đang thọ khổ trong mười phương cũng vô lượng vô biên. Bồ tát có tâm bi, vì muốn cứu độ vô biên hữu tình xa lìa khổ não, cho nên phát thệ nguyện đem tất cả chúng sinh an trí nơi quả Phật. Những hành giả đang kiên trụ trên đạo lộ này, sau khi đúng như pháp phát thệ nguyện này, thì bất luận là họ đang tỉnh thức hoặc ngủ nghỉ, thậm chí đang trong lúc họ phóng dật, cũng có thể trong mọi thời gian không gian, không ngừng tích tập vô lượng vô biên phước đức.

13. Tinh tiến ba la mật

273

Do vì số lượng của phước đức này vô lượng vô biên, cho nên biết rằng muốn chứng đắc Phật quả vô biên cũng không có sự khó khăn. Nếu có thể vì vô lượng hữu tình, ở trong sinh tử dài lâu vô lượng kiếp, cầu chứng Vô thượng Bồ đề, tu học vô lượng thiện pháp, thì dù cho Bồ đề là vô lượng, thế nhưng, nương tựa vào bốn loại vô lượng này, làm sao không thể chứng đắc Bồ đề trong tương lai không xa?

Nếu chúng ta thọ nhận sự thúc đẩy mạnh mẽ của tâm đại từ, tâm đại bi và tâm Bồ đề mà sinh khởi ý tưởng sau: "Vì lợi ích hữu tình, nguyện con có thể đạt thành Phật quả trong một thời gian ngắn", thì đương nhiên đây quả là một sự thù thắng hy hữu. Thế nhưng, nếu ý tưởng chúng ta không phải xuất phát từ loại tâm này (cầu mau thành Phật độ sinh), mà vì thấy rằng Bồ tát hạnh cần phải trải qua thời gian cực kỳ lâu dài tu học vô biên công hạnh và phải chịu đựng tất cả các loại gian khổ, nghĩ rằng "những sự việc này ai có thể làm được", và sau đó (vì sợ hãi sự khó khăn gian khổ) bèn lên tiếng "tôi cần tìm cầu phương pháp tu tập nhanh chóng", thì điều này sẽ trực tiếp tổn hại "hành Bồ đề tâm", mà hơn nữa, đối với "nguyện Bồ đề tâm" cũng tạo thành sự tổn hại gián tiếp, khiến cho chủng tính Đại thừa dần dần suy tổn, và sự thành Phật, ngược lại, sẽ trở nên mờ mịt không thể đạt đến. Bởi vì chúng ta đã hoàn toàn trái ngược với sự tưởng nghĩ của hai ngài Long Thọ và Vô Trước về đức Phật đã quyết định làm thế nào để tăng cường Bồ đề tâm lực.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

274

Cho nên, nếu chúng ta để cho loại tâm thái "nhút nhát không dám tiến bước" này tiếp tục sinh tồn, thì không những hoàn toàn vô ích, mà ngược lại, làm cho chúng ta càng lúc càng sợ hãi bạc nhược. Cho nên đối với phương pháp tu chứng Bồ đề và nâng cao tâm từ, chúng ta cần phải có sự hiểu biết thỏa đáng, như vậy sự đạt thành mục đích cũng sẽ nắm chắc trong lòng tay. Bổn Sinh Man nói:

Nhút nhát khiếp nhược không giúp chúng ta thoát khỏi những sự bất hạnh, cho nên không cần phải áo não bi ai, mà cần phải mong muốn kiếp lập sự hiểu biết thỏa đáng đối với mục tiêu mong cầu. Nếu như vậy, đối với sự tình cực kỳ khó khăn cũng có thể giải quyết dễ dàng. Cho nên chúng ta không cần phải ưu khổ sợ hãi, mà cần phải y chiếu vào phương pháp đã được chỉ dẫn mà đạt thành những sự việc mong cầu. Dùng ánh sáng của sự hiểu biết để khích lệ sự kiên quyết của chính mình. Nếu được như vậy, tất cả mục tiêu đều nằm gọn trong lòng tay của chúng ta.

Ngài Vô Trước nhiều lần chỉ dạy là chúng ta cần phải có hai điều kiện: (1) thứ nhất là tuy biết rõ phương pháp tu học rộng lớn nhưng không sợ hãi, (2) thứ hai là tuyệt đối không bao giờ thỏa mãn với những công đức nhỏ nhặt. Thế nhưng, người đời nay mới chỉ sinh khởi một phần công đức tương tự, hoặc giả, một phần công đức chân thật, bèn nghĩ rằng đã chứng đạt được đạo phẩm cao cấp, và cho rằng chỉ cần tu tập như vậy là đã đủ rồi. Thế nhưng, nếu có một số trí giả y chiếu vào giáo lý mà khai thị về những điểm quan trọng của con đường tu

13. Tinh tiến ba la mật

275

tập, chỉ rõ những gì mà chúng ta đạt được, tuy xác thật có một phần công đức, nhưng nếu chỉ y cứ vào chút ít công đức này, thì rốt ráo sẽ không thành tựu được gì, lúc ấy chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng chán nản chùn bước. Cho nên, những hành giả tu tập, nếu có thể không thỏa mãn với một ít công đức bèn cho là đủ, mà nỗ lực cầu tiến bộ, thì dù cần phải học tập vô biên học xứ, cũng không hề nao núng. P2. Tích tập thế lực của thuận duyên. Tích tập thế lực của thuận duyên có bốn phần: (1) Dẫn sinh thắng giải lực. (2) Dẫn sinh kiên cố lực. (3) Dẫn sinh hoan hỷ lực. (4) Tạm xả lực. Q1. Dẫn sinh thắng giải lực. Trong nhiều luận điển có đề cập đến "tâm mong cầu" (Hán: tín nhạo, Anh: yearning) là cơ sở của tinh tiến. Ở đây nói đến "thắng giải" (Anh: aspiration), tức là tâm mong cầu. Cho nên chúng ta cần phải dẫn sinh tâm mong cầu, như trong Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Từ xưa đến đời nay, Vì chưa mong cầu Pháp, Nên gặp khốn khổ này, Nếu đã hiểu như vậy, Sao dám bỏ "mong cầu." Phật nói mọi sự lành, "Mong cầu" là căn bản. (Phẩm 7, kệ 39-40ab)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

276

Luận lại đề cập đến phương pháp dẫn sinh thắng giải (mong cầu):

Gốc của "mong cầu" là: Thường nghĩ đến nhân quả. (Phẩm 7, kệ 40cd)

Ý muốn nói là phương pháp dẫn sinh tâm mong cầu là tu tập quán sát ý nghĩa "thiện nghiệp sinh quả báo lành" và "bất thiện nghiệp sinh quả báo xấu." Bởi vì kinh điển đã từng cho rằng "niềm tin" (Anh: faith) là cơ sở của lòng mong cầu, cho nên do niềm tin vào hai loại nghiệp quả thiện ác mà có thể dẫn sinh hai loại ý nguyện là "đoạn trừ bất thiện nghiệp" và "phụng hành thiện nghiệp." Hơn nữa, chúng ta còn phải tư duy tổng quát về nghiệp quả, và cũng cần phải đặc biệt tư duy về sự lợi ích của Bồ tát hạnh và quan hệ nhân quả của sự vi phạm Bồ tát học xứ. Hành giả có thể tìm hiểu những ý nghĩa này từ những phần liên hệ trong quyển sách này. Một khi chúng ta đã tin hiểu Đại thừa, thệ nguyện tận trừ tất cả lỗi lầm cho mình và người, thành tựu tất cả công đức cho mình và người, thì có thể tiến nhập ngưỡng cửa Đại thừa. Chúng ta cần phải khích lệ chính mình như sau: "Ta cần phải tu tập thời gian nhiều kiếp để có thể hoàn toàn tịnh trừ mỗi một phiền não và tập khí của nó, thế nhưng, ta chưa từng tinh tiến tu tập tịnh trừ một phiền não nào, hoặc thành tựu một chút công đức nào, cho nên hiện nay ta đã thực sự lãng phí tấm thân hạ mãn này một cách vô ý nghĩa." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Phát nguyện muốn trừ sạch,

13. Tinh tiến ba la mật

277

Tội lỗi của chúng sinh, Muốn trừ một tội lỗi, Phải tu vô số kiếp. Nếu hành giả chưa từng, Tinh tiến diệt tội lỗi, Chẳng lẽ lại không sợ, Vô lượng quả báo khổ? Phát nguyện muốn mau thành, Công đức cho chúng sinh, (Nhưng) muốn thành một công đức, Phải tu vô số kiếp. Vậy mà vẫn chưa từng, Tu một phần công đức, Quả là sự lạ lùng, Phí một đời vô nghĩa! (Phẩm 7, kệ 33-36)

Q2. Dẫn sinh kiên cố lực. Dẫn sinh kiên cố lực có nghĩa là chúng ta cần phải có tâm quyết định, đối với bất cứ sự tình nào cần đến tinh tiến thì quyết không thoái lui. Trước tiên, chúng ta không nên hành sự một cách tùy tiện, mà cần phải cẩn thận quán sát, nếu có thể được thì chúng ta mới tiến hành, nếu không thể làm được thì không nên làm. Chẳng thà không làm từ đầu, còn hơn làm nửa chừng rồi bỏ cuộc. Bởi vì, nếu như chúng ta xả bỏ thệ nguyện, thì "nửa chừng bỏ cuộc" trở thành thói quen, sẽ khiến cho chúng ta đời sau cũng sẽ xả bỏ những thệ nguyện thọ trì học xứ. Đời này cũng sẽ khiến cho tội ác của

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

278

chúng ta tăng trưởng và sẽ tăng trưởng khổ quả cho đời sau. Lại nữa, do vì chúng ta nghĩ tưởng đến việc hoàn thành thệ nguyện (đã bỏ phế) trước kia, cho nên không thể tu tập các thệ nguyện khác. Lại nhân vì đã thoái thất các thệ nguyện trước kia, cho nên hiệu quả (của sự tu tập) đạt được rất là thấp kém. Vả lại, do vì chúng ta chưa hề quán triệt thỉ chung, cho nên không thể hoàn thành thệ nguyện trước kia. Nói tóm, nếu trước khi hoàn tất một sự việc mà lại bỏ cuộc nửa chừng, thì điều này sẽ chướng ngại chúng ta trong việc hoàn thành các sự việc khác, và cũng khiến cho sự thệ nguyện thọ trì luật nghi của chúng ta trở nên không còn vững chắc. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nên tự lượng sức mình, Có nên làm hay chưa, Nếu chưa, hãy tạm gác (lại), (Còn nếu) đã làm, không lùi bước. Nếu lùi (bước), thì đời sau, Quen nết, tăng tội khổ, Nghiệp lành lúc chín muồi, Yếu ớt, không thành quả. (Phẩm 7, kệ 47-48)

Cho nên chúng ta nếu muốn hoàn thành thệ nguyện của mình, thì cần phải tu tập ba loại "tự hào" (Anh: pride, Hán: mạn). Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nên sinh lòng tự hào, Vào năng lực tu hành,

13. Tinh tiến ba la mật

279

Đoạn ác và tu thiện. (Phẩm 7, kệ 49ab) Tự hào về "năng lực", nghĩa là đối với bất cứ kẻ nào nguyện làm người bạn trợ giúp chúng ta tu đạo, chúng ta cũng không (hoàn toàn) ỷ lại vào sự trợ giúp của họ, mà phải nên tự nương vào năng lực của chính mình để hoàn thành. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Ta hãy nên tự lực, Tự hào trong việc làm. (Phẩm 7, kệ 49cd)

Thân Hữu Thư của ngài Long Thọ nói:

Giải thoát là do tự chính mình đạt thành, chứ không phải ỷ lại vào sự trợ giúp của kẻ khác mà được.

Ý tưởng "ta muốn tự mình thành đạt, tuyệt đối không ỷ lại vào kẻ khác" này, gần giống như tâm tự hào, cho nên gọi là "tự hào về năng lực." "Tự hào về tu thiện", là chỉ cho việc chúng ta nghĩ rằng tự mình có thể đạt thành sự tự lợi và lợi tha, tức là sự nhận thức rằng: "Chúng sinh hữu tình bị phiền não khống chế, thành tựu sự tự lợi còn chưa xong, nói gì đến việc lợi tha. Ta có thể thành tựu hai việc tự lợi và lợi tha." Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Kẻ phàm bị nghiệp trói, Không thể tự lợi ích, Thế nên phải tận lực, Cứu với kẻ phàm ngu. (Phẩm 7, 50)

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

280

Hơn nữa, phải suy ngẫm như sau để tiến tu: "Những chúng sinh này đam mê bám víu vào những sự nghiệp tầm thường, tại sao ta không thực hành những sự nghiệp thành tựu chánh quả?" Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Người đời còn siêng làm (việc tầm thường), Sao ta lại ngồi không? (Phẩm 7, kệ 51ab)

Bất quá, khi tu tập hai loại "tự hào" này, không thể kiêu căng tự phụ, khinh thường kẻ khác, mà cần phải đem tâm (từ) bi đối đãi với họ, tuyệt đối không nên lẫn lộn (tâm tự hào này) với bất cứ tâm ngã mạn nào khác. Nhập Bồ Tát Hạnh nói:

Chớ vì (kiêu) mạn mà làm, Không nên có tâm kiêu (mạn). (Phẩm 7, kệ 51cd)

Do vì sự tưởng nghĩ "kẻ khác không thể, ta có thể", tương tự với tâm "mạn", nên tạm gọi là "tự hào." "Tự hào (Hán: mạn) đối với phiền não", có nghĩa là chúng ta có ý tưởng khinh mạn (xem thường) phiền não, nghĩ rằng: "Ta có thể chiến thắng phiền não, tuyệt đối không bị phiền não đánh bại." Đây có nghĩa là sau khi chúng ta sinh khởi tâm dũng mãnh trừ diệt nghịch duyên chướng ngại, bèn khiến cho loại tâm thái dũng mãnh này kiên cố không lay động. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Ta phải thắng tất cả,

13. Tinh tiến ba la mật

281

Không để nghiệp thắng ta, Ta đã làm con Phật, Phải giữ niềm tự tin. (Phẩm 7, kệ 55)

Nếu như chúng ta đánh mất dũng khí, thì ngay cả những chướng ngại nhỏ nhặt cũng có thể tổn hại chúng ta. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Quạ gặp rắn (đang) thoi thóp, (Bèn) dũng cảm như đại bàng, Tín tâm nếu khiếp nhược, Ắt bị việc nhỏ hại. Khiếp nhược bỏ tinh tiến, Làm sao tăng phước đức? (Phẩm 7, kệ 52-53ab)

Ngài Sha-ra-wa nói:

Niềm vui (tạm thời) của sự xả bỏ chánh pháp, không thể vượt hơn niềm vui trước đó (trước khi xả bỏ chánh pháp). Hãy nên suy ngẫm tử tế, hiện nay nếu chúng ta xả bỏ chánh pháp, sau này sẽ phải nhận chịu vô biên sự thống khổ. Giả sử chúng ta không thể tinh tiến tu tập, thì phiền não cũng không thương xót chúng ta, mà pháp đối trị phiền não cũng không nói: "Bạn không thể tu trì, vậy hãy để tội hoàn thành sự tu tập cho bạn", mà ngay cả chư Phật Bồ tát cũng không thể cứu trợ chúng ta.

Nếu chúng ta có thể khéo vận dụng ba loại tâm "tự hào", thì ngay cả những nghịch duyên lớn cũng không thể

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

282

chướng ngại chúng ta, cho nên chúng ta cần phải sinh khởi ba loại tâm tự hào này. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Tự tin và quả cảm, Chướng lớn cũng không ngại, Bởi thế, tâm kiên định, Hăng hái diệt tội đọa. (Phẩm 7, kệ 53cd-54ab)

Những hành giả đã bị "tội đọa" đánh bại, mà còn nghĩ đến việc chiến thắng phiền não của ba cõi, thì đây là điều mà các bậc trí tuệ cảm thấy hổ thẹn (dùm cho họ). Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nếu bị thua tội (đọa) này, Làm sao vượt ba cõi? (Phẩm 7, kệ 54cd).

Do vì chúng xem thường phiền não, muốn trừ diệt bọn chúng, cho nên gọi là "tự hào về diệt trừ phiền não" (Hán: phiền não mạn). Có vài nhà chú giải Nhập Bồ Tát Hành Luận giải thích chữ "tự hào" (Hán: mạn) nhiều cách khác nhau, nhưng theo ý tôi (Tsong Khapa), sự giải thích ở trên phù hợp với bổn ý của Nhập Bồ Tát Hành Luận. Do đó, không nên ỷ lại vào người khác, mà phải mặc lên áo giáp tinh tiến, chính mình tự đảm đang phận sự. Điều này muốn nói rằng chúng ta cần phải có lòng tự tin, nên nghĩ tưởng như vầy: "Kẻ khác không làm được, chỉ có ta mới có thể làm được sự việc này." Nếu chúng ta dùng tâm thái này trong việc tu trì, thì có thể khẳng

13. Tinh tiến ba la mật

283

định rằng chúng ta có thể chiến thắng phiền não, mà không bị phiền não đánh bại, và hơn nữa, chúng ta lại càng phải nghĩ đến lỗi lầm của sự bỏ cuộc giữa đường. Chúng ta cần phải điều luyện tự tâm cho đến khi tâm ý được hoàn toàn kiên định. Đối với một sự việc, chúng ta phải quán sát triệt để thỉ chung xem có thể làm được hay không, và một khi đã bắt tanương vào việc thì phải làm cho công việc hoàn tất rốt ráo. Q3. Dẫn sinh hoan hỷ lực. Sau khi sinh khởi thắng giải lực mạnh mẽ tha thiết, thì cần phải dẫn sinh hoan hỷ lực, khiến cho sinh khởi sự tinh tiến mà trước đó chưa được sinh khởi, nhân vì chúng ta đã đạt được "kiên cố lực" (hoặc mạn tâm lực) khiến cho sự tinh tiến không thoái chuyển. Hoan hỷ lực có nghĩa là khi chúng ta lúc ban đầu bắt tay vào bất cứ hành nghiệp (công tác) nào, thì cần phải hoàn toàn hoan hỷ trong công việc làm. Sau khi đã bắt tanương vào việc, không được nửa chừng chán nản bỏ phế. Phương pháp dẫn sinh tâm "không nhàm chán" này, giống như Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Bồ tát đối (với) việc thiện, (Phải) giống như kẻ tham vui, Phát khởi lòng hoan hỷ, Yêu thích, tâm không nhàm. (Phẩm 7, kệ 63)

Ý muốn nói rằng chúng ta phải sinh khởi tâm thái giống như một đứa trẻ ham chơi không biết chán. Mà cũng có nghĩa là chúng ta đối với các sự nghiệp đưa đến quả lành, cần phải đối với quả lành đó vĩnh viễn không bao

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

284

giờ cảm thấy thỏa mãn. Người thế gian không biết chắc là công việc của họ có đưa đến kết quả tốt đẹp hay không, nhưng họ vẫn cố gắng nỗ lực, huống chi là những sự nghiệp (tự lợi lợi tha) này của chúng ta chắc chắn sẽ đưa đến quả lành. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Kẻ phàm tham cầu vui, Chưa chắc sẽ được vui, Hai lợi (tự lợi lợi tha) đem niềm vui, (Nếu) không làm, làm sao vui? (Phẩm 7, kệ 64)

Đây cũng là lý do không nên thỏa mãn (với những công hạnh mà mình đã hoàn tất). Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Dục lạc giống như (giọt) mật, Dính trên lưỡi dao bén, Lại tham mê không nhàm, (Còn) đối (với) niềm vui tịch diệt, Cớ sao lại sinh nhàm (chán)? (Phẩm 7, kệ 65)

Muốn dẫn sinh tâm thái "không thỏa mãn", cần phải suy ngẫm như sau: "Tham luyến sự vui ngũ dục giống như liếm giọt mật trên lưỡi dao sắc bén, tuy cũng có thể thưởng thức được chút vị ngọt, nhưng rốt cuộc sẽ bị họa đứt lưỡi. Nếu chúng ta đối với sự hưởng thọ nhỏ nhặt (nhưng lại có thể chiêu cảm khổ lớn) mà không biết nhàm chán, thì làm sao có thể cảm thấy nhàm chán đối với việc tích tập phước đức tư lương (có thể chiêu cảm vô biên sự an lạc tạm thời và vĩnh cửu)?

13. Tinh tiến ba la mật

285

Cho nên vì muốn triệt để hoàn thành sự tu tập thiện nghiệp, chúng ta cần phải có tâm thái giống như môt con voi, trong một ngày nắng bức, xông thẳng xuống ao sen (để hưởng thọ sự mát mẻ). Bởi thế, trước khi sinh khởi được tâm thái này, chúng ta cần phải siêng năng tu học. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Muốn thành tựu việc lành, Xông pha, lòng vui vẻ, Như voi, (lúc) trời oi bức, Xuống ao, lòng hân hoan. (Phẩm 7, kệ 66)

Q4. Tạm xả lực. Nếu như chúng ta do vì nỗ lực tinh tiến đến nổi thân tâm mệt mỏi kiệt quệ, thì cần phải tạm thời nghỉ ngơi, nếu không, sẽ nhân vì mệt mỏi kiệt quệ mà chán nản bỏ cuộc. Sau khi (tạm thời) nghỉ ngơi, cần phải lập tức siêng năng tu tập trở lại, không nên nhân vì đã hoàn thành một công tác trước đó mà cảm thấy thỏa mãn. Cần phải tiến thêm một bước nữa, dõng mãnh tinh tiến hoàn thành công việc khác. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Khi thân tâm mệt mỏi, Tạm nghỉ, sau làm tiếp, Làm xong liền gác bên, Kế đến làm việc khác. (Phẩm 7, 67)

Tiến hành công việc kế tiếp là điều quan trọng, bởi vì nếu chúng ta cảm thấy tự mãn với công đức đã tạo tác trước kia, thì điều này sẽ chướng ngại cho sự tiến tu những công hạnh thù thắng hơn.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

286

Phần trên đã chỉ rõ phương pháp tu tập tinh tiến. Chúng ta không nên lao khổ quá độ (quá sức chịu đựng), mà cần phải tránh né những trường hợp quá sức tinh tiến và quá sức giải đãi. Sự dụng công tu tập cần phải giống như dòng sông dài, chảy mãi không ngừng nghỉ. Bách Ngũ Thập Tán Tụng nói:

Hành giả muốn tu trì công đức thù thắng, không nên quá gấp rút, cũng không nên quá hưỡn đãi. Cho nên công đức của hành giả tu tập được, trước sau không có sự khác biệt.

Ngài Bo-do-wa nói: "Những trinh sát viên (thám tử) của ông Se-mo-dru-wa (đi lùng bắt bọn trộm cướp) thường trở về tay không. Còn những thám tử của ông Chang-wa thì trước tiên bỏ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, sau đó theo dõi cho đến khi tóm bắt được lũ trộm mới thôi. Phương pháp tu tập cũng tương tự như vậy, cần phải thích hợp với trình độ khả năng của mình. Thí dụ như con kiến, tuy bò chập chạp nhưng bước đi liên tục cho đến khi đạt đến mục đích, còn như con rệp, tuy nhảy rất nhanh, nhưng lại lúc nhảy lúc ngừng, thì chẳng bao giờ đạt đến mục tiêu. P3. Nương vào sự tiêu trừ nghịch duyên và tích tập thuận duyên để chuyên tu tinh tiến. Sau khi chúng ta biết rõ ba loại nghiệp duyên của tinh tiến thì cần phải tu tập ba loại pháp môn: (1) thắng giải lực, tức là thuận duyên có thể giảm trừ những nghịch duyên chưa bị suy tổn, (2) kiên cố lực, có thể làm cho

13. Tinh tiến ba la mật

287

các thuận duyên đã sinh khởi không bị thoái thất, và (3) hoan hỷ lực, có thể khiến cho chúng ta trong lúc tu tập một loại công hạnh nào đó, tuyệt đối không muốn nửa chừng bỏ cuộc. Thêm vào đó là "tạm xả lực", khiến chúng ta trở nên thuần thục trong sự tu tập tinh tiến. Lúc ấy, chúng ta cần phải phát khởi "hân nhạo lực" (Anh: the power of being intent on joyous perserverance), cho nên ở đây tôi (Tsong Khapa) sẽ giải thích những ý nghĩa đó. Đang lúc chúng ta muốn tinh tiến đoạn trừ những sự tình cần phải đoạn trừ thì chúng ta phải làm thế nào? Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Người chiến sĩ kỳ cựu, Gặp địch, tránh làn gươm, Như thế, tránh vô minh, Khéo trói (kẻ) địch phiền não. (Phẩm 7, kệ 68)

Thí dụ, một vị lão tướng kinh nghiệm, đang lúc chiến đấu với đối thủ, ông ta không phải chỉ dốc toàn lực công kích đối phương, mà còn cần phải có thêm hai điều kiện: (a) cần phải khéo léo tránh né những thế công của đối phương, (b) tìm cơ hội phản công để tiêu diệt đối phương. Tương tự như vậy, đang lúc hành giả tu tập chiến đấu với phiền não, thì cũng cần phải khéo léo hai sự kiện: (a) cần phải khéo léo phòng thủ không cho phiền não tổn hại tâm mình, (b) cần phải khéo léo tiến công, dùng pháp đối trị để phá trừ phiền não. Nếu không, tuy chúng ta có thể vận dụng phương pháp đối trị để tiêu trừ một phần phiền não, nhưng lại bị những phiền não khác đoạt mất một phần thiện pháp của

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

288

chúng ta, hoặc giả trong tâm sinh khởi tội ác to lớn. Như vậy, lợi và hại ngang nhau, và sự vận dụng pháp môn đối trị để tu trì thiện hạnh rất khó mà tiến triển. Thí dụ có người cho rằng tu trì chánh pháp, điều chính yếu là hiểu rõ giáo lý, do đó xem sự hiểu biết là quan trọng nhất. Tuy rằng học tập (lắng nghe) chánh pháp có thể trừ khử sự vô tri ngu si (một trong các phiền não), nhưng do vì người đó không phòng hộ các phiền não khác, cho nên tâm tương tục hoàn toàn bị ác hành làm nhiễm ô, hủy hoại. Ngược lại, có một số người cho rằng điều phục tự tâm quan trọng nhiều hơn là học tập chánh pháp, cho nên chú trọng đến sự hành trì, mà không chịu phòng hộ phiền não ngu si, đối với chánh pháp không nghe không học, cho nên đối với sự thủ xả của giới luật hoàn toàn ngu muội vô tri, điều này đưa đến sự vi phạm vào các tội đọa. Giả sử chúng ta đang ở trên chiến trường mà thanh kiếm bị rớt khỏi tay, do vì sợ bị địch quân giết hại, chúng ta bèn gấp rút nhặt thanh kiếm lên. Tương tự, đang lúc chúng ta chiến đấu với phiền não, giả như chúng ta đánh mất thanh bảo kiếm "chánh niệm" (sở duyên và hành tướng "không quên sự thủ xả"), vì lo sợ bị sa đọa vào ác đạo, cho nên chúng ta cần phải lập tức đề khởi lại chánh niệm. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Đánh trận bị rơi kiếm, Sợ chết, liền nhặt lên, Nếu như mất chánh niệm, Sợ đọa, liền nhiếp tâm. (Phẩm 7, kệ 69)

13. Tinh tiến ba la mật

289

Ngài Long Thọ, trong Thân Hữu Thư, cũng nói sự cực kỳ quan trọng của chánh niệm:

Thưa Đại vương, đức Thiện Thệ (Phật) từng nói (pháp tu) thân niệm trụ là con đường chung (cho sự tu tập), cho nên cần phải siêng năng thủ hộ, nếu như mất chánh niệm thì sẽ hủy hoại tất cả thiện pháp.

Hơn nữa, sở duyên cảnh của chánh niệm là do trước đó đã dùng "trí tuệ" quán sát thỏa đáng, sau đó mới dùng chánh niệm để nhận thức (biết rõ) và phòng giữ, bởi vì chánh niệm tự thân không có năng lực quyết trạch đối tượng. Hỏi: Trí tuệ quyết trạch những gì? Đáp: Nói tổng quát, đối tượng quyết trạch của trí tuệ là tất cả sự kiện mà kinh điển đã dạy là nên thủ hay nên xả. Nói đặc biệt là quyết trạch sự thủ xả của giới Bồ tát luật nghi mà chúng ta đang thọ trì. Cho nên, nếu chúng ta dùng chánh niệm và chánh tri vào những sự việc tu tập thì chúng ta sẽ đạt thành sự tu trì của chính mình. Nếu chúng ta chỉ ứng dụng chánh niệm và chánh tri vào sở duyên cảnh để trụ tâm (tu thiền định), thì không thể đạt thành mục đích rốt ráo của sự tu tập. Lại nữa, giống như một chiến sĩ trên chiến trường, trước tiên cần phải tận lực giữ cho thanh kiếm của mình không bị rơi (khỏi tay). Giả như thanh kiếm bị rơi xuống đất, thì phải mau chóng nhặt lên tức khắc. Hai loại động tác này đều chân thật xuất phát từ tâm sợ bị

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

290

địch thủ giết hại, tuyệt nhiên không phải chỉ là lời nói ngoa. Tương tự, người tu hành lo sợ bị mất chánh niệm (không quên sự thủ xả), cho nên nếu (tạm thời) bị đánh mất chánh niệm, thì cần phải lập tức đề tỉnh trở lại. Hai loại động tác này cũng là do vì trong tâm, chân thật lo sợ sự mất chánh niệm sẽ đưa đến sự vi phạm nhiễm ô mà bị đọa lạc ác đạo. Loại tâm "lo sợ" này, chủ yếu là do sự tu trì mà sản sinh. Nếu chúng ta chưa có thể nhận thức rằng điều này là giáo thọ (lời dạy) thâm sâu, thì sẽ đánh mất căn bổn thù thắng của chánh đạo, là căn bổn của công đức tu chứng mà các bậc trí giả ưa chuộng. Hỏi: Vì sao chúng ta đối với các tội vi phạm nhỏ nhặt, cần phải xem như lũ lụt, như thú dữ, cần phải tức thời tiêu diệt, tuyệt đối không cho tiếp tục kéo dài? Đáp: Thí như chúng ta chỉ cần bị tên độc gây một vết thương rất nhỏ trên da, không bao lâu sau thì chất độc sẽ từ vết thương lan tràn khắp thân thể. Cho nên chúng ta cần phải lập tức giải phẫu vết thương, tẩy trừ tất cả độc tố. Tương tự như vậy, đang lúc tâm linh của chúng ta bị ác hạnh làm tổn thương, dù là thương thế nhỏ nhặt, chúng ta cũng không thể xem thường, nếu không ác hạnh này sẽ nhanh chóng lan tràn khắp toàn thể tâm linh. Do đây, ngay từ lúc đầu, không thể để cho ác hành sinh khởi. Nếu như chúng (ác hạnh) sinh khởi, thì phải lập tức đoạn trừ. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Như độc theo mạch máu, Nhanh chóng chảy khắp thân, Vô minh thừa cơ hội, Tội ác che lấp tâm. (Phẩm 7, kệ 70)

13. Tinh tiến ba la mật

291

Hỏi: Làm cách nào vận dụng chánh niệm và chánh tri để chiến thắng phiền não? Đáp: Cần phải chuyên chú, như Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Kẻ giữ giới giống như, Người bị kiếm kể cổ, Lại cầm bát đầy dầu, Sợ tràn sẽ bị giết. (Phẩm 7, kệ 71)

Chúng ta có thể biết rõ nội dung chi tiết này trong câu chuyện về nhân duyên biên địa của ngài Ca Chiên Diên Na12. Đang lúc chúng ta chuyên chú, đối với tất cả ác 12 Tương truyền, có một lần ngài Ca Chiên Diên Na (Katyayana) đáp ứng lời thỉnh cầu của một vị vua ở vùng biên địa (chưa biết Phật pháp), bèn đến nơi đó thuyết pháp. Nhà vua tổ chức một nghi lễ tiếp đón rất long trọng, cung thỉnh ngài Ca Chiên Diên Na và chư tăng vào cung. Lúc ấy, nhà vua hỏi ngài Ca Chiên Diên Na là có hài lòng với nghi lễ tiếp đón long trọng hay không. Ngài Ca Chiên Diên Na trả lời với nhà vua rằng vì ngài và chư tăng đã thâu nhiếp các căn nên không nghe thấy các nghi lễ đón tiếp. Nhà vua nghe xong tỏ vẻ không tin. Ngài Ca Chiên Diên Na bèn yêu cầu nhà vua bốn phía chưng bày các nghi thức như lễ tiếp đón vừa rồi, sau đó khiến một tử tù hai tay bưng một bát dầu đầy đến vành bát, rồi ra lệnh cho gã tử tù ấy đi rảo một vòng chung quanh. Lại ra lệnh cho một binh sĩ đi theo sau gã tử tù ấy, vừa đi vừa uy hiếp rằng nếu dầu trong bát tràn ra ngoài, dù một giọt, sẽ bị chém đầu. Sau khi gã tử tù đi rảo một vòng chung quanh, nhà vua bèn hỏi hắn là có nhìn thấy những nghi thức hay không, gã từ tù bèn trả lời rằng hắn hoàn toàn

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

292

hành, đặc biệt là nhân tố của các loại giải đãi, như thụy miên, v.v..., nhất quyết sẽ dứt trừ ngay lập tức, không để cho chúng tùy cơ tác quái. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Khi (bị) rắn chui vào lòng, Phải nên mau xua đuổi, Như thế, ma ngủ đến, Tỉnh táo, mau diệt trừ. (Phẩm 7, kệ 72)

Hơn nữa, chúng ta không những cần phải diệt trừ tội lỗi, mà còn phải có tâm chán ghét sự phạm tội. Cần phải suy ngẫm như sau: "Ta từ đời trước vì cứ mãi như vầy, cho nên đến nay vẫn còn phải phiêu lưu trong sinh tử luân hồi. Đặc biệt là ta đã thọ trì Bồ tát luật nghi, thế mà vẫn cứ tạo tác những sự việc trái nghịch với giới luật, quả thật là rất đáng trách." Vả lại, chúng ta cần phải phát nguyện từ đây về sau nhất định sẽ phòng hộ, câu thúc chính mình, tuyệt đối không tái phạm những tội lỗi này. Chúng ta phải thường tu tập hai loại tâm thái như vậy. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Mỗi khi làm điều lỗi, Phải nên tự trách mình, Từ nay trở về sau, Quyết định không tái phạm. (Phẩm 7, kệ 73)

Cần phải tận lực tu học tất cả nhân tố sâu xa để có thể không ngừng dẫn sinh những chánh niệm mạnh mẽ, tức

không nghe không thấy gì cả. Nhà vua nhân đây bèn sinh khởi lòng tin đối với ngài Ca Chiên Diên Na và chúng tăng.

13. Tinh tiến ba la mật

293

là thân cận thầy lành, bạn tốt và nghe nhiều chánh pháp, v.v... Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Nên bất cứ lúc nào, Tinh tiến tu chánh niệm, Theo đây, cầu thầy lành, Hoàn thành sự tu tập. (Phẩm 7, kệ 74)

Nói tóm, đối với Bồ tát học xứ, chúng ta cần phải biết rõ những sự việc cần phải thủ xả, cần phải nghe nhiều chánh pháp, khéo léo biện biệt, sau đó chúng ta còn cần phải đối với tất cả sự thủ xả, uy nghi, v.v..., tinh tiến nỗ lực luôn luôn bảo trì chánh niệm. Cho nên đối với những sự việc cần phải tinh tiến, chúng ta tuyệt đối không thể sai lầm. P4. Làm thế nào do tinh tiến khiến cho thân tâm kham năng. Phương pháp do tinh tiến khiến cho thân tâm kham năng tức là "tự tại lực." Ngài Tịch Thiên thiết lập phẩm Không Phóng Dật trong Nhập Bồ Tát Hành Luận dạy rằng chúng ta cần phải tu học các loại Bồ tát học xứ. Giả như chúng ta hoàn toàn không chịu học tập các phương pháp như: thệ nguyện phụng hành, xem phiền não như oán địch, dũng mãnh chiến đấu với phiền não, xem phiền não như vật trang sức chứ không phải gánh nặng, v.v..., thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Cho nên, trước khi theo đuổi việc gánh vác trách nhiệm tu học Bồ tát hạnh, chúng ta cần phải tu tập những sự việc vừa nêu trên, như vậy mới có thể phá trừ những tập tính đã từng khiến cho thân tâm chúng ta không thể kham

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

294

nhiệm những việc tu trì thiện hạnh, để chúng ta có thể hân hoan gánh vác những trọng trách của sự tu hành. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Vì muốn làm việc lành, Trước khi bắt tay nên, Nhớ lời "không phóng dật", Hăng hái làm vui vẻ. (Phẩm 7, kệ 75)

Hỏi: Do sự nỗ lực này sản sinh sự tinh tiến như thế nào? Đáp: Giống như bông vải tùy theo gió bay tới bay lui, cái lực lượng tha thiết phấn chấn đối với thiện pháp này có thể chủ đạo thân tâm của chúng ta. Chúng ta tùy vào lực lượng này mà tu hành thì có thể triệt để đạt thành sự tinh tiến. Nếu có thể phát khởi tinh tiến, thì có thể thành biện dễ dàng tất cả tư lương. Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Như bông vải nhẹ bay, Theo gió thổi đông tây, Thân tâm nếu hăng hái, Quả Phật chóng tròn đầy. (Phẩm 7, kệ 76)

Dù cho nhiệm vụ gian nan, cũng cần phải tận lực, không thể buông bỏ. Như trong Bách Ngũ Thập Tán Tụng nói:

Không trải qua sự gian nan khổ hành thì không thể đạt thành quả vị thù thắng khó được. Cho nên đức Phật đã hăng hái không tiếc thân mạng khiến cho tinh tiến tăng trưởng.

13. Tinh tiến ba la mật

295

N4. Phương pháp tu tập tinh tiến. Bất luận tu trì sự tinh tiến nào, đều cần phải phối hợp với sáu loại thù thắng và sáu ba la mật. "Tinh tiến thí", nghĩa là sau khi chính mình đạt được sự tinh tiến kiên cố, bèn giúp cho kẻ khác cũng đạt được sự tinh tiến như vậy. Những loại ba la mật khác cũng giống như phần trên đã giải thích. N5. Tổng kết. Cơ sở của Bồ tát hạnh tức là tùy niệm và tu tập Bồ đề tâm, có thể sách tấn chúng ta vì mong cầu an trí tất cả hữu tình (nơi quả Phật) mà tu học tinh tiến, tăng trưởng sự ổn định của tâm niệm, khiến cho chúng ta có thể phát nguyện tu học pháp môn tinh tiến mà các Bồ tát đăng địa đang tu học. Bồ tát sơ học cần phải nỗ lực tu học phương pháp phấn chấn tinh tiến thích ứng với (căn cơ của) chính mình, đặc biệt cần phải nỗ lực diệt trừ những tâm thái nhút nhát sợ hãi, bởi vì những tâm thái này là những sự kiện mà hành giả tu tập tinh tiến chuyên tâm muốn đoạn trừ. Đối với mục tiêu Chánh giác Bồ đề là khiến cho tất cả hữu tình lìa khổ được vui, thì thời gian tu tập cực kỳ dài lâu, cần đến vô biên sự tinh tiến để tu tập vô lượng sự khổ hạnh khó làm, cho nên cần phải dũng mãnh mặc lên áo giáo tinh tiến. Giống như Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh nói, chỉ cần phát khởi chí nguyện vĩ đại, thì đã tích tập được phước đức to lớn, cho nên cần phải nỗ lực tu học. Nếu không tu học thì không thể kiên cố chủng tính Đại thừa của chúng ta, lại càng thường bị

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

296

những ác hạnh làm nhiễm ô, như vậy đời sau rất khó tu tập Bồ tát hạnh. Dù cho chúng ta biết được những điều này, nhưng chưa thể hoàn toàn tu học, thì vẫn phải sách tấn chính mình hướng về phía trước mà dấn thân. Nếu như chúng ta tùy vào năng lực hiện có mà dũng mãnh tinh tiến, thì cũng giống như những điều đã dạy trong Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh, trong đời vị lai, chúng ta có thể nhanh chóng viên mãn tinh tiến ba la mật một cách dễ dàng, không bị khó khăn.

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

297

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật M5. Học tập tĩnh lự. Học tập tĩnh lự có năm phần: (1) Tính chất của tĩnh lự. (2) Tu tập tĩnh lự thế nào? (3) Phân biệt tĩnh lự. (4) Phương pháp tu tập tĩnh lự. (5) Tổng kết. N1. Tính chất của tĩnh lự. Tĩnh lự là một niệm chuyên chú vào đối tượng tu tập (sở duyên cảnh), một loại tâm thái không hướng ngoại tán loạn. Bồ Tát Địa nói:

Đây là trạng thái của một vị Bồ tát trước đó đã lắng nghe và tư duy Bồ tát tạng (kinh điển Đại thừa), nhất tâm an trụ trong thiện pháp thế gian và xuất thế gian. Bất luận là loại tâm cảnh này dùng chỉ, hoặc dùng quán, hoặc dùng chỉ quán song vận làm mục tiêu, thì cũng nên biết rằng loại tâm cảnh "nhất tâm chuyên trụ" này là tĩnh lự của Bồ tát.

Nhập Bồ Tát Hành Luận nói:

Đã phát khởi tinh tiến, Tâm nên trụ thiền định. (Phẩm 8, kệ 1ab)

N2. Tu tập tĩnh lự thế nào? Hành giả cần phải suy ngẫm về lợi ích của sự tu tập và họa hoạn của sự không tu tập tĩnh lự. Tôi (Tsong

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

298

Khapa) sẽ giải thích điều này trong phần Xa ma tha (Tập 3). N3. Phân biệt tĩnh lự. Án chiếu sự dẫn chứng Bồ Tát Địa ở phần trên, trên phương diện "tính chất" (Anh: nature), tĩnh lự có thể được phân làm hai loại là: tĩnh lự thế gian và tĩnh lự xuất thế gian; nếu nương vào "loại hình" (Anh: orientation) mà phân thì có ba loại là: chỉ, quán và chỉ quán song vận; nếu dựa vào "công năng" (Anh: function) mà phân thì cũng có ba loại là: thân tâm hiện pháp lạc tĩnh lự, dẫn phát công đức tĩnh lự và nhiêu ích hữu tình tĩnh lự. (a) Thân tâm hiện pháp lạc tĩnh lự, là chỉ cho tất cả những loại "đẳng trụ" (Anh: meditative stabilization) trong định có thể dẫn sinh thân tâm khinh an. (b) Dẫn phát công đức tĩnh lự, là tất cả các loại tĩnh lự có thể dẫm sinh các công đức tương đương với hàng Thanh văn, như thần thông, giải thoát, biến xứ, v.v... (c) Nhiêu ích hữu tình tĩnh lự, nghĩa là các loại tĩnh lự có thể thành tựu mười một loại sự nghiệp lợi sinh (đã chú thích ở phần trên). N4. Phương pháp tu tập tĩnh lự. Trong lúc tu trì bất cứ loại tĩnh lự tịnh thiện nào đều cần phải hợp tu với sáu loại thù thắng và sáu pháp Ba la mật. Sau khi chính mình an trụ trong tĩnh lự, bèn trợ giúp kẻ khác cũng đạt được tĩnh tự như vậy. Đây gọi là "bố thí tĩnh lự." Các loại Ba la mật đa khác cũng tương tự như đã giải thích ở phần trên.

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

299

N5. Tổng kết. Cơ sở của Bồ tát hạnh là sự tùy niệm và tu tập Bồ đề tâm, có thể sách tấn chúng ta vì cầu an trí tất cả hữu tình (nơi quả Phật) mà tu học vô lậu tĩnh lự. Sau khi tâm thái này đã được kiên cố, thì chúng ta nên phát nguyện tu học "thượng phẩm tĩnh lự", tức là các loại tĩnh lự mà các Bồ tát đăng địa (Sơ địa trở lên) đang tu học. Mặc dù chúng ta chưa thể dẫn sinh tĩnh lự viên mãn, nhưng cũng phải tùy vào năng lực của chính mình mà siêng năng tu tập tam ma địa "nhất niệm chuyên chú." Nếu không chịu học tập thì sẽ thường bị tội quá vi phạm học xứ làm nhiễm ô, kết quả đời sau sẽ bị khó khăn trong việc học tập các loại học xứ để tiến nhập các pháp môn tĩnh lự. Ngược lại, nếu chúng ta có thể nỗ lực tu học, thì đời này tâm ý an định, giảm trừ sự tán loạn, khiến cho lực lượng tu tập thiện hạnh của chúng ta trở nên rất cường thịnh. Trong đời vị lai cũng giống như Diệu Tý Sở Vấn Kinh đã nói: "Thân tâm an lạc hoan hỷ, và như vậy có thể dễ dàng viên mãn tĩnh lự ba la mật đa." Điều này sẽ được giải thích tường tận trong phần Xa ma tha. M6. Học tập Bát nhã. Học tập Bát nhã có năm phần: (1) Tính chất của Bát nhã. (2) Tu tập Bát nhã thế nào? (3) Phân biệt Bát nhã. (4) Phương pháp tu tập Bát nhã. (5) Tổng kết. N1. Tính chất của Bát nhã. Tổng quát, Bát nhã là chỉ cho khả năng triệt để tư trạch thực tướng của sở quán cảnh. Thế nhưng, ở đây nói về

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

300

Bát nhã là chỉ cho trí tuệ thông đạt "ngũ minh", v.v... Bồ Tát Địa nói:

Nên biết trí tuệ của Bồ tát là trí tuệ "có thể thấu nhập", hoặc "đã thấu nhập", có thể thấu triệt quán sát tất cả pháp sở tri, và vận hành tập trung vào năm minh xứ (ngũ minh), tức là nội minh, nhân minh, y phương minh, thanh minh và công xảo minh.

Trong đây, trí tuệ "có thể thấu nhập" là chỉ cho trí tuệ của Bồ tát chưa đăng địa, và trí tuệ "đã thấu nhập" là chỉ cho trí tuệ của Bồ tát đăng địa. N2. Tu tập Bát nhã thế nào? Hành giả cần phải tư duy về công đức của sự sinh khởi trí tuệ, và họa hoạn của sự "chưa sinh khởi" trí tuệ. Trong phần Tỳ bát xá na, tôi (Tsong Khapa) sẽ giải thích tường tận về công đức của "trí tuệ thông đạt thực tướng (vô ngã)" và họa hoạn của sự khiếm khuyết trí tuệ này. Vì vậy hiện nay tôi chỉ giải thích sơ lược về các loại trí tuệ khác. Trước tiên nói về công đức của trí tuệ. Trí tuệ là căn nguyên của tất cả công đức hiện đời và công đức trong đời vị lai. Ngài Long Thọ trong Trí Tuệ Nhất Bách Luận Tụng nói:

Trí tuệ là căn bổn của tất cả công đức thấy được hoặc không thấy được. Muốn đạt được hai loại công đức này cần phải có trí tuệ. Trí tuệ là căn

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

301

nguyên của tất cả sở cầu và giải thoát, cho nên trước tiên, hành giả phải cung kính thọ trì Đại Phật Mẫu (tức Bát nhã Ba la mật), mẹ của tất cả chư Phật.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng cho rằng Bát nhã có tác dụng như đôi mắt của năm Ba la mật kia:

Khi các Ba la mật đa khác được Bát nhã (trí tuệ) nhiếp trì, thì chúng có được đôi mắt (cho chính mình) và được danh xưng (là Ba la mật đa). Trừ phi họa sĩ vẽ xong đôi mắt cho bức họa, nếu không, (bức họa) không có đôi mắt thì (họa sĩ) không được thù lao.

Lý do các công đức khác cũng cần có trí tuệ thượng đẳng, có thể dùng ví dụ sau để thuyết minh: Nếu chúng ta dùng vàng ròng thượng đẳng tạo nêm một món vật trang sức, điều này dĩ nhiên là ưu việt. Nhưng nếu món trang sức đó được tô điểm thêm bằng những viên ngọc quý báu thì giá trị của nó lại càng thù thắng. Tương tự, năm Ba la mật, từ Bố thí cho đến Tĩnh lự, giống như những món trang sức bằng vàng, nhưng nếu được trang sức thêm bằng trí tuệ phân biệt thị phi tà chánh thì năm Ba la mật kia sẽ càng trở nên thanh tịnh trang nghiêm hơn. Giống như ý thức có thể phân biệt được phước đức và họa hoạn của đối tượng của năm căn khác, cho nên chúng ta mới có đủ khả năng thủ xả. Ngài Thánh Dũng trong Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Các loại phước đức như bố thí, v.v..., nếu có trí tuệ làm chủ đạo thì hiệu lực lại càng thù thắng.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

302

Giống như những món trang sức bằng vàng được tô điểm thêm bằng những trân bảo thì lại càng trở nên rực rỡ diễm lệ. Trí tuệ tăng trưởng năng lực rộng lớn cho mỗi thiện pháp, giống như ngũ căn nương vào lực lượng của ý thức mà có thể hiện xuất rõ ràng đối tượng của mỗi căn.

Tương tự, các loại thiện căn khác như tín căn, v.v..., cũng dùng trí tuệ làm chủ yếu. Nếu trí tuệ làm chủ đạo thì hành giả có biết rõ công đức của các pháp thiện như bố thí, tịnh tín, v.v..., và họa hoạn của các pháp bất thiện như bỏn sẻn, v.v... Như vậy hành giả mới có thể khéo léo đoạn trừ phiền não và tăng trưởng công đức. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Giống như tâm ý là thủ lãnh của ngũ căn, trí tuệ cũng là thủ lãnh của các loại thiện căn như tín, v.v... Có trí tuệ làm chủ đạo thì có thể biết rõ họa hoạn và công đức, như vậy mới có phương pháp tinh tiến đoạn trừ phiền não.

Bồ tát nương tựa vào trí tuệ để thanh tịnh hóa năm Ba la mật khác, bởi vì trí tuệ (của Bồ tát) có thể làm thực tướng hiển hiện. Cho nên khi Bồ tát đem máu thịt bố thí cho kẻ đến xin, giống như lấy thuốc (Hán: dược tài) từ một cây thuốc (Hán: dược thọ) bố thí cho kẻ khác, hoàn toàn không khởi tâm sợ hãi hoặc kiêu mạn. Bồ tát dùng trí tuệ thấy rõ vấn đề của sinh tử luân hồi và của Niết bàn tịch diệt, cho nên có thể vì lợi tha mà tu trì giới luật thanh tịnh, do đây mà thành tựu trì giới (ba la mật). Bồ tát nương vào trí tuệ mà biết rõ công đức của an nhẫn và họa hoạn của không an nhẫn, do đây có thể điều

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

303

phục tự tâm, không còn bị động dao bởi sự thống khổ (tự thân) và ác kiến của kẻ khác. Bồ tát nương tựa vào trí tuệ mà có thể nhận thức thấu đáo những sự việc cần phải tinh tiến, cho nên có thể siêng năng tu đạo, tiến bộ nhanh chóng. Lại nữa, Bồ tát nương vào chánh lý cho nên có thể thành tựu sự hỷ lạc của chân thực nghĩa tĩnh lự (tức là tĩnh lự tương ưng với Không tánh). Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Nếu tuệ nhãn của Bồ tát được khai phóng, thì lúc Bố thí máu thịt cũng giống như cắt hái cỏ thuốc, không có sự phân biệt cao thấp.

Lại nói:

Người có ý lực (trí tuệ) không vì tự lợi mà trì giới. Họ có thể thấy được họa hoạn của ngục tù sinh tử của ba cõi, phát nguyện độ thoát thế gian, không phải vì được sự lợi ích của thế gian mà trì giới.

Lại nói:

Người có trí tuệ, do vì có đầy đủ công đức của sự an nhẫn, cho nên không phải nhận chịu sự tổn hại của oán địch. Giống như con voi lớn rất thuần thục, có thể đảm đang các loại công tác khác nhau. Nếu chỉ hoàn toàn nương vào sự tinh tiến thì chỉ đem đến sự kiệt quệ mà bỏ cuộc. Có trí tuệ hợp tác thì mới có thể thành tựu những lợi ích cực kỳ to lớn.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

304

Lại nói:

Kẻ ác tín phụng những tà luận dẫn dắt mọi người đi lạc vào đường tà, đã bị ô nhiễm bởi sự tích tập những lỗi lầm nghiêm trọng, thì làm sao có thể thành tựu những diệu lạc thù thắng của tĩnh lự?

Người có trí tuệ có thể khiến cho hai loại công đức (bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau) có thể song hành vô ngại. Giả sử Bồ tát trở thành Chuyển luân vương thống lãnh bốn đại châu, do vì được sự phù trợ của hiền thần trí tuệ, cho nên không bị ô nhiễm bởi dục trần. Tương tự, Bồ tát tuy có tâm từ mạnh mẽ, thấy tất cả hữu tình đều rất khả ái, nhưng lại không bị đắm nhiễm bởi sự tham dục. Tuy có đầy đủ tâm đại bi tha thiết, bất nhẫn với sự thọ khổ của hữu tình, nhưng không bị áp đảo bởi sự bi thương, giải đãi mà bỏ phế sự nhiệt thành tu thiện. Bồ tát tuy đầy đủ vô lượng tâm hỷ, nhưng tâm ý đối với những sự tình đang chuyên chú, hoàn toàn không bị tán loạn dao động. Bồ tát tuy lúc nào cũng đầy đủ bình đẳng đại xả, thế nhưng lúc nào, dù trong một sát na, mà xả bỏ sự lợi ích cho tất cả hữu tình. Tất cả công đức này đều do trí tuệ mà được thành tựu, bởi vì trí tuệ có thể trừ khử tất cả thế lực xung đột chướng ngại những công đức này. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ tát dù thọ vương vị, cảnh vật (ngũ trần) chung quanh giống như cõi trời, nhưng họ tuyệt nhiên không bao giờ đánh mất bổn tính, bởi vì họ được sự phò trợ của hiền thần trí tuệ. Tuy lòng từ của họ tuyệt nhiên không bỏ phế sự lợi tha, nhưng lại có thể xa lìa sự tham dục cấu nhiễm. Tuy lòng bi

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

305

của họ cảm thấy vô cùng bất nhẫn khi thấy kẻ khác thọ khổ, nhưng họ tuyệt nhiên không vì sự ưu sầu khó kham nhẫn này mà giải đãi bỏ cuộc. Họ tuy có đầy đủ sự hoan hỷ thù thắng, nhưng đối với thực nghĩa tuyệt nhiên không bao giờ tán loạn dao động. Họ tuy đầy đủ đại bình đẳng xả, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ xả bỏ sự nhiêu ích hữu tình. Đại trí tuệ có thể hoàn toàn đoạn trừ sự chướng ngại của tất cả những công đức này, khiến cho những công đức này càng trở nên thù thắng hơn.

Ngài Cát Tường Kính Mẫu trong Tán Ưng Tán cũng nói:

Đã không thể xả bỏ pháp tính, Cũng cần phải tùy thuận thế tục.

Ý muốn nói rằng chúng ta không thể xả bỏ định giải về pháp tính là "hoàn toàn không có sự vật mà chúng ta chấp là thật có, dù là một hào ly", nhưng đồng thời cũng không được trái ngược với định giải về thế tục là "do các loại nhân duyên khác nhau, ở trong và ở ngoài, mà sinh ra quả báo." Có một số người cho rằng hai sự kiện này (pháp tính và thế tục) hoàn toàn không thể dung hợp, nhưng đối với người có trí tuệ thì hai bên có sự dung thông, hoàn toàn không có sự mâu thuẫn. Tán Ưng Tán nói:

Đức Phật đối với các sự kiện khai hứa (cho phép) hoặc ngăn cấm (không cho phép), có lúc quyết định, có lúc không quyết định. Thế nhưng hai trường hợp này đều không có sự xung đột.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

306

Những sự kiện mà Đại thừa, Tiểu thừa, và một số kinh điển Hiển giáo, kinh điển Mật giáo khai hứa hoặc ngăn cấm có nhiều điểm bất đồng. Đối với sự muốn tu tập toàn thể những giáo pháp này, thì một hành giả thiếu tuệ để thủ xả bổn chỉ của vô lượng những kinh luận sẽ nhận thấy rằng những lời chỉ dạy có sự mâu thuẫn, thế nhưng một hành giả có trí tuệ thì sẽ có thể thấy rõ ràng chúng hoàn toàn không có sự xung đột. Có rất nhiều loại thuyết pháp đối với "nhị đế" và các loại dị thuyết (giải thích khác biệt) giữa các kinh luận về các điều khai hứa và ngăn cấm. Đối với cái nhìn của một kẻ ngu (thiếu trí tuệ) thì có rất nhiều mâu thuẫn, nhưng đối với cái nhìn của hành giả có trí tuệ thì hoàn toàn không có mâu thuẫn. Tán Ưng Tán nói trí tuệ có thể biện biệt rõ ràng bổn chỉ, ý thú của các kinh điển hoàn toàn không có mâu thuẫn, thì đây là sự tán thán công đức vô tỉ của trí tuệ. Nói tóm, tất cả công đức đều từ trí tuệ xuất sinh. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Tất cả các sự việc tốt đẹp viên mãn của thế gian là do trí tuệ sản sinh. Giống như bà mẹ hiền yêu quý đứa con mình. Thập lực của đức Thiện Thệ, vô thượng uy thần lực, tất cả sự nghiệp thù thắng không thể so sánh, và tất cả tư lương thiện lành đều là do nhân của trí tuệ sản sinh. Tất cả kỹ thuật thế gian và các bảo tạng thù thắng nhất, các loại học vấn thần thánh giống như cặp mắt của thế gian, cứu hộ, giác tuệ và mật chú, v.v..., tất cả đạo lý khác nhau để thiết lập chánh lý, tất cả rất nhiều pháp môn khác biệt, và nhiều cửa giải

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

307

thoát, đều là do đạo lực của chư Bồ tát mà hiển hiện. Tất cả những sự việc này đều là từ trí tuệ sản sinh.

Họa hoạn của sự khiếm khuyết trí tuệ như sau. Nếu không có trí tuệ thì Bố thí cùng các Ba la mật đa khác cũng giống như không có mắt. Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng nói:

Vô số người mà không ai dẫn dắt, không biết đường, làm sao đi vào thành? Năm Ba la mật không có trí tuệ dẫn đạo thì giống như (năm) người mù, không có kẻ dẫn đạo thì không thể chứng đắc Bồ đề.

Bởi vì không có trí tuệ nên Bố thí và các Ba la mật khác không thể thanh tịnh, mà cũng không thể đạt được chánh kiến. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Giả như hành giả cầu chứng quả vị cứu cánh nhưng lại thiếu trí tuệ, thì sự bố thí của họ không thể làm cho họ thanh tịnh. Đức Phật nói: "Vì lợi tha mà bố thí thì là sự bố thí thù thắng nhất, còn các loại bố thí (với mục đích khác) chỉ tăng gia phước báo tài sản."

Lại nói:

Nếu thiếu ánh sáng trí tuệ (có thể chiếu phá bóng tối), thì sự trì giới không thể thanh tịnh. Do vì thiếu trí tuệ cho nên sự trì giới thường bị phiền não của sự hiểu lầm sai lạc làm nhiễm ô.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

308

Lại nói:

Nếu tâm của chúng ta bị tà tuệ điên đảo làm hỗn loạn, thì chúng ta sẽ không tin vào công đức của sự an nhẫn, không ưa thích hành lượng (đắn đo) công đức và họa hoạn, cho nên chúng ta biến thành một gã hôn quân nổi tiếng.

Lại nói:

Người trí đối với trí tuệ tôn sùng cực điểm. Không có một sự việc nào có thể thâm thúy vi diệu như trí tuệ. Còn người vô trí thì không thể cải chánh con đường tâm linh, để cho tâm trí khỏi bị nhiễm ô bởi sự tham dục.

Lại nói:

Nếu không tinh tiến tu tập trí tuệ, kiến giải của chúng ta sẽ không được thanh tịnh.

Ở đây "gã hôn quân nổi tiếng", có nghĩa là người không trí tuệ cũng giống như một ông vua không tài đức, sau khi được nổi danh thì liền bị suy vong. Trước khi ánh sáng của trí tuệ hiển lộ, chúng ta không thể diệt trừ sự ngu si hôn ám, nhưng một khi ánh sáng trí tuệ hiển lộ thì tức khắc có thể chiếu phá sự tối tăm. Cho nên chúng ta cần phải hết sức nỗ lực khiến cho trí tuệ sinh khởi. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

309

Ánh sáng trí tuệ, giống như quang minh chói lọi của mặt trời ban mai, phóng ra lực lượng vĩ đại, triệt để phá trừ toàn bộ những vô minh hắc ám ẩn tàng trong tâm chúng sinh, chỉ còn để sót lại tên gọi của chúng.

Lại nói:

Cho nên chúng ta cần phải dùng hết sức mình nỗ lực tu tập pháp môn phương tiện để dẫn sinh trí tuệ này.

Nhân tố của sự ngu si là gì? Đây là do gần gũi bạn ác, lười biếng nhút nhát, ngủ nghỉ quá độ, không thích quán sát suy ngẫm, không ưa những giáo pháp rộng lớn, khởi tâm "tăng thượng mạn", chưa biết cho rằng mình đã biết, tà kiến sâu nặng, rụt rè chán nản cho rằng mình không thể đảm đương sự việc, và không thích thân cận học hỏi những bậc trí giả. Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Hưỡn đãi, lười biếng, gần gũi bạn ác, bị ngủ nghỉ ảnh hưởng, không thích quán sát suy tư, không tin vào trí tuệ thù thắng của bậc Năng nhân, thọ ảnh hưởng của tà mạn (không có đức mà tự xưng là có đức), nên không nguyện ý học hỏi, không tin tưởng và không thân cận các bậc thạc học, tự xem thường chính mình, nhiễm độc bởi vọng tưởng tà kiến phân biệt. Đây là nhân tố của sự ngu si.

Cho nên, như Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

310

Nên cung kính, hầu hạ những bậc thượng sư khả tín, và do đa văn (học tập) để cầu đạt được trí tuệ.

Ý muốn nói chúng ta cần phải thân cận các bậc thạc học, tùy vào khả năng của chính mình mà truy cầu đa văn (học vấn), nếu không sẽ không thể sinh khởi "văn sở thành tuệ" và "tư sở thành tuệ", và như vậy sẽ không thể biết rõ mình cần phải tu những pháp môn nào. Nếu như đa văn (học rộng) thì có thể xuyên qua sự tư duy những pháp nghĩa đã học tập mà dẫn sinh "tư sở thành tuệ", từ đó có thể đạt được "tu sở thành tuệ" rộng lớn. Ngài Thánh Dũng trong Nhiếp Ba La Mật Đa Luận nói:

Người ít học giống như kẻ mù, không biết cách nào tu tập. Không học nhiều thì có gì để tư duy? Cho nên cần phải nỗ lực truy cầu học vấn. Từ nhân (tố) học vấn mà phát khởi tư duy tu tập, do đây mà chứng đắc trí tuệ quảng đại.

Ngài Di Lặc trong Vô Thượng Tương Tục Luận cũng nói:

Phân biệt các loại tam luân (năng, sở, sự) gọi là sở tri chướng, phân biệt các loại bỏn sẻn, v.v... gọi là phiền não chướng. Chỉ có trí tuệ mới có thể đoạn trừ nhân (tố) của hai loại chướng ngại này, cho nên trí tuệ là thù thắng nhất. Nhưng đa văn (học tập giáo nghĩa) lại là cơ sở cho trí tuệ, cho nên đa văn là thù thắng nhất.

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

311

Và ngài Tịch Thiên trong Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu Kệ Tụng (Compendium of the Trainings in Verse, Skt. Śikṣā-samuccaya-kārikā) nói:

Cần phải nhẫn nại truy cầu học vấn (đa văn), sau đó cư ngụ nơi núi rừng siêng năng tu tập đẳng chí (Anh: meditative equipoise).

Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu nói:

Nếu không an nhẫn, hành giả sẽ trở nên chán nản và không thể nhẫn nại. Như vậy sẽ đánh mất sự siêng năng tu tập đa văn. Không đa văn thì không thể hiểu rõ sự tu tập thiền định, hoặc phương pháp diệt trừ phiền não. Bởi vậy, chớ nên bỏ phế sự truy cầu học vấn.

Na La Diên Thỉnh Vấn Đà La Ni Kinh (Questions of Nārāyaṇa-paripṛcchā-dhāraṇī) nói:

Thiện nam tử, nếu đa văn thì có thể dẫn sinh trí tuệ, nếu có trí tuệ thì có thể diệt trừ phiền não. Nếu không có phiền não thì ma chúng không có cơ hội phá hoại.

Do giáo (kinh điển) mà có lý (nghĩa lý), có thể xác lập kiến giải sau đây: Hành giả hy vọng như lý tu trì chánh pháp cần phải học tập sâu rộng những kinh luận vô cấu (Anh: stainless). Điều này dẫn sinh "mệnh căn cho thánh đạo", tức là nhân tố thù thắng của "trí tuệ trạch pháp" (trí tuệ tìm cầu rốt ráo các pháp). Bất luận thế nào, lối suy tưởng cho rằng "cầu đắc trí tuệ mà không

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

312

cần đa văn" là một sự sai lầm xuất phát từ (hai) sự kiện là: (1) "lúc tu trì không thể xác định là cần phải dùng quán tuệ tiến hành quán sát", và (2) sự hiểu lầm điên đảo cho rằng lúc tu tập không cần quán sát. Cho nên một hành giả tự trọng phải nên xả bỏ (hai) loại hiểu lầm điên đảo này như xả bỏ chất độc. Ngài Nal-jor-ba-chen-bo nói:

Này Jo-wo-pa, hành giả mong cầu đạt thành Nhất thiết chủng trí, nếu không chịu học tập số lượng kinh điển nhiều bằng số lượng chở trên lưng một con bò mộng (Anh: yak), mà lại khoe khoang, hoặc dấu diếm, sự (chỉ biết) học tập từ một cẩm nang (học vấn hạn hẹp), thì nhất định sẽ không thành đạt được gì13.

Ngài Pu-chung-wa đem kinh điển mở ra đặt bên gối nằm và nói:

Chúng ta cần phải học tập tất cả giáo điển, mặc dù chưa có cơ hội học tập, cũng nên phát nguyện học tập tất cả. Nếu đối với giáo pháp hoàn toàn không nhận thức, thì làm sao tu tập?

Sau khi một đệ tử của ngài Jen-nga-wa tiển ngài Bo-do-wa đi một đoạn đường, ngài nói ba lần với ông ấy: "Ông đúng là tự thỏa mãn quá sức." Sau đó ngài nói tiếp:

13 Đây là chỉ cho những người "ếch ngồi đáy giếng", chỉ biết được một, hai bộ kinh điển, liền vội khoe khoang khắp nơi, hoặc tự cho rằng mình đã được pháp bí mật vô thượng.

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

313

Ông nương tựa nơi thầy tôi (là ngài Jen-nga-wa), một vị thiện tri thức (vĩ đại) giống như bầu trời phủ trùm mặt đất (cho nên không cần phải tìm kiếm vị thầy khác). Ông đã không cần phải nghiên cứu kinh điển và chú giải, và cũng không cần phải ghi chú những đoạn kinh liên quan. Ông không cần phải làm nhiều công việc. Ông vui vẻ là vì ông không nghĩ đến nhân và quả trong khi ông làm những hoạt động bằng những sự tu tập Mật pháp. Như vậy ông đã có thể thỏa mãn với những hoạt động đó hay sao?

Ngài Sha-ra-wa nói:

Trước khi chúng ta thành Phật, sự học hỏi của chúng ta chưa được hoàn tất. Chúng chỉ hoàn mãn (sự học hỏi) khi chúng ta thành Phật.

Ngài Ga-ma-pa nói:

Có người nói: "Khi chúng ta tu tập, thì đâu cần gì đến kiến thức." Đây là những người tự cam thoái đọa. Loại ý tưởng này thật vô cùng nguy hiểm cho những người học vấn ít ỏi. Lại có người nói: "Nếu chúng ta có thể nỗ lực thực tu, thì không cần kiến thức." Đây cũng là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng ta có thể nỗ lực chân thực tu tập chánh pháp thì chúng ta cần phải tìm cầu kiến thức. Do vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một đời người, chúng ta không thể thành tựu sự kiện (học hỏi kiến thức) này, cho nên cần phải biết rõ là "cần phải đời đời không mất thân người

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

314

hạ mãn này thì mới có thể tiếp tục cầu đa văn." Có người cho rằng chỉ có những người thuyết pháp (giảng sư) thì mới cần đa văn, còn những người chuyên tâm tu tập thì không cần (đa văn). Chẳng qua, người thuyết pháp nếu không đa văn thì phạm vào lỗi lầm này, thế nhưng, người tu hành vì muốn đề phòng sự kiện "tu tập lạc đường", cho nên nhất định cần phải đa văn.

Cho nên cần phải xác định rằng chúng ta không thể khiếm khuyết "trí tuệ" và "nhân của trí tuệ" (đa văn) đối với sự chính xác tu trì. Thế nhưng, trừ phi chúng ta có thể khẳng định tính chất cần thiết của "tu tập quán sát" trong sự tu tập, nếu không, chúng ta rất khó đạt đến định giải này. Mặc dù có một số người tự xưng là pháp sư bác thông Tam tạng, nhưng thỉnh thoảng lại cho rằng đa văn chỉ là dự bị ban đầu cho sự thật tu, hoặc cho rằng đa văn chỉ có tác dụng phụ trợ, giống như dãy núi phía sau thung lũng, mà không phải là giáo thọ chân chánh cho sự tu tập. Do đây, (những vị tự xưng là bác thông Tam tạng) bèn lên tiếng cho rằng "cần phải thật tu mới có thể nhanh chóng thành tựu Phật quả, còn muốn lợi ích Phật giáo (giảng kinh thuyết pháp) thì mới cần phải đa văn." Đây quả thật là một loại giải thích hàm hồ đầy mâu thuẫn là phân chia "tự thân tu chứng" và "lợi ích Phật giáo" thành hai sự kiện hoàn toàn cách biệt! Nên biết, chánh pháp chỉ có hai loại: một là "giáo chánh pháp" và hai là "chứng chánh pháp." Giáo chánh pháp là khiến cho chúng ta biết về quỹ tắc của sự tu trì, còn "chứng chánh pháp" là sau khi hiểu rõ quỹ tắc tu trì bèn

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

315

xúc tiến thực hành. Cho nên, có thể tu trì "không sai lầm", tức là phương pháp tốt nhất để tu trì thánh giáo, thế nhưng, để có thể tu trì "chứng chánh pháp" chính xác không sai lạc, thì lại cần phải nương vào sự hiểu rõ "giáo chánh pháp" chánh xác không sai lạc! Nhân đây, trong khi tu trì, muôn vàn chớ nên quên mất những giáo pháp mà chúng ta đã từng lắng nghe học tập, bởi vì chúng ta trước tiên cần phải nhận biết nhiều loại giáo pháp, đến lúc tu trì thì cần phải "thực tu" những "thực nghĩa" của giáo pháp này. Dù cho chúng ta lúc đầu chưa hiểu rõ chánh pháp, cũng không được sợ hãi, mà cần phả án chiếu tuệ lực của chính mình để siêng cầu đa văn, cần phải tự lượng sức mình mà làm, không cần so đo ít nhiều. Chớ nên xem "văn pháp" (giáo pháp đã nghe được) và "tu pháp" (phương pháp tu tập) là hai sự kiện hoàn toàn không liên can. Những giáo pháp mà chúng ta đã văn tư (nghe và suy ngẫm) lúc đầu, cũng chính là những điều mà chúng ta hiện đang muốn tu tập. Bồ tát sơ học nhất định cần phải y theo đạo tướng viên mãn (đầy đủ tất cả), mà không được thiên lệch về một khía cạnh riêng biệt nào. Giả như tuệ lực yếu ớt, thì chỉ cần nương vào thứ tự "trước nghe, sau tu", mà điều luyện chính mình. Còn những hành giả tuệ lực rộng lớn, hoặc lúc đầu tuệ lực yếu ớt, sau khi điều luyện trở thành rộng lớn, thì cần phải làm cho những thứ tự tu tập mà mình biết được càng lúc càng khuếch triển, khiến cho có thể kết hợp tu tập với tất cả kinh

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

316

luận thanh tịnh vô cấu, trừ những điều này ra, thực sự không cần phải tìm cầu đa văn ở bất cứ nơi nào khác. Cho nên, hễ thuộc về giáo thọ viên mãn chánh xác, dù giản lược đi chăng nữa, cũng có thể bao hàm tất cả thiết yếu của kinh điển (Hiển giáo và Mật giáo) và đạo quỹ (con đường tu tập) của các thừa (Đại, Tiểu), chỉ cần khai thị tường tận thì có thể quán thông tất cả giáo pháp. Trong lúc chúng ta chưa đạt được loại giáo thọ (viên mãn) này, chúng ta vẫn có thể hoan hỷ tu trì phiến diện (với những giáo pháp hiện có), thế nhưng, như vậy chúng ta không thể đạt được định giải đối với những quan yếu của sự tu hành của toàn thể thánh giáo. Vì vậy chúng ta cần phải thân cận thầy hiền bạn tốt, kiến lập căn bổn trì giới thanh tịnh, thường thường lắng nghe những lời giảng dạy, mỗi ngày tu tập bốn thời, duy trì sở duyên và hành tướng của sự học tập, chí thành khải thỉnh Thượng sư và Bổn tôn, dùng nhiều phương pháp để tích tập tư lương và tịnh trừ nghiệp chướng. Nếu chúng ta có thể nỗ lực tu tập tất cả nhân tố viên mãn này, công đức nội tâm sẽ được tăng trưởng ổn định, như vậy sẽ sinh trưởng những định giải thâm sâu. Như các bậc tiên hiền cổ đức đã nói:

Trước tiên, cần phải khiến cho tất cả giáo pháp đã học hỏi từ trước hoàn toàn hiển hiện trong tâm, cần phải thường xuyên tư duy, hành lượng quán sát. Giả như nhân vì tu tập nhất niệm chuyên chú mà để cho tự mình quên mất giáo pháp thì sẽ không thành tựu được điều gì. Những hành giả thượng đẳng thì là pháp sư thượng đẳng, hành giả trung đẳng thì là pháp sư trung

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

317

đẳng, sự nhận thức về giáo pháp cần phải tương xứng với sự tu tập. Hai sự kiện này sẽ đồng thời cùng nhau tiến xa lên những giai vị cao hơn. Chỉ cần chúng ta có thể từ sự tư duy này đạt được định giải kiên cố, thì dù cho nghe những bạn ác lớn tiếng huyên hoang rằng "tất cả những thiện niệm ác niệm đều là vọng tưởng phân biệt, đều cần phải xả bỏ", chúng ta cũng chẳng động tâm. Bởi vì chúng ta biết rằng trong thánh giáo của chư Phật hoàn toàn không có những lời dạy như vậy! Các bậc thiện tri thức quyết sẽ không có cùng quan điểm này. Ngược lại, nếu chúng ta là một người bạc nhược, tín tâm yếu ớt, thì cũng sẽ giống như nước chảy xuôi dòng, ai nói gì cũng nghe, thấy người cười thì cười theo, thấy người khóc thì khóc theo, bất luận ai nói gì cũng cho là đúng!!

N3. Phân biệt Bát nhã. Phân biệt Bát nhã có ba phần: (1) Trí tuệ Bát nhã thông đạt thắng nghĩa. (2) Trí tuệ Bát nhã thông đạt thế tục. (3) Trí tuệ Bát nhã thông đạt nhiêu ích hữu tình. O1. Trí tuệ Bát nhã thông đạt thắng nghĩa. Trí tuệ Bát nhã thông đạt thắng nghĩa là thấu quá khái niệm hoặc thân chứng mà nhận biết thực tánh vô ngã. O2. Trí tuệ Bát nhã thông đạt thế tục.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

318

Trí tuệ thông đạt thế tục là trí tuệ tinh thông ngũ minh. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Nếu không nỗ lực học tập năm loại minh xứ, dù cho bậc thánh (chỉ cho A la hán) cũng không thể chứng đắc Nhất thiết chủng trí (nghĩa là thành Phật). Cho nên nếu muốn điều phục chúng sinh, hộ niệm chúng sinh, và thông hiểu tất cả sự tình, thì cần phải siêng học năm loại minh xứ.

Ý của luận muốn nói, cầu học năm loại minh xứ, mỗi loại đều có hiệu năng khác nhau: (1) Vì muốn điều phục những người không tin thánh giáo (Phật pháp) cho nên cần phải cầu học thanh minh (ngôn ngữ) và nhân minh (luận lý). (2) Vì muốn lợi ích cho những người đã tin thánh giáo thì cần phải cầu học công xảo minh (kỹ thuật) và y phương minh (y học). (3) Vì muốn chính mình biết khắp tất cả cho nên cầu học nội minh (Phật pháp). Thế nhưng, nếu chúng ta muốn đạt thành Phật quả thì cần phải cầu học tất cả, không cần phải phân biệt. O3. Trí tuệ Bát nhã thông đạt nhiêu ích hữu tình. Trí tuệ thông đạt nhiêu ích hữu tình là chỉ cho sự thông đạt các phương pháp có thể thành tựu lợi ích hiện đời và vị lai cho tất cả hữu tình. N4. Phương pháp tu tập Bát nhã. Lúc chúng ta sinh khởi ba loại trí tuệ, cần phải kết hợp với sáu loại thù thắng và sáu Ba la mật mà tu tập. Sau

14. Tĩnh lự và Bát nhã ba la mật

319

khi chính mình đã an trụ trong trí tuệ Bát nhã, kế đến trợ giúp kẻ khác an trụ trong trí tuệ Bát nhã, đây là "trí tuệ thí." Còn các Ba la mật khác giống như phần trên đã nói qua. N5. Tổng kết. Nếu chúng ta không có tâm Bồ đề, thì dù có đầy đủ trí tuệ hiện chứng Tính không cũng không thể trở thành Bồ tát hạnh, cho nên cần phải khiến cho cơ sở của Bồ tát hạnh (là Bồ đề tâm) tăng trưởng kiên cố. Sau đó cần phải phát nguyện tu học trí tuệ Bát nhã của các vị Bồ tát thượng địa (Sơ địa trở lên). Từ ngay thời khắc này bắt đầu, cần phải nỗ lực dẫn sinh ba loại trí tuệ Bát nhã, bởi vì chúng là pháp môn phương tiện có thể viên mãn tư lương trí tuệ thù thắng vô thượng, cho nên cần phải truy cầu đa văn! Nếu không sẽ bị các tội quá hủy phạm học xứ căn bổn làm nhiễm ô. Trong đời vị lai sẽ không còn ưa thích truy cầu bác học đa văn, và như vậy sẽ không thể học tập các loại Bồ tát học xứ. Ngược lại, nếu chúng ta ngay đời này nỗ lực tu tập pháp môn phương tiện dẫn phát trí tuệ, thì có thể ngăn ngừa tội đọa là không học tập sáu pháp Ba la mật đa. Trong đời vị lai, cũng giống như Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh đã nói, "có thể dễ dàng viên mãn Bát nhã ba la mật đa." Hiện nay, trong sáu pháp Ba la mật đa (rường cột của hai đạo lộ tu tập Hiển giáo và Mật giáo), vẫn còn có nhiều tư liệu nói về thứ tự tu tập tĩnh lự, thế nhưng, những tư liệu nói về thứ tự tu tập của năm ba la mật kia hiện nay đều đã thất truyền, cho nên tôi (Tsong Khapa) cần phải thuyết minh sơ lược những điều cần yếu của

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

320

pháp tu và phương pháp dẫn sinh định giải (của năm ba la mật kia). Các kinh luận lớn nói về thứ đệ tu tập thắng quán của trí tuệ duyên với "như sở hữu tính" và "tận sở hữu tính" và thứ đệ tu tập "tịch chỉ" của tĩnh lự, sẽ được giải thích tường tận ở phần dưới (Tập 3). Tất cả các Bồ tát đều nương vào sáu pháp Ba la mật mà đạt thành quả Phật. Bồ Tát Địa, sau khi giải thích riêng biệt sáu pháp Ba la mật, cùng đã trịnh trọng nhấn mạnh tính chất trọng yếu của chúng. Do đây có thể biết rằng sáu pháp Ba la mật là biển lớn của tất cả thiện pháp, là Ôn đà nam vô thượng của những điểm trọng yếu của sự tu trì. Đúng như Bồ Tát Địa đã nói:

Sáu pháp Ba la mật đa mà Bồ tát dùng để cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được gọi là "Biển lớn bạch pháp", hoặc "Sông lớn bạch pháp." Các loại Ba la mật đa như Bố thí, v.v..., là nhân tố thù thắng hiếm có của những thạnh sự viên mãn của tất cả hữu tình. Cho nên, không có bất cứ một sự vật nào có thể thành tựu được vô lượng tư lương phước tuệ, và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề như sáu pháp Ba la mật đa.

15. Học tập Tứ nhiếp pháp

321

15. Học tập Tứ nhiếp pháp L2. Học tập tứ nhiếp pháp để thành thục hữu tình. Học tập tứ nhiếp pháp để thành thục hữu tình có năm phần: (1) Tính chất của tứ nhiêp pháp. (2) Lý do lập định tứ nhiếp pháp. (3) Công năng của tứ nhiếp pháp. (4) Cần phải nương vào tứ nhiếp pháp để thâu nhiếp quyến thuộc. (5) Giải thích chi tiết. M1. Tính chất của tứ nhiếp pháp. (1) Bố thí: giống như trong phần Bố thí ba la mật ở trên đã giải thích. (2) Ái ngữ: vì đệ tử khai thị các loại Ba la mật đa. (3) Lợi hành: án chiếu những giáo nghĩa đã giải thích, khiến cho đệ tử như thật phụng hành. (4) Đồng sự: trong lúc dạy dỗ hướng dẫn đệ tử tu tập pháp nghĩa, chính mình cũng phải đồng thời tu tập với họ những pháp nghĩa này, hoặc khiến cho họ tiếp thọ những giáo nghĩa này một cách chánh xác. Giống như Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận đã nói:

Bố thí giống như phần trên. Ái ngữ, lợi hành và đồng sự, tức là khai thị các pháp Ba la mật đa, khuyến khích kẻ khác thọ trì, tự mình cũng phải nỗ lực tu tập.

M2. Lý do lập định tứ nhiếp pháp. Hỏi: Tại sao đem phương pháp nhiếp thọ quyến thuộc đệ tử lập định thành bốn loại?

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

322

Đáp: Vì muốn nhiếp thọ quyến thuộc đệ tử, khiến cho họ tu tập thiện hạnh, trước tiên cần phải làm cho chọ hoan hỷ. Điều này trước hết cần phải dùng sự bố thí tài vật để lợi ích cho thân thể của họ. Sau khi họ đã hoan hỷ, thì cần phải khiến cho họ hiểu rõ cách nào để gieo duyên với chánh pháp. Điều này muốn nói rằng cần phải dùng ái ngữ để giải thích chánh pháp, đoạn trừ sự nghi hoặc và vô tri của họ, khiến cho họ chánh xác thọ trì pháp nghĩa. Sau khi họ đã hiểu rõ pháp nghĩa, chúng ta cần phải khiến họ tu tập những pháp nghĩa này để thành tựu thiện hạnh. Thế nhưng, nếu chúng ta không chịu tự mình tu tập, mà chỉ dạy bảo người khác tu tập phương cách thủ xả, thì họ sẽ không những không tín thọ phụng hành, mà trái lại còn dèm pha: "Tự mình làm không được thì làm sao dạy cho người khác. Ông ấy phải nghe người khác chỉ dạy mới đúng!" Nếu như chúng ta có thể dùng bản thân của chính mình làm gương tu tập, thì họ sẽ nghĩ rằng: "Vị này dạy dỗ chúng ta tu tập thiện hạnh, tự thân ông ấy lại có thể làm gương tu tập, nếu chúng ta y theo đó mà tu tập, ắt sẽ đạt được lợi ích an lạc." Những người hiện nay chưa từng tu trì cũng bắt đầu tu trì, còn những người đã từng tu trì thì càng trở nên kiên cố không thoái chuyển. Cho nên cần phải có "đồng sự." Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Nên biết nhiếp pháp có bốn loại tức là: phương tiện pháp môn có thể nhiêu ích khiến cho người khác thọ trì chánh pháp, khiến họ tiến tu chánh pháp, và tự mình cũng phải tu tập y như (đã dạy) họ tu tập.

15. Học tập Tứ nhiếp pháp

323

M3. Công năng của tứ nhiếp pháp. Hỏi: Bốn loại nhiếp pháp này đối với quyến thuộc đệ tử có công dụng gì? Đáp: (1) Bố thí có thể khiến cho quyến thuộc đệ tử trở thành pháp khí, thích hợp học tập (lắng nghe) chánh pháp, bởi vì bố thí khiến cho họ sinh tâm hoan hỷ đối với người giảng pháp. (2) Ái ngữ có thể khiến cho họ sinh tâm ưa thích (hứng thú) đối với giáo pháp đã được giảng giải, bởi vì ái ngữ có thể khiến cho họ hiểu rõ pháp nghĩa tường tận, tiêu trừ nghi hoặc. (3) Lợi hành có thể khiến cho họ tu hành đúng như lời dạy. (4) Đồng sự có thể khiến cho những người đã tu tập chánh pháp tu hành lâu dài, không còn thoái chuyển. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Nhiếp pháp thứ nhất khiến cho họ trở thành pháp khí. Nhiếp pháp thứ hai khiến cho họ sinh khởi ưa thích. Nhiếp pháp thứ ba khiến cho họ tu hành. Nhiếp pháp thứ tư khiến cho họ tịnh trị (nghĩa là do tu tập lâu dài mà sự tu hành trở nên thanh tịnh).

M4. Cần phải nương vào tứ nhiếp pháp để thâu nhiếp quyến thuộc. Đức Phật đã từng nói tứ nhiếp pháp là phương pháp tốt nhất để thành tựu sự lợi ích tất cả quyến thuộc đệ tử, cho nên hành giả nếu muốn nhiếp thọ quyến thuộc đệ tử thì cần phải nương vào pháp tứ nhiếp này. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

324

Hành giả muốn nhiếp thọ quyến thuộc đệ tử, cần phải nương vào loại pháp môn này. Pháp môn này được xưng tán là diệu pháp có thể thành tựu tất cả sự tình có ý nghĩa.

M5. Giải thích chi tiết. Ái ngữ có hai loại: thứ nhất là ái ngữ tùy thuận tập tục thế gian, tức là không được hiện tướng phẫn nộ, trước tiên cần phải hài hòa vui vẻ, lúc nào cũng nở nụ cười, dùng những lễ nghi thế tục hỏi han chăm nom sức khỏe, v.v..., khiến cho hữu tình hoan hỷ. Thứ hai là ái ngữ tùy thuận lời dạy của chánh pháp, tức là vì muốn hữu tình được lợi ích an lạc, cho nên dùng chánh pháp có thể dẫn sinh những công đức của lòng tin thanh tịnh, trì giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, v.v..., để dạy dỗ dẫn dắt hữu tình. Đối với kẻ oán địch (vẫn còn) tồn tâm sát hại (chúng ta), nên đem tâm thanh tịnh nói những lời lợi ích cho họ. Đối với những người căn khí ngu đần, chúng ta cần phải điềm nhiên tiếp thọ sự khiêu khích của họ, không sợ khuất phục, không nề lao nhọc, giảng pháp cho họ, khiến cho họ tiếp thọ thiện hạnh. Đối với những kẻ ác, lừa dối hòa thượng a xà lê của họ, không nên ôm lòng sân hận, mà cần phải hòa ái nói cho họ nghe những lời lợi ích. Dù đó là kẻ khó khăn nhất, cũng nên dạy dỗ cho họ. Đối với những người chưa thành thục tâm tương tục, nhưng hy vọng tiêu trừ nghiệp chướng, sinh về cõi lành, thì cần phải khai thị cho họ pháp tu tiền hành, nghĩa là bố thí và trì giới. Đối với người đã thành thục tâm tương tục, đã xa lìa nghiệp chướng, pháp hỷ

15. Học tập Tứ nhiếp pháp

325

sung mãn, thì trước tiên cần phải khai thị cho họ chánh pháp Tứ thánh đế. Đối với người tại gia và xuất gia phóng dật, phải nên khuyên nhắc họ. Đối với những kẻ nghi hoặc, cần phải vì họ giải chánh pháp một cách tường tận, khiến cho nghi hoặc tiêu trừ. Phần trên là vài loại hình tiêu biểu của ái ngữ. Lợi hành phân làm hai loại: thứ nhất là khiến cho người chưa thành thục được thành thục, thứ hai là khiến cho người đã thành thục được giải thoát. Đề mục này lại có thể phân làm ba loại: (1) Khuyến khích dẫn đạo hữu tình thành biện lợi ích hiện đời, tức là khiến cho họ dùng phương pháp đúng đắn (như pháp) mà đạt được, duy trì và tăng gia tài sản. (2) Khuyến đạo hữu tình thành biện lợi ích đời sau, tức là khuyến đạo hữu tình xả bỏ tư tài, đưa họ an trí trong đời sống xuất gia, khất thực để sinh hoạt. Biện pháp này tuy không chắc đem lại an lạc cho đời này, những chắc chắn sẽ đem lại an lạc cho đời sau. (3) Khuyến đạo hữu tình thành biện lợi ích đời này và lợi ích đời sau, tức là khuyến đạo người tại gia và người xuất gia thành biện "thế gian ly dục" và "xuất thế gian ly dục." Bởi vì điều này có thể, trong hiện đời, dẫn sinh thân tâm khinh an, trong đời sau đạt được thân trời thanh tịnh, hoặc được giải thoát Niết bàn. Lại còn phải tu tập những sự lợi hành rất khó thực hành: (1) Rất khó làm cho những người chưa tích tập thiện căn trong đời quá khứ tu hành thiện hạnh. (2) Đối với những người tài sản kếch xù cũng khó mà làm việc lợi hành cho họ, bởi vì họ sinh hoạt trong hoàn cảnh phóng dật hưởng thụ. (3) Đối với những người đã bị huân đào bởi kiến giải của ngoại đạo cũng khó mà

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

326

thực hành lợi hành, bởi vì bọn họ ghét bỏ thánh giáo, ngu muội hồ đồ, không rõ đạo lý. Đối với vấn đề "thứ đệ" (trình tự) của sự lợi hành: Đối với những người tuệ lực thấp kém, trước tiên phải khiến cho họ tu tập những lời dạy đơn giản dễ làm. Sau khi tuệ lực của họ đạt đến "trung đẳng", thì cần phải khiến cho họ chuyển tu những lời dạy trung đẳng. Sau khi tuệ lực của họ tăng trưởng rộng lớn, thì phải khiến cho họ chuyển tu những giáo pháp thâm sâu và những lời dạy vi tế. Đồng sự, có nghĩa là nếu chúng ta khuyến đạo người khác an trụ trong sự tu hành, thì chính mình cũng phải tu tập ngang hàng hoặc tu tập xuất sắc hơn họ. Cho nên, bất luận chúng ta muốn làm sự việc gì, trước tiên phải nghĩ đến sự lợi ích cho hữu tình, tuyệt đối không được xa lìa ý muốn lợi tha. Thế nhưng, muốn thành biện những sự việc này, trước tiên cần phải điều phục chính mình. Vô Biên Công Đức Tán nói:

Người chưa thể tự điều phục chính mình, do vì ngôn hành bất nhất, tuy miệng nói toàn "đạo lý", nhưng không có cách nào điều phục kẻ khác. Đức Thế Tôn biết rõ điều này, vì muốn hộ niệm tất cả hữu tình, cho nên, trước khi tự mình được điều phục, điều trước hết là phải nên điều phục chính mình.

Tứ nhiếp pháp lại có thể quy nạp thành hai loại là: "dùng tài vật nhiếp thọ" và "dùng giáo pháp nhiếp thọ." Pháp thứ nhất của tứ nhiếp pháp (bố thí) tức là dùng sự

15. Học tập Tứ nhiếp pháp

327

bố thí tài vật để nhiếp thọ. Ba pháp còn lại thuộc về loại thứ hai (dùng giáo pháp nhiếp thọ). Loại thứ hai lại bao hàm: (a) giáo pháp của sở duyên cảnh, (b) giáo pháp của sự tu trì, và (c) giáo pháp thanh tịnh tự thân khi tu trì hai loại (a) và (b). Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Tứ nhiếp pháp có thể phân thành hai loại phương pháp, tức là dùng tài vật để nhiếp thọ và dùng giáo pháp (khai thị sở tu cảnh) để nhiếp thọ.

Lại có tứ nhiếp pháp là phương pháp mà tất cả Bồ tát ba đời làm lợi ích cho kẻ khác. Cho nên đây là con đường tu tập chung duy nhất. Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận nói:

Phàm những người đã nhiếp thọ đệ tử, hoặc hiện đang nhiếp thọ đệ tử, hoặc sẽ nhiếp thọ đệ tử, đều án chiếu phương pháp này (tứ nhiếp pháp), cho nên đây là con đường duy nhất để thành thục hữu tình.

Nói tóm, Bồ tát hạnh tuy nhiều vô lượng vô biên, nhưng sáu ba la mật đa và tứ nhiếp pháp là tổng tóm lược (Hán: ôn đà nam) tốt nhất. Bởi vì Bồ tát chỉ có hai loại nhiệm vụ: thứ nhất là nhân địa tư lương cho tự thân thành tựu Phật quả, thứ hai là tâm tương tục thành thục những hữu tình khác. Tu tập sáu ba la mật và tứ nhiếp pháp thì có thể đạt thành hai loại nhiệm vụ này. Bồ Tát Địa nói:

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

328

Các loại Ba la mật đa khiến cho chúng ta có thể tự mình thành tựu tất cả Phật đức, các loại nhiếp pháp có thể thành thục tất cả hữu tình. Nên biết đây là sự thuyết minh giản yếu tất cả sự nghiệp thiện pháp của Bồ tát.

Cho nên ở đây, tôi (Tsong Khapa) đã giải thích giản lược hai pháp tu (sáu ba la mật đa và tứ nhiếp pháp) này. Nếu hành giả muốn hiểu rõ chi tiết nên tham khảo Bồ Tát Địa. Đến như phương pháp tu hành "căn bổn vị" (Anh: during meditative equipoise) và hậu đắc vị (Anh: after meditative equipoise), cần phải y theo lời dạy của ngài Atisha:

Sáu ba la mật đa, v.v..., là quảng đại hạnh của Bồ tát. Các hành giả Du già sau khi xuất định (hậu đắc vị) cần phải cương quyết tu tập đạo lộ tư lương.

Các Bồ tát sơ học an trụ trong tư lương đạo, sau khi đã thọ trì Bồ tát luật nghi, bất luận là ở căn bổn vị hay hậu đắc vị, sự tu trì của họ đều không ra ngoài sáu pháp ba la mật đa. Cho nên trong sáu loại ba la mật đa, có một số người duy trì sự tu tập trong căn bổn vị, có một số người duy trì sự tu tập trong hậu đắc vị. Một phần tĩnh lự là xa ma tha, và một phần Bát nhã là tỳ bát xá na, là tu tập trong căn bổn vị. Ba ba la mật đa trước (bố thí, trì giới, nhẫn nhục) và một phần tĩnh lự và một phần Bát nhã là tu tập trong hậu đắc vị. Tinh tiến thì tu tập chung cho cả hai loại (căn bổn và hậu đắc). Một bộ phận của an nhẫn là "đế sát pháp nhẫn" cũng là tu tập trong căn bổn vị. Ngài Atisha nói:

15. Học tập Tứ nhiếp pháp

329

Sau khi xuất căn bổn vị, ở giai đoạn hậu đắc vị, tu tập quán sát tám loại ví dụ, tất cả pháp như huyễn, v.v..., dùng đây để tịnh trị "hậu đắc phân biệt", lại phải tu học phương tiện. Lúc an trụ trong căn bổn vị, thì cần phải không ngừng tu tập "chỉ quán quân hành (cân bằng)."

Nếu Bồ tát chưa từng tu học những Bồ tát hạnh hiếm có và khó làm này, đang lúc họ nghe đến những sự tu hành này bèn cảm thấy lo lắng. Lúc ấy nên suy ngẫm rằng tất cả Bồ tát lúc ban đầu cũng không thể tu tập như vậy. Thế nhưng, trước tiên chỉ cần hiểu rõ pháp môn tu tập, dùng đây làm đối tượng cho sự phát nguyện tu tập. Lâu dài về sau, không cần phải hao phí sức lực mà có thể tự nhiên làm được. Cho nên sự tập luyện bền bỉ rất là quan trọng. Giả như những Bồ tát này lúc đầu thấy rằng mình không có năng lực thực hành những Bồ tát hạnh này bèn lập tức buông xả, hoàn toàn không chịu luyện tập tu tâm, thì sau này đối với sự tiến nhập Chánh đạo thanh tịnh sẽ trở nên cực kỳ chậm chạp. Vô Biên Công Đức Tán nói:

Những Bồ tát hạnh khiến cho người đời nghe thấy bèn sinh tâm sợ hãi này, đức Thế Tôn trong quá khứ cũng đã từng không thể thực hành trong một thời gian lâu dài. Thế nhưng, đức Thế Tôn sau khi luyện tập thuần thục, tự nhiên có thể thành biện. Cho nên, nếu không thể luyện tập thuần thục thì khó mà sản sinh công đức.

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

330

Những hành giả đã thọ trì Bồ tát luật nghi, ngoại trừ việc học tập Bồ tát hạnh ra, không còn có sự lựa chọn nào khác. Ngay cả những hành giả chưa thọ trì nghi quỹ Hành Bồ Đề Tâm, cũng cần phải nỗ lực tu tập vì muốn "học tập Bồ tát hạnh", khiến cho tâm mong cầu học tập Bồ tát hạnh được tăng cường nhiệt thành dũng mãnh. Như vậy, khi họ thọ trì Bồ tát luật nghi, thì luật nghi của họ sẽ được mười phần kiên cố. Cho nên cần phải tận lực mà làm. Thứ đệ tu học tổng thể của Nguyện Bồ Đề Tâm và Bồ Tát Hạnh trong phần Thượng Sĩ Đạo Thứ Đệ đến đây đã giảng xong./.

Mục lục chi tiết

331

Mục lục chi tiết

LỜI NGỎ ..................................................................................................... 5

1. TRÌNH TỰ TU TẬP CỦA HÀNH GIẢ BẬC THƯỢNG ................................... 9

E3. TRÌNH TỰ TU TÂM CỦA HÀNH GIẢ BẬC THƯỢNG. ........................................... 12

F1. Phát Bồ đề tâm là ngưỡng cửa duy nhất đi vào Đại thừa. ............ 12

F2. Làm sao phát khởi tâm Bồ đề. ....................................................... 21 G1. Nương vào nhân nào để sinh khởi........................................................ 21

H1. Từ bốn duyên phát tâm. .................................................................. 21 H2. Từ bốn nhân phát tâm. .................................................................... 25 H3. Từ bốn lực phát tâm. ....................................................................... 25

2. TÂM ĐẠI BI LÀ NGƯỠNG CỬA ĐI VÀO ĐẠI THỪA ................................ 27

G2. THỨ ĐỆ TU TẬP BỒ ĐỀ TÂM. ..................................................................... 27

H1. Pháp tu bảy tầng nhân quả do ngài Atisha truyền thọ. ................ 27 I1. Hiểu rõ trình tự tu tập. ........................................................................... 27

J1. Chỉ rõ tâm Đại bi là căn bản của Đại thừa. ........................................ 28 K1. Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc đầu. .................................. 28 K2. Sự quan trọng của tâm Đại bi ở đoạn giữa. ................................. 29 K3. Sự quan trọng của tâm Đại bi vào lúc cuối. ................................. 30

J2. Sáu pháp tu khác là nhân hoặc quả của tâm Đại bi. .......................... 32 K1. Bốn nhân đầu là nhân của tâm Đại bi. ......................................... 33 K2. Quyết tâm dũng mãnh và tâm Bồ đề là quả của tâm Đại bi. ....... 34

3. PHÁP TU BẢY TẦNG NHÂN QUẢ........................................................... 37

I2. TRÌNH TỰ TU TẬP. .................................................................................... 37

J1. Tu tập tâm lợi tha........................................................................... 37 K1. Thiết lập nền tảng sinh khởi tâm lợi tha. .............................................. 37

L1. Tu tập tâm bình đẳng đối với hữu tình. ............................................ 37 L2. Tu tập tâm thương yêu tất cả hữu tình. ........................................... 39

M1. Quán tưởng tất cả hữu tình là mẹ mình. ................................... 40 M2. Tu tập tâm nhớ ơn. .................................................................... 41 M3. Tu tập tâm báo ơn. ..................................................................... 42

K2. Chánh thức phát khởi tâm thương người. ............................................ 46 L1. Tu tập tâm từ. ................................................................................... 46 L2. Tu tập tâm bi. ................................................................................... 49

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

332

L3. Tu tập quyết tâm dũng mãnh. .......................................................... 54 J2. Tu tập tâm mong cầu Bồ đề. .......................................................... 56

J3. Nhận thức thành quả tu tập là phát Bồ đề tâm. ............................ 57

4. PHÁP TU HOÁN ĐỔI MÌNH VÀ NGƯỜI ................................................. 59

H2. Nương vào giáo pháp của Bồ tát Tịch Thiên mà tu học. ............... 59 I1. Suy ngẫm về sự lợi ích của pháp hoán đổi mình và người, và sự họa

hoạn nếu không tu. ..................................................................................... 59 I2. Nếu có thể tu tập ý tưởng này thì có thể hoán đổi mình và người. ....... 60 I3. Trình tự tu tập pháp hoán đổi mình và người. ....................................... 62

G3. TIÊU CHUẨN PHÁT KHỞI TÂM BỒ ĐỀ. .......................................................... 74

5. NGHI QUỸ THỌ PHÁP ........................................................................... 75

G4. LÀM CÁCH NÀO DÙNG NGHI QUỸ ĐỂ THỌ THỦ BỒ ĐỀ TÂM. ............................. 75

H1. Chưa được (Bồ đề tâm) khiến đạt được. ...................................... 75 I1. Đối với vị thầy truyền thọ Bồ đề tâm. .................................................... 75 I2. Đối với người thọ thủ Bồ đề tâm. .......................................................... 76 I3. Làm cách nào dùng nghi quỹ để thọ thủ Bồ đề tâm. .............................. 77

J1. Nghi quỹ tiền hành. ........................................................................... 77 K1. Tiến hành quy y đặc thù. ............................................................. 77

L1. Trang nghiêm giới đàn, an lập vị trí của Tam bảo, chưng bày

phẩm vật. ...................................................................................... 77 L2. Khuyến thỉnh và quy y. ............................................................ 80 L3. Tuyên thuyết học xứ quy y. ..................................................... 82

K2. Tích tập tư lương. ........................................................................ 82 K3. Điều trị tâm ý. .............................................................................. 83

J2. Nghi quỹ chánh hành. ....................................................................... 83 J3. Nghi quỹ kết hành. ............................................................................ 86

6. GIỮ GÌN BỒ ĐỀ TÂM ............................................................................ 87

H2. GIỮ GÌN NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC KHÔNG CHO SUY TỔN. ..................................... 87

I1. Tu tập học xứ khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời này.

............................................................................................................. 87 J1. Vì muốn tăng gia tâm hoan hỷ đối với sự phát tâm mà tu tập tưởng nghĩ

lợi ích của Bồ đề tâm................................................................................... 87 J2. Vì muốn tăng cường Bồ đề tâm nên tu tập phát tâm mỗi ngày sáu lần. 91

K1. Tuyệt đối không xả bỏ Nguyện Bồ đề tâm. ...................................... 92 K2. Tu học tăng trưởng Nguyện Bồ đề tâm. ........................................... 94

Mục lục chi tiết

333

J3. Tu tập tâm ý không xả bỏ hữu tình mà chúng ta đã vì họ mà phát tâm

Bồ đề. ..................................................................................................... 94 J4. Tu học tích tập hai loại tư lương phước đức và trí tuệ. .................... 95

I2. Tu tập khiến cho Bồ đề tâm không bị suy tổn trong đời sau. ................. 96 J1. Đoạn trừ bốn hắc pháp khiến cho Bồ đề tâm thoái thất. ................. 96 J2. Tu tập bốn bạch pháp khiến cho Bồ đề tâm không thoái thất. ....... 102

H3. PHƯƠNG PHÁP KHÔI PHỤC NẾU CÓ SỰ SUY THOÁI. ...................................... 105

7. ĐẠI CƯƠNG VỀ SÁU BA LA MẬT. ....................................................... 111

F3. SAU KHI PHÁT BỒ ĐỀ TÂM PHẢI HỌC TẬP BỒ TÁT HẠNH NHƯ THẾ NÀO. ............ 111

G1. Lý do cần phải học tập học xứ sau khi phát Bồ đề tâm. .............. 111

G2. Nói rõ sự tu tập riêng biệt phương tiện hoặc trí tuệ không thể

thành Phật. ........................................................................................ 113

8. TU HỌC ĐẠI THỪA ............................................................................. 135

G3. GIẢI THÍCH THỨ ĐỆ TU HỌC HỌC XỨ. ........................................................ 135

H1. Phương pháp tu học tổng thể Đại thừa. ..................................... 135 I1. Kiến lập lòng mong muốn học tập học xứ của Bồ đề tâm. ................... 135 I2. Sau khi kiến lập lòng mong muốn tu học học xứ bèn thọ trì Bồ tát luật

nghi. .......................................................................................................... 136 I3. Phương pháp học tập sau khi thọ trì luật nghi. .................................... 136

J1. Những điều cần phải học là gì. ........................................................ 137 J2. Ý nghĩa của tất cả học xứ được hàm nhiếp trong sáu ba la mật. .... 137

K1. Nói rõ chủ đề số mục cố định của các ba la mật. ...................... 138 L1. Nương vào tăng thượng sinh mà quyết định số mục của các ba

la mật. ......................................................................................... 138 L2. Nương vào viên mãn nhị lợi mà quyết định số mục. ............ 140 L3. Nương vào viên mãn lợi tha mà quyết định số mục. ............ 142 L4. Nương vào năng nhiếp tất cả Đại thừa mà quyết định số mục.

.................................................................................................... 143 L5. Ước định viên mãn tính của đạo lộ hoặc phương tiện mà quyết

định số mục. ............................................................................... 144 L6. Nương vào tam học mà quyết định số mục. ......................... 145

K2. Thuận tiện nói rõ thứ tự của sáu ba la mật. .............................. 148 L1. Thứ tự sinh khởi. ................................................................... 149 L2. Thứ tự thắng liệt. .................................................................. 149 L3. Thứ tự thô tế. ........................................................................ 149

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

334

9.1 BỐ THÍ BA LA MẬT (I) ....................................................................... 151

J3. THỨ TỰ TU HỌC CÁC BA LA MẬT. .............................................................. 151

K1. Đại cương của sự tu học Bồ tát hạnh. ......................................... 151 L1. Học tập sáu Ba la mật để thành tựu công đức thành Phật cho chính

mình. ......................................................................................................... 151 M1. Học tập bố thí. .............................................................................. 151

N1. Tính chất của bố thí. ................................................................. 152 N2. Tu tập bố thí cách nào. ............................................................. 153 N3. Phân loại bố thí. ........................................................................ 162

O1. Lý do mọi người cần phải tu tập bố thí. ............................... 162 O2. Phân biệt bố thí quan hệ với những nhân vật đặc thù. ........ 163

9.2 BỐ THÍ BA LA MẬT (II) ...................................................................... 165

O3. PHÂN BIỆT SỰ BỐ THÍ CHÂN THẬT. ........................................................... 165

P1. Pháp thí. ...................................................................................... 165

P2. Vô úy thí....................................................................................... 165

P3. Tài thí. .......................................................................................... 165 Q1. Bố thí tài vật chân thực. ..................................................................... 165

R1. Ý nghĩa của bố thí tài vật. ............................................................... 166 S1. Kẻ nhận thọ sự bố thí. ............................................................... 166 S2. Động cơ của sự bố thí. ............................................................... 166

T1. Cần phải có động cơ nào. ..................................................... 166 T2. Cần phải diệt trừ động cơ nào. ............................................. 168

10. BỐ THÍ CÁCH NÀO ............................................................................ 173

S3. Bố thí cách nào. .............................................................................. 173 T1. Cách nào không nên bố thí. ....................................................... 173 T2. Cách nào nên bố thí. .................................................................. 174

S4. Tài vật dùng để bố thí. .................................................................... 176 T1. Giải thích sơ lược phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí. ... 176 T2. Giải thích chi tiết phẩm vật nào nên hoặc không nên bố thí. .... 177

U1. Giải thích chi tiết nội vật nên hoặc không nên bố thí. .......... 177 V1. Quán sát thời gian mà không nên bố thí. ........................ 177 V2. Quán sát mục đích sử dụng mà không nên bố thí. .......... 179 V3. Quán sát người xin mà không nên bố thí. ....................... 179

U2. Giải thích chi tiết ngoại vật nên hay không nên bố thí. ........ 180 V1. Lý do không nên bố thí ngoại vật..................................... 180

W1. Quán sát thời gian nên không bố thí. ........................ 180

Mục lục chi tiết

335

W2. Quán sát đối tượng nên không bố thí. ...................... 180 W3. Quán sát thân phận mà không nên bố thí. ................ 182 W4. Quán sát vật bố thí nên không bố thí. ....................... 185 W5. Quán sát mục đích sử dụng nên không bố thí. .......... 186

V2. Lý do nên bố thí ngoại vật. .............................................. 187 R2. Nếu không thể bố thí phải làm cách nào. ........................................... 188 R3. Phương pháp đối trị sự chướng ngại của bố thí. ................................ 190

S1. Xưa nay chưa quen bố thí. ............................................................. 190 S2. Phước duyên ít ỏi. .......................................................................... 190 S3. Tham luyến tài vật. ......................................................................... 191 S4. Không thấy quả báo to lớn của sự bố thí........................................ 191

Q2. Bố thí bằng ý niệm. ..................................................................... 192

N4. TỔNG KẾT. .......................................................................................... 193

11. TRÌ GIỚI BA LA MẬT ......................................................................... 195

M2. HỌC TẬP TRÌ GIỚI................................................................................. 195

N1. Tính chất của trì giới. .................................................................. 195

N2. Học tập trì giới cách nào. ............................................................ 196

N3. Phân loại trì giới. ......................................................................... 201 O1. Luật nghi giới. ..................................................................................... 201 O2. Nhiếp thiện pháp giới. ........................................................................ 202 O3. Nhiêu ích hữu tình giới. ...................................................................... 202

N4. Phương pháp tu tập trì giới. ....................................................... 205

N5. Tổng kết. ..................................................................................... 205

12. NHẪN NHỤC BA LA MẬT .................................................................. 207

M3. HỌC TẬP AN NHẪN. .............................................................................. 207

N1. Tính chất của an nhẫn. ................................................................ 207

N2. Tu tập an nhẫn thế nào. .............................................................. 208

N3. Phân biệt an nhẫn. ...................................................................... 218 O1. Nại oán hại nhẫn................................................................................. 218

P1. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ hại mình. ........................... 219 Q1. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại sự an lạc của

chúng ta và làm chúng ta thọ khổ. .................................................. 219 R1. Nêu rõ sự sân hận không hợp lý. .......................................... 219

S1. Quán sát cảnh để nêu rõ sân hận không hợp lý. .............. 219

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

336

T1. Quán sát cảnh có tự chủ hay không để nêu rõ không nên

sân hận. ............................................................................. 220 T2. Quán sát đến từ bên ngoài hoặc vốn có để nêu rõ không

nên sân hận. ...................................................................... 223 T3. Quán sát sự tổn hại là trực tiếp hoặc gián tiếp để nêu rõ

sự không nên sân hận. ...................................................... 224 T4. Quán sát nguyên nhân của kẻ sách động sự gia hại để

nêu rõ không nên sân hận. ............................................... 225 S2. Quán sát hữu cảnh để nêu rõ sân hận không hợp lý. ...... 226 S3. Quán sát sở y để nêu rõ sân hận không hợp lý. ............... 228

T1. Quán sát nhân năng hại và lỗi lầm ở đâu. ................... 228 T2. Quán sát thệ nguyện của chính mình. ......................... 229

R2. Nêu rõ lòng thương xót vốn là hợp lý................................... 230 Q2. Đoạn trừ sự không an nhẫn đối với kẻ chướng ngại, không cho

chúng ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự, và đối với kẻ

có thái độ khinh khi, nói lời xúc phạm, hoặc làm những việc khiến cho

chúng ta không vừa ý. ..................................................................... 230 R1. Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ chướng ngại không cho chúng

ta được khen ngợi, được nổi danh, được vinh dự. .................... 231 S1. Suy ngẫm các sự khen ngợi, v.v..., không đem được công

đức gì cho ta. ......................................................................... 231 S2. Suy ngẫm họa hoạn của sự khen ngợi, v.v... .................... 232 S3. Cho nên cần phải vui mừng đối với kẻ chướng ngại. ....... 232

Q2. Đoạn trừ sự không dung thứ kẻ hủy báng, nói lời thô tục, nói lời

ác đối với chúng ta. ......................................................................... 233 P2. Đoạn trừ sự không vui khi thấy kẻ thù hưng thịnh và vui mừng khi

thấy họ lâm nguy. ................................................................................. 237 O2. An thọ khổ nhẫn. ................................................................................ 240

P1. Lý do cần phải an nhẫn thọ khổ. .................................................... 240 P2. Phương pháp dẫn sinh "an nhẫn thọ khổ." .................................... 241

Q1. Phá trừ ý tưởng "khi đang thống khổ, sẽ hoàn toàn không có sự

an vui." ............................................................................................ 241 Q2. Nêu rõ lý do cần phải an nhiên thọ khổ. ................................... 242

R1. Suy ngẫm công đức của sự thọ khổ. ..................................... 242 R2. Suy ngẫm công đức của sự khó thực hành nhẫn thọ sự thống

khổ. ............................................................................................. 244 S1. Suy ngẫm sự lợi ích to lớn của sự giải thoát, v.v... ........... 244 S2. Suy ngẫm sự lợi ích của sự trừ diệt vô lượng đại khổ. ..... 245

Mục lục chi tiết

337

R3. Tu tập từ những sự khổ nhỏ nhặt, dần dần có thể nhẫn thọ sự

khổ lớn........................................................................................ 246 P3. Giải thích tường tận từ quan điểm căn bổn. .................................. 248

O3. Đế sát pháp nhẫn................................................................................ 251 N4. Phương pháp tu tập an nhẫn. ..................................................... 252

N5. Tổng kết. ..................................................................................... 252

13. TINH TIẾN BA LA MẬT ...................................................................... 255

M4. HỌC TẬP TINH TIẾN. ............................................................................. 255

N1. Tính chất của tinh tiến. ............................................................... 255

N2. Học tập tinh tiến thế nào. ........................................................... 255

N3. Phân biệt tinh tiến. ...................................................................... 258 O1. Chân chánh phân biệt. ........................................................................ 258

P1. Mặc áo giáp tinh tiến. .................................................................... 258 P2. Nhiếp thiện pháp tinh tiến. ............................................................ 261 P3. Nhiêu ích hữu tình tinh tiến. .......................................................... 261

O2. Phương pháp dẫn sinh tinh tiến. ........................................................ 261 P1. Tiêu trừ nghịch duyên chướng ngại tinh tiến. ................................ 261

Q1. Biết rõ nghịch duyên của tinh tiến. ........................................... 262 Q2. Phương pháp tu tập để tiêu trừ nghịch duyên. ........................ 263

R1. Đoạn trừ sự lười biếng hưỡn đãi. ......................................... 263 R2. Đoạn trừ sự ham mê những sự nghiệp thấp kém. ............... 263 R3. Đoạn trừ sự nhút nhát hoặc tự ti. ........................................ 264

S1. Đoạn trừ sự sợ hãi đối với mục tiêu tu tập. ..................... 264 S2. Đoạn trừ sợ hãi đối với phương pháp tu tập để đạt đến mục

tiêu......................................................................................... 267 S3. Đoạn trừ sự sợ hãi đối với nơi chốn tu tập. ..................... 270

P2. Tích tập thế lực của thuận duyên. .................................................. 275 Q1. Dẫn sinh thắng giải lực. ............................................................. 275 Q2. Dẫn sinh kiên cố lực. ................................................................. 277 Q3. Dẫn sinh hoan hỷ lực. ............................................................... 283 Q4. Tạm xả lực. ................................................................................ 285

P3. Nương vào sự tiêu trừ nghịch duyên và tích tập thuận duyên để

chuyên tu tinh tiến. .............................................................................. 286 P4. Làm thế nào do tinh tiến khiến cho thân tâm kham năng. ............ 293

N4. Phương pháp tu tập tinh tiến...................................................... 295

N5. Tổng kết. ..................................................................................... 295

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

338

14. TĨNH LỰ VÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT .................................................... 297

M5. HỌC TẬP TĨNH LỰ. ............................................................................... 297

N1. Tính chất của tĩnh lự. .................................................................. 297

N2. Tu tập tĩnh lự thế nào?................................................................ 297

N3. Phân biệt tĩnh lự. ......................................................................... 298

N4. Phương pháp tu tập tĩnh lự. ....................................................... 298

N5. Tổng kết. ..................................................................................... 299

M6. HỌC TẬP BÁT NHÃ. .............................................................................. 299

N1. Tính chất của Bát nhã. ................................................................ 299

N2. Tu tập Bát nhã thế nào? ............................................................. 300

N3. Phân biệt Bát nhã........................................................................ 317 O1. Trí tuệ Bát nhã thông đạt thắng nghĩa. ............................................... 317 O2. Trí tuệ Bát nhã thông đạt thế tục. ...................................................... 317 O3. Trí tuệ Bát nhã thông đạt nhiêu ích hữu tình. .................................... 318

N4. Phương pháp tu tập Bát nhã. ..................................................... 318

N5. Tổng kết. ..................................................................................... 319

15. HỌC TẬP TỨ NHIẾP PHÁP ................................................................. 321

L2. HỌC TẬP TỨ NHIẾP PHÁP ĐỂ THÀNH THỤC HỮU TÌNH. ................................... 321

M1. Tính chất của tứ nhiếp pháp. ..................................................... 321

M2. Lý do lập định tứ nhiếp pháp...................................................... 321

M3. Công năng của tứ nhiếp pháp. ................................................... 323

M4. Cần phải nương vào tứ nhiếp pháp để thâu nhiếp quyến thuộc.323

M5. Giải thích chi tiết. ....................................................................... 324

MỤC LỤC CHI TIẾT .................................................................................. 331

SÁCH DẪN .............................................................................................. 339

Sách dẫn

339

Sách dẫn

A

A Tỳ Đạt Ma Tập Luận · 102

Atisha · 7, 19, 27, 32, 71, 73, 75, 76, 78, 80, 82, 83, 86, 90, 95, 109, 328, 331

B

Bách Ngũ Thập Tán Tụng · 32, 286, 294

Bảo Đỉnh Sở Vấn Kinh · 119

Bảo Man Luận · 14, 16, 47, 126, 133, 156, 271, 272

Bảo Vân Kinh · 105, 266

Bất Khả Tư Nghì Bí Mật Kinh · 116, 131

Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhiếp Tụng · 79, 100, 301, 307

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tán · 16

Bát Thiên Tụng Bát Nhã Đại Sớ · 148, 162

Bi Hoa Kinh · 132

Biến Nhiếp Nhất Thiết Nghiên Ma Kinh · 120

Bồ Đề Đạo Đăng Luận · 77, 81, 82, 83, 94, 106, 110

Bồ Đề Đạo Đăng Luận Thích Nan · 77, 82, 95, 108, 109

Bồ Tát Biệt Giải Thoát Kinh · 163, 186

Bồ Tát Địa · 25, 50, 88, 89, 107, 135, 152, 174, 181, 183, 185, 188, 190, 192,

193, 201, 204, 208, 222, 251, 252, 255, 257, 259, 297, 298, 300, 320, 327,

328

Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu · 46, 48, 63, 97, 103, 107, 154, 159, 160, 161, 163,

178, 189, 211, 218, 240, 246, 311

Bồ Tát Học Xứ Tập Yếu Kệ Tụng · 311

Bo-do-wa · 41, 229, 286, 313

Bổn Sinh Luận · 154, 216, 227

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

340

C

Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm · 96, 103, 106, 110, 118

Ca Diếp Thỉnh Vấn Phẩm Thích · 96, 97, 98, 99, 101

Cát Tường Kính Mẫu · 32, 305

Cát Tường Tối Thắng Bổn Sơ Tục · 118

Câu Xá Luận · 175, 213

Câu Xá Luận Sớ · 175

Chánh Pháp Niệm Trụ Kinh · 258

Chư Kinh Tập Yếu · 126, 127, 130

D

Đại Bảo Tích Kinh · 96, 105

Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Ngữ Tập · 73, 75

Đại Tỳ Lô Giá Na Hiện Chứng Bồ Đề Tục · 113

Đề Bà · 221

Đế Giả Phẩm · 174

Đệ Tử Thư · 10, 43

Di Lặc · 13, 16, 17, 80, 111, 120, 121, 138, 310

Di Lặc Giải Thoát Kinh · 13, 111

Địa Tạng Thập Luân Kinh · 80

Diệu Tý Thỉnh Vấn Kinh · 167, 192, 193, 194, 253, 295, 319

Drom-don-ba · 32, 72, 109

Du Già Sư Địa Luận · 40, 252

Dũng Mãnh Trưởng Giả Thỉnh Vấn Kinh · 90

Duy Ma Cật Kinh · 117, 133

G

Ga-ma-pa · 313

Già Da Phong Đỉnh Kinh · 28, 111, 118

Giải Thâm Mật Kinh · 117

Sách dẫn

341

Giáo Giới Thắng Quang Vương Kinh · 85

Giới Ba La Mật Đa Luận · 107, 136, 202

H

Hải Tuệ Sở Vấn Kinh · 35, 257

Hiền Kiếp Kinh · 78

Hiện Quán Trang Nghiêm Luận · 17, 25, 54, 57

Hoa Nghiêm Kinh · 15, 32, 57, 87

Hư Không Tạng Kinh · 117, 178

K

Kam-lung-ba · 73, 234

Khuyến Phát Tăng Thượng Ý Nhạo Kinh · 255

Kim Cang Quán Đảnh Kinh · 14

Kim Châu · 19

Kim Quang Minh Kinh · 48

Kinh Nghi Vấn của Trưởng Giả Úc Già · 189, 247

L

Lang-ri-tang-ba · 72

Liên Hoa Giới · 29, 30, 34, 38, 39, 40, 49, 51, 55, 85, 114, 115

Long Thọ · 14, 16, 47, 69, 79, 80, 84, 108, 121, 130, 133, 273, 279, 289, 300

Long Vương Cổ Âm Tụng · 45

M

Mười một loại sự nghiệp lợi sinh · 202, 261, 298

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

342

N

Na La Diên Thỉnh Vấn Đà La Ni Kinh · 311

Nal-jor-ba-chen-bo · 72, 312

Ngag-dbang-rab-brtan · 72

Nguyệt Đăng Kinh · 153

Nguyệt Quan · 10, 34, 43, 55, 108

Nguyệt Thượng Đồng Nữ Thỉnh Vấn Kinh · 39

Nguyệt Xứng · 31, 34, 168, 196, 205, 210, 211, 221

Nhập Bồ Tát Hành Luận · 13, 18, 20, 53, 57, 59, 60, 61, 64, 66, 67, 68, 69,

83, 88, 91, 93, 152, 155, 158, 178, 179, 183, 195, 207, 210, 216, 217, 222,

223, 224, 225, 227, 228, 231, 232, 233, 235, 236, 237, 238, 240, 242, 243,

244, 246, 247, 255, 261, 262, 264, 265, 268, 269, 270, 275, 276, 278, 279,

280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 288, 290, 291, 292, 293, 294, 297

Nhập Trung Luận · 31, 196, 205, 210, 211, 227

Nhập Trung Luận Sớ · 211, 218

Nhiếp Ba La Mật Đa Luận · 9, 11, 155, 157, 158, 159, 167, 189, 193, 197,

198, 199, 200, 201, 204, 208, 209, 257, 259, 301, 302, 303, 304, 306, 307,

309, 310

Nhiếp Đại Thừa Luận · 52, 162

Như Lai Xuất Hiện Phẩm · 132

P

Phạm Vấn Kinh · 126, 129

Pháp Tập Kinh · 31

Phát Bồ Đề Tâm Nghi Quỹ · 76

Phát Tâm Luật Nghi Nghi Quỹ Thứ Đệ · 80, 82, 83, 86, 94, 110

Phát Tín Lực Ấn Kinh · 29

Phổ Hiền Hạnh Nguyện · 83

Pu-chung-wa · 312

Sách dẫn

343

S

Sám Hối Tán · 55

Sáu loại thù thắng · 162, 205, 252, 295, 298, 319

Sha-bo-ba · 72, 226

Sha-ra-wa · 164, 234, 267, 281, 313

Sư Tử Thỉnh Vấn Kinh · 104

T

Tam Bảo Tôn · 44

Tam Ma Địa Vương Kinh · 47, 105, 111, 112

Tam Uẩn Kinh · 126, 127

Tán Ưng Tán · 305, 306

Thân Hữu Thư · 279, 289

Thắng Trí Sinh · 101

Thanh Biện · 44, 214

Thánh Dũng · 9, 108, 209, 210, 301, 310

Thanh Tịnh Nghiệp Chướng Kinh · 169

Thập Địa Kinh · 121, 122, 123, 124, 205

Thập Pháp Kinh · 76

Thất Pháp Kinh · 110

Thích Bồ Đề Tâm Luận · 69, 70, 71

Thích Lượng Luận · 101, 112

Tịch Thiên · 13, 27, 46, 59, 62, 63, 79, 80, 97, 108, 261, 293, 311, 332

Tịch Tĩnh Quyết Định Thần Biến Kinh · 99

Tiến Trình Tu Tập Thiền Định · 29, 30, 38, 39, 51, 55, 56, 57, 85, 112, 113

Tôn Trưởng Sở Tác Thứ Đệ · 76, 79, 80

Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận · 140, 141, 143, 144, 146, 149, 256,

318, 321, 322, 323, 327

Trí Tuệ Nhất Bách Luận Tụng · 300

Trung Quán Tâm Luận · 44

Tsong Khapa · 9, 82, 87, 95, 98, 107, 109, 110, 136, 142, 185, 188, 202, 251,

252, 261, 282, 287, 298, 300, 320, 328

Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận

344

Tứ Bách Luận · 192, 221

Tu Vô Biên Đà La Ni · 154

Ư

Ưu Ba Ly Thỉnh Vấn Kinh · 107

V

Văn Thù Sư Lợi Du Hý Kinh · 210

Văn Thù Sư Lợi Trang Nghiêm Phật Độ Kinh · 47, 104

Vô Biên Công Đức Tán · 44, 168, 170, 326, 329

Vô Tận Tuệ Kinh · 28, 260

Vô Thượng Tương Tục Luận · 16, 119, 310

Vô Trước · 25, 40, 52, 80, 84, 102, 108, 121, 148, 162, 273, 274

Y

Yeshe Tapkay · 142